Menu Close

Bức tranh màu nóng

Thuận cằn nhằn vợ:

“Em mặc chiếc áo gì trông giống như quả chuối biết đi.”

Hiên quay lưng bước hấp tấp lên lầu, sau khi lúng túng nói:

“Anh không thích thì em lên thay chiếc áo khác.”

Tôi nói vớt:

“Không. Tôi trông chị giống như một đóa hoa hướng dương của Van Gogh.”

Đang lưng chừng ở cầu thang. Hiên quay lại nhìn tôi với ánh mắt dịu dàng, đầy thiện cảm. Tôi nói với Thuận khi Hiên khuất bóng sau bức tranh trừu tượng đầy màu nóng, treo lệch trên vách tường. Bức tranh mà mỗi lần đến nhà Thuận tôi đều ghé mắt vào đó.

“Sao lúc nào cũng thấy ông chê vợ sát rạt như vậy?”

“Bà ấy chỉ thích những màu thật chói chang, tôi không chịu được. Đó, ông thấy không – Thuận đưa tay chỉ ngay bức tranh vừa nuốt đi bóng Hiên, giọng hậm hực – tôi chả hiểu ông họa sĩ ấy muốn nói cái gì, vậy mà vợ tôi lại thích nó mới lạ chứ. Bà ấy cố ý treo lệch như vậy để diễn tả cái cảm giác chông chênh gì đó của bả.”

buc tranh mau nong

Thắm Nguyễn

Tôi cười:

“Ông thay đổi rồi. Ngày xưa ông đâu có như vậy.”

“Ngày xưa mình mười chín, hai mươi. Khác chứ!”

“Nhưng chị ấy vẫn không có gì thay đổi cả.”

Thuận cáu:

“Nói vậy có nghĩa là ông chê tôi già chứ gì?”

Tôi cười thành tiếng:

“Không phải ông vừa xác nhận hay sao?”

Hiên lại bước xuống thang lầu. Thuận bật lên tiếng thảng thốt:

“Chúa tôi. Cây Nô-en của ai mà chạy loạn trong nhà thế này? Còn sáu tháng nữa mới tới lễ Giáng Sinh mà em.”

Tôi nhìn lên. Hiên mặc chiếc soirée dạ hội màu xanh lá cây. Chiếc áo kim tuyến lấp lánh dưới chùm ánh đèn tỏa xuống trên cầu thang. Tôi không nhịn cười được vì lời nói của Thuận:

“Ông khắt khe thế. Cứ điệu này sáng mai chúng ta mới được ra khỏi nhà.”

Hiên quay sang nhìn tôi bằng đôi mắt ướt:

“Sao? Anh cũng thấy không được à?”

Tôi khép miệng cười, nghiêm trang:

“Trông chị đẹp lắm. Giống… ca sĩ…”

Thuận cướp lời:

“Tôi thì thấy giống ca-kỹ nhiều hơn.”

Hiên bật khóc chạy rần rật lên lầu:

“Thôi em không đi nữa đâu. Mấy anh đi với nhau được rồi.”

“Sao lại không đi. Không có em, mấy cô tưởng anh còn độc thân thì em biết khổ.”

Tôi nói nhỏ vào tai Thuận:

“Ông tưởng ông còn ngon lắm. Ông lên dỗ ngọt chị ấy vài lời đi.”

Thuận hứ:

“Dỗ gì. Ông không tin là năm phút sau bà ấy sẽ thay áo khác trở xuống cho coi.”

Chưa tới năm phút. Hiên lại xuất hiện. Lần này Thuận la lên thất thanh làm tôi hết hồn:

“Ối! Ối! Em giống như quả ớt đỏ.”

Hiên cãi:

“Không có cái áo nào em mặc anh lại vừa lòng. Sao mọi lần rủ anh đi shopping anh đều kiếm cớ từ chối hết. Bất quá tam. Lần này anh chịu hay không, em cũng mặc. Anh mặc com-lê đen, thắt cà-vạt đỏ; em mặc áo đỏ là đúng lắm rồi.”

