Menu Close

Sẩy mẹ bú dì

Anh chị tôi khóc thét lên vì mừng khi Mẹ đi bộ vô sân nhà chiều hôm đó. Dì Thơ hỏi sao Mẹ về, nhưng Mẹ nói không nổi, chỉ đưa tôi cho Dì Thơ ẵm rồi đi nằm. Anh chị tôi thấy Mẹ mệt và xanh xao thì không dám làm phiền Mẹ. Trưa hôm sau, Mẹ lại khăn gói ra đi, đứt ruột lần thứ hai để xa con. Lần này, là xa cả ba đứa con dại. Mẹ đi như người mất hồn. Dì Thơ một tay ẵm tôi, một tay giữ chặt anh chị tôi, không cho chạy theo Mẹ. Bốn tờ giấy bạc Bà Ngoại chắt chiu dành dụm, ba tờ chỉ trong một tuần đã đi theo khói bụi của những chuyến xe đò đưa Mẹ và tôi hai lượt đi về, và lần này, đưa Mẹ xa chúng tôi, trở về vùng kinh tế mới một mình.

Còn lại một mình với ba đứa cháu dại, Dì Thơ phải dỗ dành anh chị tôi vì cả hai cứ khóc tức tưởi như đang đưa đám. Tôi nằm yên trong tay Dì, không khóc, chỉ nhìn lên trần nhà. Cái trần nhà này sẽ là viễn ảnh của đời tôi trong mười tám năm nữa. Tôi bắt đầu làm quen với nó. Từng tấm tôle nằm sát nhau. Ở khoảng giữa, chỗ hai tấm tôle giao nhau, là một hàng vít để giữ cho tôle dính chặt vô nẹp gỗ bên dưới. Những hàng vít này về sau mục rỉ, mở đường cho nước mưa chảy xuống và gió lạnh thốc lên. Chúng tôi ở trong nhà, mà thấy rõ mưa mây, trăng sao bên ngoài. Cái trần nhà cao quá khổ. Ðó là vì người ta cũng dỡ đi lớp la-phông để cản nóng và cản lạnh ngay bên dưới mái tôle. Trên dỡ, dưới cạy, la-phông và nền gạch bông của gia đình tôi đã không biết đang lo ấm lạnh cho ai rồi.

Dì Thơ lúi húi đưa ba đứa lên giường ngồi, dỗ dành:

– Hai cục cưng nín khóc đi con. Mẹ đi dạy mới có tiền mua đồ ăn cho tụi con nè. Tí Hai có thích đồ ăn ngon không nè?

Anh Hai lắc đầu dứt khoát:

– Dạ không! Hồi đó Ba đi đâu mất tiêu, Mẹ ở nhà với tụi con, không ăn ngon mà có Mẹ, thích hơn nhiều!

Dì Thơ nuốt nước mắt không nói gì, nhớ cảnh anh rể vào trại cải tạo, rồi tới cảnh chị ruột bị điều đi dạy ở vùng kinh tế mới. Chị Ba rấm rứt:

– Tí Ba cũng vậy. Tí Ba muốn Mẹ, không muốn bánh!

Dì Thơ gật đầu, cố tìm cách dỗ ngọt anh chị tôi:

– Hai Tí của Dì ngoan quá! Dì sẽ nói Mẹ đi dạy mau, rồi về với hai đứa nghe!

Anh Hai nói thật mau:

– Ba đứa mà Dì. Có Tí Tư nữa!

Rồi Anh sà qua hôn lên trán tôi. Chị Ba cũng bắt chước làm theo. Dì Thơ nói:

– Bữa nay, Dì nấu món ruột của Dì cho hai đứa ăn nghe! Nhưng mà tụi con phải ngoan, để mình còn đi mua sữa cho em trước cái đã.

