Du khách có dịp đến thị trấn Gibsonton miền Nam vùng Tampa, Florida hẳn được nghe nhiều câu chuyện thú vị về những người dị dạng, và có biệt tài kỳ dị không kém ở địa phương. Thường hằng năm, những dị nhân tại đây cùng nhiều dị nhân ở các tiểu bang khác và nước Mexico láng giềng kéo nhau về vui chơi văn nghệ, biểu diễn tạp kỹ cho dân chúng thưởng thức, qua các show xiếc ngoài trời mang tên gọi International Independent Showmen’s Foundation.
Các đoàn xiếc lưu động khắp nơi thường ghé đến thị trấn Gibsonton biểu diễn – Nguồn: imageck.com
Freaks Town (tạm dịch là Thị trấn của dị nhân) trở thành biệt danh của thị trấn nhỏ và nghèo bên vùng Vịnh Mexico với bãi cát trắng mịn màng. Dọc theo trung tâm thị trấn có vài quán bar chơi nhạc đồng quê, hơn chục hàng thức ăn nhanh, và vài khu trung tâm giải trí đơn sơ của các gánh xiếc rong thường hay lưu diễn qua đây. Nói chung thị trấn Gibsonton của vùng Nam Florida đầy nắng ấm không phải là nơi dành cho du khách du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển với những khu khách sạn resort sang trọng. Thị trấn bé nhỏ trên mười bốn ngàn dân cư buồn hiu từ thuở trăm năm trước cho đến tận bây giờ. Và nó chỉ náo nhiệt khi hàng trăm đoàn xiếc từ các nơi kéo đến khuấy động cho cuộc sống có thêm ý nghĩa.
Mỗi năm có đến hơn 600 đoàn xiếc đến Gibsonton – Nguồn: Gibsontontown
Không ai biết vì cớ gì những dị nhân thường hay kéo về đây sinh sống bằng những trò xiếc làm kinh ngạc và hấp dẫn trẻ con và người lớn. Chẳng hạn, một người có tới ba bàn chân. Hay một đôi anh em song sinh dính nhau, có cùng bao tử, ruột, cơ quan sinh dục nhưng lại có đủ bốn chân nằm đối xứng. Thật là khó khăn cho việc di chuyển, khi người này tiến thì người kia lùi, người muốn đi đằng đông người muốn đi đằng tây. Một người uống bia thì chỉ người ấy xỉn thôi, nhưng còn tiểu tiện thì cả hai đành chịu chung. Bây giờ họ đã là người thiên cổ, nhưng nếu bạn muốn nghe những câu chuyện về họ thì bạn sẽ được mấy ông già móm mém ngồi trong quán bar của Al Tomaini kể lại. Chuyện rằng, “Một trong hai người anh em sinh đôi kỳ quái kia bị tiếng sét ái tình với cô Dolly, người con gái kiều diễm này có tới ba bàn chân, mỗi bàn chân chỉ có ba ngón. Cô ta nốc rượu tỳ tỳ như tôi suốt ngày mà chẳng say tí nào… Làm sao đây khi đi hẹn hò mà người kia không làm người nọ khó chịu trước những lời nói đầy tình tứ? Khổ nỗi là một trong hai người chẳng thích người con gái kia chút nào. Hề hề, đành xòe bàn tay che mặt…”
Ngay cả ông chủ quán Al Tomaini mang biệt danh “Al the Giant” (Al khổng lồ) cũng là một con người đặc biệt; ông cao như cây tre miễu, đến những… hai mét rưỡi. Không biết ông ta từ đâu đến, rồi “buông neo” tại đây bởi phải lòng một nàng xinh đẹp, có chiều cao quá ư khiêm tốn, chỉ 85cm, là diễn viên của đoàn xiếc địa phương. Cả hai xây tổ ấm, dựng nên quán rượu ven sông làm kế sinh nhai. Thế nhưng Al Tomaini yêu thích công lý và trở thành cảnh sát trưởng với ngôi sao lấp lánh trên ngực oai phong đáo để. Để pháp luật được tôn trọng hơn, Al thâu nhận thêm một cô phụ tá có chiều cao không hơn cô vợ cưng của mình, tính luôn cả cái mũ. Cặp cảnh sát cao-thấp này đã từng là hình ảnh một thời xa xưa, gìn giữ trật tự an ninh cho cái làng hỗn độn nhỏ bé ngày càng thu hút cư dân, trong đó khá nhiều người dị dạng từ các nơi khác đến ở. Từ đó, những đoàn xiếc với những trò phun lửa, nuốt than, nhào lộn, đu dây với một chân, không có tay nhưng điều khiển con rối ra trò, được hình thành khắp nơi trong thị trấn. Điều đó đã khiến những đoàn xiếc rong trong nước và nước láng giếng Mexico quan tâm ghé qua thi thố tài năng trong những lễ hội kéo dài thường xuyên, làm cả thị trấn sống động tưng bừng.
