Một trong những cây rau được xem là đắt tiền tại Việt Nam và chỉ được dùng trong những bữa tiệc tại các nhà hàng là Măng Tây. Măng Tây hay Asperge (gọi theo Pháp) có thể trồng được tại Đà Lạt nhưng đa số Măng Tây dùng tại Việt Nam là Măng hộp, nhập cảng từ ngoại quốc. Tại Hoa Kỳ, Măng Tây thực sự là một cây rau riêng biệt, không liên hệ gì đến gia đình nhà Tre, Trúc, vốn là những cây cung cấp Măng Ta hay Măng Tàu.
TÊN KHOA HỌC:
Asparagus officinali, thuộc họ thực vật Liliaceae: Tên thực vật của cây phát xuất từ Asparag, một danh từ Ba Tư để chỉ những đọt non, mềm mại có thể hái ăn ngay khi cây còn rất nhỏ. Officinalis có nghĩa là được ghi vào từ điển những cây thuốc của La Mã.
Anh, Mỹ gọi dưới tên Asparagus, thông thường hơn còn có tên là Sparrow Grass. Pháp gọi là Asperge. Đức là Spargel và Tây Ban Nha là Esparrago.
Đông Y cổ không biết đến Măng tây nhưng Dược học Trung Hoa hiện đại cũng dùng Măng Tây để chữa một số bệnh.
LỊCH SỬ VÀ ĐẶC TÍNH THỰC VẬT:
Măng tây phát xuất từ vùng sa mạc Đông Bắc Phi Châu, người Ả Rập đã ghi chép Măng Tây trong lịch sử của họ. Người Phenicia đưa Măng Tây sang Hy Lạp và La Mã, nơi mà Măng được trồng từ năm 200 trước Tây Lịch. Người Ai Cập xưa đã dùng Măng Tây làm phẩm vật cúng tế các vị thần linh của họ. Vì nhìn qua hình dáng của Măng Tây có vẻ tương tự như bộ phận sinh dục phái nam nên Măng được xem như một phương thuốc bồi bổ tình dục. Các nhà đầu bếp La Mã đã tìm ra cách phơi khô Măng Tây để có thể để dành, dùng khi cần. Một trong những câu châm ngôn của Hoàng Đế La Mã Augustus là “Citius quam asparagi coquentur..” nghĩa là: cần làm việc đó nhanh hơn là nấu măng Tây!. Vua Louis thứ 14 của Pháp đã mê Măng Tây đến độ làm riêng một nhà kiếng để trồng Măng.
Măng Tây thuộc loại cây lưu niên, và mọc từ một gốc loại căn hành. Lá hầu như không có mà chỉ là những vảy nhỏ mọc ra từ chồi. Hoa nhỏ màu vàng-xanh lớn bằng hạt đậu hình chuông nhỏ. Trái nở ra màu đỏ tươi, lớn khoảng 0.8mm đường kính, vào cuối mùa Thu; trong có chứa hạt màu đen.
Các chồi Măng đều xuất phát từ một gốc củ (gọi là crown). Trong suốt thời gian 15 năm, một gốc củ có thể cung cấp hàng trăm kí lô Măng. Trong 2 năm đầu, cần chăm sóc Măng rất kỹ lưỡng từ khi gieo hạt đến khi chồi vươn khỏi mặt đất. Qua năm thứ 3 đã có thu hoạch từ 100 đến 200kg Măng cho mỗi acre. Từ năm thứ 4, mỗi acre cung cấp 500 đến 700kg.
Tại Hoa Kỳ, tiểu bang Washington cung cấp khoảng 40% nhu cầu tiêu thụ toàn quốc. California cũng cung cấp 40%, Michigan 20%. Ngoài Hoa Kỳ, tại Châu Âu, nhất là Đức và Pháp; Măng tây rất được ưa chuộng. Trong suốt 6 tuần từ đầu tháng 6 đến giữa tháng 5, các nhà hàng Đức đều dọn những món ăn đặc biệt chế biến từ Măng tây. Pháp không chịu kém, lập ra những hội ăn Măng và cả một viện bảo tàng về Măng tây!.
Măng tây chia thành 3 nhóm chính theo màu gồm: Măng Xanh, Trắng và Tím (hiếm hơn). Măng Trắng thật ra cũng từ cây Măng Xanh nhưng được ủ để tránh ánh sáng, do đó mất nhiều công hơn (khoảng 20 -25% nên giá thành đắt hơn). Măng Trắng mềm và hơi đắng hơn Măng Xanh một chút.
