Sau chuyến du lịch mạo hiểm động Sơn Đoòng, Thái tử Sheikh Khalifa bin Zayed bin Sultan Al Nahyan của Tiểu vương quốc Ả Rập Abu Dhabi cảm nhận thế này: “Hang động thật đẹp và kỳ bí, rất đáng bỏ ra số tiền ba ngàn đô la để có được trải nghiệm cho những ngày đêm sống và khám phá vẻ đẹp thiên nhiên đã tạo nên hang động lớn nhất thế giới này. Trong chuyến hành trình khám phá Sơn Đoòng, đã nhiều lúc tôi cảm thấy dường như mình đã chạm tới tận cùng giới hạn của tự nhiên”.
Giếng trời do sự sụp đổ của trần hang trở thành khu rừng nhiệt đới bên trong động Sơn Đoòng – Ảnh: John Spies/Smithsonia
Riêng tạp chí Smithsonian của Hoa Kỳ số ra mới đây so sánh độ rộng của hang Sơn Đoòng có thể chứa hai chiếc Boeing 747 và trần động cao đến mức có thể đưa cả Đài tưởng niệm Washington bên trong. Còn chiều dài hang động thì dài gấp năm lần hang động Deer ở Malaysia từng giữ kỷ lục thế giới. Trong hang còn có một dòng sông xanh biếc chảy dọc và một miệng giếng trời do sự sụp đổ của trần hang dẫn đến việc hình thành một khu rừng nhiệt đới ẩn vào bên trong tạo cho hang Sơn Đoòng có một khung cảnh kỳ bí của rừng, sông ngầm, đá vôi sau hàng trăm triệu năm đã tạo nên những mảng thạch nhũ khổng lồ lung linh huyền ảo dưới ánh đèn.
Hang Sơn Đoòng dài hơn 9km, có những đoạn sông ngầm xanh biếc chảy giữa lòng hang – Ảnh: John Spies/Smithsonia
Chính vì thế, không gì phải ngạc nhiên khi Smithsonian đánh giá hang Sơn Đoòng là số một trong những địa danh đáng đến trong cuộc đời của thiên nhiên tạo ra hay những công trình nhân tạo do con người xây dựng. Bốn danh thắng xếp sau hang Sơn Đoòng là: Phòng thí nghiệm CERN (Thụy Sĩ); Sân bay vũ trụ ở tiểu bang New Mexico – được mệnh danh là nơi bước chân ra khỏi trái đất; vùng núi phía Đông (châu Phi) – hành trình gặp loài khỉ đột lớn nhất hành tinh và Đài thiên văn ALMA (Chile) – nơi quan sát được nhiều sao nhất trong vũ trụ. Và Sơn Đoòng là một trong những hang đẹp nhất trong số các hang động trên thế giới.
Tôi biết chuyện người khám phá hang Sơn Đoòng rất lâu qua nhiều kênh thông tin nhưng chưa bao giờ có dịp tìm đến mặc dầu Sơn Đoòng là một hang động trong quần thể công viên quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Quảng Bình một tỉnh nghèo ở miền Trung Việt Nam lại có những tài sản hang động thiên nhiên vô giá. Chắc hẳn trong chúng ta nhiều người biết đến động Phong Nha, một hang động được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Động Phong Nha thì tôi đã có dịp đến trước đây theo tour du lịch. Không cần phải nói nhiều về vẻ đẹp trước bất kỳ một kiệt tác nào của thiên nhiên có thể khiến bạn giảm đi nhiều thích thú với sở thích tự khám phá ra những điều kỳ bí. Nào hang “Sư tử”, “Kỳ lân”, “Vô chầu”, “Cung đình”, “Tượng Phật” hay hang “Tiên”… Tất cả những vẻ đẹp của những khối thạch nhũ với nhiều hình tượng kỳ lạ đã làm phong phú trí tưởng tượng của con người đặt tên cho chúng. Và điều người tham quan có cảm nhận đầu tiên khi bước chân vào hang động hoặc đi thuyền trên con sông ngầm là một sự mát mẻ khiến người ta ồ lên trong khoảnh khắc. Cảm giác oi nồng của mùa hè nơi miền Trung gió Lào lập tức biến mất, càng vào sâu ánh sáng càng nhạt dần rồi mất hẳn, một thế giới u linh, kỳ thú … hiện ra. Chẳng thế mà người ta gọi là động “Phong Nha” nói chung cho quần thể hang động bên trong. “Gió luồn qua kẽ răng” một cái tên quả là đích thực trong quá trình phong hóa tạo thành hang động bên trong khối núi đá Kẻ Bàng kéo dài cả trăm kilômét trên dãy Trường Sơn.
Đá vôi bị phong hóa thành những cụm thạch nhũ rất kỳ bí – Ảnh: John Spies/Smithsonia
Và tôi cũng đã đi thăm các hang động Inner Space, Longhorn, Natural Bridge ở khu vực ngoại ô thành phố Austin, Texas. Tất cả các hang này đều nhỏ và mức độ đẹp của các mảng thạch nhũ không thể bằng vẻ đẹp của động Phong Nha. Và cho đến khi tôi xem trang web của tạp chí Smithsonian và kênh truyền hình ABC trong một phóng sự khám phá hang Sơn Đoòng thì tôi lại càng thấy sững sờ trước vẻ đẹp huyền ảo và kỳ bí của một di sản thiên nhiên hiếm có.
