Menu Close

ĐẠI HỒI và TIỂU HỒI: Một sự kỳ diệu của Tạo Hóa

Đại Hồi và Tiểu Hồi được xem là một sự kkỳ diệu lý thú của Tạo Hóa vì hai cây này: Tiểu Hồi là một loài cỏ, Đại Hồi lại là cây thuộc loại mộc mà cùng cho chung một loại tinh dầu rất có giá trị trong kỹ nghệ thực phẩm cũng như Dược phẩm.

TÊN KHOA HỌC:

Tiểu Hồi: Pimpinella anisum thuộc họ thực vật Umbillifereae (như Ngò, cà rốt). Mỹ gọi là Anise Seed. Pháp, Tây Ban Nha và Đức gọi chung là Anis. Đông Y gọi là Hồi hương (Huel-Hsiang).

daihoi tieuhoi 01

Đại Hồi: Illi cium verum, thuộc họ thực vật Magnoliaceae. Mỹ gọi là Star anise. Pháp gọi là Fruit de badianier de Chine hay Fruit d’anis etoile.

daihoi tieuhoi 01

ĐẶC TÍNH THỰC VẬT VÀ LỊCH SỬ:

. Tiểu Hồi: Tiểu Hồi đã được ông tổ trong ngành Y khoa hiện đại Hippocrates xử dụng để làm tan đờm trong hệ thống hô hấp. Người La Mã từ thời Pline đã biết nhai hạt Hồi để làm thơm hơi thở. Nhưng xa hơn nữa, Tiểu Hồi đã có mặt trong Kim Tự Tháp Ai Cập vào triều đại của các vị Pharaoh. Người La Mã dùng Tiểu Hồi để làm loại bánh Mustaceum dùng trong các dịp lễ quan trọng mà ngày nay mà nhiều người cho rằng đó là tiền thân của Bánh Cưới hiện nay. Tiểu Hồi trở thành gia vị rất thông dụng trong những quốc gia ở quanh Địa Trung Hải và được xử dụng như một đơn vị tiền tệ trong các cuộc trao đổi thương mại và đóng thuế. Trong Tân Ước, Matthew 23:23 đã nhắc đến: “..các người đã đóng thuế bằng Bạc Hà, hồi, cumin (ngổ)…” Đến năm 1305, vua nước Anh Edward I đã xếp Tiểu Hồi vào món hàng phải đóng thuế để có tiền sửa chữa cầu London. Trên thị trường hiện nay, Tiểu Hồi được cung cấp bởi Mexico, Tây Ban Nha, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Ý-đại-lợi, nhưng lại được trồng khá nhiều tại Ấn Độ, Trung và Nam Mỹ Châu. Tiểu Hồi là một cây cỏ hằng niên, có thể mọc cao từ 60 đến 90cm. Cây mọc chậm và phải cần một thời gian ấm áp ít nhất là 120 ngày. Đất cần xốp, thoát nước, thời tiết ấm, mưa phân bổ điều hoà. Hạt được gieo vào đầu mùa Xuân theo từng luống cách nhau chừng 60cm. Và sau 3 tháng cây sẽ trổ hoa màu trắng, và 1 tháng sau đó có thể thu hoạch hạt. Hạt màu xanh xám, dạng lưỡi liềm có lông và dài chừng 1/5 inch (0.5cm). Một cân Anh (pound) chứa khoảng 1 trăm ngàn hạt.