Những giống Măng tây đáng chú ý:
– Giống Green Asparagus, thường gặp nhất do từ giống Măng hoang đã thuần hóa.
– Giống Măng Hòa Lan, Giant Dutch Purple Asparagus hay Asperge de Hollande với đọt măng có đầu tròn, mập mạp hơn và có điểm thêm những đốm đỏ tím. Giống này sau đó biến đổi để tạo ra giống Argenteuil Early.
– Giống Măng Đức, White German (Ulmer Spargel) thuộc loại Măng Trắng, rất thông dụng tại Âu Châu.
– Tại Hoa Kỳ, hai giống Măng nổi tiếng nhất là Martha Washington và Jersey Giant. Giống Conover’s Colossal là giống riêng được lai tạo tại Hoa Kỳ.
THÀNH PHẦN DINH DƯỠNG:
Trong 100g phần ăn được, Măng tây chứa:
Măng tươi Nấu chín
– Calories 23 24
– Chất Đạm 2.28g 2.59g
– Chất Béo 0.20g 0.31g
– Chất Sơ Không rõ 0.83g
***Các Khoáng Chất:
– Calcium 21mg 20mg
– Sắt 0.87mg 0.73mg
– Magnesium 18mg 10mg
– Phosphorus 56mg 54mg
– Sodium 2mg 11mg
– Kẽm 0.46mg 0.42mg
– Đồng 0.17mg 0.11mg
– Manganese 0.26mg 0.15mg
***Các Sinh Tố:
– Betacarotene (A) 583 IU 539 IU
– Thiamine (B1) 0.14mg 0.12mg
– Riboflavin (B2) 0.12mg 0.12mg
– Niacin (B3) 0.17mg 1.08mg
– Pyridoxine (B6) 0.13mg 0.12mg
– Folic Acid 128mcg 146mcg
– Ascorbic acid (C) 13.2mg 10.8mg
– Tocopherol (E) 1.98mg không rõ
Ngoài thành phần dinh dưỡng, Măng Tây chứa:
– Một số acid-amin như: Asparagine, Tyrosine, Arginine, một chuyển hoá chất từ Methionin thuộc loại Gamma-Butyrothetin
– Các acid hữu cơ như acid Succinic. (Nơi một số người, sau khi ăn Măng Tây nước tiểu có thể có mùi khai hơn do sự chuyển biến của các acid amin trong Măng thành nhóm tạo mùi khai loại Methyl-Thio-propionat).
– Các Saponins và Flavonoids.
MĂNG TÂY VÀ SỨC KHOẺ:
Măng Tây đã được dùng làm thuốc trước khi dùng làm Rau. Người Hy Lạp và La Mã từng dùng Măng để trị đau răng và ngừa ong đốt.
. Tác Dụng Trên Thận:
Đặc tính dược học của Măng Tây chính là của Asparagine trong cây, đây là hợp chất thiên nhiên rất tốt cho tác dụng lợi tiểu nơi Thận. Asparagine giúp phân tán các tinh thể acid oxalic và uric trong Thận và Bắp Thịt rồi tống xuất chúng khỏi cơ thể theo nước tiểu (nên nhớ acid oxalic là thủ phạm gây Sạn Thận, còn acid Uric lại gây bệnh Thống Phong – Gout). Asparagine hoạt động bằng cách kích thích sự trao đổi nước và ions khoáng chất nơi tế bào Thận, làm tăng sự bài tiết nước tiểu (do đó không nên dùng khi Thận bị sưng). Măng Tây là một cây rau lý tưởng cho những người bị bệnh Gout (Goutte). Do đặc tính lợi tiểu, Măng tây rất tốt cho những người bị bệnh huyết áp cao.
. Tác Dụng chung trên cơ thể:
Trong Măng Tây còn có Aspartic acid, một acid amin có khả năng trung hòa lượng ammonium tồn đọng trong cơ thể. Giúp làm giảm bớt những cảm giác mệt mỏi. Rutin trong Măng giúp tạo sự bền chắc cho các vi mạch máu, ngừa được các tai biến của bệnh Huyết Áp cao. Với hàm lượng Sắc Tố Chlorophylle tương đối cao, Măng Tây có tác dụng bổ Máu, Gan cùng Thận. Đọt Măng Xanh chứa nhiều sinh tố A, trong khi đó đọt Măng Trắng lại hầu như không có Vitamin A. Người Trung Hoa dùng Măng Tây để trị Ho, giúp tiêu đàm, chữa các chứng mụn nhọt ngoài da, và giúp phụ nữ có thêm sữa sau khi sanh nở.
