Menu Close

Timbuktu – phượng hoàng từ tro bụi?

Khi người Hoa Kỳ nói chuyện với nhau, để chỉ một nơi tận cùng của trái đất, nơi chẳng có gì, họ dùng chữ “Timbuktu”.

Như thế Timbuktu ở đâu, có thật hay chỉ là chuyện giễu cợt như “Utopia”?

Timbuktu là một thành phố có thật, hiện diện trên bản đồ thế giới, trong lãnh thổ của Mali, một quốc gia nằm phía Tây châu Phi, bên sa mạc Sahara mênh mông.

timbuktu 01

Timbuktu năm 1853 do do Martin Bernatz vẽ theo sự mô tả của nhà thám hiểm Đức Heinrich Barth –  NGUỒN EN.WIKIPEDIA.ORG

Lịch sử của Timbuktu bắt đầu từ thế kỷ thứ 11, do người Touareg tạo lập. Là giống dân du mục; mùa mưa, người Touareg xua gia súc qua những đồng cỏ, và mùa khô lại trở về bên giòng sông Niger. Vào thủa ấy, mùa khô nước ao tù, muỗi và côn trùng gây khá nhiều bệnh tật, và người Touareg đã biết dựng lều xa giòng sông để tránh bệnh tật và họ đào giếng lấy nước. Cái giếng huyết mạch ấy được trao cho một phụ nữ có tuổi trong làng canh giữ khi mùa mưa đến, các trai tráng trong làng đưa gia súc qua thảo nguyên. Người phụ nữ giữ giếng ấy được gọi là “Tin Abutut”, trong ngôn ngữ địa phương có nghĩa là “cái rốn của làng xã”. Với thời gian, “Tin Abutut” trở thành Timbuktu như ta biết ngày nay.

timbuktu 01

Một bản đồ của Timbuktu, xuất bản năm 1855 do Geographische Mitteilungen Petermann –  NGUỒN EN.WIKIPEDIA.ORG

Vì vị thế địa lý, Timbuktu là nơi gặp gỡ giữa nhiều dòng tộc, nhóm người Songhai, Wangara, Fulani, Tuareg và Arabs. Những người tụ họp tại Timbuktu mang theo tài sản, cách sinh sống riêng: Nô lệ và quý kim [vàng bạc] đến từ phía nam; muối, vải vóc, gia vị đến từ phía bắc…để góp mặt với đất dừng chân, cư ngụ. Người địa phương Timbuktu thì cho rằng tri thức là sự đóng góp của chính họ cho miền đất này.

Timbuktu từ thế kỷ thứ XI đã là nơi buôn bán trao đổi hàng hóa giữa các bộ lạc từ phía bắc và từ phía tây của châu Phi. Ðến thế kỷ thứ XII thì Timbuktu trở thành trung tâm văn hóa của Phi Châu với 3 trường đại học và 108 trường giảng dạy giáo lý Hồi giáo. Khi cao trào văn hóa thịnh vượng nhất, Ðại Học Sankore đã có đến 25 ngàn sinh viên. Qua những đời vua chúa, nhiều lâu đài đã được tạo dựng tại đây, và sách vở, bạn ơi, cơ man nào là sách vở ghi chép: dược học, thực vật học, địa lý, toán hình học, lịch sử, luật pháp, âm nhạc, tôn giáo… tạo nên nền văn hóa lâu đời của vùng đất sa mạc này. Khi tìm đọc sách vở về Timbuktu thì Dế Mèn thầm xấu hổ vì sự thiển cận của mình. Ngày trước, mỗi lần nghĩ đến Phi Châu là chỉ nghĩ đến các hình ảnh nghèo đói, lạc hậu của những vùng đất sắt máu khô cằn, thiếu ăn nhưng hiếu chiến, người ta sẵn sàng mở những cuộc chiến tranh diệt chủng.

timbuktu 01

Một góc Timbuktu ngày nay tại đất nước Mali –  NGUỒN LINCNET.ORG

Ngượng ngùng xong thì phe ta lại băn khoăn vì sự tương phản khó hiểu của vùng đất xa xăm ấy. Timbuktu có một nền văn hóa rực rỡ lâu đời tưởng chừng đã mọc rễ trong tâm tưởng người địa phương, tại sao những dòng tộc ấy còn say máu chém giết man rợ như thế nhỉ? Những bản tin nhan nhản xuất hiện hàng ngày về các cuộc tắm máu bằng mã tấu xảy ra hàng ngày mỗi khi người ta nổi giận vì một chuyện chi đó, nhất là sự khác biệt về chủng tộc!