Đại Hồi: Đại Hồi trái lại là một cây thuộc loại tiểu mộc, mọc hoang ở vùng Đông Nam Trung Hoa và miền biên giới phía Bắc Việt Nam (nhất là Lạng Sơn). Khi quả chín sẽ nở ra thành hình ngôi sao nên được gọi là Star Anise, hoa màu vàng nhìn xa có vẻ giống hoa Thủy tiên. Cây Đại Hồi có thể bắt đầu thu hoạch vào năm thứ 6 và có thể tiếp tục sản xuất đến năm 100 tuổi. Cây trưởng thành sau 25 năm, mỗi năm có thể cho từ 25 đến 30kg quả khô, chứa chừng 2,5 đến 3% tinh dầu. Nên chú ý là tại Nhật Bản cũng có một loại cây Hồi, cũng có trái hình ngôi sao gọi là Japanese Star Anise (Illicium anisatum), có mùi Nhục-đậu-khấu, được trồng tại các đền chùa. Vỏ cây dùng làm Nhang, và trái có chất độc. Đến năm 1971, chính phủ Mỹ bãi bỏ lệnh cấm nhập cảng gia vị từ Trung Hoa lục điạ nên từ đó Đại Hồi có mặt tại thị trường Hoa Kỳ, và được dùng rất nhiều trong kỹ nghệ thực phẩm gia súc (chó và mèo).

THÀNH PHẦN HOÁ HỌC:

Tiểu Hồi và Đại Hồi đều cho tinh dầu có thành phần khá giống nhau.

Tiểu Hồi: Hạt cho từ 1.5 đến 5% tinh dầu chứa chất chính là Trans-anethole (80 – 90%) tạo mùi và vị cho tinh dầu; Methylchavicol (chất đồng phân) tuy có mùi nhưng không có vị ngọt; Anisaldehyd. Các hydrocarbon sesquiterpen và 1% monoterpenne hydrocarbon (đây là điểm khác biệt giữa Tiểu Hồi và Đại Hồi). Ngoài ra còn có Dianethole, Dianisoin, Coumarins.

Đại Hồi: Quả chứa từ 5 đến 8% tinh dầu với các chất chính là Trans-anethole (80 đến 90%), các Hydrocarbon terpenoid như limonene alpha pinene và Linalool (các chất này không có trong Tiểu Hồi). Ngoài ra cũng còn chứa nhiều chất Tannins.

DƯỢC TÍNH VÀ CÁCH DÙNG

Tiểu Hồi được xử dụng rất nhiều trong kỹ nghệ bánh kẹo vì có vị rất giống Cam Thảo. Tiểu Hồi cũng dùng để pha chế kẹo ngậm Ho và nhất là các rượu nổi tiếng của Pháp như Pernod, Anisette, Ricard.. của Thổ Nhĩ Kỳ như Raki, Ouzo. tại các nước vùng Châu Mỹ La Tinh, Hồi được pha chế thành loại rượu thông dụng với tên Arguardiente. Hồi cũng được dùng trong kem đánh răng. Riêng Đại Hồi được dùng trong kỹ thuật nấu nướng của Trung Hoa và Việt Nam vì đó là thành phần trong Ngũ Vị Hương.

. Hồi trong Đông Y:

Đông y cũng xử dụng 2 vị Tiểu và Đại Hồi. Tiểu Hồi, phiên âm Xiao-Hui-Xiang còn gọi là Hoài Hương (Hui-hsiìang) được ghi trong Tổng Bản Thảo và được dùng tại miền Bắc Trung Hoa nhưng thường là hạt khô của cây Foeniculum Vulgare hơn là Pimpenella. Riêng Đại Hồi hay Ta-hui-hsiang thì lại được xử dụng tại miền Nam Trung Hoa.

Theo Đông Y thì Hồi khí ôn, Vị Tân, tác dụng vào các Kinh Can, Thận, Tỳ và Vị. Trị được những chứng khí hàn thấp, kích thích lưu thông khí huyết, điều hành cảm giác đau, gia tăng sự thèm ăn (Kiện vị). Do đó Hồi được dùng làm thuốc đau bụng, trị liệu tiêu chảy và ói mửa.

. Một toa thuốc đặc biệt đượcxem là bổ Tì, Kiện Vị, ghi trong Bản Thảo Cầu Chân (Hoàng Cung Tú): phối hợp Đại Hồi và Gừng tươi (tỷ lệ: 1 hồi, 2 gừng) giã nát đều, cho vào bình để kín một đêm, rồi sao khô vàng, tán bột làm thành viên, hoặc dùng ở dạng bột mỗi ngày 5g sẽ giúp trị các chứng đau bụng, giúp ăn ngon.

