Người Portland rất hãnh diện khi gọi thành phố của mình là thành phố Hoa Hồng. Đồng thời, mỗi năm vào tháng 6 đều có Đại Hội Hoa Hồng nổi tiếng trên toàn quốc Hoa Kỳ. Người Bulgaria thì còn oai hơn nữa. Gọi luôn nước của họ là Nước Hoa Hồng!. Hoa Hồng nổi tiếng trên thế giới về vẻ đẹp và tinh khiết. Người Công Giáo đã đặt tên cho những bài kinh cầu nguyện Đức Mẹ thành một chuỗi kinh và gọi là Rosaries..hay có thể tạm dịch là chuỗi Hoa Hồng kính dâng Mẹ. Nhưng có lẽ ít người có thể biết rằng hoa Hồng lại là một vị thuốc; và vị thuốc này chỉ xuất hiện nơi một quả nhỏ cỡ như một trái Cherry.
TÊN KHOA HỌC:
Rosa canina, Rosa rugose, Rosa multiflora…tất cả đều thuộc họ thực vật Rosaceae. Đông Y gọi hoa Hồng Rugosa dưới tên Mân Côi Hoa với phiên âm Mei-gui-hua, và Hồng loại multiflora dưới tên Tường Vi hoa với phiên âm qian-wei-hua.
ĐẶC TÍNH THỰC VẬT VÀ LỊCH SỬ:
Hoa Hồng đã được xem như Hoa Hậu của các loài Hoa và đã ghi nhận từ thời cổ Ai Cập. Cánh hoa Hồng tươi đã được người Ai Cập dùng làm thơm không khí và nấu trong nước để làm nước tắm cho thơm.
Tại Hy Lạp, Hippocrates đã dùng hoa Hồng trộn trong dầu để trị các bệnh tử cung. Y Học Ayuravedic của Ấn Độ, từ ngàn xưa đã biết dùng tính chất thu liễm (astringent) và làm mát da của hoa Hồng để bào chế những thuốc thoa ngoài da trị vết thương và vết sưng. Y Học Ấn Độ cũng dùng cánh hoa Hồng và nước cất từ hoa Hồng để làm thuốc nhuận trường.
Y giới Phương Tây đã theo chân Y Học Ayuravedic để dùng Cánh hoa Hồng trị những bệnh như Ho, trị Ói Mửa và trị Nhức Đầu, Chóng Mặt.
Theo lịch sử thực vật thì hoa Hồng đã được trồng thành vườn từ những năm 5000 trước Tây Lịch. Hoàng Hậu Josephine của Pháp đã từng sưu tập được đến 2500 giống Hồng. Hồng ngày nay được trồng rất nhiều tại Hoa Kỳ và Canada. Riêng tại Âu Châu, Hồng được trồng nhiều nhất tại Bulgarie.
Hoa Hồng đã được mô tả trong rất nhiều sách vở và có hẳn một tổ chức riêng tại từng quốc gia để sắp hạng các loại Hồng như Tổ Chức National Rose Society Of Great Britain tại Anh; American Rose Society tại Mỹ. Quý vị thích tìm hiểu về Hồng có thể tìm đọc các tài liệu này rất dễ dàng tại các thư viện Hoa Kỳ.
THÀNH PHẦN HOÁ HỌC:
Thành phần Hoá Học của Hoa Hồng – Hoa Hồng tươi chứa:
- Tinh Dầu, có mùi thơm, chứa phần lớn là Geraniol, Citronellol (70-75%) cùng với các Terpenes khác như nerol, eugenol linalool 1-p-menthene. Các Aldehyde nonylic, Rhodinol và Steroptene.
- Các chất Flavonoid như Quercitrin.
- Các Sắc Tố như Beta Carotene
- Các chất Tannin
- Thành Phần Hoá Học của Trái (Rosehip) – Trái (Rosehip hay Rosa pseudofrutus) chứa:
- Vitamin C khoảng 1.7%
- Các chất Pectin, Tannin.
