Menu Close

Lễ Nghi Học Sĩ Nguyễn Thị Lộ – Nhân vật lịch sử & văn học. Chuyện cây trâm cài tóc trong cũi tù

Ngày 19 tháng 9 năm 1442 là ngày đen tối trong văn học và lịch sử Việt Nam. Ngày này vị khai quốc công thần Nguyễn Trãi và vợ là Lễ Nghi Học Sĩ Nguyễn Thị Lộ bị bức tử với bản án tru di tam tộc.

Đã hơn 500 năm trôi qua, bóng tối vẫn chưa tan trên những trang sử viết về hai nhân tài của đất nước, nhất là những trang về vị Lễ Nghi Học Sĩ của triều đình nhà Lê. May thay gần đây đã có những nỗ lực trong giới văn học và lịch sử làm tan bớt mây mù. Bài viết đầy chân tình đáng quý của Nguyễn Thị Khánh Minh sẽ soi sáng tiểu sử vị nữ lưu tài sắc của một thời, trả lại cho bà những giá trị đích thực của bà.

NGUYN & BN HU

 

 

Nguyễn Thị Khánh Minh

Cảm ơn Nhà Giáo Hoàng Đạo Chúc, Hà Nội, đã gửi cho tôi tài liệu về Lễ Nghi Học Sĩ.

Học sĩ cung vàng hương phấn dậy

Lệ Chi vườn cũ gió mưa dồn

Xe loan một tới ngàn thu hận

Quốc sử âm thầm với nước non

Nữ sĩ Ngân Giang

(Thị Lộ Hàn Lâm Nữ Học Sĩ)

 

nguyenthilo

NGUỒN HOPLUU.NET

Ngày 2 tháng 10 năm 2001, tại công viên trung tâm thủ đô Québec, Canada, đã xảy ra một sự kiện làm cho người Việt Nam ai cũng hân hoan rưng lệ, là khánh thành tượng đài Nguyễn Trãi (NT, 1380-1442), vì Sao Khuê lộng lẫy trong lịch sử, văn học Việt Nam, một kẻ sĩ, một nhà tư tưởng, chính trị, quân sự tài ba (Bình Ngô Ðại Cáo), trên hết, một thi nhân lỗi lạc với Quốc Âm Thi Tập. Và là một danh nhân văn hóa thế giới, được thừa nhận năm 1980 bởi Tổ Chức Văn Hóa Khoa Học và Giáo Dục của Liên Hiệp Quốc (UNESCO). Một danh nhân mà cuộc đời đã gắn bó với một bậc nữ lưu tài sắc: Lễ Nghi Học Sĩ Nguyễn Thị Lộ (NTL). Cả hai đã bị bức tử trong một bản án tru di tam tộc, ngày 19.9.1442, một áng mây ảm đạm bay hoài trên bầu trời lịch sử Việt Nam, treo lửng nỗi oan khuất của NTL, đã hơn 500 qua…

Từ năm 2002 đến nay, ở Việt Nam, một số nhà sử học, văn thi sĩ, cùng hậu duệ may mắn sót lại của hai bậc tiền nhân này đã tổ chức những cuộc hội thảo về NTL, và đã gặt hái được kết quả đầu tiên là miếu thờ kỷ niệm bà được xây dựng lại tại thôn Khuyến Lương (xã Cổ Mai xưa), huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội, nơi duy nhất có miếu thờ riêng bà ở Hà Nội. Miếu này, cả một thời gian rất dài bị bỏ hoang, tệ bạc đến nỗi biến nó thành một nơi giữ dê, (ôi!?), xưa được xây lên từ nền nhà của NT-NTL lúc sinh tiền ở và dạy học.

Theo Gs Vũ Khiêu, “…chúng ta không khỏi ngậm ngùi thấy rằng trên toàn cõi Việt Nam chỉ còn một ngôi đền tàn tạ này là riêng dành cho việc thờ cúng Bà. Phải chăng nỗi oan ức làm tối đen cả trời đất cách đây gần 600 năm, vẫn chưa được xóa sạch đối với con người trong sáng này…” (tham luận Nỗi Oan Nguyễn Thị Lộ, hội thảo NTL 19.12.2002, Khuyến Lương)

Một bài viết của tác giả Ðinh Công Vỹ và Hoàng Ðạo Chúc năm 2002 ở báo Người Cao Tuổi, VN, số 218 ngày 2.9.2002, có chi tiết làm tôi rất xúc động, xin ghi lại:

