Nói đến Bùi Ngọc Tấn là nói đến những câu chuyện để đời như Người Chăn Kiến, như Biển và Chim Bói Cá…Tài liệu nghiên cứu bình luận về văn chương của ông không nhiều, đa số chỉ là những bài báo mà độc giả và bằng hữu của ông trao đổi trên truyền thông xã hội, hay viết trong blog cá nhân của họ. Năm 2012, trong liên hoan Sách và Biển tại Pháp, tác phẩm Biển Và Chim Bói Cá của ông được trao giải thưởng Henri Queffélec, và được dịch sang Tiếng Pháp. Những tác phẩm đã xuất bản của ông gồm có Hồi Ký Một Thời Ðể Mất -1995; Những Người Rách Việc – Truyện Ngắn 1996; Một Ngày Dài Ðăng Ðẳng- Truyện Ngắn 1999; Rừng Xưa Xanh Lá – Chân Dung Văn Học 2002; Biển Và Chim Bói Cá – Tiểu Thuyết 2008.
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn quan niệm: Viết để gạt bỏ mọi phiền muộn, thù hận nhỏ nhen và cả những sợ hãi tiềm ẩn trong lòng, để thanh lọc bản thân ra khỏi những vướng mắc ham muốn của cuộc đời. Có thể nói tâm hồn trong sáng minh tâm kiến tánh của ông, đã giúp ông đứng vững trước muôn ngàn thử thách của cuộc đời, cũng như đã giúp ông ký gửi những cảnh ngộ từng chứng kiến và trải qua trong cuộc đời của những nhân vật. Giữa biết bao điều ngổn ngang của thế sự thăng trầm, ông đã chuẩn bị cho chuyến đi sau cuối của cuộc đời khi đối diện với vũ trụ không cùng, khi… trong một đêm mất ngủ của tuổi già trằn trọc, đột nhiên ông Thuyết nhớ lại đôi mắt của con gái ông vào cái hồi nó mới ba, bốn tuổi. Suốt mấy chục năm gần như đã quên hẳn buổi tối hôm ấy, không một lần nhớ tới đôi mắt đứa con lúc nào cũng quấn lấy ông, đôi mắt khi nó nằm gối đầu lên tay ông, nghe ông kể chuyện. Thế mà đã hơn bốn chục năm. Ông nghĩ thầm trong óc… Bây giờ nó đã ngoài bốn mươi. Hơn mình cả chục tuổi vào cái hồi vợ chồng mình sinh nó. Nó cũng đã quá nửa đời người. Còn mình sắp hết đời. Cuộc đời đúng là vó câu qua cửa sổ. Con bé Phương ngày ấy bây giờ đã là một bà mẹ ba con, sắp có dâu có rể, đầu tắt mặt tối ngoài chợ, luôn tay với những quầy hoa quả, khi xịt nước, khi bày lại, xếp lại, khi đặt lên đĩa cân rồi nhặt vào túi cho khách. Suốt ngày trong tiếng ồn ào, cái ong ong của không khí, của tiếng động. Thằng chồng nó mê gái, hai vợ chồng ly dị, một mình nó nuôi dạy con. Ông lại nói thầm một mình: Thật chẳng ra sao cái kiếp người. [Vũ Trụ Không Cùng, trang 25-26]
Thật chẳng ra sao cái kiếp người còn được nhà văn Bùi Ngọc Tấn kể lại trong cuộc đời của chị Sợi, của những bạn tình một đêm, hai đêm mà chị tiếp trên gác lửng bên cạnh những tấm ván quan tài còn để mộc và chưa ghép mộng của mẹ chị Sợi – một người chỉ nằm chờ chết. Thật chẳng ra sao cái kiếp người còn được ông giãi bày qua cuộc đời cùng cực khốn khổ của bà Mít – đó là một bà già thấp bé, lại còng, mặt chằng chịt vết nhăn, chẳng biết bao nhiêu tuổi nữa. Chính bà Mít cũng không biết mình bao nhiêu tuổi.…Chị thật sự xúc động khi một lần bà Mít đến lôi trong bị ra không phải tiền mà một xếp giấy xi măng đã được giặt sạch sẽ, phơi khô. Và mấy ngày sau lại thêm bốn cái túi đựng bánh kẹo bằng ni lông. Bà cụ gửi chị tất cả. Ðó là vải liệm của bà. Những cái túi bọc bàn chân, bàn tay cho bà khi bà chết… [Truyện Không Tên, trang 152, 155].
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn [1934-2014] quê ở Hải Phòng. Ông bắt đầu sự nghiệp văn chương khi là ký giả của nhật báo Tiền Phong. Nhờ đi nhiều ông thu thập được không ít đề tài để viết, và đã kể lại những điều trông thấy mà đau đớn lòng trong cuộc đời thăng trầm của chính ông, trong cuộc đời của cõi người ta bằng văn phong giản dị, chân thực làm cảm động lòng người. Tác phẩm Vũ Trụ Không Cùng là tuyển tập gồm 17 truyện ngắn của Bùi Ngọc Tấn, do nhà xuất bản Tiếng Quê Hương phát hành năm 2007 là tấm lòng của ông gửi tặng người đọc, như nhà văn Vũ Thư Hiên đã nhận xét.
HNP – 9:17pm Thứ Bảy ngày 16 tháng 8 năm 2015