- Các Sắc Tố nhất là Carotenoid (thường là những chất đồng phân của Rubixanthin, Lycopene)
- Flavonoids và Anthocyans
HOA HỒNG TRONG Y HỌC TRUNG HOA – Hoa Tường Vi:
Hãy gọi đơn giản là hoa Hồng Leo (Rosa multiflora hay Rosa indica) đã được dùng trong Đông Y từ lâu đời, riêng một giống Hoa Vàng rất lớn được đặt tên “Phật Kiến Tiếu” (Fo-chien-hsiao), dùng để đắp lên vết thương, trị đau khi bị trật đả.
Rễ Tường Vi:
Được xem là có vị đắng, tính Thu Liễm và mát tác dụng vào các kinh mạch Tỳ và Vị. Do đó được dùng để giải nhiệt, trừ thấp, phát tán khí, giúp điều hòa khí huyết và giải độc. Rễ Tường Vi được dùng để trị phong thấp, mụn nhọt, đi tiểu nhiều và cả đái dầm. Liều thường được dùng là 15-30g Rễ Khô.
Hoa Mân Côi:
Hoa Hồng Bụi (Rosa Rugosa) được xem là một vị thuốc chính thức trong Dược Điển Trung Hoa. Hoa Mân Côi (hay Maikaka theo Nhật) có tính ấm, vị ngọt và sau đó đắng, tác dụng vào các kinh mạch Can và Tỳ.
Mân Côi giúp vận chuyển khí huyết và làm thông thoát sự tắc nghẽn của Khí do sự mất quân bình giữa Tỳ và Vị gây ra sự ứ tắc nơi ngực, đau tức nơi bụng và hông, ợ hơi và ăn không ngon miệng. Mân Côi cũng giúp Khí lưu thông, điều hòa Máu và tống xuất sự nghẽn tắc nơi các trường hợp kinh nguyệt không đều, căng thẳng ngực và đau bụng trước và trong kỳ kinh nguyệt.
Mân Côi thường được dùng phối hợp: với Ích Mẫu Thảo (Yi-mu-cao) để trị kinh nguyệt bất điều hòa. Với Đương Quy (dang-gui) để trị đau bụng khi có kinh nguyệt.
Trong sách “Bách Thảo Kinh Phương” có ghi chép một phương thức nấu Cao từ Hoa Hồng Mân Côi bằng cách lựa khoảng 100 hoa mới nở, bỏ nhụy hoa và đế hoa; nấu chung với 2 chén nước suối tinh khiết đến khi còn 1 chén. Gạn lấy nước để riêng. Thêm vào Bã một chén rưỡi nước suối nấu tiếp đến khi còn nửa chén rồi bỏ bã. Lấy 1 chén rưỡi nước này cô đặc (nấu) lại còn 1 chén rồi thêm vào 50g đường phèn, quậy thành Cao để dùng. Cao mân Côi được dùng để trị các trường hợp bị đánh đập, té ngã rất tốt (Sách Thiếu Lâm Quyền Pháp). Cao cũng trị được các trường hợp Thổ Huyết.
Đông Y còn dùng Nước Chưng Cất từ Cánh Hoa và gọi là Mân Côi Lộ để trị các bệnh uất khí gây tức ngực, tạo được sự khoan khoái.
HOA HỒNG VÀ Y HỌC TÂY PHƯƠNG:
Với Y, Dược Học Tây Phương, việc xử dụng hoa Hồng tương đối khác hơn ngoại trừ Nước Cất từ Cánh Hoa đã được ghi trong “Chế Dược Thư Pháp” (CODEX) từ lâu với tên Eau Distillée De Rose, dùng để rửa mặt do tính cách Thu Liễm (astringent) làm săn da mặt.