. Khả năng trị Ho của Hồi:

Hồi đã được dùng để trị Ho theo kinh nghiệm từ hơn 200 năm tại nhiều nơi trên thế giới. Theo các kết quả thử nghiệm, tác dụng của Hồi trên đường Hô Hấp là do Creosol và Alpha-pipppene: đây là hai chất đã được dùng từ lâu để sát trùng đường hô hấp, và làm tan được Đờm đặc kết dính nơi cuống họng, làm người bệnh bớt ho và thấy thông thoát nhiều hơn. Hồi có mặt trong các thành phần của nhiều kẹo ngậm trị khan tiếng, ho cảm như Ricola. Trước năm 1975 tại Việt Nam có bán những loại kẹo Pastilles ngâm Ho chứa Hồi.

. Khả năng kích thích tiêu hóa:

Do tác dụng của Anethol, Hồi kích thích Vị giác và giúp tăng sự bài tiết nước bọt cũng như dịch bao tử, gia tăng sự co bóp của bao tử giúp tiêu hóa thức ăn, do đó giải thích được tính bổ Tỳ, Vị mà Đông Y đã xử dụng. Muốn dùng Hồi để trị bệnh Bao Tử và đầy hơi có thể theo phương pháp sau: nghiền nát một muổng canh Hạt Hồi trộn trong 250ml nước sôi, ngâm trong 10 đến 20 phút, uống mỗi ngày 2 ly, thêm vài lá Bạc hà (Mint) tươi nếu muốn.

. Hồi và vấn đề sức khoẻ phụ nữ:

Hồi chứa một số chất như Di-anethole và Photo anethole, có công thức gần như kích thích tố loại Estrogen nơi phụ nữ. Tuy nhiên, Estrogen nơi Hồi hơi ít, nhưng cũng nên thận trọng khi xử dụng vì Estrogen là một chất có trong thành phần các thuốc viên ngừa thai và có thể gây ra phản ứng đông máu bất thường. Điều này giải thích tác dụng kích thích sự sản xuất sữa nơi người mẹ cho con bú. Tuy tác dụng tương đối nhẹ và yếu nhưng Hồi sẽ giúp làm giảm bớt các khó chịu thường xẩy ra cho phụ nữ khi có kinh nguyệt.

. Khả năng giúp trị Ung thư nơi Nhiếp Hộ Tuyến:

Kích thích tố nữ tính thuộc nhóm Estrogen có thể được xử dụng để trị vài trường hợp Ung thư nhiếp hộ tuyến (Prostate Cancer). Tuy Hồi không trị trực tiếp bệnh nhiếp hộ tuyến như cây Saw palmetto nhưng dùng cây Hồi cũng có tác dụng tốt trong tiến trình trị liệu.

. Tác dụng trong bệnh Viêm Gan:

Các thử nghiệm mới nhất trên Chuột cho thấy Hồi có khả năng tái tạo tế bào Gan, điều này giúp việc xử dụng Hồi trong các bệnh Viêm Gan (Hepatitis) và Sơ Gan do dùng nhiều Rượu.

. Hồi trong Y-học Liên-Xô:

Tiểu Hồi rất thông dụng trong Y-học dân gian Liên-Xô từ thế kỷ thứ 19, bắt đầu từ vùng Voronez, sau đó được trồng đại trà trong các nông trại miền Bắc Causase và Ukraine. Ngành Dược Liên-xô cũng chế tạo nhiều Dược phẩm từ Hồi để trị các bệnh thuộc đường hô hấp như Sưng Phổi, Suyễn, Ho Gà; và các bệnh đường ruột như Tiêu Chảy, ngừa Ói Mửa, Sưng Ruột. Hồi cũng dùng để trị Sạn Thận.

 DS Trần Việt Hưng