Menu Close

Thông điệp của Đức Giáo Hoàng Francis

Thời sự nổi bật của nước Mỹ tuần qua không gì khác hơn là chuyến viếng thăm sáu ngày của Đức Giáo Hoàng Francis. Nó làm lu mờ hai sự kiện sinh hoạt chính trị quan trọng khác là chuyến công du chính thức lần đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Mỹ và việc đột ngột từ chức của Chủ tịch Quốc hội John Boehner.

thong diep duc giao hoang francis2

Đức Giáo Hoàng Francis tại Quốc hội Mỹ ngày 24/9/2018 – photo Win McNamee | Getty Images

Chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Đức Giáo Hoàng bắt đầu từ ngày Thứ Ba 22/9 kéo dài cho đến chiều tối Chủ Nhật 27/9. Chuyến bay của Ngài từ Cuba đáp xuống phi trường quân sự Edward Air Force Base tại Maryland vào chiều Thứ Ba với sự đón tiếp của toàn thể gia đình Tổng thống Barack Obama và vợ chồng Phó tổng thống Joe Biden.

thong diep duc giao hoang francis1

Đức Giáo Hoàng Francis tại Bosnia và Herzegovina năm 2015. photo Amel Emric-AP

Trong sáu ngày có mặt tại Mỹ, Ðức Giáo Hoàng dừng chân tại ba thành phố: Washington D.C., New York và Philadelphia. Về mặt nghi lễ và ngoại giao, chuyến viếng thăm của Ðức Giáo Hoàng Francis mới thật sự bắt đầu vào sáng Thứ Tư 22/9 khi Ngài tham dự buổi lễ đón tiếp long trọng hiếm có tại Tòa Bạch Ốc dành cho một nhà lãnh đạo tôn giáo, sau đó là cuộc hội kiến riêng với Tổng thống Obama. Thứ Năm 24/9, Ngài đọc bản thông điệp gửi dân chúng Hoa Kỳ trước Lưỡng viện Quốc hội, và đây là sự kiện quan trọng vì lần đầu tiên trong lịch sử một nhà lãnh đạo tôn giáo đã làm việc này. Qua ngày Thứ Sáu 25/9, Ngài đến New York đọc bản thông điệp gửi nhân dân toàn cầu trước Ðại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Và trạm dừng chân cuối cùng của Ngài là thành phố Philadelphia, nơi đây Ngài chủ tọa Ðại Hội Gia Ðình Thế Giới (World Meeting of Families), được tổ chức mỗi ba năm một lần và là lần đầu tiên được tổ chức tại Hoa Kỳ, quy tụ khoảng 18,000 người từ hơn 100 quốc gia trên thế giới. Ngày Chủ Nhật trước khi bay về lại Roma, Đức Giáo Hoàng đã cử hành Thánh lễ với sự tham dự của khoảng 1 triệu người, và theo các viên chức Tòa Thánh, “đó mới thật sự là mục đích của chuyến viếng thăm nước Mỹ lần đầu tiên của Ðức Thánh Cha Francis.” Tại Thánh lễ này, Ngài đã đọc bài giảng nói về trách nhiệm của con người và hôn nhân.

Qua những hình ảnh chúng ta thấy trên các phương tiện truyền thông, ở bất cứ nơi đâu Ngài đi qua đều được người dân, Công giáo cũng như không Công giáo, già hay trẻ, đón tiếp Ngài vô cùng nồng nhiệt, một lần nữa chứng minh cho thấy điều mà người ta gọi Ngài là “Vị Giáo Hoàng của người dân” (the People’s Pope) quả không sai. Và qua những hình ảnh đó, chúng ta có thể cảm nhận phần nào tầm ảnh hưởng của Ngài đối với người dân trên khắp thế giới. Mỗi lời nói của Ngài đều được nhiều người lắng nghe và ghi nhớ.

Chúng ta không biết trong những cuộc hội kiến riêng giữa Đức Giáo Hoàng và các vị lãnh đạo chính phủ và tôn giáo trong những ngày ở Mỹ, Ngài đã thảo luận về những đề tài gì. Nhưng qua hai bản thông điệp Ngài đọc trước Lưỡng viện Quốc hội và Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc cũng như bài giảng trong Thánh lễ hôm Chủ Nhật, chúng ta có thể rút ra được một số những thông điệp quan trọng Ngài muốn gửi gắm tới cho mọi người. Dù hoàn toàn đồng ý hay không, chúng ta cũng nên ghi nhận những thông điệp này và hy vọng rút ra được một vài bài học cho chính cuộc sống của mỗi chúng ta.

