Di dân là vấn đề mà thế giới luôn phải đối diện. Lý do chính đưa đến những cuộc di dân ồ ạt lên đến hàng chục, hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu người là vì chiến tranh và bất ổn vẫn luôn xảy ra tại một số khu vực trên thế giới, trong đó có những bất ổn về chính trị cũng như kinh tế.
Người tỵ nạn bị giữ lại Budapest- nguồn getty images
Đặc biệt là trong thời gian từ năm ngoái cho đến năm nay, có thể nói hiện tượng khủng hoảng di dân xảy ra khắp nơi trên thế giới, từ Á sang Âu. Và ngay tại Hoa Kỳ, chính phủ vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn khi phải giải quyết nhiều chục ngàn đứa trẻ không có cha mẹ từ một số quốc gia vùng Trung Mỹ đã ồ ạt tràn qua biên giới giữa Hoa Kỳ và Mexico từ cuối năm ngoái.
Tháng 5 vừa qua, cuộc khủng hoảng di dân trong khu vực Đông Nam Á cũng đã đánh thức lương tâm của thế giới với nhiều chục ngàn di dân gốc Rohingya từ Miến Điện và Sri Lanka đã tìm đường vượt biển đến những quốc gia trong vùng như Thái Lan, Mã Lai và Nam Dương, nhưng đã không được những quốc gia này cho nhập cảnh vào bờ và đã phải sống lênh đênh trên biển cả tháng trời, đói khát, bệnh tật. Cuối cùng, những quốc gia trên đã phải tiếp nhận và cho họ tạm trú tại một số trại tị nạn sau khi gặp nhiều áp lực của quốc tế, trong đó có những quốc gia thành viên của Liên hiệp Âu châu (EU).
Đến nay, một số quốc gia thành viên của EU, trong đó đáng kể nhất là Hy Lạp, Ý, Hungary, Pháp và Anh Quốc, đang phải đối diện với cuộc khủng hoảng di dân khác mà trước đây ít lâu chính họ đã lớn tiếng chỉ trích những quốc gia Đông Nam Á nêu trên đã không chịu giải quyết kịp thời.
Đông Nam Á khủng hoảng di cư: 6,000 người Rohingya và Bangladesh bị mắc kẹt trên biển – nguồn ibtimes.co.uk
Mà cuộc khủng hoảng di dân tại Âu châu hiện nay lớn hơn gấp bội so với cuộc khủng hoảng di dân tại Đông Nam Á cách đây ít tháng. Theo phỏng đoán của Tổ chức Quốc tế về Di dân (IOM) cho biết chỉ riêng từ đầu năm đến nay đã có hơn 350,000 di dân từ khu vực Bắc Phi và Trung Đông đã vượt Địa Trung Hải trên những con thuyền hết sức mong manh để đến Âu châu với hy vọng được nhận cho định cư để có một cuộc sống ổn định và tốt đẹp cho tương lai của họ.
Trong số nhiều trăm ngàn di dân thoát khỏi hiểm nguy và đến được bến bờ Âu châu, đa số là những di dân từ Syria, quốc gia trong khu vực Trung Đông hiện đang trải qua cuộc nội chiến đã kéo dài hơn bốn năm với hơn hai triệu người thiệt mạng và khoảng bốn triệu người sống rải rác tại một số trại tị nạn dọc theo biên giới giữa Syria và các nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Lebanon. Đó là chưa kể còn cả chục triệu người Syria khác mất nhà mất cửa vì chiến tranh tàn phá đang sống vất vưởng không nơi cư trú ngay trên quốc gia của họ, một phần vì không có phương tiện vượt biên giới, một phần khác vì nhiều trại tị nạn đã đầy ứ và tuyên bố đóng cửa không tiếp thêm người mới.
Có thể nói những di dân người Syria là nhóm di dân chịu nhiều đau khổ nhất trong số những di dân đến được Âu châu hiện nay. Ngay khi còn ở tại quê hương, họ đã phải chịu cảnh trên đe dưới búa, một bên là phải tránh những cuộc tấn công của quân đội chính phủ Bashar al-Assad, một bên là chạy trốn sự bách hại dã man của nhóm khủng bố Quốc gia Hồi giáo (ISIS). Theo công ước quốc tế, những di dân Syria phải được công nhận là những người tị nạn.
