Với khoảng 260,000 dặm vuông, tiểu bang Texas quả có lớn thật. Nhìn trên bản đồ, phần trên của tiểu bang này có hình dạng giống như cái vồ (búa), chóp đáy có hình như mũi nhọn, với một chiếc cánh xoè ra về hướng tây và phần bụng phình to như muốn nuốt vào trong đó luôn mấy tiểu bang bên cạnh. Với hình dạng đặc biệt như thế, hầu như ai nhìn vào tấm bản đồ chỉ một lần là nhớ ngay tiểu bang này nằm ở vị trí nào của nước Mỹ.
Công viên Klyde Warren – nguồn thedallasartsdistrict.org
Xin kể bạn nghe câu chuyện.
Ngày kia có một người mù quyết định đi thăm Texas cho biết sự tình. Khi bước lên máy bay, được đưa tới ngồi vào chiếc ghế rộng rãi thật thoải mái bèn khen, “Chà, chiếc ghế bự quá!” Người khách ngồi bên cạnh nghiêng qua nói nhỏ, “Thứ gì ở Texas cũng bự cả.”
Khi đến Texas, việc đầu tiên là ông ghé ngay vào một quán rượu. Bước vào trong quán, ông gọi ngay một ly bia và người bồi mang đến cho ông một ly. Áp ly bia vào giữa hai lòng bàn tay, ông ngạc nhiên la lớn, “Chà, ly bia bự quá!” Người bồi bèn ghé tai nói nhỏ, “Thứ gì ở Texas cũng bự cả.”
Sau khi uống cạn hai ly đầy, người đàn ông mù liền hỏi người bồi chỉ dùm lối đi nhà cầu. Người bồi nhanh nhẩu chỉ, “Tới cửa thứ hai thì quẹo phải.” Người đàn ông mù liền nhắm hướng nhà cầu, nhưng không để ý nên đi quá cửa thứ hai và lộn vào cửa thứ ba, là lối dẫn ra hồ bơi và bất ngờ chẳng may trượt chân rớt vào hồ bơi.
Sợ quá, người đàn ông hốt hoảng la lớn, “Đừng giật nước, đừng giật nước!”.
Người đàn ông mù tưởng mình vừa rớt vào bồn cầu.
Kể lại câu chuyện tiếu lâm để bạn hiểu là Texas vẫn bị mang tiếng là thứ gì ở tiểu bang này cũng to cũng rộng cả. Mà điều này đúng chứ không sai. Từ thành phố có thể coi như cực đông của Texas là Beaumont tới thành phố cực tây El Paso là hai điểm nối liền của xa lộ I-10 chạy xuyên ngang tiểu bang dài gần 850 dặm. Nếu đi máy bay thẳng không nghỉ sẽ mất năm tiếng đồng hồ. Nếu phải lái xe không ngừng sẽ mất 12 tiếng. Những tay lái xe vận tải chở hàng xuyên bang mỗi khi phải đi trên con đường này đều ngán.
Tỉ phú dầu hỏa Kelcy Warren – nguồn www.texasbusiness.org
Nhưng cũng có thứ ở Texas, hay nói rõ hơn là ở ngay tại thành phố Dallas không giống như điều mà người Texas vẫn thường tự hào là “thứ gì ở Texas cũng bự cả”. Đó là công viên Klyde Warren, được ví như “một không gian màu xanh trong thành phố”.
Công viên Klyde Warren chỉ rộng 5.4 mẫu Anh. Với diện tích như thế kể như là nhỏ, nhưng để xây công viên giữa một khu đô thị đông đúc thì không thể làm hơn được. Cho nên nó đòi hỏi nhiều sáng kiến và đã được thiết kế rất linh động bao gồm sân chơi cho trẻ em, sân cỏ rộng, vườn hoa, sân khấu trình diễn âm nhạc, bồn phun nước, sân đánh lỗ (putting), tiệm ăn, quán nước, và thậm chí còn có sân chơi dành cho chó và phòng đọc sách – tất cả được sắp xếp khéo léo dọc quanh lối đi bộ hầu như lúc nào cũng tấp nập người. Có thể nói công viên Klyde Warren đã lập được thành tích kỷ lục về xây cất dồn nén trong một diện tích giới hạn như thế.
