Menu Close

Nhảy múa để chết – Nguyễn Viện

Trong một thế giới được gọi là giả tạm, không thể nói người thật thì thật hơn người hàng mã. Bởi thế, người hàng mã được quyền tuyên bố: – Chúng tôi cũng là một thụ tạo như các người. Thứ cấp hay chính phẩm, xét về mặt bản thể là như nhau. Mọi sự phủ nhận tính hiện hữu với chúng tôi là kỳ thị đẳng cấp, và không thể chấp nhận về lẽ công bằng. Chính vì thế nay tuyên bố: Chúng tôi có đầy đủ bằng chứng và cơ sở pháp lý khẳng định quyền chủ quyền, đối với sự tồn tại của chúng tôi và chỗ chúng tôi được trưng bày…[Trang 63]

Nguyễn Viện đã viết như vậyđể nói về quyền phát ngôn của hàng mã được phơi bày ở mọi chỗ, từ vỉa hè đến các nơi sang trọng. Ðôi khi chúng thật sự trở nên sáng giá và có những thẩm quyển không thể chối cãi. Và chúng tạo nên một thế giới. Phẩm trật và bóng bẩy. Chúng có quyền ăn nói, mặc dù sự ăn nói đó luôn được mặc định trong giới hạn hàng mã, nhưng cũng đủ được thiết lập một trật tự khác có khả năng phô diễn cho một thế giới mới, và đẩy sự thật các loại vào bóng tối… Mẫu hàng mã bán chạy nhất trên thị trường là nghệ sĩ các kiểu, đảng viên các thứ…[Trang 63]

Từ bao giờ không biết xã hội đã sản xuất ra hàng mã, đặc biệt là mẫu hàng mã bán chạy nhất trên thị trường là nghệ sĩ các kiểu, đảng viên các thứ…Chỉ biết rằng những người BỊ xếp vào mẫu hàng mã bán chạy nhất trên thị trường là nghệ sĩ các kiểu, thì thật phiền. Cô Hoàng Thị Ba, tên thường gọi Cô Ba, là họa sĩ và phải trở thành kẻ tuẫn đạo [Trang 54], bởi vì không thuộc mẫu hàng hóa nghệ sĩ các kiểu bán chạy có trong thời đại này. Vì thế cô bị công an tư tưởng văn hóa mời làm việc, phải viết bảng tường trình về tội đội lốt Cô Hai viết blog phỉ báng loài người [Trang 54].Một điều khó tin nhưng khó thật, nhan nhản có trong xã hội của “Nhảy Múa Ðể Chết.”

Cô Ba vì không thể thành thật khai báo, hay vì không có gì để khai báo về “hắn và việc làm của hắn,” nhân vật đàn ông duy nhất trong “Nhảy Múa Ðể Chết,” nên đã tự sát. Ngày thứ năm, người ta thấy xác cô Ba treo trên bức tranh. [Trang 76].

Người đàn ông là tình nhân của Cô Hai, Cô Ba, và Cô Tư – những âm hồn không thể siêu thăng tịnh độ trong chốn khách đầy của văn chương, nghệ thuật, bởi vì họ luôn bị ám ảnh hay tự sát vì ngôn ngữ bị cắt tiết cho cuộc trình diễn lý lịch tự khai. Cái lý lịch không ma ám, không bóng đè, không bị quỷ nhập, không bị bóp cổ bịt miệng, không bị cướp bóc tước đoạt, không bị trói bị đánh, không bị bỏ tù, không bị cắt cơm…[Trang 69]

Tác giả Nguyễn Viện tên thật là Nguyễn Văn Viện, sinh ngày 1 tháng 2 năm 1949 tại Ðồng Xá, Hải Dương. Hiện nay ông cư ngụ tại Sài Gòn. Ông từng làm việc và cộng tác với các nhật báo, đài phát thanh như Thanh Niên, Gia Ðình & Xã Hội. Thể Thao & Văn Hóa, Ðẹp, Sài Gòn City Life, BBC…Văn chương của ông được đăng trên các tạp chí Hợp Lưu, Văn Học, Văn, và trên trang web tienve.org, damau.org, talawas.org, procontra.asia, litviet.com, vanchuongviet.org. Ông là người sáng lập Nhà Xuất Bản Cửa dành để tự in tác phẩm “Ngồi Bên Lề Rất Trái, 2011

Những tác phẩm của Nguyễn Viện đã xuất bản như: Trinh Nữ, 1995; Bố Mẹ Và Con Và…, 1997; Hạt Cát Mang Bóng Ðêm,1998; Rồng và Rắn, 2002; Thời Của Những Tiên Tri Giả, 2003; Chữ Dưới Chân Tường, 2004; 26 Lần Tờ Bờ Lờ, 2008; Cơn Bán Loạn Bằng Phẳng, 2008; Em Có Gì Bí Mật, Hãy Mail Cho Anh; 2008; Nín Thở &Chạy & Một Hơi, 2008; Ði & Ðến, 2009; Ngồi Bên Lề Trái, 2011.”

Câu chữ của Nguyễn Viện tự giới thiệu khuynh hướng độc thoại nội tâm [ = Monologue Intérieur] của ông, một khuynh hướng được ghi nhận lần đầu tiên qua văn phong của Alexandre Dumas và Théophile Gautier. Ðối thoại nội tâm kịch tính hóa hoạt động ý thức của nhân vật, trình bày sự tự khám phá độc lập, khách quan và chân thành của các nhân vật. Những điều này bàng bạc trong từng câu chữ của “Nhảy Múa Ðể Chết.”

nguyen vien

 

HNP – 2:24am Chủ Nhật ngày 23 tháng 8 năm 2015