Menu Close

Kỳ…!

“Có những khoảnh khắc in hằn mãi vô tâm trí để vương vấn cả đời. Nhớ mãi lần đầu tiên rung động trước cô bạn học khi nhìn cổ ủi áo… cho thằng khác. Ủi vào những góc khó, ủi từ dưới lên, từ trên xuống rồi lại từ trong ra và từ ngoài vô. Khi cổ giở cái áo lên, tôi thề: nó bén hơn lưỡi dao lam. Chỉ cần nhìn cổ làm là biết cổ gởi hết yêu thương vào trong chiếc áo. Thế là mến.

Lần rung động thứ 2 là lúc cô bạn học của cô bạn học qua nhà chơi. Đơm cơm đúng bằng 1/3 chén vì cổ biết tôi muốn chừa chỗ để gắp thức ăn, đứng dậy hâm canh khi tôi ăn hết cơm vì cổ biết tôi thích ăn canh nóng. Thế là thích.

Lần thứ 3 là lúc đón người chị lâu năm không gặp thất lạc ở phi trường. Người này đặc biệt thích màu xanh. Khi đón ở cửa, cổ nhìn thấy tôi, ánh mắt rạng ngời, nụ cười trên môi. Tôi thấy rõ niềm vui bừng lên trong mắt. Cổ đến từ tiểu bang lạnh, khoác chiếc khăn choàng màu xanh. Tôi ở tiểu bang ấm, thời tiết trở lạnh đột ngột, cổ tháo ngay khăn choàng choàng vào cổ cậu. Thắt chặt, buộc kỹ, không chừa chỗ hở để không khí lạnh len vào. Thế là thương.

Dĩ nhiên còn rất nhiều khoảnh khắc làm tôi day dứt cả đời, nhưng vẫn ấn tượng mạnh nhất với những bàn tay chăm sóc đơm đầy gởi gắm những thương yêu. Tôi mến, tôi thích, tôi thương rồi giờ chỉ muốn yêu và được yêu. Cần phải 2 chiều không khoan nhượng. Biết là khó nhưng không thể không có. Tôi thề sẽ yêu chết bỏ Mị nào chạy đến, mắt ánh lên tràn đầy thương yêu, những ngón tay gầy nhẹ nhàng nắm tay tôi, mở ra và đặt vào đó chiếc nơ xinh xinh đính kèm… chìa khóa và chủ quyền chiếc Lexus.”

ky

Bảo Huân

Đó là một đoạn tâm sự của một chàng đầu bếp khá “hot” và dễ thương trải bày về cái sự thích mến thương theo từng cấp độ, từng thời điểm của nửa đời chàng. Lâu rồi, không có tâm sự về tình cảm nào khiến tôi… tâm tư như thế! Cũng không biết từ khi nào mà đàn ông nói về đàn bà chỉ tuyền… “cái đồ đái không qua ngọn cỏ”, đàn bà viết cho đàn ông cũng tuyền những hình dung sầu thảm rồi kết luận, cái đồ… đàn bà!? Còn đâu Titanic, còn đâu Romeo và Juliet, còn đâu Võ Đông Sơ Bạch Thu Hà, còn đâu Chí Phèo Thị Nở, còn đâu Apple và IOS… còn đâu những thiên tình sử, chàng và nàng đều đẹp, đều tốt, đều… “chuẩn men” trong mắt nhau lẫn trong mắt các nhà biên kịch, diễn viên và khán giả!

Bỗng dưng thèm cái nắm tay đắm đuối, nụ cười tràn ngập lòng tin, những câu nói nồng nàn thật thà, đóa “bông bụp” đỏ rực như bức tường lứa đôi cổ tích vĩnh hằng. Đừng cười khẩy, ai mà không biết từ thèm muốn đến có được là một đoạn đường dài, nhất là trong thời đại này, hai chữ vĩnh hằng cần được xóa bỏ. Dù thế nào, nhìn ra đường thử xem, “cái đồ đàn ông” và “cái đồ đàn bà” vẫn đang quấn quýt nhau kia kìa…

À, có ai để ý không, người Nam kỳ rất thích xài từ “cái đồ”. Ví dụ, sáng gặp ai đó hỏi đi đâu, trả lời tao ra chợ kiếm đồ nấu canh chua, tao đi mua đồ, tao đi ăn đồ… buồn buồn gặp đứa không ưa, chống nạnh chửi liền, cái đồ thứ cà chớn cà chụp cà giựt, đồ thứ mất dạy, đồ thứ khó ưa…. hay thỏ thẻ mắng yêu đồ quỷ nà, cái đồ nịnh đầm… này kia đồ!

Cái đồ… ôi cái đồ ai cũng chửi mà ai cũng mê! Cũng giống như vài thứ trên cơ thể, đôi khi nâng niu dữ lắm mà cũng nhiều khi người ta xách ra dán vô mặt người khác, như, cái đồ mặt… mông! Hứa là đã nghĩ về cái mông nhé! Âu đó cũng là một giải thích cho câu hỏi vì sao có “đồ đàn bà” mà không có “đồ đàn ông”, chỉ thỉnh thoảng có “cái thứ đàn ông” thôi. Sao vậy ta? Có lẽ vì bản thân chữ đàn bà đã đẹp, đã nổi bật, nên nó bị so đo cũng lẽ thường. Và điều đó đã chứng minh, đàn ông rất để ý đàn bà và đàn bà cũng rất để ý… đàn bà (khác)! Có để ý tất có yêu, có yêu tất có ghét, mà ai “thấy ghét” nhiều hơn thì thành… cái đồ.

Nói tới sự “thấy ghét” của người Nam kỳ lại càng kỳ cục kẹo, ghét cũng “thấy ghét” mà thương cũng “thấy ghét”… Một cô nàng điểm trang lúng luyến, ngồi ghế đá chờ đợi người yêu, chỉ tới trễ chừng 5 giây nàng đã ỏn ẻn:

“Cái-đồ-thấy-ghét, tới chi giờ này, sao không đợi sáng mai hẳn tới!”

Bà Tám Xệ ngồi trong kẹt xóm tố cáo cô Hai Hồng:

“Cái-đồ-thấy-ghét, suốt ngày õng ẹo như rắn lục.”

Ta nói… chuyện đàn ông và đàn bà luôn là vấn đề muôn thuở. Nhưng chuyện đàn bà và đàn bà với nhau lại càng muôn thuở hơn. Họ yêu nhau, họ ghét nhau chả cần lý do, như người ta xài từ cái đồ này, cái đồ kia; thấy ghét này, thấy ghét nọ. Nhưng ngoài chuyện các “đàn” thì chuyện các “miền” lại càng gay cấn hơn. Mà cũng ngộ nha, sao người ta nói Nam kỳ, Trung kỳ thì không sao, mà cứ gọi Bắc kỳ là bị chửi.

Kỳ!?

DU