Thuận gắt:

“Thế em có tính luôn cái quần lót đỏ em mua cho anh mặc không?”

Hiên lườm chồng. Lần này tôi thấy khuôn mặt Hiên chín đỏ như quả gấc:

“Anh giữ lời, giữ tiếng một chút. Đang có khách.”

Thuận vỗ vai tôi:

“Giời! Thân quá mà.”

Tôi cười khỏa lấp:

“Hai vợ chồng ông vui quá.”

Thuận xua tay:

“Ông lấy vợ đi để cùng tôi ca bài ‘từ ngày có em về, đời mình toàn những ê chề…’.”

Hiên cau mặt. Tôi thấy khuôn mặt Hiên lại dãn ra cố lấp đi nét chịu đựng. Hiên cắp tay chồng:

“Đi thôi anh. Trễ giờ rồi.”

Chúng tôi bước ra khỏi nhà. Trời đêm mơn man lạnh. Hiên nép sát vào người chồng hơn. Đến chỗ đậu xe, Thuận đưa chìa khóa cho Hiên:

“Em lái xe, anh và anh Lập ngồi sau nói chuyện nhé.”

Tôi cự:

“Ông kỳ quá. Sao lại bắt chị lái xe. Để tôi làm tài xế cho hai ông bà ngồi sau… tha hồ.”

Thuận cười thành tiếng:

“Ông làm tôi nhớ lại những ngày đầu mới cặp bồ.”

Hiên nói như muốn chặn lại sự giận dỗi trong cổ họng:

“Hình như vai nữ chính lúc đó không phải là em?”

Thuận phớt tỉnh:

“Dạo còn đi học, quen được cô nào trong trường là muốn… đớp cô ấy ngay.”

Tôi lắc đầu: Thuận lúc nào cũng tính phổi bò. Nói toang hoác những gì mình muốn, mặc kệ cảm giác của người khác.”

Đến dạ tiệc, tôi nhường đường cho hai vợ chồng Thuận bước vào trước. Thuận bấm chuông. Người ra mở cửa là Thạnh. Thạnh mặc vest đỏ, sơ mi trắng, làm nổi chiếc cà vạt hình kỷ hà đủ màu. Thuận quay lại nói nhỏ với tôi:”Lại thêm một quả ớt đỏ.” Rồi quay sang Thạnh:

“Ông nhìn như trai ‘hăm mí’.”

Thạnh mặt mày hớn hở:

“Trời ơi! Thiệt sao? Đợi ông bà muốn nghẹt thở luôn. Lập đâu rồi?”

Tôi ló đầu vào. Thạnh xấn tới tôi, cười ồn ào:

“Đêm nay tha hồ cho ông lựa chọn. Trong bọn chỉ có mình ông còn cu-ki, ai cũng thấy tội nghiệp cho ông hết.”

Chúng tôi cùng Thạnh bước vào nhà. Căn nhà được Thạnh mở tất cả các công tắc cho nên đèn chiếu chói chang. Bên kia khung kính, mọi người đang cười nói cạnh hồ bơi được mắc đèn như sao đêm. Hôm nay là ngày kỷ niệm 10 năm kết hôn của vợ chồng Thạnh.

Mọi người đều quay lại phía chúng tôi khi Thạnh nhảy lên sân khấu gỗ làm chìa ra trên mặt hồ bơi:

“Xin giới thiệu cùng các bạn, vợ chồng người bạn thân của chúng tôi là anh chị Thuận vừa mới đến. Bên cạnh là anh Lập, một người kén nhất, đến bây giờ vẫn chưa có người nào để ‘trăm năm đục khoét”… ồ, xin lỗi ý tôi là ‘trăm năm hạnh phúc’ cả.”

Mọi ngưòi cùng vỗ tay, cười nói xôn xao. Tôi bối rối nhìn quanh, bắt gặp đôi mắt viền đen nhìn tôi cuối góc vườn, cạnh hòn non bộ có sương khói giả phun ra từ những ngách đá.

Thạnh bước đến kéo tay tôi:

“Ông đến đây với tôi, tôi giới thiệu ‘của ngon’ cho ông.”

