Menu Close

Nhà thờ đá Phát Diệm

Chiếc xe du lịch 7 chỗ ngồi chở chúng tôi từ Hà Nội đến thị trấn Phát Diệm với khoảng cách 120 Km vào hướng Nam. Khi đến thị trấn, chiếc xe chạy trên con đường dọc theo sông đào Ân Giang để đến nhà thờ Phát Diệm.

nhatho phatdiem 01

Ao Hồ trước nhà thờ Phát Diệm – NGUỒN MYTOUR.VN

Càng đến gần nhà thờ, tôi có cảm tưởng mình đã từng đến đây. Con đường nhỏ quẹo vào nhà thờ, rồi từng viên đá như quen thuộc với tôi tự bao giờ. Tôi nhớ rất rõ những hình ảnh này đã từng đến với tôi trong giấc mơ. Tôi không tài nào giải thích được, vì đây là lần đầu tiên trong đời tôi tìm đến một nơi được mệnh danh là “thủ đô Công Giáo” của Việt Nam. Quang cảnh chung quanh khiến da thịt tôi rơm rớm mồ hôi. Và thật sự, hạt mồ hôi đã đổ xuống từ trán tôi khi tôi bước xuống xe, nhìn thấy Chúa Kitô đang dang tay đón chào trên hòn đảo nhân tạo nằm trong Ao Hồ, chiếc hồ hình chữ nhật rộng khoảng 4 hectares trước Phương Ðình, cổng vào của nhà thờ Phát Diệm.

Nhà Thờ Ðá Phát Diệm tọa lạc tại thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình nơi có cố đô Hoa Lư, thủ đô đầu tiên nước Việt (Ðại Cồ Việt) do vua Ðinh Tiên Hoàng sáng lập (968 -1010). 42 năm sau, Lý Công Uẩn mới dời đô về Thăng Long (Hà Nội).

nhatho phatdiem 01

Năm 1828, Nguyễn Công Trứ được triều đình Huế cử ra Bắc, ông đến huyện Kim Sơn, tạo lập thị trấn từ những đầm lầy ven biển, đặt tên là Phát Diệm (Diễm), tức là nơi phát ra những cái đẹp.

Năm 1865, linh mục Trần Lục được bổ nhiệm làm chánh xứ Phát Diệm. Ông và các giáo dân bắt đầu xây dựng Nhà thờ Phát Diệm năm 1875, đến năm 1899 công trình kiến trúc này mới được hoàn thành trên cơ bản.

nhatho phatdiem 01

Nhà thờ chính tòa Phát DiệmHÌNH WIKIPEDIA

Ðây là một kiến trúc đặc biệt kết hợp giữa Ðông và Tây một cách hài hòa. Linh mục Phêrô Trần Lục (còn được gọi là cụ Sáu) là một người Nho học theo Công giáo. Thế cho nên ông có kiến thức sâu rộng về triết lý Ðông Phương. Và, ông cũng là người muốn cách tân, giữ gìn cái đẹp cũ của phương Ðông và tiếp thu những văn hóa mới của phương Tây. Ðó là nét độc đáo khi ông làm kiến trúc sư cho quần thể nhà thờ đá Phát Diệm.

Quần thể nhà thờ Phát Diệm tọa lạc trên 22 hectares. Trước là hồ nước lớn (Ao Hồ), và sau là ba hòn núi, tất cả đều là nhân tạo (tiền thủy, hậu sơn).

Trên bình diện, quần thể nhà thờ Phát Diệm được sắp xếp cân đối theo phương Tây, mặc dầu được bố cục theo hình chữ Vương, nói đúng ra là hình chữ Chủ, có nghĩa là Chúa (Thiên Chúa). Nhưng kiến trúc của các nhà thờ lại theo cách phương Ðông, như mái ngói uốn cong như mái đình, mái chùa; cửa tam quan, và những điêu khắc ngoạn mục trên đá xanh bằng những hoa văn phương Ðông, nhất là hình ảnh tre trúc, hoa mai, hoa cúc, hoa sen, lá sen của Việt Nam.

nhatho phatdiem 01

Bên hông nhà thờ đá Phát Diệm NGUỒN CP.NET.VN

Quần thể nhà thờ đá Phát Diệm gồm một nhà thờ chính, 5 nhà thờ nhỏ và các công trình khác như Ao Hồ, Phương Ðình, và 3 hang đá nhân tạo. Tất cả được cha Trần Lục chuẩn bị vật liệu xây dựng trong 10 năm và xây cất trong vòng 24 năm mới hoàn thành.