Nhưng điểm đặc biệt nhất của công viên và cho nó một vị trí riêng biệt không giống bất kỳ một công viên nào khác bởi vì được xây trên sàn (deck park) – nghĩa là công viên này gần như lơ lửng ở trên không.
Chúng ta đã từng nghe truyền thuyết về Vườn treo Babylon nằm trong khu vực Lưỡng Hà, tức xứ Iraq ngày nay, được liệt vào danh sách bảy kỳ quan thế giới. Tương truyền được vua Nebuchadnezzar II xây dựng vào khoảng 600 năm trước Công nguyên cho người vợ là Hoàng hậu Amyitis khuây khỏa nỗi nhớ quê hương.
Xây dựng bên trên chiếc cầu bắc ngang hai bờ của xa lộ Woodall Rodgers, với tám làn đường xe chạy nối liền hai xa lộ 75 và I-35. nguồn thedallassocials.com
Dựa theo các tài liệu lịch sử và một số di tích khai quật thì Vườn treo Babylon không thật sự được “treo” như tên gọi của nó mà là những mảnh vườn nhỏ trên sân thượng của những lâu đài và cầu nối bên cạnh dòng sông Euphrates tạo thành một quần thể cây xanh và hoa cỏ muôn màu muôn sắc giữa một sa mạc khô cằn.
Nếu hiểu theo nghĩa đó thì công viên Klyde Warren cũng có thể được xem như một kiểu “vườn treo” thời hiện đại.
Khi lần đầu tiên ý tưởng xây công viên được đưa ra vào năm 2002, nhiều người cho đây là không thực tế, điên rồ.
Đến năm 2004, nhóm vận động gây được sự chú ý sau khi trình bày khái quát về thiết kế của công viên. Một năm sau đó, được sự hưởng ứng từ nhiều cá nhân và những nhóm đầu tư như ngân hàng, quỹ công trái của thành phố, quỹ xây dựng tiểu bang, quỹ kích thích kinh tế của liên bang, và riêng phần quyên tặng $10 triệu từ tỉ phú dầu hỏa Kelcy Warren. Sau cùng, nhóm vận động đã gây được tổng cộng $110 triệu đủ cho chi phí xây dựng công viên. Công việc gây quỹ diễn ra trong thời kỳ kinh tế cả nước Mỹ đang bị suy trầm.
Được khởi công xây dựng vào năm 2009 bên trên chiếc cầu bắc ngang hai bờ của xa lộ Woodall Rodgers bên dưới với tám làn đường xe chạy nối liền hai xa lộ 75 và I-35. Xa lộ Woodall Rodgers được xem như một đường thẳng cắt ngang và chia đôi trung tâm thành phố Dallas thành hai phần. Sau khi được hoàn tất, công viên Klyde Warren được xem như một hành lang xanh nằm giữa hai con đường Pearl và St. Paul giữ vai trò làm nhịp cầu nối giữa Khu Nghệ thuật (Arts District) phía nam của thành phố và khu thị tứ nhộn nhịp sầm uất phía bắc.
Được khánh thành vào cuối năm 2012, nghĩa là từ khi ý tưởng xây một công viên trên sàn lần đầu được đưa ra cho tới khi công việc xây cất hoàn tất kéo dài 10 năm. Ngay sau khi được mở cho công chúng, công viên Klyde Warren đã trở thành một trong những điểm thu hút không chỉ cho người dân địa phương mà luôn cả nhiều du khác từ khắp nơi trên thế giới khi ghé thăm Dallas.
Vào ngày thường, thời điểm đông người tụ tập là vào buổi trưa và buổi chiều. Buổi trưa, với những nhân viên văn phòng làm việc quanh đấy đi bộ ra ăn trưa được phục vụ bởi những chiếc xe bán thức ăn đậu gần đó. Vừa ăn trưa vừa nghe tiếng chim hót hay tiếng sột soạt trong những lùm cây của những chú sóc đi lạc trong thành phố. Buổi chiều là đông nhất với người đi bộ trên những lối đi trong công viên, người chạy bộ ở bên ngoài, người ngồi trầm ngâm suy tư bên những bàn cờ, hoặc có người ngồi thanh thản đọc sách trên chiếc ghế xếp như thế giới này chỉ còn mình ta với ta.