Tôi khoát tay:

“Để tôi đi chào bà xã của ông một tiếng đã.”

Thạnh lôi tôi đi:

“Thân quá mà. Chúng tôi chia nhau tiếp đãi bạn bè.”

Đột nhiên Thạnh dừng lại:

“Ông uống gì? Cordon Bleu hay một chút X.O. cho ấm bụng nhé?”

Nói xong, Thạnh búng tay kêu người hầu rượu tới. Tôi cười:

“Ông tổ chức còn lớn hơn hồi đám cưới của ông.”

“Hồi đó nghèo. Bây giờ có tiền thì khác chứ.”

Tôi mỉm cười cầm ly rượu trên khay người bồi vừa mang tới. Thạnh níu tay tôi đi về hướng người con gái có đôi mắt viền đen rõ nét. Vừa đi, Thạnh vừa nói:

“Tôi giới thiệu ông rất kỹ với cô ta, đừng làm tốn công của vợ chồng tôi nghe.”

Thấy tôi nhìn chăm chăm vào đôi mắt xăm đen lộ liễu kia. Cô gái nheo mắt chìa bàn tay ra. Tôi nắm lấy bàn tay mềm mại, cúi xuống ghé môi hôn. Đèn trong vườn mờ hẳn. Nhạc bắt đầu trổi. Cô gái tên Nhung kề má gần mặt tôi:

“Anh có muốn nhảy với em một bản không?’

Tôi nghe mùi nước hoa đắt tiền thoang thoảng len vào khứu giác. Tôi đặt ly rượu xuống chiếc bàn đá bên cạnh, cười:

“Rất hân hạnh.”

Tôi dìu Nhung đến sàn nhảy được cải biến từ patio rộng rãi của nhà Thạnh. Đó là bản nhạc theo điệu Pasodoble. Đôi chân Nhung xoay rộng lòi ra khỏi chiếc áo xường xám may khéo, được xẻ rất cao. Tôi để ý thấy dấu rách trên chiếc vớ ny-lông của cô. Tôi thường không có thiện cảm với đàn bà, con gái áo quần thật đẹp nhưng đôi vớ ny-lông lại bị rách. Theo tôi, những người đẹp đó chỉ che đậy cái cẩu thả của mình.

Nhảy xong bản nhạc. Tôi thật không có hứng thú để tiếp tục nói chuyện với Nhung – mà Thạnh xếp vào ‘nhân vật số một’ cho tôi chọn đêm nay. Tôi nói thêm đôi điều nữa với Nhung rồi lịch sự cáo từ.

Lúc tôi đứng dựa lưng vào tường gạch, vừa hút thuốc vừa nghe cô ca sĩ đang uốn éo hát trên sân khấu, chợt thấy Hiên đang đứng nói chuyện vui vẻ với Nhung. Một lúc sau Hiên đi về phía tôi, hất cằm hỏi:

“Sao? Anh vừa ý cô Nhung không?”

Tôi thả khói thuốc lên trời:

“Chị cũng có phần ‘set up’ việc này à?”

Hiên bất thần lay cánh tay tôi:

“Anh đừng đánh trống lảng.”

Tôi đáp xã giao:

“Cô ta trông cũng hấp dẫn.”

Hiên cười:

“Thảo nào cô ấy bảo cặp mắt của anh cho cô có cảm tưởng khuôn mặt của cô đang mọc ở trên mông.”

Tôi đỏ mặt, may mà đèn không đủ sáng để Hiên nhìn thấy:

“Khiếp! Sao cô ấy lại nói thế? Cặp mắt của tôi dâm đãng lắm sao?”

Hiên cười:

“Anh muốn nói là cô ấy vu oan cho anh?”

“Chứ không phải sao?”

Hiên đùa dai:

“Thế lúc nãy anh nhìn kiểu nào khiến người ta nghĩ là anh muốn lột trần truồng người ta ra thế?”

