Sinh hoạt chính trị ở Mỹ luôn là đề tài thời sự hàng ngày được người dân chú ý theo dõi qua các phương tiện truyền thông, trong đó có báo chí, và đặc biệt sôi nổi hơn nữa khi có những cuộc tranh cử Tổng thống diễn ra cứ bốn năm một lần. Với đủ mọi vấn đề, từ kinh tế, xã hội tới an ninh, ngoại giao được các ứng cử viên đưa ra bàn luận, nhiều khi đi tới tranh luận gay gắt.
Một trong những đề tài chính được nói tới nhiều là vấn đề di dân tại Hoa Kỳ, hay nói rõ hơn là việc giải quyết vấn đề di dân bất hợp pháp tại quốc gia này. Thực ra đây không phải là đề tài mới mẻ gì mà nó đã được nói tới từ nhiều năm qua. Ngay từ thời cựu Tổng thống George W. Bush cũng đã nói tới và ông tỏ ý muốn cải tổ luật di dân vì bị cho là quá lỗi thời không còn thích hợp với tình trạng xã hội ở Mỹ hiện nay. Đến thời Tổng thống Barrack Obama, ngay từ khi còn là ứng cử viên Tổng thống trong kỳ tranh cử lần đầu vào năm 2008, cũng đã hứa sẽ nỗ lực hơn để cải tổ hệ thống di dân, nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì, và có lẽ cho đến hết nhiệm kỳ vào cuối năm tới ông Obama cũng sẽ không làm gì cả mà để vấn đề này cho vị Tổng thống tương lai giải quyết.
Donald Trump đã sử dụng nhóm chữ “Anchor Baby”- nguồn youtube.com
Vấn đề di dân bỗng trở nên nóng hơn trong tuần qua khi hai ứng cử viên hàng đầu của đảng Cộng hòa là Donald Trump và Jeb Bush nhắc tới, nhất là khi hai ứng cử viên này dùng cụm từ “anchor baby” trong khi đi vận động. Đối với những cộng đồng di dân, nhất là cộng đồng di dân gốc châu Mỹ Latinh, thì đây là cụm từ bị cho là có tính cách xúc phạm, sỉ nhục. Đặc biệt hơn nữa khi bị giới truyền thông gặng hỏi hôm Thứ Hai 24/8 tại McAllen, Texas, để bào chữa cho việc sử dụng cụm từ này, ông Jeb Bush còn nói nguyên văn: “Thành thật mà nói, nó có liên quan nhiều hơn tới người Á châu.” – thì lập tức đã bị một số cộng đồng người gốc Á lên tiếng chỉ trích và đòi ông phải xin lỗi.
Cụm từ “anchor baby” khi được nhiều người sử dụng, trong đó có ông Donald Trump, là để nói tới những đứa bé được sinh ra ở Mỹ bởi người mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ là di dân không có giấy tờ hợp lệ, thậm chí khi người di dân đó đã sinh sống ở Mỹ từ nhiều năm qua. Nhưng khi ông Bush sử dụng cụm từ này thì ý ông muốn nói tới một hiện tượng thu hẹp hơn đó là dịch vụ “du lịch sinh con ở Mỹ” (birth tourism) – nghĩa là khi một bà mẹ ngoại quốc tới Mỹ theo diện du lịch và sinh đứa con ở đây, cho dù có cố tình hay không, thì đứa bé tự động là công dân Hoa Kỳ dưới quyền bảo vệ của Tu chính án 14 của Hiến pháp.
Trong Tu chính án 14 có nói rõ điều này ngay trong phần đầu: Tất cả những người sinh ra hoặc nhập tịch ở Hoa Kỳ, và do đó nằm dưới quyền bảo vệ pháp lý của (Hoa Kỳ), là công dân của Hoa Kỳ và của tiểu bang nơi họ cư trú.
Jeb Bush:”Tôi không hối hận vì đã sử dụng chữ “Anchor Baby”- nguồn crooksandliars.com
Cả hai ứng cử viên Trump và Bush tuần qua gặp khá nhiều sự chống đối và chỉ trích vì khi dùng cụm từ này với chủ ý có phần nào thiếu nhân đạo khi cho rằng những di dân bất hợp pháp đã lợi dụng những đứa bé như là “mỏ neo” để được ở lại Mỹ và tránh bị trục xuất trả về nguyên quán cũng như được dễ dàng trở thành công dân Hoa Kỳ hơn trong tương lai, không như những người Mỹ thật sự là những người sinh con với tất cả những lý do bình thường khác.
