Trong một bài viết trước chúng tôi có bàn tới câu chuyện “anchor baby”, một cụm từ nhằm ám chỉ những đứa bé được sinh ra tại Mỹ bởi những cha mẹ là những di dân bất hợp pháp nhưng được Hiến pháp Hoa Kỳ công nhận quyền công dân của chúng dựa trên Tu chính án 14. Nhưng khi người ta sử dụng cụm từ “anchor baby” thì chính nó cũng ám chỉ phần nào về điều khoản quyền công dân được giải thích trong Tu chính án 14 đã bị những di dân bất hợp pháp lợi dụng để sinh con ở Hoa Kỳ với hy vọng sẽ được ở lại Mỹ và dễ dàng trở thành công dân Mỹ sau này.
Xin được nhắc lại, trong phần đầu của Tu chính án 14 có nói rằng: Tất cả những người sinh ra hoặc nhập tịch ở Hoa Kỳ, và do đó nằm dưới quyền bảo vệ pháp lý (của Hoa Kỳ), là công dân của Hoa Kỳ và của tiểu bang nơi họ cư trú.
Với định nghĩa trên và dựa vào phán quyết của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ trong vụ kiện có tên United States v. Wong Kim Ark năm 1898 thì bất cứ ai được sinh ra trong lãnh thổ Hoa Kỳ đều được tự động công nhận là công dân Hoa Kỳ, ngoại trừ hai trường hợp nếu sinh ra trong những gia đình thù địch với Hoa Kỳ hoặc cha mẹ là nhân viên ngoại giao thuộc thẩm quyền của quốc gia khác.
Với sự giải thích trên, từ đó sinh ra một cụm từ khác: “birthright citizenship” – nghĩa là quyền công dân dựa trên nơi sinh.
Wong Kim Ark, ảnh chụp năm 1904 trong tài liệu của Sở di trú Hoa Kỳ – nguồn en.wikipedia.org
Một số chính khách thuộc đảng Cộng hoà, trong đó nổi bật nhất có ông Donald Trump, Lindsey Graham, Bobby Jindal và Rick Santorum, hiện đang là những ứng cử viên trong vòng sơ bộ của cuộc tranh cử tổng thống vào năm tới, cho đây là vấn đề cốt lõi đưa đến những làn sóng di dân bất hợp pháp từ phía Nam tràn vào Mỹ qua ngả biên giới giữa Hoa Kỳ và Mexico trong nhiều thập niên qua, mà hậu quả của nó là hiện có hơn 11 triệu di dân bất hợp pháp và khoảng 6 triệu “anchor babies” đang sống ở Mỹ. Những nhân vật này đang ráo riết kêu gọi cần phải sửa đổi lại Tu chính án 14 nếu muốn giải quyết tận gốc vấn đề di dân bất hợp pháp ở Mỹ trong tương lai.
Tu chính án 14 là một trong ba tu chính án nằm trong Đạo luật Tái thiết 1867 (Reconstruction Act of 1867) được đưa vào Hiến pháp Hoa Kỳ ngay sau khi cuộc Nội chiến chấm dứt để nhằm bảo đảm quyền lợi cho người da đen. Những điểm chính yếu của ba tu chính án đó như sau: Tu chính án 13 bãi bỏ chế độ nô lệ, Tu chính án 14 công nhận quyền công dân đối với tất cả những người đã từng bị làm nô lệ, và Tu chính án 15 bảo đảm tất cả đàn ông da đen được quyền đi bầu (lúc đó phụ nữ chưa được hưởng quyền này).
Có nhiều kêu gọi sửa đổi lại Tu chính án 14 nếu muốn giải quyết tận gốc vấn đề di dân bất hợp pháp ở Mỹ – nguồn newamericamedia.org
Tu chính án 14 được Quốc hội thông qua vào tháng 6 năm 1866 và được các tiểu bang phê chuẩn năm 1868. Lúc đó, Tổng thống Andrew Johnson (đảng Dân chủ) muốn dành quyền quyết định số phận tương lai của những người da đen vào trong tay của những người da trắng miền Nam. Nhiều chính khách cấp tiến của đảng Cộng hoà đã không đồng ý, họ chống lại ý kiến của Andrew Johnson và đã thắng. Tu chính án 14 được thiết lập ngoài việc công nhận quyền công dân còn bảo vệ quyền tự do dân sự cho tất cả những người nô lệ vừa mới được giải phóng. Trong đó đã nói rõ việc công nhận quyền công dân đối với bất cứ ai được sinh ra tại Hoa Kỳ và ngăn cấm các tiểu bang không được từ chối hay giới hạn những đặc quyền của những công dân Hoa Kỳ, cấm cưỡng đoạt đời sống, quyền tự do hay của cải của bất cứ ai mà không tuân thủ theo luật pháp, hoặc từ chối bất cứ ai nằm dưới sự bảo vệ pháp lý của tiểu bang được hưởng quyền bảo vệ bình đẳng của luật pháp.
