Menu Close

Chê chuyện đã rồi

Năm 1997, giải Nobel về kinh tế học được trao cho hai giáo sư Robert Merton và Myron Scholes cho những công trình nghiên cứu của họ về chứng khoán. Trước đó 3 năm, họ cùng vài chuyên gia tài chính khác sáng lập công ty Long-Term Capital Management, chuyên về đầu tư chứng khoán với vốn ban đầu khoảng 1 tỷ Mỹ kim. Bốn năm sau (và một năm sau khi được trao giải Nobel), năm 1998, công ty phải… dẹp tiệm vì thua lỗ gần 5 tỷ Mỹ kim trong vòng 4… tháng. Sau đó, tuần báo Business Week phỏng vấn họ vì sao những mô hình và công thức về dự đoán giá trị chứng khoán mà họ đã nghiên cứu từ lâu lại không áp dụng được. Họ đành thú thật các công thức ấy chỉ đúng khi dự đoán giá trị các chứng khoán trong… quá khứ; khi áp dụng cho tương lai lại sai nên mới lỗ… sặc máu như vậy! Không riêng gì trong lãnh vực kinh tế, nhiều chuyện khác ở đời cũng thế. Chuyện đã qua rồi thì nói gì cũng dễ, cũng đúng. Chứ nói trước chuyện chưa xảy ra mới khó, mới… giỏi! Tuần qua, có một chuyện được nhiều người giỏi bàn tán. Những người này toàn thuộc loại danh tiếng và đầy quyền lực. Tổng thống Obama, cựu bộ trưởng ngoại giao Hillary Clinton, (đương kim) Bộ trưởng giáo dục Arne Duncan, chủ công ty Facebook Mark Zuckerberg… và nhiều người nữa. Họ nói về một cậu học sinh trung học ở Irving thuộc tiểu bang Texas.

ahmed0005

Ahmed MohamedNGUỒN DALLASNEWS.COM

Cậu tên là Ahmed Mohamed, mới 14 tuổi. Hôm Thứ Hai tuần trước, cậu đem đến lớp một cái đồng hồ báo thức tự chế mà cậu gọi là “phát minh” để khoe cô giáo dạy… Anh văn của mình. Ai dè, tưởng được cô khen, lại bị cô báo ngay lên Ban giám hiệu nhà trường rồi sau đó bị gọi cảnh sát đến còng tay bắt đi. “Phát minh” của cậu trông có vẻ kềnh càng và… rối rắm so với những chiếc đồng hồ thông thường. Có lẽ vì thấy dây dợ lung tung, cô giáo đâm hoảng vì cho rằng đấy là một quả bom giờ đang chờ phát nổ mà bọn khủng bố hay dùng. Cũng có thể một phần vì tên cậu nghe có vẻ… “khủng bố ” quá! Chính bố của cậu sau đấy cũng nói với báo chí: “Tên của con tôi là Mohamed. Người ta cứ nghĩ tín đồ Hồi giáo là khủng bố nhưng chúng tôi hiền lành chứ không phải như thế.” Khi cảnh sát đến khám xét thì xác định không phải là bom nhưng công nhận là trông cũng… giống bom, loại cài giờ nổ chậm. Thế là họ quyết định còng tay cậu bắt về bót để lăn tay, thẩm vấn như một nghi can khủng bố loại xịn. Họ nghi là cậu cố tình tạo một quả bom dỏm để khủng bố… tinh thần. Dĩ nhiên, thế nào họ cũng liên hệ với FBI để điều tra lý lịch về gia đình cậu. Sau khi tổng hợp các thông tin và bằng chứng, họ thấy là mình đã bắt lầm và thả cậu về. Chuyện sau đó được lên báo, lên đài, lên mạng khắp nước Mỹ và có lẽ cũng khắp thế giới.

Cậu được nhiều người giỏi (và không giỏi) khen thế này thế kia. Công bằng mà nói, cậu thật sự đáng khen! Trong khi nhiều học sinh nam lứa tuổi cậu, không dính vào băng đảng thì cũng thuốc lắc này nọ, hoặc nhẹ nhất cũng bắt đầu mê… gái, vậy mà cậu chỉ chăm lo học hành, lại còn đam mê khoa học. Các bậc phụ huynh ở Mỹ có được đứa con (trai) như cậu là vui lắm rồi! Có điều khen cậu thì khen (bao nhiêu cũng được) nhưng đừng nên chê cảnh sát cũng như cô giáo cùng Ban giám hiệu nhà trường. Thời buổi này khủng bố khắp nơi, chưa kể lâu lâu học trò mang súng đến trường bắn xả láng, thì chuyện hiểu lầm, bắt lầm là bình thường. Cậu Mohamed có thể bị hoảng sợ vào ngày hôm đó nhưng ngày hôm sau và có lẽ vài năm sau, cậu thấy tương lai của mình xán lạn hơn. Cậu xin học bổng vào những trường đại học danh tiếng chắc thế nào cũng được (trong khi rất nhiều học sinh da trắng và da… vàng, dù thành tích và học lực cao, chưa chắc đã vào được, chứ đừng nói là học bổng). Như thế câu chuyện đã kết thúc có hậu. Nhất là nước Mỹ vẫn được bình yên!

Chỉ mong rằng cảnh sát nước Mỹ đừng bao giờ vì sợ bắt lầm mà… bỏ sót!

HNH