Chim quyên ăn trái nhãn lồng trong ca dao ra sao không biết, nhưng đưa tay hái trái nhãn vườn chín cây thơm lừng, lột vỏ đưa vào miệng. Thơm. Ngọt. Cái ngon không chỉ ở vị giác hay khứu giác, mà ở cái cảm giác hái trái của một lần đi vào vườn cây. Trên xứ người. Bởi đâu phải ai lớn lên ở Việt Nam cũng từng có dịp đi vào vườn nhãn hay vườn cây ăn trái. Cái cảm giác thật lạ. Mà nói thật với bạn, nó sẽ là một kỷ niệm nhớ đời, một “lifetime experience” như kiểu người Mỹ vẫn thường nói. Mà có khó khăn gì đâu, chỉ vài giờ bay hay mươi tiếng lái xe. Miami thường thì đã là thành phố du lịch nổi tiếng, có thêm vườn cây ăn trái càng làm chuyến đi bội phần thú vị. Chưa về đến nhà, đã nghĩ sẽ quay lại mùa nhãn tới.
Cú điện thoại mời mọc của vợ chồng người bạn thật hiếu khách tại Miami nghe thật hấp dẫn. “Chương trình” vui chơi nào cũng hứa hẹn lắm điều vui (và lên cân, lên mỡ). Nào là đi câu biển, nướng barbecue ngay biển, đi bar, đi ăn steak, tôm hùm “all you can eat”…, đủ cái vui chơi của thành phố Miami vốn nổi tiếng. Lại đi chung với cả nhóm bạn đông người. Nghe cũng ham nhưng tôi còn lưỡng lự. Đã cuối Hè, công việc bận rộn hơn sau dăm chuyến đi trong Hè và mùa tựu trường cũng chuẩn bị bắt đầu. Nhưng thú thật, nghe thêm chuyện sẽ được chở vào vườn nhãn, vườn xoài hái trái đã làm tôi xiêu lòng. Vì đã vài lần ghé qua Miami hay Fort Lauderdale, vậy mà chưa bao giờ tôi có dịp đi vào những vườn cây ăn trái vốn nổi tiếng ở Miami, dù lần nào cũng nghĩ đến việc sẽ đi. Càng ngày tôi càng nhận ra rằng nhiều người thường hối tiếc về những chuyện không làm nhiều hơn những chuyện đã làm. Thế là mua vé máy bay vậy. Và lên đường.
Quầy trái cây chợ trời
Ngày đầu xuống phi cơ, trên đường ra biển Lauderdale, ghé ngang khu chợ trời đầy tiếng nhạc xập xình ở đây đã thấy vui nhộn với những quầy trái cây nhiệt đới quen thuộc. Nào là nhãn, xoài, chôm chôm, sapoche, mãng cầu, thanh long, mía, dừa, cóc, ổi, khế, bơ, dừa, cam, quýt quen thuộc, phần lớn trồng ở Florida. Hè Miami đúng dịp lắm cây trái. Hawaii hay những đảo quốc Caribbean hay Mỹ La Tinh tôi đã đi qua cũng bắt gặp những cây trái nhiệt đới, nhưng hiếm khi lại thấy đầy đủ cùng lúc như vậy. Cứ như ở Việt Nam. Chỉ khác là người bán hàng là những người Cuba hay Mỹ La Tinh với nụ cười thật rộng. Uống ly nước mía tươi vừa xay, cắn miếng xoài ngâm hay trái cóc chấm muối ớt, cứ ngỡ mình là cậu bé học sinh ăn quà vặt lúc tan học năm nào. Lại nôn nao chuyện đi vườn nhãn hôm sau.
