Hôm ngồi uống cà phê tại phố Bolsa chợt nghe mấy người khách địa phương nói chuyện dùng nước sinh hoạt trong mỗi gia đình phải giảm xuống 25%, nếu không thực hiện sẽ bị phạt. Nguồn nước từ các hồ chứa đang cạn kiệt chỉ còn đủ dùng trong một năm, cần phải có kế hoạch đối phó ngay từ bây giờ. Hạn hán đã kéo dài qua năm thứ tư tại California. “Ba năm nay tại Santa Ana chưa có một cơn mưa”.
Nước cạn dòng cho đất bỏ hoang trong đợt hạn kéo dài tại California – Nguồn: AP
Lời nói “không một cơn mưa” của cô chủ quán làm tôi ngạc nhiên. Cô đính chính “chỉ có những giọt mưa” như thằn lằn đái ấy. Điều này có thể nhìn thấy rõ trên xa lộ 5 ngoại vi vùng Los Angeles đi San Jose, đồi núi khô cằn, cỏ cháy vàng, trơ trụi những lùm cây, nói chung gần như không có sự sống của các thảm thực vật. Bù lại, nhiệt độ ngoài trời California mùa hè vẫn mát mẻ và chính sự ưu đãi của thời tiết đã làm cho con người sống ở đây tạm quên mình sống trong một tiểu bang đang phải chịu nạn hạn hán trong những năm qua.
Duy nhất một trận mưa lớn xảy ra tại San Francisco hồi năm ngoái – Nguồn: Weather.Sanfrancisco.com
Nói hạn hán nhưng nước vẫn cứ xài, tiết kiệm một chút, bằng cách điều chỉnh phao nước trong các bồn cầu, cứ mỗi lần đi vệ sinh, xả nước “tạt” nhẹ ra không khác gì cô bé phục vụ quán cà phê dọn bàn cầm ly nước trà đá của khách hàng bỏ dở hất vào gốc hoa sứ trong các chậu cảnh trang trí ngoài hiên. Ban đầu tôi cứ tưởng chỉ ở các quán ăn người ta mới tiết kiệm nước như thế này vì mỗi ngày bao nhiêu lượt khách ra vô toilet “trút bầu tâm sự”. Nhưng khi đến ở vài ba ngày nhà của mấy người bạn mới biết, bồn cầu là nơi có thể tiết kiệm nước nhất, điều chỉnh phao nổi xuống mức phân nửa, hai ba cái bồn cầu đủ giảm lượng nước tiêu dùng để tránh chuyện bị phạt vì không tuân theo lệnh chính quyền.
Nước đã trở thành chuyện thời sự hằng ngày trên các kênh truyền hình, radio và những câu chuyện giữa những người bà con, bạn bè từ xa về thăm tiểu bang này. Chẳng thế mà ông Thống đốc Jerry Brown phải chọn Sierra Nevada gần hồ Tahoe để phát biểu trước truyền hình cho công chúng xem về nạn hạn hán: “Chúng ta đang đứng trên một nền đất khô mà nhiều năm trước, chúng ta từng có được 5 feet tuyết.” Vậy mà với bốn năm hạn hán, các hồ tuyết tan chảy suy giảm liên tục xuống mức kỷ lục, nguồn nước khô đến tận đáy phơi nền đất lởm chởm đá dưới ánh mặt trời.
Những giọt nước cùng trên một lòng sông ở Bắc California – Nguồn: AP
Phạt là biện pháp tức thời cho những ai không ý thức tiết kiệm nước, trong khi chính quyền phải bỏ hàng tỷ đồng để chuyên chở nước từ các nơi khác đến để bổ sung lượng nước tiêu dùng cho hàng triệu gia đình. Cả California mong chờ những trận mưa thối đất tối trời, bão lụt cứ đổ bộ vào miền đất này thì dân chúng miền viễn Tây sẽ ăn mừng cho trời giải hạn. Nhưng có “lạy trời mưa xuống” thì cũng chẳng thể có được một trận mưa nào cho ra hồn ở vùng Tây Thái Bình Dương, vốn đã hạn hán cạn nước lòng sông và nay nguồn nước duy nhất chứa từ các hồ cũng không dám xả ra đổ về các con kênh một cách dài lâu.
Trong khi đó, áp thấp nhiệt đới liên tục hoành hành các tiểu bang vùng Vịnh Mexico. Một đợt mưa dài ngày ngập lụt khắp miền Trung Tây và Nam hồi đầu hè. Mới đây nhất, cơn bão Erika ngoài Đại Tây Dương đổ vào các nước vùng Caribbean long trời lở đất, di chuyển vào đất liền khiến Florida báo động toàn tiểu bang. May quá, trận bão thứ sáu trong mùa bão năm nay lại biến thành một trận áp thấp nhiệt đới, đổ mưa trên diện rộng toàn Florida và làm lụt luôn cả các tiểu bang kế cận như South Carolina. Mưa như trút nước, mưa cho hả hê mùa hè oi bức ở các tiểu bang miền Trung Tây và vùng Vịnh Mexico vốn hằng năm đều phải hứng những đợt mưa áp thấp nhiệt đới hay một vài cơn bão lớn có thể làm tổn hại vật chất nhưng không phải lúc nào cũng phải đối mặt với chuyện “biến đổi khí hậu” làm hạn hán mất mùa mà thường đối mặt với những trận bão lũ thường xuyên.