Một trong những điều khoản của Bộ luật Nhân quyền Quốc tế đã định nghĩa về người tị nạn là “Người do sự sợ hãi có cơ sở vì bị ngược đãi với những lý do chủng tộc, tôn giáo, quốc tịch, là thành viên của một nhóm xã hội cụ thể nào đó, hay vì quan điểm chính trị, hiện đang ở ngoài quốc gia mà người đó có quốc tịch và không thể hoặc, do sự sợ hãi trên, không muốn nhận sự bảo vệ của quốc gia đó, hoặc là người không có quốc tịch đang sống ngoài quốc gia nơi họ từng cư trú trước đó do kết quả của những sự kiện trên, mà không thể, hoặc do sợ hãi, mà không muốn trở lại quốc gia đó.”
Trong khi mỗi ngày có nhiều ngàn người di dân tiếp tục đổ vào Âu châu thì những quốc gia phương Tây này vẫn bất lực không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng. Nhiều ngàn người tị nạn vẫn đang chen chúc nhau tại một số nhà ga xe lửa hoặc bất chấp hiểm nguy leo qua hàng rào biên giới trên cuộc hành trình đầy gian nan của họ. Một số khác không may mắn đã bị chết đuối khi đang cố gắng vượt qua vùng biển Địa Trung Hải.
Có nhiều lý do đưa đến cuộc khủng hoảng hiện nay. Những quốc gia láng giềng với Syria như Jordan và Lebanon đã không đủ sức chứa người tị nạn và buộc phải đóng cửa biên giới, trong khi quỹ hỗ trợ nhân đạo quốc tế càng ngày càng thiếu hụt cho những công việc cấp bách. Rồi những trận đánh tiếp tục diễn ra mỗi ngày với cường độ cao tại Syria đưa đến những làn sóng người tị nạn mới chạy trốn khỏi quốc gia của họ.
Những người tị nạn mới này lúc đầu nghĩ rằng họ có thể cầm cự ở lại Syria chờ hết chiến tranh, và họ khác với lớp người tị nạn lúc đầu, thường là những người nghèo và cuộc sống đã khá bấp bênh, hoặc bị chính quyền Syria săn đuổi, hoặc sống trong những khu vực bị tàn phá nặng nề bởi cuộc nội chiến. Bây giờ, những lớp người mới đang chạy trốn khỏi quê hương Syria bao gồm cả những thành phần trung lưu và giàu có, trong đó có nhiều người từng ủng hộ chính quyền cũng như nhiều người từng sống trong những khu vực tương đối an toàn trong thời gian đầu của cuộc chiến.
Cấp cứu một vụ đắm tàu của di dân trên Địa Trung Hải – nguồn skynews.com.au
Trong khi số người Syria mất nhà cửa đang sống lang thang ở nhiều nơi đến nay đã lên đến 11 triệu kể từ cuộc chiến nổ ra vào năm 2011, những nỗ lực để đạt một giải pháp chính trị cho khu vực vẫn chưa đi đến đâu. Hoa Kỳ và Nga vẫn tiếp tục cãi vã nhau tại những cuộc họp của Hội đồng Bảo an trong khi các chiến đấu cơ của quân đội chính phủ Syria tiếp tục dội bom bừa bãi, nhóm Quốc gia Hồi giáo tiếp tục chiếm thêm những vùng đất mới và gieo kinh hoàng cho người dân, những nhóm nổi dậy khác tiếp tục chiến đấu chống lại quân đội chính phủ và chống lẫn nhau, và nền kinh tế Syria gần như sụp đổ hoàn toàn.
Thế nên, cuộc khủng hoảng di dân tại Âu châu hiện nay là điều không thể tránh khỏi và đã được các giới chức cứu trợ nhân đạo Liên Hiệp Quốc cảnh báo từ lâu.
Hôm 2/9 vừa qua, cuộc khủng hoảng đạt đến đỉnh điểm của nó khi hình ảnh của một bé trai người Syria bị chết đuối trôi dạt vào bờ biển của một nơi nghỉ mát Thổ Nhĩ Kỳ có tên Bodrum.
Đó là bé Aylan Kurdi, ba tuổi, trên mình mặc chiếc áo thun màu đỏ, quần đùi dài quá đầu gối, chân đeo đôi giầy bé xíu không vớ, được sóng biển tạt vào bờ chỉ cách nơi em gặp nạn mấy dặm.