“…trước đây sát miếu là một khu ruộng cấy lúa, rồi nhà thờ Công giáo dựng lên gần đấy, lấn vào khu vực thờ cúng, người ta đào ao, vật đất lên làm trại chăn nuôi dê, rồi đã phát hiện thấy một khối gỗ xếp theo hình cũi lợn, mộng rất khít không tra đinh, kích thước 4m x 4m, các thanh gỗ kích thước không giống nhau: 4m x 0.20m x 0.40m. Lúc mới đào gỗ mềm như bún, để một lúc thì khô cứng như đá. Anh Nguyễn Văn Hải*, cháu cụ Nguyễn Ðăng Nông, nhặt được một chiếc trâm cài búi tóc phụ nữ dài 15cm ở trong cũi. Dư luận người ta cho đấy là trâm của bà Lộ, sau khi bị chém, tử thi chôn cùng cũi… Vậy mà những di vật cực quý ấy nay cũng không còn…”

Ðọc thấy ngậm ngùi, giận. Một tài nữ, là Lễ Nghi Học Sĩ đầu tiên trong nền giáo dục Việt Nam, bị kết tội oan và chết thảm, để lại một dấu vết quá là thơ mộng, mong manh, một cây trâm cài tóc trong cũi tử tội, thế mà định mệnh khắt khe còn theo đuổi để nó mất dấu! Nghĩ đến xứ người, những kỷ vật của các nạn nhân trong thuỷ nạn Titanic được quan tâm cất giữ cho đời nhỏ lệ thương cảm, trong khi di vật của một con người mà sắc và tài cùng sự đóng góp cho nước nhà như thế lại không được trân trọng, ơi là cao xanh, giờ ở đâu, trâm cài và… hương tóc?

Học sĩ cung vàng hương phấn dậy…

(thơ Ngân Giang)

Thiết tưởng ngày nay phải viết lại một cách trung thực án Lệ Chi, đưa bà vào vị trí xứng đáng đồng thời đưa tội ác bọn thủ phạm ra trước lịch sử. Ðó là nhiệm vụ của các nhà viết quốc sử, văn học. Ðể hình ảnh một cây trâm thôi cô liêu trong cũi tù… Nó là một kỷ vật của quốc gia.

Nhà văn Hoàng Quốc Hải nói rằng:

“…Tôi đề nghị giới văn học và sử học nước ta đuổi truyền thuyết ‘rắn báo oán’ ra khỏi lịch sử và văn học nước nhà, trả lại danh dự vốn có cho nữ học sĩ… Tôi kiến nghị Tòa Án Nhân Dân Tối Cao nên ra một phán quyết đặc biệt phủ định án quyết Lệ Chi Viên năm Nhâm Tuất 1442 trả lại sự trong sáng cho bà đồng thời làm sáng tỏ tính nghiêm minh của lịch sử”, cũng trong tình cảm ấy nhà văn đã lên án “thói kỳ thị nữ giới”, lờ đi công lao của những phụ nữ đã cống hiến và hy sinh đời mình cho nước nhà, như NTL, như hai công chúa An Tư và Huyền Trân (TRẮNG ÁN NGUYỄN THỊ LỘ, VĂN NGHỆ SỐ 7, 2003). Tôi thích nhất bài này trong số các bài tham luận của hội thảo. Xin chia sẻ sự đồng ý của tôi đến nhà văn.

Nên, tôi thu thập ít tài liệu có trong tay để tổng hợp vào bài viết này, cũng với chủ ý trên, để giúp ai có quan tâm về NTL, chia sẻ với tôi một hạt lệ, rơi trên mặt hồ sáng trong của tâm hồn một phụ nữ tài hoa.

Theo Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư, chính sử của triều Lê:

“…Nguyễn Thị Lộ, người rất đẹp, văn chương rất hay…”

Bà người làng Hải Hồ (tục gọi làng Hới) nổi tiếng với nghề làm chiếu, xã Hải Triều, huyện Ngự Thiên, nay là xã Tân Lễ, tỉnh Thái Bình. Xuất thân từ gia đình Nho giáo, cha là Nguyễn Mỗ, là nhà nho dạy học, vì thế, bà đã được học chữ từ bé, sau lại thêm cả y, dược, lý số. Cha mất sớm, cô Lộ phải chuyển đến nhà cậu ở phường Tây Hồ và dệt chiếu đem vào thành Thăng Long bán. (THAM LUẬN CỦA NHƯ HIÊN, HỘI THẢO NTL, KHUYẾN LƯƠNG, 2002)

