Menu Close

Dưa Hấu: Trái cây giải khát và ngừa bệnh rất nên dùng

Trong kho tàng văn học Việt Nam, có câu chuyện về sự tích quả Dưa Hấu với truyền thuyết An Tiêm bị đày ra hoang đảo, nhờ chim từ phương Tây bay sang làm rơi hạt giống nên trồng được Dưa Hấu, và đem về dâng Vua để được tha tội. Có lẽ cũng vì Dưa Hấu không có trong nội địa Trung Hoa nên người Tàu đã gọi Dưa Hấu là Tây-qua để chỉ loại Dưa du nhập từ phương Tây?

trai duahau

Ảnh minh họa. NGUỒN: VIETQ.VN

TÊN KHOA HỌC

Citrullus Vulgaris hay Citrullus Lanatus thuộc họ thực vật Cucurbitacea. Mỹ gọi dưới tên Watermelon. Pháp gọi là Melon d’eau, Pastèque. Tên Mễ là Sandia. Đông Y gọi dưới tên Tây-qua với phiên âm Xi-gua. Ấn Độ gọi là Tarbuj (Phạn ngữ ghi là Tarambuja).

LỊCH SỬ VÀ ĐẶC TÍNH THỰC VẬT

Dưa Hấu có lẽ là một trong những trái cây lớn nhất mà mọi người đều ăn. Quả Dưa Hấu có thể nặng trên 20kg và hình dạng có thể từ tròn trịa đến bầu dục, và cũng có lúc các nhà trồng trọt tính ra Dưa Hấu hình Vuông để dễ chuyên chở. Dưa Hấu có nguồn gốc từ Phi Châu và đã được trồng từ hơn 4 ngàn năm. Hiện nay được trồng ở khắp các vùng nhiệt đới trên thế giới, kể cả vùng Nam Hoa Kỳ. Tại Việt Nam, vùng trồng Dưa Hấu nổi tiếng nhất là vùng Cồn giữa 2 sông Tiền và Hậu Giang, với loại ngon nhất có lẽ là Dưa Hấu Cổ Chiên.

Có khá nhiều loại Dưa Hấu, do đó tùy loại có thể có hình dạng khác nhau, đồng thời ruột cũng nhiều màu khác nhau, có thể là đỏ, vàng và cả trắng (xanh nhạt). Câu “xanh vỏ đỏ lòng” có lẽ mô tả về Dưa Hấu là đúng hơn cả.

Ngoài ra, cũng có loại Dưa Hấu chỉ trồng để lấy hạt mà thôi. Hạt Dưa Hấu rang chín, nhuộm đỏ là món ăn không thể thiếu vào mỗi dịp Tết. Dưa Hấu là một cây leo, thích hợp với khí hậu nóng. Cây được phủ bởi một lớp lông tơ màu xám, lá khá lớn, chia thành thùy hoặc đốt. Hoa Dưa Hấu chia làm 2 loại. Đực và Cái với Hoa mọc ở đầu ngọn có bầu hoa nhiều lông, khi thụ phấn phát triển thành quả tùy giống, tròn hoặc bầu dục. Trái có thể có màu da xanh hoặc đen. Hạt Dưa Hấu có khả năng nảy mầm tiềm ẩn đến 6 năm. Cứ 5 đến 6 hạt cân nặng 1g.

Những giống Dưa Hấu nổi tiếng tại Hoa Kỳ gồm:

. Cole’s Early: Trái tròn, cỡ trung bình khoảng 5kg, vỏ màu xanh đậm có sọc màu nhạt hơn, thịt chắc, màu đỏ sậm.

. Cream of Saskatchewan: Trái tròn cỡ 3 đến 6kg vỏ mỏng, xanh lợt có sọc xanh đậm, thịt trắng nhạt rất ngọt.

. Moon & Stars: có lẽ du nhập vào Mỹ từ giống Dưa Hấu Volga của Nga. Trái cỡ trung bình khoảng 12 -15kg. Thịt màu hồng nhạt, da màu xanh nhưng có điểm những vùng vàng.

. Tom Watson: Đây là giống cho trái lớn nhất cỡ 12-15kg, trái bầu dục dài 50-55cm. Da xanh láng có sọc đậm hơn, thịt đỏ xốp rất ngọt. Giống Dưa này được ưa chuộng tại Mỹ.

. Red Seeded Citron: Giống Dưa đặc biệt không dùng để ăn trái, nhưng dùng để muối hoặc làm mứt ngọt dùng trong Bánh Mứt trong dịp lễ Giáng Sinh.

. Klecley Sweet (Monte Christo): Quả bầu dục, vỏ xanh xám, thịt màu đỏ đậm, rất ngọt nhưng hạt màu trắng.