Nhân công gốc Cuba tút lá
Buổi sáng. Bình và Thủy, vợ chồng người bạn “thổ địa” thật dễ thương tại Miami lại gọi điện thoại cho chú Chín vườn trái cây quen biết nào đó. Nghe bảo đó là vườn nhỏ nhưng nhiều loại cây ăn trái, chủ vườn lại gần gũi, cho khách ra thăm vườn để hái và ăn trái chín cây. Chỉ ngặt là chủ vườn không phải khi nào cũng có mặt, phải gọi hẹn. Nhưng Bình gọi từ hai ngày cũng chẳng nhận trả lời, đành đổi địa chỉ, đến vườn Cô M. – là vườn và vựa lớn, được đông đúc du khách ghé đến, có lẽ nhờ đã từng lên truyền hình và phóng sự Vân Sơn. Vườn ở Homestead, vùng ngoại ô Miami chạy khoảng hơn nửa giờ chạy xe. Florida vốn nổi tiếng cam bưởi, cung cấp đến 70 % sản lượng cho nước Mỹ, nhưng ở khu Homestead này lại chuyên về trái cây nhiệt đới. Chưa đến, cứ ngỡ đây là vùng có mươi nhà vườn người Việt, đã có công trồng những loại cây trái nhiệt đới cung cấp cho người Việt và các sắc dân Á Châu. Nhưng nhìn những vườn nhãn, bơ, xoài, thanh long… ngút ngàn hai bên đường, té ra đây là thành phố nhỏ chuyên nghề canh nông, có khí hậu nhiệt đới nên tập trung rất nhiều nhà vườn trồng cây trái nhiệt đới và cung cấp cây giống đã lâu đời. Còn chủ người Việt hay Cao Miên, Lào, Thái Lan chỉ chiếm một số rất nhỏ và chỉ theo chân làm nhà vườn chỉ hai mươi năm đổ lại. Kỹ nghệ nằm trong tay người Mỹ, người gốc Cuba hay Mỹ La Tinh, canh nông có hiệp hội, có kỹ thuật và luôn tìm tòi phát triển những giống cây ăn trái nhiệt đới thích hợp với khí hậu và thổ nhưỡng Florida. Đọc tài liệu, thấy sau cơn bão Andrew hồi năm 1992 đổ vào Florida, tưởng như kỹ nghệ nhà vườn ở đây đã phá sản khi các vườn cây trốc gốc trơ trọi, nhưng nhờ những hiệp hội này đã vận động, khiếu nại để chính phủ bỏ tiền tài trợ, thực hiện thêm các dự án khoa học và kỹ thuật , giúp đỡ để vực dậy kỹ nghệ nhà vườn cây trái nhiệt đới. May mà có “em” (hiệp hội nhà vườn cùng chính phủ), đời còn dễ thương, còn cho trái quả nhiệt đới ta vẫn thường mua bây giờ.
Nhãn tươi vừa cắt
Nhãn đóng thùng chờ chở đi các tiểu bang
Mà thật, nghe những người bạn tại Miami và nhà vườn gốc Việt kể loáng thoáng câu chuyện một người Mỹ có công phát triển những trái cây nhiệt đới có tên Bill tại Florida, tôi về tra cứu và biết thêm câu chuyện thú vị về Bill Whitman- một nhà vườn tự học, đã tận tụy cả cuộc đời mình cho những loại trái cây hoặc quý hiếm hoặc quen thuộc với người dân khí hậu nhiệt đới như nhãn, chôm chôm, mãng cầu, trái dâu, bòn bon… Bill – tên họ đầy đủ là William Francis Whitman Jr. sinh năm 1914 trong một gia đình giàu có tại Chicago nhưng dời về Miami từ nhỏ. Từng phục vụ trong lực lượng tuần duyên thời Đệ Nhị Thế Chiến và học về quản trị kinh doanh, con đường trở thành một nhà vườn, một nhà sinh vật học tự học thật bất ngờ và đáng nể, cả với giới khoa học về động thực vật. Trong một chuyến gióng thuyền sang Tahiti – một đảo quốc thuộc địa và nay là lãnh thổ của Pháp tại vùng Nam Thái Bình Dương (nằm giữa Hawaii và Tân Tây Lan) vào đầu thập niên 50, vì một lý do nào đó mà ông bị hớp hồn bởi các loại trái cây nhiệt đới, để rồi từ đó bỏ cả cuộc đời mình đi theo con đường làm vườn, đặc biệt chú trọng đến trái cây nhiệt đới và các loại cây trái quý hiếm từ khắp thế giới. Thật ra ông không phải là người tiên phong với cây trái nhiệt đới mà là nhà thực vật học David Fairchild (1869-1954) là người đã mang vào Mỹ hàng ngàn cây trái, rau quả vùng nhiệt đới từ khắp thế giới, trong đó phải kể công lao của ông trong các loại quen thuộc như xoài, nectarine, chà là, tre, đậu nành, cùng một số giống lúa…. Nhưng Bill là người thuộc thế hệ tiếp nối và đặc biệt say mê với các trái cây nhiệt đới. Từng cho chở 600 xe tải đất giàu chất acid đến sau vườn nhà tại khu gia cư sang trọng Bal Habor của Miami để ươm trồng, thử nghiệm các loại cây ăn trái lạ, ông từng trồng sầu riêng, chôm chôm, bòn bon và là người duy nhất tại Hoa Kỳ trồng được một cây măng cụt ngoài trời có ra trái (dù vậy chôm chôm, sầu riêng, măng cụt vẫn chưa thể trồng đại trà tại Florida). Được coi là có công đóng góp gần một trăm loại cây trái nhiệt đới cho nước Mỹ, trong đó phải kể đến loại nhãn hạt tiêu Kohala vỏ mỏng, dày cơm thơm ngọt từ Hawaii được ông mang về trồng và phát triển tại Florida, hiện là thứ nhãn quen thuộc được bán khắp thị trường Bắc Mỹ, Bill xứng đáng cho những sắc dân Á Đông nói chung và các nhà vườn gốc Việt ghi ơn và biết đến khi ăn những trái quả quen thuộc tươi ngon.