Tôi nhún vai:

“Tôi không hiểu.”
Chợt nghĩ tới chiếc vớ ny-lông của Nhung, tôi bật cười. Hiên nheo mắt nhìn tôi:

“Thấm ý rồi phải không? Theo kinh nghiệm của tôi, là cô ấy nghĩ anh thấy cô ta sexy. Anh được điểm rồi đấy. Đàn bà ai lại không muốn mình được sexy, được hấp dẫn dưới mắt đàn ông?”

Tôi nhìn thẳng vào mắt Hiên, đổi đề tài:

“Tôi muốn mời chị nhảy bản này, được không?”

Hiên hớn hở:

“Được. Dĩ nhiên được.”

Chúng tôi cầm tay nhau bước ra. Ban nhạc đã bắt đầu đổi điệu Boston. Tôi đặt tay lên chiếc eo chưa một lần sinh nở của Hiên, lòng chùng xuống. Tiếng người ca sĩ cất lên mệt mỏi. “Ta nghiêng vai soi lại cuộc đời, thì hãi hùng hoàng hôn trờ tới…” (*). Bỗng dưng, tôi hoảng hốt ôm Hiên sát hơn, kề môi vào tai Hiên:

“Nhiều lần định hỏi chị về bức tranh treo lệch trên lối lên lầu nhà chị nhưng chưa có dịp.”

“À anh nói bức tranh tôi mua ở tiệm tranh bên Las Vegas năm rồi chứ gì? Cũng may. Lúc ấy, ông Thuận thua bài quá. Tôi chán, đi lang thang gặp bức tranh này tôi quyết định mua liền. Nếu không, ông Thuận cũng nướng cả cho sòng bài.”

“Nhưng tại sao chị lại thích nó chứ?”

“Tôi thích, thứ nhất vì tác giả là người Việt Nam.”

“Sao chị biết?”

“Dễ hiểu quá mà. Tôi thấy chữ ký là Andy Nguyễn.”

“Chị quen với tác giả?”

“Không. Nhưng tôi thích lối sử dụng màu của ông ấy. Tôi thấy trong tranh của ông bày tỏ sự thất lạc. Thất lạc ngay chính trong những gì mình chiếm hữu. Lạ lắm, tôi tìm mua thêm vài bức của Andy, nhưng người bán hàng ở đó nói họ chỉ có của ông một tấm duy nhất. Họa sĩ Việt Nam thì tôi nghe nhiều, nhưng theo tôi, Andy chắc chỉ là họa sĩ tài tử.”

“Sao chị lại cố ý treo lệch bức tranh đó như vậy?”

“Ồ! Những bức khác thì phải treo ngay hàng thẳng lối. Không hiểu sao tôi lại thấy bức tranh này phải treo một góc dựng đứng lên mới thấy hết được sự chông chênh của nó. Anh không thấy nếu treo như vậy, màu sáng của bức tranh được chú ý đặc biệt sao? Bức tranh như có ý nói về vòng nhân sinh. Nếu chiếc vòng được kết thúc và lại khởi đầu từ một điểm sáng dịu dàng trên cao thì trông lạc quan hơn. Anh đồng ý không? Tôi cố ý treo theo chiều ngang thì điểm sáng ấy lại nằm ngay cuối góc tranh. Mờ nhạt lắm. U ám lắm. Tôi không thích thế.”

Tôi cười nhẹ:

“Nghe chị giải thích, tôi nghĩ chị rành về tranh lắm.”

“Rấc tiếc, tôi không biết vẽ.”

“Những người thích đọc sách có phải ai cũng là nhà văn cả đâu. Nhưng nếu chị học vẽ, chị sẽ là một họa sĩ tài ba.”

“Anh chỉ quá khen thôi.”

“Chị treo bức tranh như vậy là đúng ý của tác giả đó.”

Hiên ngạc nhiên:

“Sao anh biết?”

Tôi cười lớn:

“Tôi… đoán thế. Tôi nhìn thấy tên tác giả cố tình ký xéo ở dưới bức tranh.”

“Nhưng tôi lại thấy họ trưng bày trong tiệm bình thường như những bức tranh khác. Chính tôi sửa dây lại.”

Tôi nhún vai:

“Như vậy thì tôi đành chịu.”

