Menu Close

Hiệp sĩ chân trần

Tám tháng. Chân trần. Mang gì vào chân cũng cởi ra. Ăn. Chỉ có lotion là không cởi được. Nhưng sẽ kéo chân lên. Liếm.

Thích leo. Mẹ phải treo bảng “Cấm leo!” trước ngực Mẹ, nhưng vô dụng. Hiệp sĩ cứ leo lên. Hai chân bấu lên đùi Mẹ, hai tay vói lên vai Mẹ và đu lên. Nhiều bữa, hai tay hiệp sĩ nắm chặt tóc Mẹ, rồi vung cả người lên, ôm mặt Mẹ. Ngộp thở.

Hiệp sĩ dễ ăn, thích ngủ. Mẹ đút gì cũng ăn. Hoàn toàn tin tưởng và hợp tác. Khi no thì cắn răng bịt miệng lại như rùa. Trời gầm không nhả. Không chịu nhập thêm bất cứ thứ gì khác, ngay cả một hột cơm. Dòm chỗ khác. Không thèm ngó Mẹ. Mẹ có kêu, giọng ngọt cỡ nào cũng không quay lại.

Hồi trước, lúc Mẹ mới tập hiệp sĩ ăn, hiệp sĩ hay nhăn mặt lắc đầu mỗi lần Mẹ đút món mới. Có bữa, hiệp sĩ mới liếm chút đầu lưỡi, không ăn muỗng nào thì đã ngậm miệng đình công. Mẹ đành nghĩ ra bài hát mới, mong làm xiêu lòng hiệp sĩ. Mẹ hát như người ta hát dân ca có hỏi và đáp, vừa hát vừa lắc lư người:

Cái muỗng đi đâu?

Cái muỗng đi chơi!

Cái muỗng đi về

Mừng Con ăn ngon …

Mẹ vừa hát, vừa cho cái muỗng nhựa thứ hai đi vòng quanh trên bàn ăn, cùng nhịp với bài hát. Cái muỗng múc thức ăn thì ngấp nghé miệng chàng. Có khi cái muỗng thứ hai còn đi qua ghế của hiệp sĩ, đi vòng lên vai, rón rén lên gò má. Hiệp sĩ ngồi nghe, nhìn, tỉnh bơ. Mẹ hát tiếp. Cái muỗng đi chơi, rồi đi lễ theo gợi ý của Anh Tư, rồi đi vẽ theo đề nghị của Anh Hai, đi bơi, đi công viên, đi chơi nhà chòi, đi rừng, đi xích đu, đi cầu tuột, đi học, đi ngủ, đi biển, đi khắp nơi trên thế giới, làm đủ mọi chuyện trên đời mà trẻ con vẫn làm, không theo một thứ tự nào cả. Mẹ hát sắp hết chữ thì rùa há miệng. Mẹ đút từ từ. Bữa nào hiệp sĩ ăn món mới, là bữa đó Mẹ phải đút cơm lâu, đến nỗi tay phải của Mẹ tê, mỏi, và đau. Sao Mẹ không hát “Cái muỗng đi ăn!” vậy ta? Biết đâu có tác dụng.

Hiệp sĩ hay ư e khi Mẹ đưa võng ru ngủ. Và thích nói. Thứ tiếng Việt có mật mã. Mẹ chỉ hiểu được một chữ duy nhất khi hiệp sĩ đòi bú, “Mẹẹẹ…” Khi hiệp sĩ mới bắt đầu nói được chữ này, cả nhà rộn ràng. Hai anh vỗ tay rối rít, cười toe toét, khen hiệp sĩ giỏi, kêu Mẹ để khoe. Hai anh còn giành với nhau, coi ai nghe được hiệp sĩ nói chữ này trước. Ba thì rất sung sướng, ríu rít như chim sáo đầu hè. Chỉ có Mẹ ngồi yên lặng để thưởng thức cảnh rộn ràng trước mắt.

Hiệp sĩ hay đòi Mẹ. Mỗi lần đòi thì tha thiết lắm: mắt long lanh, môi run run, cả người rơm rớm. Tha thiết nhất là buổi tối, sau khi cả nhà đã đánh răng để đi ngủ, Mẹ giao hiệp sĩ cho Ba vì đã hết sữa. Hiệp sĩ ré lên để đòi theo Mẹ. Khi chơi với hiệp sĩ trong phòng, Mẹ hay bò qua vách bên kia để hiệp sĩ bò theo. Mẹ kêu, “Cục hít ơi, tủ lạnh bên đây nè!” Mẹ tự xưng là tủ lạnh, vì Mẹ nói, hiệp sĩ đã tám tháng, mà Mẹ còn thừa cân lắm lắm. Nói như vậy cũng không chính xác. Hiệp sĩ cũng có da có thịt. Nếu nói, “Trái mít ơi, cây mít đây!” thì chắc chính xác hơn. Nhưng Mẹ nói như vậy là để chọc hiệp sĩ hay đeo Mẹ, như cục hít dính trên tủ lạnh trong bếp. Nhưng trên đời chắc không có cục hít nào dễ thương như hiệp sĩ.