Các nhân công nhà vườn gốc Haiti
Khi chúng tôi đến nhà vườn, đã có vài chiếc xe của du khách đã đậu sẵn. Hỏi chuyện dăm người, thấy phần lớn là đến từ tiểu bang xa. Vườn cô M. – tên gọi vườn trái cây chúng tôi đến, không biết bao rộng, nhưng đang vào mùa nhãn, nhìn những thùng nhãn vừa cắt từ vườn chở vào tươi rói thật thích mắt. Trong xưởng khá rộng là những nhân công gốc Cuba, phần đẩy xe nhãn mới hái vào, phần ngồi tỉa lá, tỉa nhánh hay đóng thùng chở đi xuyên bang. Nhưng thú thật, đó không phải là nhà vườn chúng tôi muốn tới. Chắc được truyền hình và trung tâm ca nhạc giới thiệu nên du khách từ xa cứ đồn nhau mà tới, nhưng nhà vườn này như là một vựa trái cây, chỉ bán trái chứ không cho du khách thăm vườn. Nhãn và vài loại trái quả khác thì quả có nhiều, nhưng khách đến cốt tìm vui, muốn thăm vườn bên cạnh việc mua về làm quà. Nhưng tôi cũng lân la hỏi chuyện, biết cô người gốc Biên Hòa đã từng làm vườn từ hồi còn ở Việt Nam. Hỏi thăm vài loại trái cây quen thuộc không thấy, cô bảo Miami chẳng trồng được chôm chôm, măng cụt hay sầu riêng, những loại cây rất nhạy với cái lạnh và thổ nhưỡng (không biết dăm chợ Á Đông quảng cáo “chôm chôm Florida” là từ đâu, nhưng hỏi chuyện những người bán hàng bản xứ ngoài chợ thì họ cũng cho biết chôm chôm nhập từ các nước Mỹ La Tinh lân cận?). Chỉ có nhãn, vải là tươi tốt vì chịu lạnh tốt hơn. Du khách ghé Miami đầu Hè tháng 6,7 đã rộ mùa vải, còn thì giữa cuối Hè cũng rộ nhãn, xoài, bơ, thanh long, ổi…, đủ để vui cùng những vườn trái cây và nhiều thứ khác như tôi đã bắt gặp ở chợ trời nói trên . Lại móc điện thoại gọi vườn chú Chín. Vẫn không liên lạc được. Bình và Thủy đành chở chúng tôi đến một vườn ươm cung cấp cây giống của một người Mỹ khác. Bảo là đồn điền có lẽ đúng hơn với kích cỡ của nó, khi Tony – chủ hay con trai chủ vườn còn rất trẻ bảo rằng, “vườn” của anh rộng hơn 70 mẫu Tây, vừa là vườn ươm cung cấp cây giống và vườn cây ăn trái. Cây giống cũng đủ loại trái cây nhiệt đới quen thuộc, ai thích làm vườn hay có nghề làm vườn ắt sẽ dễ dàng có một vườn cây trái chẳng khác vườn trái Lá Thiêu hay Long Khánh. Những cây nhãn giống chiết cành chỉ cao ngang đầu gối đã có những chùm nhãn thật xinh xắn, nghe bảo trồng và chăm sóc cẩn thận chỉ vài ba năm đã có nhãn ăn. Chỉ tiếc cái vườn nhãn ngay sát đó đã thu hoạch, chỉ còn sót lại vài cây cho trái muộn. Cũng đủ cho khách phương xa chụp hình làm dáng và ăn dăm trái chín cây lấy … cảm giác nhà vườn. Florida cũng có tre, có trúc, muốn có tấm hình “lá trúc che ngang mặt chữ điền” (Hàn Mặc Tử) cũng có, nhưng vào vườn nhãn thì chụp hình “lá nhãn che ngang…” cũng thú vị vậy.
Hái thanh long
Về lại Dallas, bỏ vài tấm hình những chùm nhãn căng tròn, xanh lá lên facebook hay kể chuyện thăm vườn cho dăm người bạn, ai cũng háo hức muốn một lần được thăm nhà vườn Miami. Kể cũng lạ, tôi chẳng biết phải lý giải làm sao, đi những vườn cây trái dâu, trái táo ở đây cũng thật vui, nhưng chẳng có cảm giác bồi hồi, xúc động như bắt gặp buồng chuối, trái khế, trái cóc, trái mít quen thuộc. Có lẽ nó gợi nhớ cho mình một chút gì quê xưa hay một điều gì đó chăng? Chẳng dính gì đến vườn cây ăn trái, dưng không lại nhớ đến mấy câu thơ của Nguyên Nhi:
“Bên đó mùa này ngọn chướng lật,
rách bương tàu chuối sau hè,
con nhớ má đầu trần chân đất,
lò dò mấy ngõ đường quê…”.
Khách mua nhãn giống
ĐYT – Dallas, 08/2015