Hiên bấm vào vai tôi:

“Anh có vẻ thích bức tranh đó, phải không?”

“Thấy lạ, bức tranh như một vòng lửa. Tôi thích lửa. Giống như chiếc áo mà chị đang mặc đây?”

Hiên bối rối:

“Không phải anh xem tôi như quả ớt đỏ?”

Nói rồi, Hiên thở dài:

“Ngày xưa ông Thuận cũng mê tranh ảnh lắm. Không hiểu sao lấy nhau xong, chẳng thấy ông ấy có chút cảm giác nào với nghệ thuật cả!”

“Con người sẽ thay đổi mà.”

Nhạc dứt. Chúng tôi chia tay nhau. Tôi muốn đi kiếm thêm cho mình một ly rượu mạnh nữa.

o O o

Chúng tôi quen nhau từ lúc còn mài đũng quần ở lớp học. Trong trường, sinh viên Việt Nam dạo ấy không nhiều lắm. Gặp nhau, dù không nói chuyện cũng biết nhẵn mặt nhau. Thuận là đứa đẹp trai, đắt đào nhất. Hiên rực rỡ như một đóa hoa mà ai cũng muốn chiếm hữu, mang về nhà mình chưng ở nơi trang trọng nhất. Thạnh thì tính tình vui vẻ, giao tế khéo cuối cùng lấy được Trân rất giỏi thương mại. Trân không có cùng kỷ niệm đi học với chúng tôi, nên tôi thích đến nhà Thuận nhiều hơn, vì kỷ niệm của tôi và của vợ chồng Thuận hình như gắn liền với nhau. Hơn nữa, sau này gia đình Thạnh ăn nên làm ra, tập tành thói “trưởng giả học làm sang”, không thích hợp với tôi lắm. Tuy nhiên, không vì thế mà tình bạn giữa chúng tôi có những thay đổi. Chúng tôi thường tổ chức những buổi đi chơi chung, hoặc ăn uống ở nhà nhau mỗi cuối tuần.

Tôi yêu Hiên trong âm thầm. Khi Thuận tuyên bố sẽ theo đuổi Hiên, tôi cũng đau khổ trong âm thầm. Những cuộc đi chơi. Những party đều có mặt tôi để âm thầm chia sẻ tình yêu của Thuận và Hiên tiến triển với con tim mình tan nát; hoặc để chứng tỏ là tôi “không có ý gì với Hiên” cả. Tôi tham dự vào cuộc chinh phục Hiên của Thuận bằng những góp ý cho Thuận. Bởi, hơn ai hết tôi hiểu mẫu người như Hiên. Và, tôi hiểu Hiên muốn gì. Những lần đi chơi riêng rẽ với Hiên về, Thuận đều tỉ mỉ thuật lại cho tôi nghe. Ngay cả lúc hôn nhau lần đầu, Hiên lính quýnh cắn vào môi Thuận đến chảy máu. Thuận không biết con tim tôi cũng “chảy máu” lúc ấy. Ai cũng bảo Thuận và Hiên thật “xứng đôi vừa lứa”. Chính tôi cũng thấy thế, vì tôi biết tôi không đẹp trai như Thuận.

Tôi tập trung lao mình vào việc học hành rồi ra trường, đi làm. Công việc đòi hỏi tôi phải đi xa hoài. Tôi cũng thích thế. Tôi độc thân, đi đây đi đó nhiều để thoả mãn ước mơ thuở thiếu thời của mình là một việc tôi rất mừng. Thế nhưng, đi đâu tôi cũng mang theo hình bóng Hiên. Tôi lại đau khổ khi thấy Hiên bị Thuận “ăn hiếp”. Có lần Hiên đã khóc với tôi sau bữa cơm tại nhà tôi. Lúc ấy Hiên phụ tôi rửa bát ở bếp. Thuận và đám bạn đang ồn ào hát Karaoke trong phòng gia đình. Lúc ấy, Hiên đứng bên tôi tráng giùm những chiếc đĩa sứ. Tôi tưởng tượng ra chúng tôi là đôi vợ chồng mới cưới đang đứng bên nhau, thật gần, thật sát. Hiên mắt đỏ hoe, nhưng miệng lại cười ngay sau đó:

“Anh nên kiếm một bà về rửa chén bát cho anh là vừa. Kén quá.”