Với hình thái khí hậu biến đổi trên khắp Hoa Kỳ, song dường như chính quyền không muốn nghe, thậm chí là… cấm cả người khác “thấy”. Đó là câu chuyện tại một số tiểu bang, gồm Florida, North Carolina, Louisiana và Tennessee. Tại đây, các nhà làm luật đã phê duyệt các điều luật nhằm cấm người dân nói chung và các nhà môi trường nói riêng sử dụng các thuật ngữ như biến đổi khí hậu (climate change), ấm lên toàn cầu (global warming) và ngay cả nước biển dâng (sea level rise) trong phòng họp, giảng đường, truyền thông đại chúng… Từ “nước biển dâng” sẽ được thay thế bằng “ngập lụt phiền toái” (nuisance flooding). Đúng là nó phiền toái khi người ta phải lo xây bờ đắp đê trong mùa mưa bão từ Tháng 6 đến Tháng 11 và chỉ thở phào nhẹ nhõm nếu như chẳng có cơn bão lớn nào đáng kể xảy ra.
Trên ngọn đồi cỏ cháy vì hạn hán kéo dài ở ngoại vi Los Angeles – Nguồn: AP
Tất nhiên hạn hán vẫn có thể xảy ra tại các vùng miền Trung Tây nhưng chỉ là hạn hán cục bộ của mùa hè trong năm, chứ không thường xuyên cho dù mưa có rơi vài trận kéo dài trong vài ngày tại các vùng ở California, vốn bị phân bố hình thái địa lý rất đặc biệt, có biển cả, núi rừng, đồng bằng và hoang mạc. Chính những cấu trúc hình thái này đã làm nhiều vùng thay đổi khí hậu dẫn đến việc hạn hán kéo dài làm ảnh hưởng không chỉ ngành nông nghiệp, lâm nghiệp mà cả ngành thủy hải sản cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ.
Đợt hạn hán kỷ lục kéo dài qua năm thứ tư tại California khiến mực nước con sông Sacramento và các nhánh của nó xuống thấp đến mức báo động. Các nhà bảo tồn động vật hoang dã đã phải vận chuyển 30 triệu con cá hồi ra Thái Bình Dương bằng xe tải thay vì để chúng tự bơi ra biển. Đây là cách tốt nhất để giữ quần thể cá hồi tại các trại cá giống nhân tạo trên sông Sacramento không bị suy giảm. Sau ba năm, những con cá hồi sống sót sẽ ngược dòng trở về các trại giống để đẻ trứng.
Những trái bóng nhựa phủ kín mặt hồ giảm thiểu tối đa việc bốc hơi nước trên các hồ ở Los Angeles – Nguồn: Gene Blevin’s REX Shuttertock
Còn về trồng trọt, hàng trăm nông trại lớn buộc phải phối hợp với chính quyền cắt giảm việc sử dụng nước tưới cho cây trồng đến 25% và ngưng canh tác cũng bằng tỷ lệ ấy đối với diện tích đất đai. California cung cấp gần như phân nửa tổng sản lượng trái cây, ngũ cốc và rau cho cả nước nhưng không vì việc cắt giảm nước tưới và bỏ hoang đất trồng sẽ ảnh hưởng đến giá thành tăng cao của sản phẩm nông nghiệp. Những tiểu bang miền trung tây có diện tích nông nghiệp trồng trọt và chăn nuôi quy mô lớn sẽ khắc phục giá cả lương thực thực phẩm sai biệt đó. Ngoại trừ hạn hán bị ảnh hưởng do hiện tượng biến đổi khí hậu bất thường quá lớn mà các nhà khí tượng dự báo mùa thu và mùa đông năm nay, California sẽ có rất ít những trận mưa, không bù lại lượng nước bốc hơi và nước tưới cho nông nghiệp và tiêu dùng trong sinh hoạt dân cư.
Các hồ chứa nước tại California chỉ còn nước để dùng trong vòng một năm mà thôi và người ta đang tiến hành nhiều biện pháp ngăn chặn hơn triệu mét khối nước bốc hơi từ các hồ nước ở Los Angeles bằng cách thả xuống mặt nước 96 triệu quả bóng nhựa nổi phủ kín các mặt hồ. Mặc dù dự án này tiết kiệm được khối tiền cho thành phố nhưng đã không ít ý kiến chỉ trích tại sao không chọn quả bóng màu sắc khác lại chọn màu đen, một màu sắc hấp thụ nhiệt, truyền nhiệt vào nước và làm tăng nhiệt độ dễ làm khả năng bốc hơi nước và môi trường nước ấm tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển. Một trong những công ty cung cấp bóng nhựa cho dự án cho biết, màu bóng là kết quả khi thêm carbon màu đen tuyền vào nhựa polyethylene nhằm hấp thụ tia cực tím và ngăn ánh nắng mặt trời xuyên qua lớp nhựa. Việc dùng những màu sắc khác sẽ đòi hỏi thuốc nhuộm màu. Chất nhuộm có thể thấm vào nước trong khi lớp màu carbon thì không. Một cách giải thích làm lắng dịu những tranh cãi không đáng có. Mà quan trọng nhất là làm sao giữ nước trong hồ cho sử dụng sinh hoạt trong thời gian sắp tới.
Con kênh dẫn nước đi ngang qua thành phố Modesto đang giảm dần mực nước. Người bạn đi cùng tôi đến Sacramento bảo, đây là nơi hạn hán nhất vùng Bắc California, những mảnh ruộng bạt ngàn phơi đất trông thật buồn thảm không còn trù phú xanh tươi như nhiều năm trước kia nữa. Tai nghe người bạn nói, còn đầu tôi thì tự dưng nghĩ đến bài hát đồng dao “Lạy trời mưa xuống” thuở chân quê ngày nào.
Những quả bóng nhựa đen bao phủ mặt hồ là đề tài tranh cãi của các nhà khoa học môi trường – Nguồn: Gene Blevin’s REX Shuttertock
TN