Menu Close

Điểm lược nền giáo dục Hoa Kỳ

Tuần qua, khoảng 75 triệu sinh viên học sinh khắp Hoa Kỳ đã quay lại trường lớp, bắt đầu một niên học mới. Trên trang mạng của Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ, Bộ Trưởng Giáo Dục Arne Duncan kêu gọi các bậc phụ huynh không chỉ chăm lo việc học của con cái mình, mà còn tìm hiểu, tham gia và tiếp tay cùng trường học và thầy cô giáo trong việc giáo dục và phát triển các em trong một môi trường liên đới và trách nhiệm chung. Trong mục đích này, nhân mùa tựu trường, chuyên mục xin mời các phụ huynh có con cái đang đi học hãy cùng chúng tôi điểm sơ lại về nền giáo dục Hoa Kỳ, dựa theo các số liệu mới nhất từ Bộ Giáo Dục HK cho mùa khai trường 2015 này.

nen giao duc hoa ky1

nguồn jimessenger.com

Khoảng 90% học sinh bậc trung tiểu học  tại Hoa Kỳ đang theo học miễn phí tại các trường công lập, hoạt động nhờ ngân sách thu thuế của tiểu bang và địa phương. Phần lớn hệ thống giáo dục đại chúng này được chia làm ba bậc học: tiểu học, bán trung học và trung học với khoảng 50 triệu học sinh đang theo học tại 98,500 trường công lập thuộc 13,500 Nha Học Chánh. Chiếm một nửa tổng số này là các HS Mỹ trắng và một nửa còn lại chia theo tỉ lệ 7.7 triệu HS Mỹ gốc Châu Phi, 13.1 triệu HS gốc Mỹ La Tinh, 2.6 triệu HS gốc Châu Á-Thái Bình Dương cùng 2 triệu HS đa chủng tộc.  Một số học sinh còn lại theo học các trường tư thục, phải trả học phí, với khoảng gần 5 triệu HS. Khoảng 80% các trường tư thục này được điều hành bởi các tổ chức tôn giáo và việc hướng dẫn tôn giáo được đưa vào học trình vì các trường công lập không có chương trình hướng dẫn dành cho riêng tôn giáo nào. Một số nhỏ hơn – khoảng 1.5 triệu, là các học sinh được chính cha mẹ dạy học hay cho theo học chương trình tại nhà (homeschool). Hoa Kỳ không có một hệ thống giáo dục quốc gia đồng nhất mà do mỗi tiểu bang chịu trách nhiệm, ngoại trừ các học viện quân đội hay do liên bang quản trị. Nhưng chính phủ đưa ra đường lối và tài trợ đến hệ thống giáo dục tiểu bang, cũng như Bộ Giáo Dục giám sát các chương trình này.

nen giao duc hoa ky2

Bộ trưởng Giáo dục Mỹ Arne Duncan nói với cha mẹ, giáo viên và các quản trị viên tại Trường Oliver ở Nashville. nguồn Credit: U.S. Dept of Ed via Flickr

Bậc đại học giáo dục và huấn nghệ các sinh viên đi theo những chuyên môn riêng biệt như văn chương, triết học, kỹ thuật, tài chính, kế toán… và được ước lượng có trên 1,000 chuyên môn khác nhau với khoảng 20.2 triệu sinh viên. Hầu hết các đại học hoạt động độc lập, tự trị và có thể có những chương trình chuyên môn khác nhau, như đào tạo luật sư, bác sĩ, các trung tâm nghiên cứu. Mỗi tiểu bang có các đại học của mình và một số tiểu bang có thể quản trị một hệ thống đại học, bao gồm nhiều đại học. Không được miễn phí như bậc giáo dục phổ thông, các sinh viên theo học đại học phải tự trả tiền hay tìm trợ giúp, vay mượn để theo học. Khoảng 25% đại học HK hiện nay được các tổ chức tôn giáo điều hành, dù các SV theo học không bắt buộc phải thuộc tôn giáo đó. Và dù là đại học tư thục hay công lập, ngân sách hoạt động cũng từ ba nguồn thu chính là học phí, tiền từ thiện, hiến tặng và tài trợ của chính phủ. Không có sự khác biệt rõ ràng về phẩm chất giáo dục giữa các trường, tuy nhiên một số viện đại học danh tiếng thu nhận chọn lọc và giới hạn, các SV ra trường sẽ có ưu thế tìm được việc làm cùng mức lương bổng cao hơn.