Theo Lý Thời Trân thì Dưa Hấu được du nhập vào Trung Hoa vào thế kỷ thứ 10 và việc dùng Dưa Hấu để chữa bệnh được ghi chép lần đầu vào thế kỷ 14. Các bộ phận dùng làm thuốc gồm: Da láng bên ngoài (sau khi loại bỏ cùi trắng), Hạt, Vỏ của Hạt, Rễ, Lá và dĩ nhiên là phần thịt đỏ của quả.

Phần thịt, thường màu đỏ, thường được xem là có tính cách thanh nhiệt, trị khát và làm lợi tiểu..thường dùng để làm giảm sức nóng mùa hè, hạ sốt, khó tiểu tiện, táo bón, đau lở miệng, sốt vàng da, sưng bàng quang và sưng thận.

Phần Da xanh, cũng dùng như phần thịt, có thể dùng để trị bệnh huyết áp cao và tiểu đường. Ngoài ra phần da xanh này khi đốt thành tro có thể tán mịn để đắp lên các vết sưng tấy.

Nước cốt Dưa Hấu lên men tự nhiên có thể được dùng để trị các loại phỏng. Theo một phương thức ghi trong “Các Thang Thuốc Cổ Truyền của tỉnh Hồ Bắc” thì Nước lên men này được chế biến như sau: Để một trái Dưa Hấu chín (sau khi gọt bỏ phần vỏ xanh) trong 1 bình thủy tinh sạch, đậy kín, ở nhiệt độ bình thường trong 3 đến 4 tháng. Lọc và dung dịch có mùi mận chua sẽ có thể dùng để đắp lên chỗ phỏng, sau khi đã rửa chỗ phỏng bằng dung dịch muối đẳng trương. Thoa mỗi ngày nhiều lần. Và theo như ghi trong sách thì vết phỏng sẽ lành trong 1 đến 2 tuần lễ.

. Dưa Hấu trong Dược học Ấn Độ:

Dược học Ấn Độ cũng dùng Dưa Hấu để giải khát nhưng lại xem Hạt Dưa như một phương thuốc Bổ Dương, ép hạt để lấy Dầu dùng thay cho hạt Hạnh Nhân.

THÀNH PHẦN HÓA HỌC:

100g phần thịt của Quả Dưa Hấu chứa:

–          Nước                                     92.6g                     Chất Đạm                            0.5g

–          Vitamin A                            690 IU                   Vitamin B1                          0.03mg

–          Riboflavin                            0.03mg                 Vitamin B6                          0.033mg

–          Niacin                                    0.2mg                    Vitamin C                             7mg

–          Biotin                                    4 micro g              Potassium                           100mg

–          Calcium                                7mg                       Phosphorus                        10mg

–          Chất Bột/ Đường                 6.4g

Ngoài ra còn có vitamin P, một số Amino acid như Citrulline và một sắc tố đặc biệt Lycopene. Phần cùi trắng của Vỏ Dưa Hấu chứa khá nhiều Sodium nên những người huyết áp cao nên tránh ăn phần này. Người Đan Mạch hay dùng phần cùi trắng để muối thành một loại dưa chua. Phần Vỏ Xanh bên ngoài của Dưa Hấu chứa nhiều sắc tố Chlorophyl.

Những nhà trồng trọt ngày nay có khuynh hướng tạo ra loại Dưa Hấu không hạt, nhưng thật ra Hạt Dưa Dấu được dùng tại Canada như một loại thuốc an thần.

ĐẶC TÍNH DƯỢC HỌC

. Khả Năng Chống Oxy Hoá Ngừa Ung Thư:

Dưa Hấu do sự hiện diện của Lycopene, một chất chống oxy hoá rất mạnh, có khả năng bảo vệ cơ thể chống lại một số bệnh ung thư.

Khi thử nghiệm trên Chuột: Lycopene cho thấy khả năng làm chậm tiến trình phát triển tế bào bị ung thư, đồng thời bảo vệ tế bào chống lại các tác hại của các hoá chất “gây ung thư” (carcinogen). Lycopene cũng còn bảo vệ DNA trong các tiến trình sinh học.

Một thử nghiệm thực hiện tại Trung Tâm Nghiên Cứu Ung Thư Aviano (Ý Đại Lợi) cho thấy những người ăn thực phẩm có Lycopene mỗi ngày trong tuần có khả năng giảm bớt được nguy cơ bị các bệnh ung thư bao tử, bang quang và ruột già được 50% so với những người không dùng Lycopene. Khi so sánh thành phần dinh dưỡng của 575 người mắc bệnh ung thư ruột già với 778 người bình thường, một nghiên cứu thực hiện tại Thụy Sĩ (1995) cho thấy người không mắc bệnh đều dùng nhiều Lycopene hàng ngày. Một cuộc thí nghiệm khác, thực hiện tại Đại Học Havard (1997) cho thấy người dùng nhiều Lycopene ít bị ung thư nhiếp hô tuyến (Prostate) hơn người thường khoảng 20% . Lượng Dưa Hấu được khuyên nên dùng mỗi ngày là 50 đến 100g.