Vào thời Nhuận Hồ, Nguyễn Trãi, lúc này đang cùng Trần Nguyên Hãn tìm đường khởi nghĩa chống giặc Minh. Theo gia phả họ Nguyễn, con cháu của người vợ thứ Nguyễn Phi Khanh, ở Thanh Hóa, bản của ông Nguyễn Quang Thự 1868, Tự Ðức thứ 21, có nói rõ NTL sinh năm 1396, gặp NT vào thời nhà Hồ, và về làm thiếp ông vào năm 1410. Ông 30 tuổi và bà 14 tuổi (nếu căn cứ từ giai thoại bài thơ chữ nôm về cuộc gặp gỡ của ông bà “xuân xanh vừa độ trăng tròn lẻ” thì bà khoảng 14 hay 16). Từ đó, cuộc sống ông bà gắn liền với đất Khuyến Lương, là một mảnh đất thuộc thái ấp xưa của Thượng Tướng Trần Khắc Chân, bên bờ sông Hồng, cách Hà Nội bây giờ khoảng 10 km. Khuyến Lương với nghĩa “khuyến khích làm việc lương thiện”, là tên của Nguyễn Trãi đặt cho làng Mui (tên xưa) khi ông đến đây dạy chữ, dạy đức, ông bà đã sống trong cảnh “Góc thành nam, lều một gian” là ở đây, và thai nghén Bình Ngô Sách. (THEO KHÁNH THIỆN – TẠP CHÍ QUÊ HƯƠNG SỐ 301 NGÀY 3.1.2003)

Năm 1420, ông bà dâng Bình Ngô Sách, phò Lê Lợi chống giặc Minh. Năm 1428, NT viết Bình Ngô Ðại Cáo, một thiên cổ hùng văn, thay lời Lê Lợi tuyên cáo chấm dứt cuộc kháng chiến chống Minh, được coi như Bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập thứ hai của Việt Nam, sau bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt, Nam Quốc Sơn Hà Nam Ðế Cư (LICHSUVIETNAM.NET).

Năm 1433, Lê Thái Tông (sinh 1423) lên ngôi vua, chỉ mới 10 tuổi, quyền bính tập trung vào tay Lê Sát, Lê Ngân và bọn hoạn quan, NT đã có lần dâng sớ phê phán nạn hoạn quan này. Ðây là sợi dây oán thù đầu tiên buộc vào số phận của ông bà cái án tru di.

Năm 1437, vua Thái Tông, 15 tuổi, thân chính, bà được triệu vào cung làm Học Sĩ, được xem là phụ nữ đầu tiên làm chức này, một chức quan xếp hàng thứ hai, sau Ðông Các Ðại Học Sĩ trong Viện Hàn Lâm xưa, dạy công chúa và cung nhân, và nhạc công về nghi thức tế tự, đánh trống hòa nhạc trong dịp lễ Tết hội hè, giúp Vua Thái Tông trong việc nhuận sắc các chiếu thư (tham luận của TS Ðinh Công Vỹ, 2002).

Dưới triều Thái Tông, xảy ra việc Thần Phi Nguyễn Thị Anh vu cáo Hoàng Phi Ngô Thị Ngọc Giao, khiến vua đã xử tội voi giày Hoàng phi cùng với bào thai trong bụng (là vua Lê Thánh Tông sau này), nhưng nhờ NT, NTL can gián nên thoát chết và đưa Hoàng Phi ra náu ở chùa Huy Văn. Ðây là việc thứ hai, thắt chặt thêm sợi dây thù hận với Thần Phi và đồng bọn. Và cũng là điểm then chốt để sử gia Trần Huy Liệu trong cuốn sách Nguyễn Trãi, 1969, cho rằng chính họ là thủ phạm vụ án Lệ Chi Viên.

Vào năm 1438, 39 Nguyễn Trãi lui về ẩn ở Côn Sơn. Năm Nhâm Tuất, tháng 3-1442, Vua vời ông về triều đình để chấm thi Hội, lúc trở lại Côn Sơn, bà NTL đã về theo chồng.

Tháng 7,1442 Lê Thái Tông đi tuần Chí Linh, gần Côn Sơn, nên đã ghé vào nhà của ông bà. Ngày 4.8 (âm lịch) vua hồi cung, phái Nguyễn Thị Lộ theo hầu với tư cách Lễ Nghi Học Sĩ. Ðến Gia Ðịnh, trú tại vườn Lệ Chi. (TỔNG HỢP)

NTKM