Hệ thống giáo dục tại mỗi tiểu bang cũng khá khác biệt và có những điều luật giống nhau hay riêng biệt. Chương trình giáo dục đại chúng là bắt buộc đến 16 hay 18 tuổi. Một số tiểu bang tham gia trực tiếp vào việc biên soạn chương trình, sách giáo khoa…, trong khi một số tiểu bang để các Nha Học chánh quyết định.  

Cho đến thập niên 50 thì giáo dục HK vẫn còn đòi hỏi các môn bắt buộc, chỉ rất ít các môn nhiệm ý, cho học sinh chọn lựa. Nhưng từ thập niên 60 và 70, xu hướng cho học sinh chọn lựa các môn học phát triển mạnh hơn. Đến thập niên 80 thì phụ huynh và các nhà giáo dục nhận ra rằng xu hướng này là một con dao hai lưỡi, khi điểm trung bình các kỳ thi tiêu chuẩn về toán, đọc và khoa học bị sa sút. Thống kê dân số năm 80 báo cáo rằng trong khi hầu hết dân Mỹ đều biết đọc và viết thì có đến 13% thanh niên độ tuổi 17 tuổi trở lên bị “mù chữ bán phần”, khi họ không thể hiểu được các hướng dẫn in ấn hay điền đơn xin việc chính xác. Các xu hướng kỹ thuật phát triển cũng bị đổ lỗi về kết quả này, khi các thống kê cho biết các học sinh xem truyền hình trung bình đến 25 giờ mỗi tuần và bắt đầu dành nhiều thời gian hơn trên máy nghe nhạc, điện toán, game điện tử … Việc không ưu đãi các giáo viên cũng bị cho là một trong những nguyên nhân cho sự sa sút này, khi ngành giáo dục không còn thu hút nhiều người, hoặc họ bỏ ngành, hoặc dạy học dễ dãi, cho học sinh đủ điểm thi dù trình độ chưa đạt. Không có một nguyên do hay giải pháp duy nhất nào được xem là toàn diện và thoả đáng. Bộ Giáo Dục đã thành lập một hội đồng quốc gia để xem xét vấn đề. Năm 1983, hội đồng cố vấn này đệ trình một số cải đổi như: kéo dài ngày và năm học, công thức hóa các môn chính yếu như toán, văn chương, khoa học, xã hội và kỹ thuật, nâng cao các tiêu chuẩn kiểm tra các môn học. Và kết quả từ sự cải cách này đã giúp cân bằng lại hệ thống giáo dục HK.

nen giao duc hoa ky

Một người crossing guard tình nguyện – nguồn wauwatosanow.com

Năm 1989, Tổng Thống George W. Bush cùng với Thống Ðốc 50 tiểu bang đã đưa ra một chương trình cải cách giáo dục toàn diện, đặt ra sáu mục tiêu để đạt đến như sau:

– Tất cả học sinh khi bắt đầu độ tuổi đi học, sẽ được chuẩn bị để sẵn sàng học.

– 90% học sinh trung học sẽ tốt nghiệp trung học.

– Tất cả học sinh sẽ được kiểm tra định kỳ các môn chính ở một số bậc học.

– Học sinh Mỹ sẽ đứng đầu thế giới về toán và khoa học.

– Mỗi người dân Mỹ đều thông thạo đọc viết và có kỹ năng của một công dân và công nhân.

– Tất cả trường học sẽ không bị tệ nạn ma túy, bạo lực, kỷ luật nghiêm minh.