. Măng Tây Và Ung Thư:
Măng Tây còn chứa một lượng khá cao các chất chống Oxy-hóa nhất là Glutathione (trong 100g Măng tươi có đến 26mg Glutathione) rất hữu hiệu trong việc ngăn ngừa sự tạo thành của màng mắt (cataract). Một phương thuốc ngừa màng mắt cổ truyền tên là Hachimijogan đã được nghiên cứu và tìm ra là thuốc tác dụng do kích thích sự tổng hợp Glutathione trong cơ thể. Glutathione cũng đóng những vai trò quan trọng trong việc ngừa sự phát triển của các tế bào ung thư bằng cách trung hòa tác dụng độc hại của các gốc tự do, loại trừ được các độc tố của các chất hoá học độc hại và các kim loại nặng.
. Măng Tây Và Bênh Mụn Nơi Mặt:
Nước Trích từ Măng Tây có khả năng trị được những chứng nổi mụn, nhọt và trứng cá trên mặt. Phương thức đơn giản nhất là khi nấu, trần Măng, nên giữ lại nước này để rửa mặt mỗi ngày, buổi sáng và tối.
MĂNG TÂY VÀ DƯỢC HỌC PHƯƠNG ĐÔNG:
Tuy Măng Tây chỉ là một món ăn hữu ích cho cả Đông lẫn Tây phương nhưng trong gia đình nhà Măng (Asparagus) còn có một cây khác, rất thông dụng tại Việt Nam và được Đông Y dùng làm thuốc: Đó là cây Tóc Tiên leo, mà Đông Dược gọi là Thiên Môn Đông với phiên âm Tian-Men-Dong; Nhật Dược gọi là Tenmondo. Thiên Môn Đông đã được ghi chép trong Thần Nông Bản Thảo Kinh, và phần được dùng làm thuốc chính là Củ, hay đúng hơn là Căn hành của Asparagus lucidus hay Asparagus Cochinchinensis. Củ sau khi được đào lên, nấu chín rồi bóc vỏ, sau đó phơi khô. Theo truyền thuyết thì các Thày Lang luôn luôn chọn và giữ những củ tốt nhất để dùng cho chính mình và gia đình. Thiên Môn Đông có vị ngọt, đắng; tính Hàn mạnh và tác dụng vào các kinh mạch thuộc Phế (Phổi) và Thận. Thiên Môn Đông có các tác dụng:
– Nuôi dưỡng Âm và Thanh Phế nhiệt: chữa trị các trường hợp suy yếu Âm với triệu chứng nhiệt nơi Thượng Tiêu gây ra nóng khô nơi miệng và cổ họng; hoặc nhiệt nơi Phổi gây ra đờm đặc. Trong các trường hợp trên, Thiên Môn Đông được dùng chung với Mạch Môn Đông. Nếu có Đàm nhiều thì thêm Địa Hoàng (chưng), Xuyên Bối Mẫu và Bách Hợp.
– Nhuận Táo, Dưỡng Thận, Sinh Tân Dịch: Thiên Môn Đông được dùng để trị Âm suy nơi Phế và Thận gây ra trạng thái khát và táo bón do ruột khô.
Thiên Môn Đông theo Dược Học Hiện Đại: Các nghiên cứu Dược học hiện đại đã tìm thấy trong Thiên Môn Đông các chất:
– Saponins loại Protosarsasapogenin loại Asp-IV’, V, VI’..
– Asparagine, Citrulline, Serine, Threonine, Proline.
– Đường hữu cơ loại Glucose, Fructose.
– 5-Methoxy-Methyl Furfural, Beta sitosterol.
Tác Dụng Dược Học:
- Tác Dụng Kháng Sinh: Nước Sắc Thiên Môn Đông có khả năng ngăn ngừa sự phát triển của các vi trùng như: Streptococcus pneumonia, Staphyloccoccus aureus và Nhóm Bacillus.
- Tác dụng trên sự sinh sản tế bào: Khi thử trong phòng thí nghiệm, chất trích từ Thiên Môn Đông có khả năng chặn được sự tác dụng của Enzym Deoxyge Nase nơi các tế bào Ung Thư Máu loại Leukemia.
Ghi Chú: Tại Ấn Độ, Thiên Môn Đông được gọi là Shatavari và được dùng như những kích thích tố bồi bổ hệ thống sinh dục nơi phụ nữ, giúp dễ thụ thai, trị đau bụng khi có kinh nguyệt, tăng sữa nơi sản phụ.
DS Trần Việt Hưng