Quốc hội thông qua Đạo luật Tái thiết 1867, đặt ra những điều kiện buộc các tiểu bang miền Nam phải chấp nhận trước khi họ có thể tái nhập vào liên bang, trong đó có việc phê chuẩn Tu chính án 14. Ngoài tiểu bang Tennessee, tất cả các tiểu bang miền Nam đều từ chối phê chuẩn. Nhưng số tiểu bang đồng ý thông qua vẫn đạt đủ túc số ba phần tư để Tu chính án 14 được phê chuẩn năm 1868 và trở thành một phần của Hiến pháp Hoa Kỳ. Tu chính án 13 được phê chuẩn trước đó vào năm 1865 và Tu chính án 15 được phê chuẩn năm 1870.
Trong suốt cuộc hành trình hơn 150 năm qua, Tu chính án 14 đã gặp nhiều thử thách cũng như nhiều cách giải thích khác nhau. Ngay sau khi ban hành Tu chính án 14, Tối cao Pháp viện đã đặt ra một số giới hạn trên điều khoản về việc bảo vệ quyền bình đẳng. Ví dụ, trong vụ kiện có tên Plessy v. Ferguson vào năm 1896, Tối cao Pháp viện đưa ra phán quyết rằng các tiểu bang có quyền duy trì sự phân biệt, miễn là những cơ sở công cộng – từ vòi uống nước, ghế công viên, đến phòng đợi hoặc trạm xe buýt – được dựng lên dành cho cả người da trắng lẫn da đen. Nghĩa là da đen và da trắng đều đi chung một chuyến xe buýt, nhưng da đen ngồi ở phần đuôi trong khi da trắng ngồi ở phần đầu, và thậm chí ở nhiều tiểu bang, khi người da trắng muốn ngồi một ghế nào đó thì người da đen phải nhường ghế đó. Phán quyết này đưa đến sự hình thành của học thuyết “phân biệt nhưng bình đẳng”, được hệ thống toà án lúc đó xem như đã đầy đủ để thi hành Tu chính án 14. Vào ngày 17 tháng 5 năm 1954, tức chỉ hơn 50 năm sau đó, phán quyết của vụ kiện Plessy v. Ferguson đã bị đảo ngược với kết quả một vụ kiện khác có tên Brown v. Board of Education, chấm dứt sự phân biệt mang tính kỳ thị này và bị cho là vi hiến. Ý nghĩa của Tu chính án 14 sau này trở thành một phần quan trọng của phong trào tranh đấu cho quyền bình đẳng của người da đen (1955-1968) và nhiều vụ kiện có liên quan đến nó xảy ra trong thời gian này.
Bình đẳng giữa học sinh về màu da tại Trường St. Martin, Washington, DC, sau v ụ Brown v. Board of Education, hình chụp ngày 17 Tháng 9 năm 1954 – photo AP
Một vụ kiện khác có liên quan đến Tu chính án 14 được nhắc sơ qua ở phần trên và có thể coi như đóng vai trò quan trọng nhất trong cách giải thích về quyền công dân của tu chính án mà cho đến ngày nay đã hơn 100 năm người ta vẫn phải dựa vào phán quyết đó mỗi khi có sự tranh luận xoay quanh tính chính đáng của quyền công dân trong Tu chính án 14. Đó là vụ kiện United States v. Wong Kim Ark (Hoa Kỳ v. Hoàng Kim Đức) xảy ra vào năm 1898.
Ông Hoàng được sinh ra tại San Francisco khoảng năm 1871 bởi cặp vợ chồng người Trung Hoa lúc đó đang sống hợp pháp tại Mỹ. Trong một chuyến đi ra ngoại quốc và khi trở về người ta đã từ chối không cho ông nhập cảnh Hoa Kỳ dựa vào một đạo luật nhằm hạn chế di dân đến từ Trung Quốc và ngăn cấm di dân Trung Quốc trở thành công dân Mỹ, có tên gọi khá phũ phàng là Đạo luật Loại trừ người Trung Hoa (Chinese Exclusion Act). Ông Hoàng kiện chính phủ Mỹ đã từ chối quyền công dân của ông và Tối cao Pháp viện đã đứng về phía ông, căn cứ vào hoàn cảnh khi ông được sinh ra là con của hai cha mẹ là người ngoại quốc nhưng sinh sống như thường trú nhân tại Hoa Kỳ. Toà giải thích về ý nghĩa của một đoạn ngắn trong điều khoản quyền công dân và nói rằng một người sinh ra tại Hoa Kỳ là người được “nằm dưới quyền bảo vệ pháp lý” (subject to jurisdiction thereof) và đương nhiên được hưởng quyền công dân.