Tôi cười:

“Tôi chỉ vào bếp những lúc có bạn bè đến chơi. Ngoài ra tôi là loại người ‘cơm hàng cháo chợ’, không cần người rửa bát đâu. Tôi đã bảo chị rồi, thảy hết vào máy rửa bát. Chị cứ bắt kỳ cọ từng chiếc, rồi than.”

“Ơ cái anh này. Tôi có than thở gì đâu. Ý tôi chỉ muốn nói là anh già đến nơi rồi đó.”

“Nhưng con tim tôi không biết già. Không hề già. Chị tin không?”

Hiên cười thành tiếng:

“Tôi tin. Vì tôi cũng nghĩ thế. Tôi không chấp nhận mình già.”

“Thôi chị lên trên với ông Thuận đi. Ông ấy réo chị rồi đó.”

Hiên lau hai tay vào tạp dề, thở dài:

“Ông ấy chỉ khéo đóng kịch.”

Nói xong, Hiên cởi tạp dề ra khỏi đầu. Vài lọn tóc vướng vào sợi dây. Tôi thấy gáy của Hiên như ngó sen. Tôi giúp Hiên gỡ tạp dề, vô tình ngón tay tôi chạm đến vành tai Hiên. Hiên rùng mình. Tôi thấy được những tia máu chạy trên ngấn cổ trắng ngần, dưới những sợi lông măng. Máu dồn trên đầu ngón tay tôi cũng muốn bật thoát ra nơi đó. Hiên quay người vội, bước đi. Tôi vò mạnh tạp dề trong nắm tay, che giấu sự bối rối của mình. Tôi dựa mình bên chậu rửa chén, nhìn xa xăm ngoài khung cửa kính. Bầu trời hình như tối lại bên ngoài. Không hiểu sao, tôi thấy vòng lửa nơi bức tranh nhà Hiên chợt lăn xuống đất, rượt theo tôi rất vội. Vòng lửa cứ to dần. To dần. Tôi chạy. Cứ thế. Tôi cắm đầu chạy. Càng lúc tôi càng thấy mình thật nhỏ nhoi trước vòng lửa mỗi lúc mỗi to.

o O o

Tôi tránh mặt Hiên với lý do đi nghỉ phép ở Âu Châu. Thời gian đó. Tôi lại thấp thoáng thấy vòng lửa phía sau, lúc ẩn, lúc hiện. Có một lần, soi bóng mình trên dòng sông một hôm dừng lại. Tôi thấy rõ ràng bóng lửa chập chờn trong làn nước màu rêu lợn cợn. “… Ta khổ đau một đời, để chết trong tình cờ. Ta tìm nhau một thời, để mất nhau vài giờ…” (*). Bản nhạc điệu Boston mà tôi và Hiên đã nhảy với nhau trong buổi dạ tiệc chúc mừng 10 năm kết hôn của vợ chồng Thạnh. Hôm đó, Hiên mặc áo đỏ. Tôi nhớ rõ lắm. Tôi ôm siết vòng lửa trong tay. Lúc ấy, hình như tôi bị lửa thiêu tôi từ tâm. Thế mà tôi cứ nghĩ là rượu làm lòng tôi rạo rực, sôi sục lên.

Tôi trở về nhà với vòng lửa như vòng gai Chúa chịu nạn trên đầu. Càng trốn tránh, vòng lửa càng hiển hiện. Tôi đau đớn như Tôn Ngộ Không bị Đường Tam Tạng niệm kinh siết chặt vòng Kim Cang trên đầu. Tôi bị kinh tình yêu làm điên đảo tâm trí. Nếu tôi thấy được Hiên hạnh phúc, chắc tôi sẽ không đau đớn như bây giờ. Nhưng mãi mãi tôi vẫn là người trốn chạy. Tôi trốn chạy trong lúc thấy mình như muốn bị thiêu đốt. Càng trốn chạy, tôi càng nhìn rõ trái tim mình: không ai có thể thay thế được Hiên trong tôi.

