Giữa đống đổ nát của trại tị nạn Yarmouk ở ngoại ô Damascus, Ayham Al-Ahmad say sưa chơi đàn và hát trong vòng vây của trẻ em và mọi người. Những video ghi lại hình ảnh này từng được chia sẻ rộng rãi trên mạng như một biểu tượng của tinh thần bất khuất, một niềm hy vọng giữa sự hoang tàn của chiến tranh.
Ayham Al-Ahmad tại Yarmouk, ngoại ô Damascus – NGUỒN AQUILA-STYLE.COM
Thế nhưng người nghệ sĩ dương cầm giờ đây cũng phải cùng hàng triệu người khác trốn chạy khỏi Syria để đến vùng đất bình yên của châu Âu.
Chạy trốn đến Thổ Nhĩ Kỳ
“6 tháng sau khi một phần của trại tị nạn Yarmouk bị đóng cửa, không khí trong trại trở nên nặng nề. Bột và bánh mì bị cấm. Mọi thứ đều bị cấm mang vào trong trại”, Ayham kể lại. “Chúng tôi thường nói đùa rằng nếu được, chắc họ sẽ cấm cả không khí lưu thông. Lúc đó, tôi bắt đầu nhận ra tình cảnh mà tôi gây ra cho các con mình. Vì sao tôi lại ở đây? Tôi sẽ làm gì?”.
“Thời gian khó khăn nhất là khi tôi thường xuyên phải nghe tiếng khóc của con trai Ahmad vào lúc hai giờ sáng. Nó đói và không có sữa. Tôi có một ít tiền nhưng chẳng đủ mua gì. Ðó là những lúc khó khăn nhất trong cuộc đời tôi. Tôi chưa bao giờ đối mặt với điều gì tương tự,” anh kể tiếp.
Và vào sinh nhật mình hồi tháng 4, Ayham quyết định sẽ rời khỏi trại tị nạn.
“Tôi không thể chơi dương cầm ở đó nữa vì rất nguy hiểm. Tôi đã chuyển chiếc đàn lên xe thồ, che chắn nó bằng những mảnh bìa cũ và cố gắng rời đi”, anh kể.
Tuy nhiên, một thành viên của nhóm Nhà nước Hồi giáo ở chốt kiểm soát đã chặn Ayham lại và hỏi rằng có biết là nhạc cụ bị cấm hay không. Sau đó, chúng đốt chiếc dương cầm của anh.
“Hành trình tới Thổ Nhĩ Kỳ rất nguy hiểm. Tôi đã phải đi suốt bốn giờ giữa những con rắn. Tạ ơn thánh Allah vì tôi đã không mang theo các con, vì tôi thậm chí còn phải giúp đỡ nhiều người đàn ông bị ngã quỵ”.
Hành trình tới Izmir
“Tôi rất sợ việc vượt biển. Càng tới gần Izmir tôi càng lo lắng, liệu biển có giống như lần cuối tôi nhìn thấy nó ở Latakia vào năm 2007 không? Nó sẽ tĩnh lặng hay nó sẽ như vùng biển đã cướp đi mạng sống của một cậu bé vài ngày trước?” Anh nói, nhắc tới thành phố cảng lớn thứ nhì sau Istanbul.
“Một khi đến Izmir, tôi sẽ gặp bác mình và sắp đặt kế hoạch vượt biển. Tôi muốn chắc chắn rằng mình không bị lột sạch vì tôi có rất ít tiền. Tôi muốn thực hiện chuyến hành trình sớm nhất có thể để mang vợ con mình từ Damascus tới Ðức”.
Trên đường tới Thổ Nhĩ Kỳ, Ayham gặp một cơn bão cát. Gió sau đó ngày càng mạnh và lạnh hơn, những con sóng cũng cao hơn.
“Dù rất mệt, tôi muốn vượt qua càng nhanh càng tốt, tôi có thể không chết đuối, nhưng tôi có thể chết vì lạnh ở châu Âu”, Ayham nói.
Đi thuyền đến châu Âu
Nhóm của Ayham bị mắc kẹt ở Thổ Nhĩ Kỳ hai ngày vì động cơ thuyền bị hỏng.
“Lạy chúa tôi đã đến được đây. Một cảm giác tuyệt vời. Tôi cảm thấy hy vọng tăng lên mỗi khi đi qua thêm được một khu vực”, anh nói. “Khi từ Syria đến Thổ Nhĩ Kỳ, đó thật sự là một bước ngoặt với tôi. Ở Izmir, điện nước không bị cắt và tôi cảm thấy thật khác so với lúc ở trại tị nạn”.
“Giờ đây tôi thấy rừng, thấy thiên nhiên hùng vĩ và một bờ biển sạch đẹp. Tôi từng rất căng thẳng vì không nghĩ nó xa như vậy. Có lúc tôi chỉ muốn với lấy chiếc áo phao và bơi vào bờ”, Ayham nói tiếp.
Ban đầu, anh có cảm giác như đang bị tên buôn người lừa gạt. Tuy nhiên, giờ đây khi đã đến Hy Lạp, anh thấy rất vui và nhẹ nhõm.
“Tôi đã thoát khỏi nguy cơ chết đuối và hy vọng có thể tới một nơi an toàn để đưa gia đình mình đến đó, vì nơi nào cũng sẽ rất tuyệt vời nếu có Ahmad, Kinan và mẹ của bọn trẻ. Tôi hy vọng sẽ đến được Ðức và đoàn tụ với vợ con”, Ayham nói.
DH & BH – THEO BBC