. Khả Năng Ngừa Các Bệnh Tim Mạch:

Cũng do Lycopene, Dưa Hấu có khả năng bảo vệ được các tế bào thành mạch máu, làm chậm tiến trình lão hoá của tế bào, do đó giúp mạch máu dẻo dai hơn và ngăn ngừa được các biến chứng tim mạch.

. Dưa Hấu và Bệnh Viêm Xoang Mũi:

Trong Bệnh Viêm Xoang Mũi, các tế bào trong vách của Xoang mũi không có đủ Glutathione và các chất kháng oxy cần thiết để cân bằng được các nhóm gốc tự do nên gây ra những phản ứng nơi mũi như nghẹt mũi, chất nhày mũi màu vàng xanh, đau nhức trong mũi và dưới mắt. Một thí nghiệm tại Hoà Lan (1997) cho thấy Dưa Hấu chứa nhiều Glutathione có tác dụng rất tốt để làm giảm bớt các triệu chứng khó chịu này. Vậy quý vị bị Viêm Xoang Mũi nên thử dùng Dưa Hấu mỗi khi thời tiết thay đổi.

. Khả Năng Trừ Đầy Hơi Trong Bao Tử:

Dưa Hấu có thể giúp trừ được sự tích tụ hơi trong Bao Tử khi ăn các thực phẩm có chứa nhiều Sulfur như Bắp Cải, Đậu.. Nên dùng Dưa Hấu như một món tráng miệng sau khi ăn các món ăn có nhiều đậu hạt như Burrito (Mễ).

. Tác Dụng Đặc Biệt Của Hạt Dưa Hấu:

Hạt Dưa Hấu được dùng ở nhiều nơi trên thế giới để làm thuốc lợi tiểu và chống sưng bàng quang. Tại vùng Trung Mỹ, nhất là Bahamas, Hạt Dưa Hấu được đập nát rồi đem đun sôi trong 45 phút (dùng 6 muỗng canh Hạt với 2 lít nước) đun nhỏ lửa. Lọc và lấy nước uống mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 250ml. Loại nước sắc này cũng rất tốt để trừ giun sán, ký sinh trùng trong ruột.

. Vỏ Dưa Và Trường Hợp Ngứa Do Cây Poison Ivy:

Khi đi cắm trại ngoài trời, nhiều người chạm vào các cây Poison Ivy (có nhiều lông măng trên thân và lá, giống như cây mắt mèo tại Việt Nam) thường bị những phản ứng ngứa ngáy ngoài da, gây mẩn đỏ rất khó chịu. Một phương thức đơn giản và hiệu nghiệm là dùng vỏ Dưa Hấu sau khi ăn phần thịt đỏ chà sát ngoài Da, sẽ bớt được ngứa rất nhiều. Tại Nam Mỹ, vỏ Dưa Hấu còn được dùng để làm bớt các cơn nhức đầu bằng cách chà vào hai bên thái dương.

DƯA HẤU TRONG TRUNG DƯỢC HIỆN ĐẠI

Dựa trên những tài liệu cổ từ thời nhà Thanh (1644-1911) Viện Bào Chế Kweilin tại Quảng Tây đã chế tạo ra một Dược phẩm đặc chế từ Dưa Hấu đặt tên là Tây Qua Sương hay Xigua Shuang. Dược phẩm này ngoài chất “Sương” từ Dưa Hấu còn có thêm Xuyên Bối Mẫu, Hoàng Bài, Bạc Hà kết tinh, Hoàng Liên, Long Não và Chu Sa. Riêng “Sương” Dưa Hấu được pha chế như sau:

  • Dùng nguyên quả Dưa Hấu, cắt thành miếng nhỏ. Trộn các miếng Dưa Hấu này với Sulfate Sodium và Nitrate Sodium. Để hỗn hợp này trong bình làm bằng đất nung. Dán kín bình và đặt vào một nơi thoáng khí. Một thời gian sau, dung dịch dưa hấu trong bình sẽ thẩm thấu qua vách đất của bình và tạo thành các tinh thể đóng bên ngoài bình. Các tinh thể này (Tây Qua Sương) được trộn chung với các dược liệu kể trên để làm thành Hợp Phương Tây Qua Tây Sương hay Fu Fang Xigua Shuang. Đặc chế này được dùng để trị:
  • Các chứng bệnh trong miệng như lở miệng, hơi thở có mùi hôi..có thể dùng dưới dạng viên kẹo ngậm (lorenze) gọi là Xigua Shuang Run Ho Pian.
  • Các chứng sưng cuống họng, đau răng bằng cách dùng thuốc bột đắp lên vết thương.
  • Vết phỏng ngoài da.

  D.S Trần Việt Hưng