Từ kết quả của vụ kiện và lối giải thích như trên của Tối cao Pháp viện đã trở thành nền tảng về ý nghĩa quyền công dân dựa trên nơi sinh trong Tu chính án 14 và chính phủ Mỹ coi như công nhận bất cứ ai được sinh ra tại Mỹ ở bất kỳ thời gian, không gian nào, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, ngoại trừ nếu cha mẹ là người thù địch với Hoa Kỳ hay là nhân viên ngoại giao của quốc gia khác. Nhưng có thể nói đây cũng chính là hệ lụy góp phần đưa đến tình trạng có trên 11 triệu di dân hiện sống bất hợp pháp tại Hoa Kỳ (con số này chỉ là phỏng đoán, có thể còn cao hơn thế) và chính phủ Mỹ không thể làm ngơ thêm nữa.
Sửa đổi Tu chính án 14, vấn đề di dân lậu sẽ giảm đáng kể. nguồn visaliatimesdelta.com
Thế nên, nhiều giới chức của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hoà trong mấy năm gần đây vẫn muốn có một cuộc cải tổ sâu rộng hệ thống di trú tại Mỹ để giải quyết làn sóng di dân lậu nhập vào Mỹ mỗi năm lên đến hàng trăm ngàn người, trong đó có nên sửa đổi lại Tu chính án 14 để lấy đi quyền được tự động công nhận là công dân và đây chính là mấu chốt của vấn đề đưa đến những bất đồng to lớn giữa hai đảng và ngay trong dân chúng. Trong một cuộc thăm dò gần đây, một nửa dân số Mỹ ủng hộ việc sửa đổi Tu chính án 14 và một nửa kia chống đối.
Mà việc tu chính Hiến pháp là một tiến trình nhiêu khê, hết sức gay go và gian nan, đòi hỏi sự chấp thuận ít nhất là hai phần ba của cả Thượng viện lẫn Hạ viện và sau đó là sự chấp thuận với ít nhất ba phần tư của các tiểu bang để được phê chuẩn.
Trong tình hình phân cực trong chính trường Hoa Kỳ cũng như nửa này nửa kia trong dân chúng Mỹ thì việc sửa đổi Tu chính án 14 là điều không thể thực hiện được ngay vào lúc này.
Nhưng nếu cả hai phía không chịu thỏa hiệp trong việc sửa đổi Tu chính án 14 hay ít ra là tìm cách giải thích về quyền công dân dựa trên nơi sinh một cách khác đi thì các nỗ lực cải tổ hệ thống di trú tại Hoa Kỳ sẽ không đi đến đâu, việc giải quyết vấn đề di dân lậu tiếp tục giậm chân tại chỗ và làn sóng di dân bất hợp pháp sẽ còn tiếp tục tràn vào nước Mỹ không dứt.
Theo tổ chức NumbersUSA, một tổ chức bất vụ lợi và phi đảng phái, cho biết trong số gần 200 quốc gia trên thế giới, có 30 quốc gia cấp quyền công dân cho những đứa bé sinh ra bên trong biên giới của họ. Nhưng trong số những quốc gia tân tiến với nền kinh tế vững mạnh và một thể chế dân chủ lâu đời thì chỉ có Hoa Kỳ và Canada là hai quốc gia duy nhất còn áp dụng quyền công dân dựa trên nơi sinh, trong khi những quốc gia như Đức, Anh, Pháp và Úc, là những quốc gia trong quá khứ từng có chính sách di dân cởi mở, đều đã bỏ quyền này.
Giả sử nay mai chính phủ và dân chúng Mỹ thành công trong việc cải tổ hệ thống di trú, trong đó bao gồm cả việc sửa đổi Tu chính án 14, thì Hoa Kỳ có giải quyết được hoàn toàn vấn nạn di dân lậu hay không? Câu trả lời là không. Vấn nạn di dân lậu thì lúc nào cũng có, nơi đâu cũng có, nhưng có lẽ nó sẽ giảm bớt đi rất nhiều.
VH