Ông Ward Hall (giữa) thế hệ lão thành của những dị nhân thị trấn Showtown ngày nay vẫn còn dạy diễn xiếc cho những học trò chú lùn không có nàng Bạch Tuyết – Nguồn: Gibsontontown
Từ đó, cái tên “Showtown” ra đời, làm biệt danh cho thị trấn Gibsonton; cái tên này đẹp hơn so với cái tên “Freaks Town” cũ, vốn phần nào mang ý nghĩ phân biệt hình thể của những con người bất hạnh.
Phòng lưu niệm của thị trấn còn lưu giữ hàng ngàn bộ quần áo của bao thế hệ diễn viên xiếc đã đến đây, hàng trăm tấm hình của các dị nhân nổi tiếng trong các đoàn xiếc với những tiết mục đặc biệt không thể tin được. Chẳng hạn anh chàng Johnny Meah với trò nuốt các vật dụng nho nhỏ bằng kim loại. Có hôm hứng chí, anh chàng nuốt luôn cả thanh kiếm dài năm sáu tấc. Lâu lâu thay đổi tiết mục, anh bốc vài cục than hồng bỏ miệng nuốt trộng mà không cần uống nước. Hoặc Peter Terherne có tấm lưng da đồng, nằm dài trên bàn đinh nhọn nhiều tiếng đồng hồ, hệt như một nhà pháp thuật Ấn Độ.
Trong một bài báo cũ hàng chục năm trước, được lộng kiếng trang trọng trong phòng lưu niệm, cho thấy những con người dị dạng sống trong thị trấn Gibsonton rất lạc quan, một bài học cho những người bình thường học hỏi.
Những chi tiết rất thú vị về các nhân vật trong bài báo như là, “Pete Moore chỉ cao 68cm thôi nhưng anh ta rất được các nàng lùn yêu thích. Pete có vợ hai con nhưng không bao giờ có ý định bỏ bê gia đình mặc cho các cô quyến rũ. Pete thích nói về cuộc đời mình theo giọng “triết gia”; “Trong đời tôi từng nghe nhiều nhà khoa học nói rằng tôi chỉ còn sống được vài ngày thôi. Tôi tin là Chúa Trời đã tốt với tôi hơn là với một người bình thường.” Chính cách sống lạc quan và can đảm đối diện với sự thật của Pete đã làm say đắm các người đẹp ngưỡng mộ anh.