Ta có thể gộp chung hai thông điệp Ngài đọc tại Quốc hội cũng như tại Liên Hiệp Quốc vì một số điều trong hai bản thông điệp này, đáng chú ý hơn cả là vấn đề khí hậu thay đổi và di dân đều đã được Ngài nhắc tới.

Có thể nói trong những ngôn từ mạnh mẽ nhất của Đức Giáo Hoàng Francis là khi nói đến di dân, một vấn đề Ngài luôn quan tâm, hiện đang là chuyện thời sự nhức đầu chưa thể giải quyết được tại Âu châu và là trung tâm của các cuộc tranh luận chính trị căng thẳng ở Mỹ. Ngài khuyên người dân Mỹ không nên “quá sợ hãi người ngoại quốc, bởi vì phần đông chúng ta đã từng là người ngoại quốc”, mà hãy nên đón tiếp họ. Ngài cũng nói rằng, “Khi một người lạ đến cầu xin chúng ta, thì đừng lặp lại những lỗi lầm trong quá khứ. Chúng ta phải giải quyết ngay để có thể sống sao cho xứng đáng và cao thượng.” Ngài đặc biệt ám chỉ những di dân đến từ lục địa châu Mỹ qua ngả biên giới phía nam và nhắn nhủ, “Chúng ta đừng chùn bước lưỡng lự bởi con số người di dân mà hãy xem họ như là những con người, nhìn vào mặt họ và lắng nghe những câu chuyện của họ, hãy đối xử một cách tốt đẹp nhất với hoàn cảnh của họ mà chúng ta có thể làm được.”

thong diep duc giao hoang francis

Đức Giáo Hoàng Francis phát biểu với một nhóm trẻ em trong hội trường Paul VI tại Vatican ngày 12/05/2015 – photo AP

Chỉ mấy tháng trước đây, Đức Giáo Hoàng Francis đã có những lời chỉ trích thẳng thừng đến giới tư bản đã không tự kiềm chế mà ra sức bóc lột tài nguyên thiên nhiên và làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng giữa giàu và nghèo. Nhưng Ngài đã tỏ ra nhũn nhặn hơn khi xuất hiện trước Quốc hội, kêu gọi mọi người hãy “cố gắng có trách nhiệm và can đảm” để ngăn chặn những hậu quả tai hại nhất về sự suy thoái môi trường gây ra bởi hoạt động của con người. Nhưng Ngài cũng nhìn nhận rằng, “Kinh doanh là một việc làm cao thượng, nhằm tạo ra của cải và cải thiện thế giới. Nó có thể là nguồn phồn vinh màu mỡ trong phạm vi nơi nó hoạt động, đặc biệt nếu nó xem sự tạo ra công ăn việc làm như là một phần quan trọng để phục vụ cho lợi ích chung.” Tại Liên Hiệp Quốc, Đức Giáo Hoàng Francis kêu gọi các chính phủ trên thế giới phải tạo điều kiện để những người dân nghèo có đủ thực phẩm, nước uống và nhà ở cũng như tự do tôn giáo.

Đứng trước một cử tọa Quốc hội phần đông vẫn còn đang hoài nghi về những nỗ lực của Tổng thống Barack Obama trong việc điều đình với Iran và Cuba, Đức Giáo Hoàng Francis kêu gọi hãy chịu đối thoại với các nước thù địch, Ngài nói, “Khi những quốc gia có mối bất hòa chịu trở lại đối thoại – vì cuộc đối thoại [trước đó] có thể bị gián đoạn vì những lý do hoàn toàn hợp lý – thì những cơ hội mới được mở ra cho tất cả.” Chính cá nhân Ngài đã từng làm trung gian giúp đưa tới thỏa thuận nối lại bang giao giữa Washington và Havana, và Ngài cũng đã lên tiếng ủng hộ về vụ thỏa thuận hạt nhân giữa Hoa Kỳ và Iran. Ngài nói rằng, “Đó là trách nhiệm của tôi để bắc cầu và giúp tất cả mọi người, bằng bất cứ giá nào, để cùng làm giống như vậy,” và thêm rằng, “sự cởi mở và thực dụng” là những nét tiêu biểu của một “nhà lãnh đạo chính trị giỏi.”