Quyền tự động trở thành công dân trong Hiến pháp Hoa Kỳ đã tạo ra một vấn đề xã hội khá phức tạp là có nhiều gia đình mà trong đó những đứa con là công dân Hoa Kỳ và cha mẹ lại là những cư dân cư trú bất hợp pháp. Nó cũng đưa tới những câu hỏi có liên quan tới chính sách di dân của Hoa Kỳ trong tương lai là phải làm gì với những gia đình loại này.
Dựa vào câu nói của ông Jeb Bush, quả thật nó có phần đúng chứ không sai khi nói rằng dịch vụ du lịch sinh con ở Mỹ có liên quan tới người Á châu, đặc biệt là những bà mẹ đang mang thai đến từ Trung Quốc. Đầu năm nay, giới chức của Bộ Nội an đã bất ngờ khám xét nhiều cơ sở trong khu vực Los Angeles là nơi có chứa chấp những du khách Trung Quốc – là những người đến Mỹ bằng giấy tờ hợp lệ – nhưng muốn được sinh con tại Mỹ. Trong một số trường hợp, những cơ sở này đã có những hoạt động bị cáo buộc là đã cố vấn cho thân chủ của họ khai gian trong hồ sơ xin nhập cảnh Hoa Kỳ, trốn thuế hoặc vi phạm luật quy vùng và an toàn đối với các cơ sở kinh doanh tại địa phương.
Mặc dù vấn đề du lịch để sinh con ở Mỹ là có thật, nhưng cho đến nay người ta vẫn chưa rõ đây có phải là một vấn đề xã hội nghiêm trọng hay không. Theo ước định của nhiều cơ quan truyền thông và một số trung tâm nghiên cứu về di dân cho biết con số những người du lịch sinh con ở Mỹ mỗi năm là vào khoảng từ 50,000 đến 60,000. Theo đúng như định nghĩa, những du khách đến Mỹ để sinh con thì sau khi sinh nở họ trở về nguyên quán và mang theo những đứa con có quốc tịch Hoa Kỳ với họ. Những du khách này không ở lại và do đó cũng không tạo gánh nặng cho những chương trình xã hội của chính phủ Mỹ.
Tuy nhiên, rất có thể những đứa bé này sẽ quay trở lại Mỹ khi chúng được 21 tuổi, và theo luật của Hoa Kỳ, những đứa bé này nay đã thành người lớn có quyền nộp hồ sơ bảo lãnh cho cha mẹ và gia đình đến Mỹ với tư cách thường trú nhân và sau đó là trở thành công dân Mỹ. Nhưng trong khi những người tỏ ra lo ngại về vấn đề di dân bất hợp pháp sẽ là một gánh nặng cho ngân sách quốc gia vì đa phần những di dân này thuộc diện thu nhập thấp và không có nhiều kỹ năng nghề nghiệp, thì du lịch sinh con ở Mỹ chỉ dành cho những người ngoại quốc khá giả và có tiền. Theo một bài báo đăng trên tạp chí Rolling Stone cách đây không lâu kể câu chuyện một cặp vợ chồng người Trung Quốc đến Los Angeles để sinh con và họ ước tính đã phải chi trả cho chuyến du lịch sinh con này khoảng $35,000. Nhưng theo một số giới chức an ninh trong cuộc bố ráp những cơ sở kinh doanh tại Los Angeles bị nghi ngờ hoạt động kinh doanh du lịch sinh con ở Mỹ cho biết có người đã phải chi trả lên đến $60,000 cho dịch vụ.
Nhân viên liên bang đã đột kích vào khoảng 20 địa điểm ở Los Angeles, Orange và San Bernardino bị nghi ngờ giúp phụ nữ mang thai trong những đường dây du lịch sinh con – nguồn huffingtonpost.com
Nhân viên liên bang đã đột kích vào khoảng 20 địa điểm ở Los Angeles, Orange và San Bernardino bị nghi ngờ giúp phụ nữ mang thai trong những đường dây du lịch sinh con – nguồn huffingtonpost.com
Theo luật pháp Hoa Kỳ, Bộ Ngoại giao không có quyền từ chối giấy tờ nhập cảnh với lý do bà mẹ đang mang thai. Nhưng cũng theo bài báo của tờ Rolling Stone, nhân viên an ninh ở phi cảng vẫn có thể ngăn chặn những du khách này vào nước Mỹ nếu họ nghi ngờ là có gian lận trong hồ sơ nhập cảnh. Trong nhiều trường hợp, hình phạt dành cho những người khai gian chỉ là những người này sẽ không được phép du lịch Hoa Kỳ trong một thời hạn nào đó. Theo thống kê, hầu hết hồ sơ xin du lịch từ Trung Quốc đều được chấp nhận dễ dàng. Trong 10 hồ sơ thì có đến 9 là được nhận con dấu của Bộ Ngoại giao.