Mẹ mê hiệp sĩ lắm. Như mê hai anh hồi hai anh còn nhỏ. Bây giờ cũng vẫn mê hai anh, nhưng mê kiểu khác, vì Mẹ phải dạy dỗ uốn nắn hai anh nhiều. Mẹ nói, mỗi đứa đều là người tình đầu tiên của Mẹ, vì không phải ai sanh trước mới được đặc quyền đó. Mẹ thương đồng đều. Mẹ đặt bài hát tặng hiệp sĩ, như hồi đó, Mẹ tặng bài hát riêng cho mỗi anh:

Làm sao bây giờ

Làm sao bây giờ đây?

Mẹ thương quá chừng

Mẹ thương ơi là thương

Mẹ say đắm chàng

Mẹ mê ơi là mê

Chàng ơi hỡi chàng

Chàng ơi, ơi chàng ơi!

Mẹ hát ít ngày thì hai anh hát theo. Anh Hai lại hỏi, “Vậy Mẹ có mê con không?” Mẹ lại phải xác nhận rằng Mẹ rất mê Anh Hai. Anh Tư lâu lâu lại chạy tới nựng hai gò má trắng hồng của hiệp sĩ, đớt đát hỏi, “Dàm sao bi dờ? Dàm sao bi dờ đây?” Rồi Mẹ thay chữ “thương” bằng những chữ khác để hát. Mỗi khi đổi tiểu khúc, Mẹ hay trắc lưỡi theo nhịp để ‘hoà âm.’ Hiệp sĩ cũng tắc lưỡi theo, nhưng chưa làm được như Mẹ, nên đành ngậm miệng rồi làm cho kêu ‘tắc tắc.’

Mẹ càng hát bài này, thì Anh Hai càng thích chí, hát theo y chang. Anh Hai lúc này thích làm theo ý mình. Ðàn ông năm tuổi thường vậy. Lúc này, Anh Hai bớt hỏi “Vậy Mẹ không thương Con nữa hả?” khi Mẹ hát những bài tỏ tình với hiệp sĩ. Hồi trước, hễ Anh Hai hỏi, thì Anh Tư lập tức thu âm rồi phát sóng lại y chang, “Vậy Mẹ không thương Con nữa hả?” Chỉ có điều Anh Tư còn bẻ miệng, cong môi, chớp chớp mắt, nhão một chút, chứ không khẳng khái như Anh Hai. Ðúng rồi, vì Anh Tư đang còn trong giai đoạn mà chuyên gia tâm lý thiếu nhi gọi là ‘lover.’ Chỉ một thời gian sau, ‘lover’ biến thành ‘trouble maker.’ Nhưng Anh Tư có làm quậy phá cỡ nào, thì vẫn thấp thoáng bóng dáng ngọt ngào phía sau.

Tuy ghen, nhưng hai anh cũng phụ Mẹ lo cho hiệp sĩ. Mỗi lần hiệp sĩ khóc đòi bồng, mà Mẹ đang dở tay, Mẹ lại phái Anh Hai chạy đến nôi để hát bài này:

Cúc cù cu cu cu (là)

Cúc cù cu cu cu!

Con Cưng Ngoan ở đâu (á)?

Con Cưng Ngoan ở đây (nè)!

Con Cưng Ngoan đâu rồi (á)?

Con Cưng Ngoan đây nè!

Cúc cù cu cu cu (là)

Cúc cù cu cu cu!

Bữa nào nóng ruột muốn đi chơi, thì Anh Hai hát như gió. Chỉ nghe “Cúc cù cu cu cu (là) / Cúc cù cu cu cu!” thì Anh Hai đã biến mất. Mẹ luôn dặn, “Con hát từ từ, hát cho ngọt ngào, tình cảm, rồi dặn Em chờ Mẹ nghe! Ðừng hát lớn quá, Em sợ.” Nhưng người đàn ông năm tuổi này rất bận rộn làm máy bay bằng lego, vẽ hình xe lửa, đọc sách về khủng long, nên thường thì hát ngược lại với những gì Mẹ dặn. Hiệp sĩ chờ Anh Hai hát xong thì hát tiếp khúc thê lương của mình. Anh Tư xông xáo tới, hát được một lần thì bỏ cuộc. Hiệp sĩ ca tiếp câu sáu. Mẹ không chịu nổi, tắt lửa, ngưng cơm canh, chờ hiệp sĩ ngủ mới nấu tiếp.

Hết Hồi Một.

hiepsi chantran

Han MeilinNGUỒN RWARREN50.WORDPRESS.COM

TGT