Cũng tại toà nhà Quốc hội, Đức Giáo Hoàng Francis chỉ lướt sơ qua về những vấn đề xã hội vẫn đang tranh luận sôi nổi ở Mỹ. Ngài bày tỏ “quan tâm đối với đời sống gia đình có lẽ đang bị đe dọa hơn bao giờ hết” – và người ta có thể hiểu rằng đây là lời chỉ trích về hôn nhân đồng tính. Ngài cũng nhắc nhở các nhà làm luật rằng họ có “trách nhiệm bảo vệ đời sống con người ở mọi giai đoạn của quá trình phát triển” – rõ ràng ý Ngài là chống lại việc phá thai, mặc dù Ngài đã không nói thẳng ra. Nhưng tại Liên Hiệp Quốc, Ngài đã nói rõ ràng hơn là vẫn giữ vững lập trường đúng với giáo lý của Giáo hội Công giáo về những vấn đề bảo vệ đời sống con người: Ngài kêu gọi “hãy tuyệt đối tôn trọng đời sống ở tất cả mọi giai đoạn của cuộc đời” – kể cả những đứa bé còn trong bụng mẹ.

thong diep duc giao hoang francis3

Tổng thống Mỹ Barack Obama, cùng phu nhân Michelle và Đức Giáo Hoàng Francis trong một buổi lễ đến trên bãi cỏ phía Nam của Tòa Bạch Ốc ở Washington, DC, ngày 23 tháng chín 2015 – AFP Photo / Jim Watson

Và Ngài cũng nhắc đến việc Ngài vẫn luôn chống lại hành vi “thực dân hoá bằng ý thức hệ” (ideological colonization) đối với những quốc gia nghèo – ý Ngài muốn ám chỉ đến tư tưởng của phương Tây về vấn đề ngừa thai và quyền đồng tính vẫn thường áp đặt lên những quốc gia nghèo như là điều kiện để được hưởng viện trợ.

Và trạm dừng chân cuối cùng của Ngài là tại Philadelphia trong hai ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật. Tại đây, Ngài có nhiều cơ hội để gặp gỡ những người dân bình thường và cũng cho Ngài cơ hội để nói lên tiếng nói thiết tha bảo vệ cơ cấu gia đình truyền thống như là sự kết hợp giữa người nam và người nữ.

Trong một số buổi gặp gỡ, dân chúng đã thấy Ngài kiên nhẫn lắng nghe những câu chuyện của họ, nhiều khi với cảm xúc không che giấu, về những nỗi khó khăn và quan tâm của họ, có lúc lại đụng đến những câu hỏi còn gây nhiều tranh cãi như vấn đề ngừa thai và hôn nhân đồng tính.

Nhưng khi đến lượt Ngài phát biểu, Ngài hoàn toàn bỏ qua những đề tài đó. Ngài bỏ luôn cả những điều đã được chuẩn bị từ trước và đọc một bài diễn văn thoải mái nhất của chuyến viếng thăm, chen vào trong đó là những câu pha trò về mẹ chồng nàng dâu và khuyên nhủ tới những cặp vợ chồng. Ngài nói, “Gia đình sẽ có khó khăn, gia đình sẽ có bất hòa, và đôi khi đĩa bay chén bay. Nhưng gia đình chính là xưởng máy của hy vọng.”

Trong bài giảng của Thánh lễ Chủ Nhật, Đức Giáo Hoàng Francis nhắn nhủ các giáo hữu rằng cũng như hạnh phúc, “sự thiêng liêng luôn gắn bó tới những việc làm nhỏ nhặt.”

Ngài nói, “Những việc làm nhỏ nhặt đó là những gì chúng ta học được ở nhà, trong gia đình; chúng bị lẫn vào trong những thứ khác chúng ta làm, nhưng chúng làm cho mỗi ngày mỗi khác. Đó là những việc làm âm thầm bởi những người mẹ và những người bà, bởi những người cha và những người ông, và bởi con cháu. Chúng là những dấu chỉ nhỏ bé của sự dịu dàng, thương yêu và cảm mến.

Chiều Chủ Nhật, trong bài diễn văn từ biệt với sự có mặt của Phó tổng thống Biden và gia đình, Đức Giáo Hoàng Francis nhắc lại về chuyến Mỹ du, trong đó Ngài có viếng thăm khu vực Ground Zero ở New York, “cái nơi nói lên một cách mạnh mẽ về điều bí ẩn của cái ác. Nhưng chúng ta biết chắc chắn rằng cái ác không bao giờ có tiếng nói cuối cùng.” Ngài nói trong tiếng vỗ tay từ đám đông. “Trong sự quan phòng nhân từ của Thiên Chúa, tình yêu và hòa bình chiến thắng tất cả.”

Những lời phát biểu chính thức cuối cùng của Đức Giáo Hoàng Francis: “Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả quý vị. Xin Thiên Chúa chúc lành cho nước Mỹ.”

Chuyến bay riêng cất cánh vào lúc 7:45 chiều (giờ miền đông) đưa Ngài trở lại Roma.

VH