Tây Y dùng Trái Hoa Hồng để ly trích Vitamin C (Rose Hip Vitamin C). Tuy nhiên, khi thu hoạch và phơi khô trái, Vitamin C thường bị mất đi rất nhiều, có khi từ 45-80% bị hư hại. Vitamin C được xem là có thể ngăn ngừa cảm cúm. Do đó Trà Dược làm từ Trái Hoa Hồng có thể giúp ích cho cơ thể vào mùa cảm cúm. Một phương thức ngừa cảm là dùng từ 2-3 muỗng cà phê Trái Hoa Hồng Khô, tán nhỏ và nấu trong 250ml nước đến sôi. Ngâm thêm 10 phút. Uống khi cần.
Nên chú ý là dùng quá nhiều Vitamin C có thể bị tiêu chảy và có thể gây suy nhược thận nơi những người yếu gan và thận. Tuy nhiên, ở những người bình thường các trường hợp ít xảy ra. Với cơ quan FDA thì trái Hồng (Rosehip) rất an toàn cho xử dụng nhưng phụ nữ có thai cần thận trọng khi xử dụng.
Tinh Dầu Hoa Hồng trong khoa trị bệnh bằng Hương Liệu (Aromatherapy)
Tinh Dầu Hoa Hồng, được xem là rất quý và rất đắt vì muốn có 1 Kg tinh dầu tự nhiên, phải cần đến 5 tấn hoa tươi!. Do đó đa số tinh dầu Hồng thường bị pha chế thêm với tinh dầu Geranium. Theo Aromatherapy thì tinh dầu hoa Hồng được dùng để:
- Tăng hoạt động của Hệ Tiêu Hoá, bảo vệ bao tử và giúp bài tiết Mật, trị được Vàng Da. Thường dùng chung với Dầu Cam, Bạc Hà, theo tỷ lệ Hồng/Cam/Bạc Hà là 5-4-2.
- Lọc máu, gia tăng độ bền chắc của mạch máu, giúp máu lưu thông đều, giúp điều hòa nhịp tim, Dùng chung với Dầu Rosemary và Melissa (6-2-2)
- Điều hoà kinh nguyệt, trị được hiếm muộn, đồng thời giúp bớt sự căng thẳng thần kinh trong lúc có kinh nguyệt. Dùng chung vớì Dầu Gỗ Trầm Hương và Dầu Geranium (6-5-2).
- Giúp nuôi dưỡng Da, nhất là những trường hợp da khô, ửng đỏ. Dùng chung với Dầu Lavender, Dầu Patcheouli (3-2-2).
Những nghiên cứu mới về Hoa Hồng:
- Dầu Hoa Hồng đã được chứng minh là có tác dụng kích thích bài tiết mật nơi Chuột thử nghiệm (thử nghiệm tại đại học Bắc Kinh)
- Nước Sắc Hoa Hồng Mân Côi có tác dụng giải trừ ngộ độc do Antimoine (kim loại nặng thường dùng để giết sâu bọ).
Những Phương Thức Xử Dụng Hoa Hồng:
- Để trị các chứng Sưng và Phù: Dùng Cánh Hoa Hồng, đun nhỏ lửa đến khô, tán thành Bột và uống mỗi ngày 3g Bột với rượu Brandy.
- Để trị Tiêu Chảy kinh niên do Sưng Ruột: Dùng 3g cánh Hoa Khô (hoặc 6 cánh Hoa tươi) ngâm 10 phút trong nước đun sôi (250ml) à uống thay Trà, mỗi ngày 2 lần trong tuần.
- Để giúp ăn ngon miệng và trị cảm giác buồn nôn: Nên dùng nước sắc Cánh Hoa Hồng, hái và phơi khô trong mát, với liều lượng 3g trước mỗi bữa ăn.
- Để trị các trường hợp chấn thương, Sưng do té ngã có thể tự chế một loại rượu thuốc từ Hoa Hồng như sau: Ngâm 15g Cánh Hồng tươi trong 120ml rượu trắng trong 4 giờ. Vớt bỏ Cánh Hoa hay lọc qua vải thưa. Chia rượu làm 3 phần, uống trong 3 ngày mỗi ngày 1 phần (phương pháp của bệnh viện Thượng Hải để trị trật đả).
DS. Trần Việt Hưng