Ảnh người khổng lồ Al Tomaini và vợ trưng bày trong phòng lưu niệm thị trấn Gibsonton – Nguồn: Gibsontonmuseum
Hay Emmith Behajo là một thành viên của thị trấn Gibsonton. Emmith sống độc thân và mắc chứng da rắn từ khi mới lọt lòng. Mỗi năm Emmith thay da hai lần như loài rắn lột da. Đôi lúc đùa chút chơi với trẻ con, ông huýt sáo làm như mình là ‘người rắn’ vậy. Ông không có tài diễn xiếc nhưng cuộc đời của ông bị khuấy động bởi một ‘mỹ nhân’ của đoàn xiếc nổi tiếng. Emmith bị mũi tên tình ái của thần Eros bắn trúng. Sự xuất hiện của Prescilla, biệt danh ‘người khỉ’ bởi gương mặt trông như con tinh tinh và thân mình của cô phủ đầy lông lá. Cô là diễn viên nhào lộn cho một đoàn xiếc tiếng tăm. Còn trẻ con khi gặp Prescilla ngoài đường đã khóc thét lên. Vài ông cha bà mẹ vẫn thường dọa con: ‘Con không ngoan, mẹ đem cho bà người khỉ đấy.’ Giờ đây về sống ở Gibsonton, bà thấy thích thú vì trẻ con dần yêu thích bà. Bà quyết định thường xuyên cạo hết lông lá trên mình cho dù phải tốn hàng tá dao cạo mỗi tháng vì sợ người đàn ông da rắn Emmith chê mình xấu xí, bỏ đi tìm người đàn bà khác. Những dị nhân này có một tính cách đáng yêu: họ chỉ dị dạng ở bề ngoài nhưng không hề dị dạng trong tâm hồn, họ nhân ái và dung dị.
Cùng thời với những dị nhân lần lượt qua đời sớm hơn lứa tuổi do bệnh tật, thì ở Gibsonton vẫn còn những người sống đến tận bây giờ nhưng không còn tham gia biểu diễn thường xuyên nữa. Ông Ward Hall được cư dân Gibsonton kính trọng. Trước kia, Ward Hall là một người đàn ông không kỳ dị, mà là lập dị, chủ gánh xiếc lưu động, luôn mang theo bên người con trăn quấn quanh cổ mỗi khi ra đường. Ông tự hào đã tạo “sự nghiệp” cho phân nửa số anh lùn sống trong thị trấn. Ngày nay, ở tuổi gần đất xa trời, ông vẫn rèn luyện cho những dị nhân muốn trở thành nghệ nhân diễn xiếc.
Ca sĩ Shari Keller cư dân Gibsonton, chết đi sống lại ba lần – Nguồn: Gibsontontown
Ở Gibsonton này còn một người bình thường nhưng rất đặc biệt nữa, đó là ông Melvin Burkhart “chuyên trị” màn đóng đinh vào mũi. Bây giờ, ông không còn biểu diễn vì tuổi già sức yếu, thỉnh thoảng ngứa nghề ông lấy cây đinh mười phân gắn vào mũi hù thiên hạ cho vui. Thuở thanh niên, Melvin từng là một võ sĩ quyền Anh. Một lần thượng đài, đối thủ đã đấm ông vỡ mũi. Các bác sĩ đã gắp ra hơn 22 mẩu xương. Từ đó Melvin có cái mũi sâu hoắm để một ngày kia anh chợt nhận ra là có thể đóng đinh vào đó được. Melvil xem trò đóng đinh vào mũi này thú vị hơn trò so găng thượng đài.
Lớp người cũ dần dần rơi rụng, nhưng Gibsonton xuất hiện thêm nhiều tài năng mới. Shari Keller là một ca sĩ địa phương vừa mới ra mắt thành công đĩa CD “Fallen Angel”, từng chết đi sống lại ba lần. Lần thứ nhất khi tròn 18 tuổi, cô bị một chiếc xe hơi đâm thẳng vào người, phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Sau một hồi vật lộn với tử thần, bác sĩ thông báo rằng là cô đã chết. Nhưng điều kỳ lạ xuất hiện, sau 4 phút 26 giây, cô hồi tỉnh. Lần thứ hai vào năm 1991 khi cô bị trượt té trong nhà tắm, đầu đập xuống sàn và bác sĩ xác nhận là đã chết, và lần này cô chết chỉ trong 3 phút. Và lần thứ ba không lâu sau đó, cô được xác nhận là đã chết vì một tai nạn khi đang làm nhiệm vụ trong Bộ An ninh Nội địa. Lần này cô chết 2 phút 26 giây rồi bật dậy. Không biết còn lần thứ tư hay không, nhưng cư dân đã tặng cho Shari Keller biệt danh “Thiên thần” mặc dù hiện giờ cô đã năm mươi tuổi đời và chọn sự nghiệp ca nhạc, đứng trên sân khấu phục vụ bà con trong thị trấn.
TN