Em cùng gia đình bốn người gồm bố mẹ và anh trai đã trải qua một cuộc hành trình đầy gian lao, nguy hiểm từ thủ đô Damascus đến Kobani, thị trấn được thế giới biết đến qua những cuộc giao tranh dữ dội giữa nhóm Quốc gia Hồi giáo và nhóm người Kurds. Từ đây, họ vượt biên giới sang Thổ Nhĩ Kỳ, không được nhận vào trại tị nạn và phải sống lây lất trong nhiều tháng nay nhờ tiền tiếp tế từ một người cô ruột đang định cư ở Canada. Giống như tình trạng của nhiều chục ngàn người Syria gốc Kurds khác ở Thổ Nhĩ Kỳ, họ không được Liên Hiệp Quốc liệt kê vào thành phần người tị nạn và không được chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cấp phép để rời khỏi quốc gia này. Thế nên, tháng 6 vừa qua, gia đình bé Aylan đã bị giới chức Canada bác đơn xin tị nạn với lý do hồ sơ không đầy đủ mặc dù có sự bảo lãnh của người cô ruột.
Một cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đứng gần cơ thể của Aylan Kurdi, bị chết đuối trong một nỗ lực bất thành để đi thuyền đến hòn đảo của Hy Lạp Kos, ngày 02 tháng 9 năm 2015. nguồn slate.com
Vì không còn lựa chọn nào khác, gia đình Kurdi quyết định vượt qua eo biển từ Thổ Nhĩ Kỳ sang đảo Kos thuộc Hy Lạp. Từ đây, họ sẽ cùng với trăm ngàn người tị nạn khác làm một cuộc hành trình mới vượt qua nhiều quốc gia để tới Đức. Nhưng không may, khi chiếc thuyền mỏng manh bằng mủ chở mấy chục mạng người vừa ra khơi thì một cơn sóng lớn làm lật úp và có ít nhất 12 người trên thuyền bị chết đuối, trong đó có bé Aylan ba tuổi, người anh trai Galip năm tuổi và mẹ Rihan 35 tuổi. Ông bố Abdullah là ngưòi duy nhất trong gia đình còn sống sót. Khi được báo chí săn hỏi, trên mặt vẫn chưa hết nỗi kinh hoàng, đã trả lời: “Tôi không còn muốn gì nữa cho dù người ta có mang đến cho tôi tất cả các quốc gia trên thế giới. Tôi đã mất hết những gì quý báu nhất trên đời rồi.”
Khi hình ảnh của một hình hài bé nhỏ nằm úp mặt bất động trên bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ được các phương tiện truyền thông hiện đại truyền đi đã tạo nên làn sóng thương cảm cùng lúc là sự phẫn nộ của hàng tỉ người trên thế giới. Người ta tự hỏi lương tâm và lòng nhân đạo của thế giới, trong đó đặc biệt là những quốc gia Âu châu giàu có, nay đã bị trôi dạt phương nào.
Bé Aylan đã cùng gia đình bỏ trốn quê hương, nơi em không được chấp nhận, tìm đến một nơi tạm trú nhưng không ai muốn chứa chấp em, và nằm chết cô đơn trên bờ biển của một đất nước có lẽ ít muốn chứa chấp em nhất so với tất cả những nơi khác em đã đến. Và trong khi những người tị nạn trốn thoát khỏi Syria và những khu vực bất ổn khác trên thế giới đang chen chúc nhau tại những sân ga ở Âu châu hay tại bến cảng Calais thuộc Pháp, hoặc chết trên những bờ biển từ Libya đến Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc thối rữa trong những chiếc xe vận tải tìm thấy ở Áo, rõ ràng bé Aylan cũng chỉ là một trong vô vàn những thân phận khốn khổ đó.
Trong nhiều biến động trên thế giới, hầu như lúc nào cũng có một vài biểu tượng phát sinh từ những biến động đó. Gần đây, như cái chết của người thanh niên Mohamed Bouazizi đã trở thành biểu tượng của cuộc nổi dậy của người dân Tunisia chống lại nhà độc tài Ben Ali và châm ngòi cho cuộc Cách mạng Mùa xuân Ả Rập. Hay cái chết của cô Sally Zahran đã là một trong những biểu tượng của cuộc nổi dậy người Ai Cập lật đổ chế độ Hosni Mubarak. Và nay, cái chết của bé Aylan Kurdi đang là biểu tượng không chỉ của cuộc khủng hoảng di dân tại Âu châu mà còn là biểu tượng của cuộc khủng hoảng nhân đạo của các quốc gia Tây phương.
VH