Dì nói rồi, mặc quần áo lành lặn cho anh chị tôi, rồi gói tôi lại, cột tôi lên ngực. Dì nắm tay anh chị tôi, rồi dắt cả ba đi tới Cửa hàng Hợp Tác Xã để mua sữa đặc có đường về pha cho tôi uống. Sáng nay, trước khi ra bến xe đò trở về vùng kinh tế mới, Mẹ cũng cho tôi bú. Sữa có pha nước mắt. Mẹ khóc từ hồi Tháng Năm tới giờ, cả nửa năm rồi, mà sao nước mắt Mẹ cứ mặn. Nếu hứng nước mắt của Mẹ để nấu ăn, thì sẽ đỡ tốn tiền mua muối, nhưng không hiểu sao cả nhà biết bao nhiêu là người lớn mà không nghĩ ra. Khi nào biết nói, tôi sẽ nói Dì Thơ hứng nước mắt mỗi lần trong nhà có ai khóc. Hồi tôi còn trong bụng Mẹ, nước mắt Mẹ thấm qua tử cung, mặn chát. Bây giờ, nước mắt của Mẹ chảy vào miệng tôi, mặn không thua gì hồi trước.

Bốn dì cháu đi miết mới tới chỗ, vì anh chị tôi còn chưa đi mau được. Ðôi dép của Anh Hai đã sứt một quai mà chưa có tiền mua, nên Anh đi chậm hơn bình thường. Nắng chiều gay gắt. Hai cái nón len Mẹ đan cho anh chị tôi tuy che được nắng, nhưng lại rất hầm, làm anh chị tôi đổ mồ hôi nhễ nhại. Dì Thơ lau mồ hôi cho anh chị tôi rồi đi vô Cửa hàng Hợp Tác Xã. Cô bán hàng mặc đồng phục xám nhạt, có đeo huy hiệu Ðảng trên vai áo. Nhìn cô giống như một Ðảng viên hơn là một nhân viên bán hàng. Cửa hàng lẽ ra phục vụ mọi nhu cầu về nhu yếu phẩm của người dân, nhưng hàng hoá thưa thớt. Trên bốn bức vách là những cái kệ đóng sơ sài để bày hàng lên. Ở giữa là bàn tính tiền, chỗ cô bán hàng đang ngồi với sổ sách, và hộc tiền ở dưới mặt bàn, có ổ khoá. Ở ngoài cửa, hai anh bảo vệ cũng mặc đồng phục xám đứng canh.

Dì Thơ nhìn quanh, nhìn thiệt kỹ mấy lượt, mà không thấy sữa đâu hết. Dì dắt anh chị tôi tới gần cô bán hàng:

– Thưa Cô, tôi muốn mua sữa em bé.

Cô bán hàng không nhìn Dì Thơ, tiếp tục chăm chú giũa móng tay, xẵng giọng:

– Sữa em bé ở đâu mà có? Chị ở cung trăng mới rớt xuống à?

Dì Thơ ngại ngùng:

– Dạ, chị tôi được chuyển đi dạy ở vùng kinh tế mới, tôi ở nhà nuôi cháu, nên cần mua sữa. Cô biết ở đâu có thì chỉ dùm tôi.

Cô bán hàng vẫn không nhìn lên:

– Sổ hộ khẩu đâu?

– Dạ đây.

Dì Thơ buông tay Anh Hai ra, rồi lấy cuốn sổ hộ khẩu mà Dì gói chung trong khăn quấn tôi trên ngực, đưa cho cô bán hàng. Cô ta sắc giọng:

– Nhăn nhúm như vậy, ai mà coi cho!

Dì Thơ buông tay Chị Ba ra, rồi dùng hai tay vuốt cho cuốn sổ hộ khẩu thẳng bon. Cô bán hàng bỏ đồ giũa móng tay xuống, nhìn Dì Thơ, dịu giọng:

– Ở đây có bán sữa lon. Nhưng phải diện đặc biệt mới được mua.

– Dạ, diện nào thì đặc biệt, được mua sữa, thưa Cô?

– Chỉ cần lo thủ tục ‘đầu tiên’ cho thích hợp là được.

Dì Thơ mằn túi áo, lấy ra tờ giấy bạc để mua sữa. Dì thật thà:

– Thưa Cô, tôi chỉ có mỗi tờ này. Cô đổi dùm, tôi vừa lo thủ tục, vừa mua sữa cho cháu.

