Đúng vào thời điểm Trung Quốc khiến thế giới xôn xao vì giảm giá tiền tệ, vì thảm họa xảy ra sau vụ nổ tại thành phố cảng Thiên Tân, bài viết của Ký Giả Leslie T. Chang về “Tiếng Nói Của Người Công Nhân Trung Quốc,” về đời sống của những người thầm lặng, nhưng đã góp bàn tay trong việc sản xuất hàng hóa cho cả thế giới tiêu dùng, giúp cộng đồng nhân loại hiểu rõ hơn về suy nghĩ của người lao động tại Trung Quốc.
Ảnh minh họa. NGUỒN: NEWS.ZING.VN
Trong cuộc tranh luận đang diễn ra về vấn đề toàn cầu hóa, những gì thiếu sót chính là tiếng nói của công nhân. Hàng triệu người đã lên thành phố làm việc cho các nhà máy ở Trung Quốc, cũng như tại các quốc gia mới phát triển khác. Họ là công nhân sản xuất những hàng hoá được bán trên toàn thế giới. Ký giả Leslie T. Chang đã gặp những nữ công nhân làm việc tại một trong số những thành phố lớn của Trung Quốc, và thuật lại những câu chuyện về họ.
Ký giả Leslie T. Chang đặt vấn đề về những người lao động sản xuất hàng hóa cho cả thế giới tiêu dùng. Hãy tưởng tượng các thiếu nữ nông thôn kiếm được ít hơn một Mỹ kim trong suốt một giờ khâu giày thể thao cho mọi người. Hay một chàng trai trẻ Trung Quốc, nhảy từ trên mái nhà xuống, sau khi làm thêm giờ để lắp ráp chiếc iPad cho bạn. Nhân loại, những người hưởng lợi ích từ việc toàn cầu hóa, dường như bóc lột các nạn nhân này bằng tất cả mọi thứ chúng ta mua sắm, và bất công nằm trong chính những sản phẩm đó. Cuối cùng, có gì sai trong thế giới hôm nay, khi một người công nhân trong dây chuyền sản xuất iPhone, đã không thể mua một cái cho chính họ? Những nhà máy Trung Quốc luôn áp bức công nhân, và nhu cầu mua hàng giá rẻ của thế giới đã khiến họ trở thành người bị bóc lột.
Câu chuyện đơn giản về nhu cầu của người Phương Tây, và sự chịu đựng của người Trung Quốc rất đáng được chú ý, đặc biệt trong thời điểm gần như ai cũng thấy có lỗi vì tác động của bản thân áp đặt lên thế giới. Nhưng cảm giác này không hề chính xác, mà có phần thiếu tôn trọng. Người ta quá tự tin khi nghĩ rằng, họ có sức mạnh làm mười triệu người ở phía bên kia của thế giới di cư và chịu khổ theo những cách khủng khiếp như vậy. Trên thực tế, Trung Quốc sản xuất hàng hóa cho nhiều thị trường trên toàn thế giới kể cả ngay trong lục địa, vì những lý do sau đây: Chi phí thấp; lực lượng lao động đông và được giáo dục; một hệ thống sản xuất linh động có thể đáp ứng nhanh với nhu cầu thị trường. Vì tập trung quá nhiều vào bản thân và lợi ích của bản thân, người ta đã biến những cá nhân ở bên kia nửa vòng quay trái đất thành tàng hình, nhỏ bé và dễ thay đổi như những thiết bị nhỏ bé của một chiếc điện thoại.
Tuy nhiên công nhân Trung Quốc không bị bắt làm việc cho các nhà máy, để phục vụ nhu cầu vô hạn về iPod của cộng đồng nhân loại. Họ chọn rời khỏi nhà mình để kiếm tiền, để học những kỹ năng mới, và để nhìn ra thế giới. Trong cuộc tranh luận đang diễn ra về toàn cầu hóa, những gì đang mất đi là tiếng nói của chính các công nhân. Ký giả Leslie T. Chang đã dành hai năm trở thành bạn hữu với công nhân làm việc trong hệ thống dây chuyền lắp ráp tại thành phố Ðông Quảng. Họ trao đổi và nói về một vài chủ đề quen thuộc nhất định, chẳng hạn như kiếm được bao nhiêu tiền; họ hy vọng kết hôn với mẫu người đàn ông như thế nào; liệu họ có nên bỏ nhà máy cũ, đến làm tại một nhà máy khác hay không. Có những đề tài khác gần như không bao giờ được nhắc đến, bao gồm cả điều kiện sống mà ký giả Leslie T. Chang xem như là tù ngục: Ðó là thực trạng 10 hoặc 15 công nhân ở trong một căn phòng; 50 người dùng chung một phòng tắm duy nhất; ngày và đêm bị cai trị bởi chiếc đồng hồ của nhà máy. Bản thân người công nhân và tất cả những người họ biết đều sống trong những hoàn cảnh tương tự. Nói thực lòng vẫn còn tốt hơn so với các ký túc xá và nhà ở tại vùng nông thôn Trung Quốc.
