Menu Close

Độc đáo biểu tượng văn hóa Hàn quốc

Đến Hàn Quốc, ở bất cứ đâu ta cũng bắt gặp những mô típ, hình vẽ, hoa văn, ký tự đa sắc, đa dạng được lặp đi lặp lại và thể hiện trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội… Không chỉ làm đẹp, chúng còn là những câu chuyện thú vị về con người, đất nước cùng những khát khao, hoài bão của người dân xứ Hàn. Phong phú các biểu tượng

Trong văn hóa dân gian Hàn Quốc, các mô típ, hoa văn được chia ra thành rất nhiều tiểu loại khác nhau như: Hoa cỏ, côn trùng, chim thú và con người. Đặc biệt có những mô típ được tập hợp thành bộ như mô típ thập trường tượng (Ship-jangsaeng, 10 biểu tượng trường thọ gồm: Mặt trời, mây, núi, cây thông, cây trúc, cây đào hoặc quả đào, nấm, chim hạc, hươu và rùa). 10 vật này thường xuyên xuất hiện trong tranh, tượng, quần áo, đồ dùng gia dụng. Lý giải điều này, người ta cho rằng con số 10 là số viên mãn đem lại sự vẹn toàn, bao quát nhờ hai nét bút ngang dọc chỉ bốn phương trời đất và các vật ở trên đều là vật sống lâu, có tuổi đời hơn tuổi thọ của người. Cũng hay gặp mô típ tứ quý (bốn loại cây đẹp biểu thị bốn mùa), tứ linh (bốn con vật mạnh tượng trưng cho sức mạnh tự nhiên), các mô típ 3, 5, 12 thể hiện cho sự phát triển…

Ngoài những hình ảnh còn có nhiều mô típ dưới dạng chữ như: chữ hồi (hui) chỉ sự tái sinh; thọ (su) và phúc (bok) đem lại sự sống lâu và hạnh phúc; hỷ (hee) vợ chồng luôn vui vẻ, thường thấy trong ngày cưới. Chữ vạn biểu thị sức mạnh thần thánh và vũ trụ. Các chữ dưới dạng bùa phù, nổi bật là phúc trạch (pujok) thường là chữ đỏ viết trên mảnh giấy có nền vàng. Người ta tin quỷ không thích màu vàng, màu đỏ của lửa và máu đem tới sự sống và niềm vui nên thường gắn bùa phù vào áo quần, treo trên tường để làm phép thu nhận may mắn và xua đuổi tà ma.

Cũng có các mô típ dưới dạng hoa văn liên hoàn (Yeonhwan) mang đến sự hoàn hảo và lâu bền. Hoặc mô típ Thái cực (Taegeuk) – dựa trên triết lý về sự hài hòa, trong âm có dương trong dương có âm thể hiện sự liên tục của cuộc sống. Mô típ Bát quái (P’al kwai) – tám dấu tượng địa lý được tin có thể lý giải cho mọi hiện tượng và hình dạng trong tự nhiên. Qua việc tuân theo các trật tự, quy luật mà con người được sướng khổ, vui buồn.

Tục lệ trưng đa tượng

Người Hàn Quốc sử dụng nhiều hình ảnh biểu trưng là vì với họ, những hoa văn ấy không chỉ là các câu chuyện viễn tưởng tồn tại trong tâm trí mà còn hiện hữu ngoài đời, có ý nghĩa quan trọng với đời sống tinh thần. Với quan niệm vạn vật hữu linh, từ lâu người dân nước này đã vẽ, trưng bày hoặc treo hình ảnh chúng cầu mong sự phù hộ. Họ thường đặt chúng ở những vị trí khác nhau trong nhà nhằm phát huy mọi thế lợi.

Để nhà sạch đẹp, may mắn, phát tài nhà nào cũng treo tranh tứ quý trong phòng khách là nơi rộng thoáng, quan trọng nhất của gia đình đặc tả bốn loài cây mai, lan, cúc, trúc gắn với bốn mùa giúp cho con người có được sức khỏe và những phẩm chất cao quý của bốn loài cây này như mai cho sự can đảm, lan – tao nhã, cúc – trường thọ, trúc – chính trực. Hoặc thập trường tượng, 10 yếu tố tự nhiên ở gian thờ, trong đám cưới và sinh nhật đem lại cuộc sống thăng bằng, vui vẻ và hạnh phúc. Khi mong muốn điều gì cũng treo vẽ thứ thể hiện điều ấy, như cần đỗ đạt thì treo hình cá chép, công, hổ.

Khi muốn sinh con thì treo hình quả lựu, đàn vịt. Cũng thường mặc trang phục in hoa lá, chim muông, đặc biệt áo cô dâu chú rể luôn có hình hoa mẫu đơn chim hạc, và trong đám cưới cô dâu chú rể luôn trao cho nhau một đôi ngỗng gỗ với mong muốn suốt đời sống chung thủy, hạnh phúc. Hàng năm, mọi nhà hoặc vùng miền ở Hàn Quốc đều dựng trước cửa các tượng gỗ và đá trường sinh (changsung) hình người như một hộ pháp bảo vệ đất và chim thái (các loại chim nước) để chống hỏa hoạn và cầu mưa. Để tranh, tượng hổ ở ngoài cổng nhằm xua tan tà khí trên lối vào hoặc ở hướng Tây cho sự an cư, nghỉ ngơi; tranh chó tại kho thóc xua đuổi trộm cướp giữ nhà khỏi sâu bọ.

(Theo Phương Nam.Net.Vn)