Cô bán hàng thò tay giật tờ giấy bạc, rồi đút ngay vô túi áo. Xong cô ta mở hộc tiền ra, lấy ra một tờ bạc lẻ. Dì Thơ xanh mặt, chưa kịp nói gì, thì cô bán hàng nói chận trước:

– Tiền của chị, lo thủ tục, và mua hai lon sữa, còn lại bây nhiêu. Chị có mua không?

– Dạ mua.

Dì Thơ sợ không có sữa cho tôi bú, nên chịu mua liền, dù lòng Dì ngổn ngang vì đó là tờ giấy bạc cuối cùng. Không ngờ chỉ mua hai lon sữa mà mất cả tờ giấy bạc. Tờ bạc lẻ cô bán hàng mới đưa không đủ mua gạo cho mấy dì cháu ăn một ngày. Dì thở dài trong ruột, cất tiền thối, rồi đứng chờ. Cô bán hàng đi ra phía sau cái cửa ngăn phòng bán hàng và kho hàng, lấy hai lon sữa ông thọ đem ra. Dì Thơ cám ơn cô ta rồi nghẹn ngào dắt ba đứa cháu dại về.

Về tới nhà, Dì lấy cơm nguội cho anh chị tôi ăn, rồi pha sữa cho tôi. Còn cái bình sữa nhỏ và cái núm vú da sót lại của Chị Ba, dì lấy ra rửa cho sạch, rồi rót sữa vô cho tôi bú. Tôi đã đói bụng, lại mệt vì đi nắng hồi xế trưa, nên hả miệng ngậm núm vú nút liên hồi. Nút được một lúc, tôi bớt đói, thì nhả núm vú ra, khóc, vì sữa không ngon như sữa của Mẹ, mà tôi cũng không nghe hơi của Mẹ đâu hết. Dì Thơ nói to nói nhỏ để dỗ tôi, nhưng tôi nhất định đẩy cái núm vú ra. Tôi nhớ vú Mẹ nên cứ khóc ngặt nghẽo. Dì Thơ ôm tôi, hát hết bài ru em này tới bài khác, hát luôn qua dân ca, hát những bài không sợ bị khép tội là có tính phản động. Dì cứ hát, tôi cứ tru tréo. Tiếng khóc của tôi át tiếng ru tuyệt vọng của Dì. Tôi khóc hai tiếng đồng hồ không dứt, rồi vừa đói vừa mệt, tôi lịm đi. Dì Thơ đặt tôi xuống trên cái giường mà Ông Bà Ngoại nhờ người quen có ghe chở xuống tuần trước. Cái giường này Dì Thơ với Dì Hiền ngủ chung. Bây giờ thấy nhà tôi không còn giường, Dì Hiền ra ngủ ngoài cái ván ở nhà dưới, đưa cái giường trong buồng của hai Dì xuống cho Dì Thơ và tụi tôi. Dì Thơ cầm bình sữa lên,chưa biết tính sao, thì thấy Chị Ba đứng thòm thèm ở góc nhà. Dì Thơ rót sữa ra cái tách nhỏ đưa cho chị. Chị Ba ực một cái hết trơn.

Dì Thơ đặt tôi xuống rồi thì lo đi sắp xếp áo quần, tã lót cho tôi. Dì soạn thêm cái khăn lông để chiều tôi thức dậy thì tắm cho tôi. Dì kêu anh chị tôi xuống phía sau để Dì tắm cho, rồi đi ngủ trưa. Bữa đó, anh chị tôi ngủ trưa trễ hơn thường lệ. Mỗi ngày, ăn trưa xong, Dì tắm táp cho, rồi anh chị tôi đi ngủ. Vì đi mua sữa mất cả tiếng đồng hồ, mà Dì còn phải lo cho tôi khóc hai tiếng, nên anh chị tôi phải chờ Dì tắm cho. Tối đó, tôi lại khóc và bỏ bú. Dì Thơ không còn tâm trí để nhớ lời hứa nấu món ruột của Dì cho anh chị tôi. Dì năn nỉ tôi rớt nước mắt. Anh Hai và Chị Ba cũng tới gần, nỉ non với tôi. Anh Hai nói:

– Cục cưng ngoan. Tí Tư của anh Hai ngoan lắm mà. Em bú đi chớ để đói.