Ðây là những mục tiêu căn bản đã được các đời Tổng Thống HK cam kết và theo đuổi bằng nhiều cách khác nhau. Năm 2002, TT George W. Bush cũng đưa ra Ðạo Luật No Child Left Behind để thực hiện một chương trình cải cách giáo dục và thực hiện các mục tiêu trên. Các cuộc kiểm tra các bậc học lớp 4, 8 và 12 qua các kỳ thi quốc gia để đánh giá về giáo dục (NAEP) được  thực hiện trong các năm qua, đã cho thấy những kết quả khả quan hơn so với thập niên trước.

nen giao duc hoa ky3

Ngày đầu đến trường – nguồn greenhearttravel.org

Bên cạnh những thử thách về việc học, nền giáo dục HK còn đối diện một vấn đề xã hội khác: Hệ thống phải cưu mang, cải đổi để tiếp nhận một làn sóng di dân liên tục mà các học sinh không hề biết tiếng Anh. Chỉ riêng ngân sách giáo dục liên bang tài trợ cho các chương trình dạy tiếng Anh cho học sinh di dân đã lên đến khoảng một tỉ đô la hàng năm. Chương trình cũng phải uyển chuyển cho mục đích đa văn hóa, đa sắc tộc này. Chi tiêu cho việc giáo dục, giúp đỡ các học sinh chậm phát triển, bị khuyết tật về thể lý và tinh thần cũng tiêu tốn liên bang khoảng 11 tỉ đô la. Ðó là những điểm son đáng kể trong hệ thống giáo dục đầy nhân bản của Hoa Kỳ. Ngoài ra, việc huấn nghệ cho học sinh trong một thị trường cạnh tranh gay gắt hay đối diện với tình trạng bạo lực học đường (78% trường học đã xảy ra một hay nhiều các vụ tấn công và 13% HS báo cáo rằng đã từng bị hăm dọa bằng vũ khí), trở thành mẹ khi còn đang tuổi đi học… cũng là các vấn đề bên lề, nhưng không kém phần quan trọng khác của nền giáo dục HK.

Theo số liệu cho niên học 2015, chi phí ước định cho giáo dục vào khoảng 634 tỉ đô la. Chi phí giáo dục cho một học sinh theo học các trường công lập năm nay ước tính lên cao kỷ lục là 12,605 đô la, một chi phí thuộc loại cao nhất thế giới đầu tư vào mỗi học sinh. Chỉ riêng hệ thống chuyên chở học sinh là một hệ thống giao thông riêng biệt và lớn nhất tại Hoa Kỳ, với 468,000 xe bus và khoảng 10 tỉ lượt chuyên chở, gần gấp đôi lượt xe chạy của giao thông đại chúng. Theo báo cáo từ các nha học chánh, chi phí hoạt động của một xe bus chở học sinh đã vào khoảng $20,000/năm, chưa tính tiền lương tài xế.

Không miễn phí như bậc giáo dục trung tiểu học, các sinh viên và phụ huynh phải bỏ tiền túi để theo đuổi chương trình đại học và hậu đại học. Theo số liệu trong niên học trước, chi phí trung bình bao gồm học phí, ăn ở ký túc xá khi theo học đại học công lập là $15,640/năm và đại học tư là $40,614/năm.    

Xu hướng gia tăng dân số sẽ dẫn đến sự gia tăng số học sinh sinh viên theo học trong các năm tới. Một số cuộc thi, đánh giá và so sánh giữa học sinh Mỹ cùng các nước phát triển khác đã cho kết quả rằng học sinh Mỹ không phải là nhóm học sinh đứng đầu bảng về các môn căn bản như toán, đọc và khoa học. Dù vậy, với một môi trường giáo dục luôn được đưa lên hàng ưu tiên quốc gia và có điều kiện tốt nhất, các học sinh được học và huấn luyện trong môi trường khuyến khích tinh thần công dân qua các hoạt động xã hội và công ích, cổ súy óc sáng tạo, khai phá và môi trường thực tiễn, giáo dục Hoa Kỳ luôn tạo ra những lớp sinh viên xuất sắc hay các thế hệ công dân có trách nhiệm và cầu tiến, đem lại sự hùng mạnh cho quốc gia và một vị trí lãnh đạo thế giới.

ĐYT