Vào những buổi sáng cuối tuần, trên những thảm cỏ xanh ngắt ngay bên dưới bóng của những toà nhà cao tầng lóng lánh phản chiếu ánh nắng màu bạc là lớp luyện yoga được đông người tham gia. Gần ngay đó là sân chơi dành cho trẻ em với nhiều chục em đang tận tình nô đùa, leo trèo trên những khung trò chơi của chúng và cách đó không xa là nơi những chú chó xinh xắn đang tung tăng chạy nhảy. Hòa vào âm thanh của những bản nhạc phát ra từ chiếc máy hát của lớp yoga là những tiếng động rì rầm nghe tựa như sóng biển vang lên từ dưới lòng đường của xa lộ bởi những dòng xe cộ đang hối hả ngang qua.
Mặc dù nằm giữa một khu thị tứ ồn ào, nhộn nhịp nhưng ngay khi bước vào khu công viên người ta cảm nhận ngay được sự êm ả mà một công viên có thể mang lại.
Mới đây, công viên Klyde Warren được tờ USA Today liệt kê vào danh sách 10 công viên đô thị độc đáo nhất nước Mỹ với lời nhận xét “là một công viên đẹp, được thiết kế tuyệt vời”.
Một góc công viên – nguồn commons.wikimedia.org
Cuối năm ngoái, đúng vào dịp kỷ niệm hai năm khánh thành, công viên Klyde Warren được tổ chức Viện nghiên cứu Đất đai Đô thị (Urban Land Institute – ULI) trao tặng Giải thưởng Không gian mở Đô thị (Urban Open Space Award) – là giải thưởng hàng năm được trao tặng cho những không gian công cộng lớn nhỏ đã làm phong phú thêm cho các khu vực xung quanh nó và đem lại sức sống mới cho nền kinh tế của địa phương.
Một ban giám khảo quốc tế – bao gồm nhiều chuyên gia nghiên cứu về phát triển đô thị thuộc đủ mọi lãnh vực về tài chánh, kiến trúc, kế hoạch phát triển đất đai, thiết kế và quản trị thành phố – đã chọn công viên Klyde Warren qua nhiều vòng tuyển chọn. Ở vòng chung kết, công viên Klyde Warren đã đánh bại những đối thủ khác như công viên Guthrie thuộc thành phố Tulsa, Oklahoma; công viên Railyard Park + Plaza thuộc thành phố Santa Fe, New Mexico; và công viên Washington thuộc thành phố Cincinnati, Ohio.
Theo nhận định của tạp chí D Magazine, ngay từ khi được khánh thành năm 2012, người ta đã chứng kiến được sự phát triển kinh tế trong khu vực quanh công viên từng ngày. Từ những mảnh đất tầm thường buồn nản nhìn xuống cái “hố” là xa lộ Woodal Rodgers nay đã thành đất vàng đất bạc. Diện tích thuê mướn vượt mức 95%, giá thuê mướn đã tăng gấp ba và nhiều công trình xây cất mới đang được tiến hành.
Với sự thành công vượt xa dự kiến ban đầu của công viên Klyde Warren trong cả hai mặt phục vụ công chúng và phát triển kinh tế, người ta đang phác thảo kế hoạch xây thêm một công viên tầng như Klyde Warren nữa nếu nay mai kế hoạch xây dựng đường xe lửa cao tốc nối liền hai thành phố Dallas và Houston thành hiện thực. Lần này là một công viên tầng nằm bên trên xa lộ I-30 cũng ngay trong trung tâm của thành phố Dallas.
Trong ngày khánh thành công viên Klyde Warren và lần đầu mở cửa cho công chúng vào thưởng ngoạn, khi thấy nhiều bà mẹ có con nhỏ đẩy xe vào dạo công viên thì người ta biết ngay là đã đạt được dấu mốc của thành công ngay ngày đầu. Khổ nỗi là nhiều bà mẹ này không chỉ đẩy xe có con nhỏ mà còn thích mang những đôi giày gót nhọn vào dạo công viên và đã để lại vết tích làm hư hại lớp cao su mềm trải trên lối đi. Chỉ sau một năm, giới chức điều hành công viên đã phải thay lớp cao su mới và dĩ nhiên là cho cắm những tấm bảng cấm không được mang giày gót nhọn vào trong công viên.
VH