Tiểu bang Pennsylvania lạnh quá nên Ba Má, các em và các cháu tôi đã di chuyển qua Fort Smith, Arkansas trong khi tôi ở lại tiếp tục làm việc ở Lehighton Electronics. Má tôi thường xuyên gọi phôn bảo tôi sang Fort Smith luôn. Năm 1978 tôi sang Fort Smith và chuẩn bị đi thi bằng lái thì cô em tôi nói, “Chị đi thi thì đi ngày Thứ Ba. Đi ngày khác là rớt đó!” Tôi ngạc nhiên hỏi cô em, “Sao đi thi ngày khác lại rớt?” Cô em tôi bảo, “Chỉ có một Ông Cảnh sát cho người Việt Nam đậu thôi, mà ngày Thứ Ba là phiên Ông Cảnh sát đó giám sát thi viết và thi lái. Đi ngày khác sẽ gặp các người cảnh sát khác.”
Tác giả trong một nhà thờ cổ ở Washington DC.
Hôm đi thi tôi mang theo cuốn tự điển. Bước vào phòng thi viết có bàn viết cho từng người, phía trên có bục của người giám sát như một lớp học, tôi bước đến hỏi ông, “Tôi có thể dùng tự điển không?” Ông bảo, “Được” và còn bảo “Take your time.” Lúc nộp bài ông bảo tôi ngồi chờ một chút. Ông chờ những thí sinh khác nộp bài, rồi gọi thêm hai người cảnh sát giao cho họ dẫn mấy thí sinh (người Mỹ) kia đi thi lái. Ông quay sang bảo tôi đi theo ông, từ trong building đi ra chỗ tôi đậu xe, ông hỏi tôi lái xe có giỏi không? Ông Cảnh sát là giám khảo hỏi tôi lái xe có giỏi không, liệu các bạn có dám trả lời rằng mình lái xe giỏi không?! Làm sao tôi dám múa rìu qua mắt thợ! Tôi trả lời, “Tôi nghĩ là tôi lái xe không giỏi.” Ông bảo, “Không giỏi thì phải luôn nhớ cái thắng nhé!” Lúc ấy tôi mới hiểu, thì ra là Ông sợ tôi lái không giỏi mà bị accident thì gây thương tích cho cả Ông luôn. Ông chỉ những con đường ông muốn tôi đi, khi gần ra xa lộ ông bảo đi trong service road thôi – tôi nghĩ có lẽ vì tôi đã nói là tôi lái xe không giỏi. Trở về trụ sở ông cho tôi biết là tôi thi đậu.
Đối với người Việt Nam ở Fort Smith dạo đó thì ông cảnh sát này rất đặc biệt, vì chỉ có Ông cho thí sinh người Việt Nam thi bằng lái đậu, hễ gặp cảnh sát khác là rớt hết. Thời gian qua đã lâu nên tôi không nhớ tên ông, tôi tạm gọi ông là Gerard trong bài này (Gerard là tên Ông Bảo trợ của tôi).
Có lần tôi đi bác sĩ, đến nơi, vừa ra khỏi xe thì gặp một cô Việt Nam từ phòng mạch đi ra nước mắt đoanh tròng. Tôi hỏi thăm và cô kể rằng trước khi đến phòng mạch, cô thi bằng lái xe lần thứ bốn nhưng vẫn bị rớt nên không sao cầm được nước mắt. Tôi hỏi lý do bị rớt, cô bảo vì cô không giữ cho xe chạy thẳng được. Tôi chỉ cho cô, khi lái xe đừng nhìn chằm chằm vào mũi xe, cứ nhìn thẳng và tự tin mà lái thì xe chạy thẳng. Tập như vậy mấy hôm và đi thi đúng ngày Thứ Ba thì sẽ đậu. Mấy tuần sau gặp tôi ở chợ cô mừng lắm và khoe rằng đã có bằng lái rồi. Một bà quen với Má tôi kể, bà đi thi lái đã nhiều lần, nhưng lần nào cũng vậy, cứ đến lúc cảnh sát bảo đậu parallel là bị chấm rớt vì bà không làm được. Sau lại, nhờ có các người Việt Nam khác chỉ, bà đi thi ngày Thứ Ba gặp ông Gerard, ông không bắt bà đậu parallel và ông còn dặn rằng, “Không đậu parallel được, mỗi khi gặp tình huống như vậy thì nên đi kiếm chỗ khác mà đậu nhé.”
Một ông người Việt lớn tuổi làm cùng hãng với Ba tôi, mỗi khi từ đường nhỏ quẹo ra đường lớn, ông rất nhát và cứ ngừng ở đó mãi không dám quẹo. Con cháu của ông tập cho ông mãi ông vẫn không dám đi thi. Người làm cùng sở và con cháu khuyến khích mãi rồi ông cũng nghe theo, hôm đi thi một đứa cháu cùng đi với ông và nói cho ông Gerard biết tánh nhút nhát của ông mỗi khi phải quẹo ra đường lớn. Ông Gerard bảo, “Nếu vậy thì đừng lái xe vào những giờ cao điểm (rush-hour), còn đi làm thì nên đi chung xe với người khác.” Và ông Gerard cũng cho ông ấy đậu. Người không biết Anh văn, mang theo người thông dịch đến xin thi viết hoặc xin thi vấn đáp, ông Gerard cũng đồng ý – đương nhiên là ông biết người thông dịch chỉ cho thí sinh những câu đúng nhưng ông vẫn cho đậu.
Một ký giả của báo Southwest Times Record (Fort Smith, AR), một lần phỏng vấn ông Gerard để viết một bài về ông. Ký giả đó hỏi ông, “Đa số người Việt Nam mới đến Mỹ không biết Anh văn và lái xe không chuẩn. Nhưng tôi nghe nhiều người nói rằng nhiều thí sinh đã bị những cảnh sát khác chấm rớt, khi thi lại họ lái vẫn không khá hơn, vậy tại sao ông lại cho họ đậu và cấp bằng lái?” Ông Gerard trả lời, “Các người tỵ nạn Việt Nam đó họ rất có trách nhiệm và muốn ổn định cuộc sống gia đình của họ. Không có bằng lái, làm thế nào họ có thể lái xe đi làm, không lẽ chúng ta muốn thêm gánh nặng cho Welfare hay sao?” Ông quả là người viễn kiến và hiểu sâu rộng!
Tôi tin rằng mọi gia đình người Việt ở Fort Smith thời điểm đó vẫn còn nhớ ơn Ông Gerard vì ông là người cảnh sát giàu lòng nhân từ đã giúp cho người Việt Nam phương tiện để ổn định cuộc sống ngay từ những bước đầu ở xứ Mỹ. Và tôi là một trong các thí sinh mà Ông chấm cho đậu ngay lần thi đầu. Thank you the benevolent officer! We owe U.
MT – Waco, TX