V-Day Kiss” là một trong những bức ảnh lịch sử nổi tiếng nhất thế giới. Bản thân bức ảnh cũng có một “lịch sử” thú vị. Như được thuật từ CNN (20-8-2015), người thủy thủ trong bức ảnh là George Mendonsa, nay là ông cụ 92 tuổi sống cùng vợ (Rita Petry) tại khu phố yên bình ở thị trấn biển Middletown (Rhode Island) cách Quảng trường Times khoảng 179 miles. Hè 1945, chàng lính hải quân Mendonsa được nghỉ phép về nhà, và được giới thiệu gặp cô Rita Petry. Chàng kết nàng ngay. Thế là ngày 14-8-1945, hai người hẹn hò ở Manhattan. Một không khí khác thường sáng hôm đó. Phía trước Radio City Music Hall, một đám đông reo hò nện cửa rạp rầm rầm. Khi cửa mở và đèn bật sáng, đám đông hét to: “Chiến tranh kết thúc rồi!”. Thế là mọi người trong rạp chạy ào ra đường. Mendonsa và Petry có mặt trong đoàn người vui mừng tột bực. Hai người lôi nhau vào quán bar và nốc thả ga. Khi họ rời quán, Quảng trường Times đã đầy ngập người. Thấy cô y tá đứng gần, Mendonsa, đang chếnh choáng hơi men, bất ngờ chạy nhào đến ôm, trước sự chứng kiến của cô bồ…
George Mendonsa ở Rhode Island khẳng định đó là anh ấy và Greta Zimmer Friedman đã khóa môi tại Times Square. NGUỒN HITNEWSNOW.COM
Thế còn cô y tá? Nàng là Greta Friedman. Hôm đó, khi nghe tin chiến tranh kết thúc, Greta cũng nhào ra Quảng trường. “Bất ngờ, tôi bị một thủy thủ ôm chầm. Thật ra khó có thể gọi đó là nụ hôn. Nó giống một hành động vui mừng cực độ. Anh ấy rất khỏe. Cứ ôm tôi chặt. Tôi chẳng biết đó có phải là nụ hôn không nữa. Chỉ là giống như kiểu người ta đang ăn mừng thế thôi. Nó không phải là khoảnh khắc lãng mạn. Nó chỉ là (kiểu như)… “À, tạ ơn Chúa, chiến tranh kết thúc rồi”.
Ngày 30-8-2015, 70 cặp “nam thanh, nữ tú” Thượng Hải đã dựng lại cảnh hôn trong bức ảnh lịch sử “V-Day Kiss” do nhiếp ảnh gia Alfred Eisenstaedt chụp tại Quảng trường Times (New York City) ngày 14-8-1945. NGUỒN HTTP://DAILYMAIL.COM.NG
Sinh tại Áo, Greta mất cả cha lẫn mẹ trong chiến dịch thảm sát của Ðức quốc xã. Cô đến Mỹ cùng thân nhân khi 15 tuổi. Ðến thập niên 1960, Greta mới phát hiện mình trong bức ảnh lịch sử. Còn Mendonsa, đến năm 1980, ông mới lần đầu tiên thấy bức ảnh mình. Một người bạn gọi điện. “Ông ở đâu khi chiến tranh kết thúc?”. “Times Square, New York”… “Tôi có một tờ tạp chí Life đây. Có bức ảnh một thủy thủ hôn một y tá. Tôi biết ngay đó là ông”… Ngày 27-8-1945, bức ảnh nổi tiếng “V-Day Kiss” được “chôn” ở trang 27 của tuần báo Life giá 0.10 USD lúc ấy. Trang bìa số ấy là hình một vũ công ballet dưới nước. Còn bộ ảnh trong đó có bức “V-Day Kiss” của nhiếp ảnh gia huyền thoại Eisenstaedt, được chụp bằng chiếc Leica, thì được đặt dưới hàng tít “The Men of War Kiss from Coast to Coast”. Trong cuộc phỏng vấn BBC năm 1983, Eisenstaedt (mất năm 1995) kể rằng hôm đó ông thấy Mendonsa chạy nhắng lên, chụp ôm bất cứ phụ nữ nào trong tầm mắt, bất kể già, trẻ, lớn, bé, mập, ốm, xấu, đẹp… Tôi chạy lên phía trước anh ấy. Bất ngờ, trong một khoảnh khắc tích tắc, tôi thấy một cô áo trắng bị chụp cứng. Tôi bấm máy tức thì. Tất cả 4 tấm, trong vài giây…”.
Tượng “V-Day Kiss tại San Diego – NGUỒN ROMENEWYORKLONDONWORLD.COM
Trở lại với cảnh dựng của 70 cặp thanh niên Thượng Hải. Việc dựng lại “V-Day Kiss” không có gì đáng nói, vì hơn nửa thế kỷ qua, bức ảnh này đã được dựng lại vô số lần tại nhiều quốc gia trong nhiều bối cảnh khác nhau. Tuy nhiên, khi Trung Quốc dựng lại nhân “Kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng phát xít Nhật”, điều đó chỉ cho thấy tính chất mỉa mai của sự kiện, bởi Trung Quốc giai đoạn “Mao chủ” gần như không có đóng góp gì trong việc kết thúc Thế chiến thứ hai lẫn vai trò trong việc xóa sổ phát xít Nhật. Hình ảnh các cậu thanh niên Thượng Hải, dưới bộ đồ hải quân Mỹ, cho thấy rõ sự thiếu vắng hoàn toàn vai trò “Hồng quân” Trung Quốc, ở thời mà họ thậm chí còn chưa có hải quân, trong một sự kiện lịch sử mà Bắc Kinh giờ đang muốn tái dựng với “góc nhìn mới”, theo một quan điểm méo gãy lệch lạc bất chấp sự thật.
MK