Với một quá khứ vàng son như thế nên ta khó có thể tưởng tượng được rằng ngày nay Timbuktu chỉ còn là những đụn cát khổng lồ, và giữa những đụn cát là các ngôi lều trống hơ trống hoác, bốn bề gió thổi! Ðời sống khắc nghiệt như thế nhưng thảng hoặc, ta lại nghe có những người Timbuktu còn ở lại vẫn tiếp tục nâng niu trân quý giữ gìn từng cuốn sách của cha ông họ lưu truyền. Những sách vở truyền lại từ thời Trung Cổ kia hầu hết được cất giữ tại những đền thờ Hồi Giáo và những rương sách bằng da thú mà người Timbuktu đã khuân đi khuân về trong cuộc sống du mục. Thời gian, hơi nóng sa mạc, mối mọt và gió cát đã hủy hoại khá nhiều sách vở… Người yêu quý sách vở đang chạy đua với những trở ngại kia để giữ lại sách vở quý báu của nhân loại.

timbuktu 01

Sách cổ của TimbuktuNGUỒN PRINCECLAUSFUND.ORG

Chuyện Timbuktu là chuyện của đất nước Mali. Vào thập niên 50, Mali giành lại độc lập từ tay người Pháp, và chính phủ Mali cố gắng phục hồi văn hóa của cha ông họ. Ðến những năm 2000 thì chính phủ của các quốc gia lân cận đã ngó lại, đã nhìn thấy Timbuktu như một trung tâm văn hóa của chung Phi Châu chứ không riêng gì Mali nên người ta đã bắt đầu đóng góp. Chính phủ Nam Phi tài trợ việc xây dựng một thư viện để lưu trữ và xếp loại cũng như dự trữ qua mạng ảo những sách vở tìm thấy tại đây. Chính phủ Libya xây một khách sạn lớn để mời gọi du khách cũng như giới khảo cứu, khách sạn này là nơi đầu tiên tại Timbuktu với một hồ tắm. Người Libya còn phá núi, đào cát để tạo thủy lộ dẫn nước từ sông Niger đến Timbuktu. Các quốc gia châu Âu cũng đóng góp qua UNESCO tài trợ những công việc bảo trì sách vở… Với sự giúp đỡ của thế giới, dường như Timbuktu có cơ hội hồi sinh, con phượng hoàng sẽ xoải cánh từ tro bụi một ngày gần đây chăng?

timbuktu 01

Fida Ag MohamedNGUỒN ANCIENTBOOKSOFTIMBUKTU.BLOGSPOT.COM

Hôm nọ Margaret Dugan trở về từ Phi Châu ghé thăm Dế Mèn và tặng lại phó bản của một cuộn phim ngắn do chính bà ta thu hình. Cuộn phim dài 20 phút, ngắn ngủi nhưng đủ để Dế Mèn đọc được vẻ mặt thầm lặng thành kính của người đàn ông già nua khắc khổ tay nâng niu từng trang sách mỏng tang, mối ăn lỗ chỗ từng mảng… Ngôi lều nào cũng rách nát như nhau, nhưng niềm say mê thành kính của người Timbuktu đối với sách vở của cha ông họ, dường như linh hồn của các thế hệ đã qua vẫn còn bừng bừng trong huyết quản của con cháu, khiến phe ta xúc động. Dế Mèn nghĩ đến mấy người bạn say mê sách vở của mình… Trong khoảnh khắc, hình như nỗi đam mê kia lẫn vào nhau, Dế Mèn “thấy” bạn bè mình trong hình ảnh của người đàn ông ngồi xổm trên nền đất, tay nâng cuốn sách, ánh mắt lo âu nhưng mãn nguyện. Hình như ông ta đã đến được một phần giấc mơ của mình? Margaret bảo với Dế Mèn rằng nhóm Foundation for Peace sẽ đóng góp một số tiền nhỏ để bảo trì tủ sách của gia đình người đàn ông ấy. Tên ông ta là Fida Ag Mohamed; riêng với Dế Mèn ông ấy là hình ảnh biểu tượng cho những con người cặm cụi thu góp giữ gìn tài sản văn hóa của thế giới!

TLL