Phóng sự kể về năm 1991, anh Hồ Khanh (ở thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) trong một chuyến đi tìm trầm ở rừng Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha – Kẻ Bàng đã gặp một cửa hang lạ, khi bước tới thì cảm thấy rõ luôn có một luồng gió mát lạnh trong hang thổi tốc ra, tiếng gió rít qua vách đá nghe lạnh người. Đến năm 2006, khi vợ chồng ông Howard Limbert, nhà địa chất học người Anh nghe thông tin trên đã tìm đến ông Hồ Khanh để tìm hiểu về hang động “kỳ lạ” này. Đầu năm 2008, sau nhiều ngày leo rừng, vượt suối, trèo vách đá cheo leo dò tìm, anh Hồ Khanh và đoàn thám hiểm Hoàng gia Anh do ông Howard Limbert dẫn đầu đã phát hiện hang động Sơn Đoòng – hang động lớn nhất thế giới.
Đoàn thám hiểm khám phá thêm nhiều hang động bên trong hang chính – Ảnh: John Spies/Smithsonia
Khám phá ra hang động cũng như sinh một đứa con trước nhất phải đặt tên. Vì Hồ Khanh được cho là người đầu tiên phát hiện ra hang động nên đoàn thám hiểm đề nghị ông Khanh đặt tên cho hang. Anh Khanh đã lấy tên mình làm tên hang, gọi là hang Hồ Khanh. Đoàn thám hiểm ghi nhận tên do anh Khanh đặt nhưng mấy hôm sau họ xin phép Hồ Khanh để cho họ đặt lại tên cho hang là “Sơn Đoòng” và anh đã đồng ý. Tên gọi “Sơn Đoòng” được tạo ra bằng cách ghép địa danh “Đoòng” là tên một bản của người Vân Kiều nằm ở vị trí không xa cửa hang. Từ đó hang Sơn Đoòng “bay” đi khắp thế giới để giới thiệu một hang động lớn, đẹp và kỳ vĩ mà Quảng Bình đang sở hữu.
Nhà địa chất người Anh Howard Limbert và Hồ Khanh trong đợt đưa đoàn làm phim NHK của Nhật làm phim trong hang động Sơn Đoòng – Ảnh: NHK Japan Film
Tuy vậy anh Hồ Khanh vẫn được có một cái tên hang Khanh khi dẫn đoàn thám hiểm phát hiện thêm ba mươi hang động khác bên trong hang chính Sơn Đoòng. Đoàn đã trao quyền cho Khanh đặt tên các hang động mới để ghi nhớ công trạng phát hiện của anh. Những tên động có khi Hồ Khanh lấy tên của những người trong đoàn thám hiểm đặt tên như: hang Phong, động Hùng hay thấy một loài cá đặc trưng sống trong một vực nước anh liền đặt hang Vực Cá Thau. Trong mấy chục hang động có một hang đẹp khác thường, trần hang đổ xuống thạch nhũ trông như cảnh bồng lai, anh đã lấy tên con gái của mình là Thái Hòa đặt tên. Hang Thái Hòa như một thiên đường “treo” giữa lưng chừng núi đá vôi. Từ chân núi lên hang mất một tiếng rưỡi, trong hang có hồ nước trong vắt nhưng không biết nguồn từ ở đâu.
Sau khi đài truyền hình ABC của Mỹ làm phim về hang Sơn Đoòng, hang trở thành điểm du lịch mạo hiểm khám phá độc đáo. Nhưng không phải ai cũng có khả năng tài chánh để tham gia tour vì giá rất đắt một mặt vì giới hạn khách tham quan theo nhóm, mặt khác đường đi khó khăn, leo núi, băng rừng với đội ngũ gùi thồ lỉnh kỉnh những thứ hành lý, ăn uống, ngủ nghỉ, vệ sinh theo hướng dẫn nhất định. Nhất là chuyện dọn dẹp vệ sinh cá nhân, vấn đề đáng chú ý cho một đoàn người đi vào sơn động sáu ngày năm đêm theo thời gian chương trình du lịch khám phá.
Nhiều mẩu hóa thạch xuất hiện trên thành vách hang động dành cho nhiều nhà địa chất và khảo cổ nghiên cứu – Ảnh: John Spies/Smithsonia
Khác với tour tham quan hang động bình thường hạn chế thời gian tham quan, muốn “mạo hiểm” vào hang Sơn Đoòng, du khách phải có sức khỏe đi bộ hàng chục cây số, vượt qua những chướng ngại đòi hỏi nhiều kỹ năng sống, chịu chi nhiều tiền và sẵn sàng ngủ nghỉ như những nhà thám hiểm thực thụ. Một cái lều, trùm cái mền là xong chuyện. Nhưng vấn đề vệ sinh cá nhân bạn hãy chịu khó với các “thiết bị” vệ sinh dã chiến nhưng ít ra cũng giải quyết được chuyện tế nhị này vì không thể xây dựng các nhà vệ sinh tiện nghi bên trong một hang động thiên nhiên. Tất nhiên là nước cũng được sử dụng hết sức hạn chế. Nhưng việc thiếu tiện nghi đó vẫn không làm nản chí những du khách có máu thích phiêu lưu mạo hiểm muốn thử sức lên non tìm động Sơn Đoòng.
Núi đá vôi phong hóa qua hàng trăm triệu năm tạo nên những hình ảnh kỳ bí trong hang động – Ảnh: John Spies/Smithsonia
NL – Theo Smithsonia