Chị Ba ngọng nghịu:

– Chị hông uống ‘xửa’ ‘pụ’ em nữa đâu. Uống ‘hít’ đi em.

Anh Hai nói một cách cả quyết:

– Em nhớ Mẹ nên mới khóc dữ vậy.

Chị Ba nghe vậy thì rơm rớm nước mắt. Anh Hai nói xong cũng khóc theo tôi. Tôi cứ khóc. Ba anh em cùng nhớ Mẹ, khóc chung. Dì Thơ dỗ không kịp, để cho anh chị tôi ngồi trên giường khóc với nhau, rồi Dì ẵm tôi đi vòng quanh căn nhà trống trải, vừa đi vừa hát nho nhỏ vào tai tôi, tay Dì vỗ nhẹ vô đít cho tôi dễ ngủ. Tôi lại khóc hai tiếng đồng hồ như hồi chiều, rồi nhịn đói đi ngủ. Dì Thơ lo sốt ruột, nhưng cũng phải để tôi xuống, đi đóng cửa nẻo, rồi cho anh chị tôi đánh răng, rửa mặt đi ngủ. Chỉ mới có một buổi chiều mà tôi đã làm Dì mệt đừ. Dì giăng mùng, tấn mùng, rồi khi cả ba anh chị em tôi đã ngủ say, Dì ăn vội ăn vàng ít hột cơm nguội lấy sức, uống một ly nước mưa, rồi đi ngủ. Hai ngày sau đó, tôi cũng khóc đòi Mẹ và đòi vú, cũng đẩy bình sữa ra, khóc tức tưởi. Tới ngày thứ tư, tôi bỏ cuộc. Tôi bắt đầu bớt khóc và chịu bú. Dì Thơ mừng chảy nước mắt. Dì nói hờn tôi:

– Sao hồi con ở với Mẹ, con hiền khô, không thèm khóc, mà đợi tới Dì bồng thì khóc dữ vậy? Tính khóc bù, ăn vạ hay sao đây?

Tôi giả đò không nghe, tỉnh bơ bú chong chóc. Biết mình đã thua cuộc, không đòi được Mẹ, tôi cam phận, nút sữa nhân tạo. Thấy tôi lần đầu bú hết bình sữa, Chị Ba buồn hiu, vì ba ngày nay được uống sữa ké với tôi, đã quen trớn. Dì Thơ tội nghiệp chị, nói:

– Bây giờ khó kiếm sữa cho em lắm. Ðể chừng nào có nhiều tiền, Dì mua cho Tí Ba uống nghe con!

Chị Ba còn buồn hiu nhưng gật đầu. Tôi về nhà được hai tuần thì tới đầy tháng của tôi. Nhưng lúc đó, không ai tiệc tùng gì, ngoài chuyện cưới hỏi, ma chay, những lễ nghi cần thiết. Dì Thơ thương tôi đã đầy tháng mà còn nhỏ xíu, lại không có cha có mẹ ở nhà, nên cách riêng cũng để ý chăm lo cho tôi nhiều hơn. Dì không chồng không con, mà một mình tự nhiên một nách lo ba đứa nhỏ, đứa nào cũng thích khóc.

Bốn tuần sau khi Mẹ đi, Anh Hai và Chị Ba bắt đầu quên khóc. Anh Hai hỏi Chị Ba:

– Anh không nhớ mặt Ba mình nữa. Em có nhớ mặt mũi Ba ra làm sao hôn?

Chị Ba mím môi, lắc đầu. Tôi không nhớ được, vì chưa bao giờ thấy Ba. Mà Anh Hai cũng không hỏi đến tôi. Tôi biết nghe mà chưa biết nói.

TGT