Ðáng nói nhất là Nhà thờ đá, hoàn toàn được xây bằng đá, khởi xây năm 1883 và hoàn thành đầu tiên, có tên là Nhà Nguyện Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội Ðức Mẹ. Nhà thờ này nằm sau nhà thờ chính. Khi bước vào nhà thờ này, tôi không khỏi sững sờ. Không ngờ, các nghệ nhân Việt Nam cuối thế kỷ thứ 19, có thể làm nên một công trình tuyệt tác như thế. Nền, tường, chấn song, cột nhà, các cây kèo được làm mộng đá đan kết nhau chống đỡ mái nhà thờ, cho đến những bức phù điêu cũng được chạm trổ bằng đá. Tất cả bằng đá cẩm thạch hay đá xanh ngọc bích nguyên khối hiếm quý hàng triệu năm, với độ cứng có thể chống đỡ nhà thờ trên trăm năm vẫn vững chãi với thời gian. Có những cột đá nguyên khối nặng hàng chục tấn. Trên đó có những hoa văn chạm trổ tinh xảo, nhẹ nhàng đường nét Ðông phương. Bốn bức phù điêu bằng đá xanh lam chạm trổ mai, trúc, cúc, tùng đại diện cho bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Ðặc biệt bàn thờ đá chạm trổ hoa sen từ nụ, đến lúc hoa nở, hoa tàn, hạt rụng. Giống như thuyết nhà Phật: sinh, lão, bệnh, tử. Giữa lá sen là hình Thánh giá. Ðây là một kết hợp rất tinh tế giữa Phật giáo và Công giáo mà Linh mục Trần Lục muốn gửi gắm sự đoàn kết, hòa hợp trong tôn giáo, nhất là giữa Phật giáo và Công giáo. Ngay cả ngôi mộ của Linh mục Trần Lục sau khi ông mất, chung quanh 4 trụ cũng được giáo dân tạc 4 chiếc hoa sen lớn bằng đầu người hợp với ý nghĩa và công trình tổng thể.

nhatho phatdiem 01

Bên trong nhà thờ chính PHOTO NGÔ HOÀNG

Nhà thờ chính được xây dựng năm 1891, với tên Nhà Thờ Ðức Mẹ Mân Côi, gồm mái nhà ngói như chiếc thuyền úp ngược. Có 5 lối vào. Bên trong, vòm mái cao theo kiểu Gothic như những nhà thờ phương Tây. Có 48 cây cột gỗ lim cao vút để đỡ lấy 4 mái nhà thờ (chia làm 6 hàng). Mỗi cột gỗ lim với chu vi khoảng 2.4 m (hai người ôm mới hết một cây cột), các cây ở hàng cột giữa cao tới 11m, mỗi cây nặng khoảng 10 tấn. Bàn thờ là một phiến đá khối 3m x 0.9m x 0.8m, nặng khoảng 20 tấn, được chạm trổ tinh xảo. Tất cả các vách sau bàn thờ được chạm trổ tinh vi và sơn son thếp vàng rực rỡ, tôn nghiêm.

Phương Ðình (nhà chuông) là công trình được xây dựng cuối cùng 1899, như cổng Tam Quan, ngụ ý ba ngôi: ngôi Cha, ngôi Con, ngôi Thánh Thần. Phương Ðình gồm 3 tầng. Tầng cuối được xây dựng bằng đá xanh, các tầng trên bằng đá phiến. Giữa là một khối đá hình vuông như một chiếc bánh chưng khổng lồ biểu thị là đất. Trên, mái đá vòm tròn, từng viên đá được gắn kết tỉ mỉ, biểu thị là trời. Cột đá được khắc hình những cây tre Việt Nam, nét khắc uốn lượn mềm mại.

nhatho phatdiem 01

Hoa Sen trên mộ Linh Mục Trần Lục  – HÌNH CỦA TÁC GIẢ

Tầng hai treo một trống lớn.

Tầng ba treo chuông đồng, cao 1.4m nặng 2 tấn được đúc năm 1890, chạm trổ tinh xảo.

Mái ngói cong như mái chùa, mái đình của miền Bắc Việt Nam.

Những khối đá xây dựng trong quần thể Nhà Thờ Phát Diệm, được lấy từ núi Nhồi, Thanh Hóa, và cha Trần Lục đã cho đào con sông Ân Giang để di chuyển đá, gỗ và vật liệu xây dựng đến đây.

Khi công trình Phương Ðình hoàn tất thì cha Trần Lục qua đời (1899), để lại cho hậu thế một gia sản khổng lồ về phần tâm linh, cũng như một công trình xây dựng văn hóa có một không hai của Việt Nam.

Ðiều đáng suy gẫm là cha ông ta ngày xưa, tay không, với kỹ thuật đơn sơ mà xây dựng được một công trình vĩ đại như thế. Nhưng bây giờ chúng ta không thể tự xây cho mình một cao ốc xinh đẹp như nước ngoài.

nhatho phatdiem 01

Một phù điêuHÌNH CỦA TÁC GIẢ

VP

Tài liệu tham khảo Wikipedia, internet, Phat-Diem Cathedral.