Các công nhân ít khi nói về sản phẩm họ làm ra, bởi vì họ thường gặp nhiều khó khăn trong việc giải thích chính xác những gì họ góp phần sản xuất. Khi hỏi Lu Qingmin hay còn gọi là Min – cô gái trẻ mà ký giả Leslie T. Chang thân thiết nhất – về những gì cô đã làm trong nhà máy; Min đã nói điều gì đó với Leslie T. Chang bằng tiếng Trung Quốc, có vẻ như “qiu xi.” Chỉ sau đó, người nữ ký giả này mới nhận ra rằng Min nói về “QC,” hay còn gọi là kiểm soát chất lượng. Cô Min thậm chí không thể diễn giải rõ ràng những gì cô đã làm tại nhà máy.
Karl Marx coi đây là bi kịch của chủ nghĩa tư bản, sự xa lạ của công nhân đối với sản phẩm từ chính nhà máy của họ. Không giống như một người thợ làm giày hoặc làm tủ thờ tủ quần áo truyền thống, nhân viên nhà máy không có sự kiểm soát, không có niềm vui, không có sự hài lòng thật sự hay sự hiểu biết công việc riêng của họ. Nhưng như nhiều giả thuyết mà Karl Marx đã đặt ra, khi ngồi trong phòng đọc sách của viện bảo tàng Anh, ông đã sai trong việc nhìn nhận vấn đề này. Bởi vì một người đã dành thời gian làm việc trong một công đoạn để làm thành sản phẩm, không có nghĩa là họ sẽ trở thành một phần của những sản phẩm đó. Những gì họ sẽ làm với đồng lương hàng tháng; những gì họ học được từ hãng xưởng, và làm thế nào để sự học hỏi này có thể thay đổi đời sống của họ – đây mới chính là điều quan trọng.
Báo chí hay nói đến các nhà máy Trung Quốc, bởi vì đây là ngọn nguồn nói lên mối quan hệ giữa công nhân và sản phẩm họ làm ra. Nhiều bài viết ước tính: Người công nhân sẽ phải làm việc trong bao lâu, để đủ tiền mua sản phẩm do anh ta tạo ra? Thí dụ, công nhân mới vào nghề làm trong dây chuyền lắp ráp tại Trung Quốc, trong khu công nghiệp sản xuất iPhone, sẽ phải để dành hai tháng rưỡi tiền lương nếu họ muốn mua một chiếc iPhone. Nhưng thử hỏi, sự tính toán này có ý nghĩa như thế nào với công nhân?
Ký giả Leslie T. Chang nói rằng: Các công nhân có mối quan hệ trừu tượng đáng ngạc nhiên với sản phẩm do họ tạo ra. Họ thường mua tặng gia đình, bạn hữu, những món hàng do nhà máy của họ sản xuất. Chẳng hạn như Min thường mua túi xách trong hãng tặng cho người thân, bạn hữu. Trong thế giới của cô, túi xách hiệu Coach tượng trưng cho một loại tiền tệ gây tò mò. Chúng không chính xác là vô giá trị, nhưng khác xa với giá trị thực tế, bởi vì hầu như không một ai mà chị em Min quen biết lại muốn sắm một túi xách hiệu Coach, hoặc muốn biết túi xách giá bao nhiêu tiền. Một lần, khi một người bạn của chị gái Min lập gia đình, chị ấy đã mang theo một cái túi xách mừng đám cưới. Một thời gian sau, khi Min không còn là công nhân của nhà máy sản xuất túi xách, em gái của Min đến thăm cũng mang theo hai cái túi Coach Signature làm quà tặng.
Về điểm này những đại luận thuyết của Karl Marx, gần như chẳng làm được gì cho những người công nhân như Min. Trong một email gửi cho ký giả Leslie T. Chang, Min nói: “Một người nên có một số tham vọng khi còn trẻ, để lúc về già họ có thể nhìn lại cuộc đời và hài lòng vì họ đã sống có mục đích.”
Trên khắp Trung Quốc, có 150 triệu người lao động như Min, một phần ba trong số họ là những cô gái đã rời bỏ làng quê, đến làm việc tại các nhà máy, các khách sạn, các nhà hàng và các công trình xây dựng tại những thành phố lớn. Cùng với nhau họ tạo ra cuộc di cư lớn nhất trong lịch sử – đấy là sự toàn cầu hóa. Sự kiện này bắt đầu tại một ngôi làng thuộc vùng nông thôn nào đó của Trung Quốc, để rồi kết thúc bằng những chiếc iPhone trong túi, những đôi giày Nikes đi dưới chân, và những chiếc túi xách mà mọi người mang trên tay. Chính điều này đã thay đổi cách sống, quan niệm kết hôn, và suy nghĩ của người công nhân Trung Quốc. Rất ít người trong số họ muốn trở lại với đời sống trước đây, một đời sống đơn điệu tại làng quê chân lấm tay bùn.
Ký giả Leslie T. Chang giữ chiếc ví hiệu Coach mà Min tặng cho cô, để nhắc nhở bản thân về mối dây ràng buộc giữa cô với những cô gái trẻ mà cô đã viết về họ Xét về bản chất đây là mối quan hệ không đo lường bằng tiền, mà bằng ký ức và kỷ niệm cá nhân. Chiếc ví cho ký giả Leslie T. Chang hiểu rằng, những điều người ta tưởng tượng khi ngồi trong văn phòng hay trong thư viện, không phải là những gì họ thực sự tìm thấy khi bước xuống cuộc đời.
HV – 2:15am Thứ Bảy ngày 22 tháng 8 năm 2015