Nói cách khác, du lịch sinh con ở Mỹ sẽ còn tiếp tục hiện hữu. Nhưng đây chỉ là câu chuyện nhỏ trong toàn bộ vấn đề di dân của nước Mỹ hiện nay nếu ta đem so sánh nó với tổng số trẻ em được sinh ra trong các gia đình di dân bất hợp pháp ở Mỹ mỗi năm.
Theo kết quả điều tra năm 2010 của Trung tâm Nghiên cứu Pew và Trung tâm Nghiên cứu Di dân (CIS) phỏng đoán có khoảng hơn 300,000 đứa bé được sinh ra tại Hoa Kỳ mỗi năm trong những gia đình di dân bất hợp pháp. Pew đưa ra con số là 340,000, trong khi CIS cho con số trong khoảng độ từ 300,000 đến 400,000.
Theo NBC News, giấy tờ tòa án cho thấy rằng phụ nữ mang thai phải trả từ $10,000 đến $25,000 để ở lại Pheasant Ridge, một khu chung cư ở Rowland Heights, California – nguồn huffingtonpost.com
Pew ước tính bốn trong năm đứa bé được sinh ra ở Hoa Kỳ là từ những gia đình có ít nhất là cha hoặc mẹ là di dân không có giấy tờ hợp lệ, với tổng cộng là 4 triệu đứa bé như thế trong năm 2009. Con số đó có lẽ đã tăng thêm 2 triệu nữa trong sáu năm qua. Mặc dù tỉ lệ sinh đẻ ở Mỹ có suy giảm trong thời kỳ kinh tế suy trầm bắt đầu từ năm 2008, nhưng con số những đứa bé kể trên có lẽ cũng chỉ giảm đôi chút chứ không nhiều.
Hiện nay, với khoảng 70% những di dân bất hợp pháp là đến từ các quốc gia Mexico, El Salvador và Honduras, vậy có thể nói không sợ sai là hai phần ba những đứa bé được sinh ra tại Hoa Kỳ có cha mẹ là gốc châu Mỹ Latinh. Con số những di dân bất hợp pháp nhiều kế tiếp là đến từ Trung Quốc, Phi Luật Tân, Ấn Độ và Nam Hàn – nhưng cũng chỉ chiếm khoảng 8% trong tổng số di dân bất hợp pháp, tính ra những “anchor babies” có gốc châu Á có lẽ chỉ vào khoảng 25,000 mỗi năm. Vậy, con số 50,000 đến 60,000 như ước định của giới truyền thông và một số cơ quan nghiên cứu như nói ở trên có thể là quá cao.
Riêng có một chuyện thường hay bị hiểu lầm ở đây là khi có con được sinh ra ở Mỹ thì đó sẽ là những lá chắn bảo vệ cho cha mẹ là những di dân bất hợp pháp không bị trục xuất về nguyên quán. Nhưng sự thật là, theo tờ Washington Post, có hơn 70,000 cha mẹ có con là công dân Hoa Kỳ đã bị trục xuất trong năm 2013. Nghĩa là, cho dù có con được sinh ở Mỹ và được Hiến pháp Hoa Kỳ công nhận quyền công dân, thì những cha mẹ nếu không có giấy tờ hợp lệ cư trú vẫn có thể bị đuổi về nguyên quán.
Câu chuyện “anchor baby” sẽ còn được nói tới nhiều trong thời gian tới và nó không chỉ đơn giản là chiếc “mỏ neo” như chúng ta vẫn thường hiểu. Đây là vấn đề rất phức tạp và vô cùng nhức đầu cho những nhà làm luật tại Mỹ nếu họ thật sự quan tâm và thành thật muốn cải tổ luật di dân ở Mỹ trong tương lai.
VH