Khi chiếc taxi trờ tới cửa nhà. Tôi thấy Hiên ngồi đó. Hiên ngồi chông chênh trên chiếc vali, và bức tranh “lửa” bên cạnh. Hiên nhào tới ôm tôi lúc tôi vừa bước xuống xe. Hiên nói, giọng sũng nước:

“Hiên muốn ly dị với Thuận. Hiên biết anh chính là tác giả bức tranh này.”

Tôi lạnh lùng gỡ tay Hiên ra:

“Chị bình tĩnh. Vào nhà hãy tính sau.”

Hiên ngồi xuống ghế, run tay đỡ ly nước lọc tôi trao cho nàng:

“Tại sao anh không cho Hiên biết anh chính là Andy?”

Tôi cười buồn:

“Để làm gì? Mà sao chị biết tôi là Andy.”

Hiên nhìn vào mắt tôi:

“Anh có nhớ anh Thịnh học chung lớp vẽ với anh dạo ấy không? Ảnh có tới nhà chơi và nhận ra bức tranh này.”

Tôi chưa kịp trả lời, Hiên lại tiếp:

“Anh dám thề là anh không hề yêu Hiên?”

“Tại sao phải thề?”

“Tại Hiên không muốn cả anh và Hiên đau khổ nữa.”

‘Vậy tại sao ngày xưa chị lại lấy Thuận?”

“Anh ấy làm Hiên cảm động bởi những tấm thiệp anh ấy nắn nót vẽ tặng Hiên vào mỗi dịp lễ.”

“Tại sao bây giờ…?”

Hiên hơi lớn tiếng:

“Anh còn hỏi. Bây giờ Hiên mới khám phá ra những tấm thiệp và cả những lời chúc trong đó anh đều làm cho Thuận. – Hiên gằn giọng – Phải không?”

Tôi cười buồn:

“Chuyện xưa lắm rồi…”

Hiên đứng dậy, chồm người tát vào mặt tôi:

“Anh hèn lắm, yêu mà không dám nói.”

Tôi tức:

“Phải! Suốt đời. Tôi sẽ không nói. Suốt đời.”

Hiên ngồi phịch xuống ghế. Một lúc sau, chờ cho sự giận dữ lắng xuống. Hiên cất giọng mệt mỏi:

“Hiên muốn biết là tại sao bức tranh này lại ở Las Vegas?”

“Ngày xưa, tranh tôi được chọn triển lãm ở trong trường. Một người nào đó mua được, tôi không nhớ – tôi nhỏ giọng – nhưng sau này tôi lại tiếc.”

Hiên ngạc nhiên:

“Ngày xưa Hiên đâu biết anh có học vẽ?”

“Tôi chỉ lấy một ‘cua’ không liên quan đến ngành học của mình, cho vui. Và chỉ vẽ một bức tranh duy nhất. Rồi thôi.”

Hiên tròn mắt:

“Một bức?”

“Thật ra còn mấy bức vẽ để nộp bài. Tôi không biết nó lưu lạc phương nào. Chắc là trong mấy thùng rác nhà trường dạo ấy.”

Cả hai chúng tôi đều im lặng. Rất lâu. Tôi nghĩ thế, vì tôi thấy thời gian ngừng trôi. Tôi xua tay trong không khí, như muốn làm thời gian chạy bình thường trở lại:

“Để tôi gọi điện thoại cho Thuận, bảo đến rước chị.”

Hiên đứng bật dậy:

“Không cần. Tôi về nhà bố mẹ tôi.”

Nói xong, Hiên vùng chạy ra khỏi nhà. Không biết vô tình hay cố ý, Hiên đá bức tranh nằm sóng soải trên nền nhà đá xám. Bức tranh xoay nhanh như gặp trốt. Con trốt đỏ rực những lửa. Tôi thấy điểm sáng trong bức tranh bị nhoè đi, rồi tối thẳm dần…

VP
(*) Tuởng Niệm – Trầm Tử Thiêng