MỤC VIẾT VỚI TRẺ là nơi bạn có thể chia sẻ những gì bạn quan tâm xảy ra chung quanh cuộc sống hay những suy tư trong tâm hồn của bạn. Nơi bạn cảm thấy Viết là một cách đi vào thế giới của riêng bạn tạo dựng. Hãy “viết với Trẻ” dù bằng hình thức nào thơ, tùy bút, truyện ngắn, hồi ký, phê bình, tạp văn,… về mọi đề tài. Bài viết không dài quá 2000 chữ, nếu có thể kèm ảnh tác giả, và địa chỉ liên lạc.
Chúng tôi chân thành cám ơn và chờ mong được đón nhận mọi đóng góp của các bạn.
Bài xin đề Viết Với Trẻ và gửi về địa chỉ e-mail: bientap@trenews.net
Xa lộ thênh thang quá, nó phóng xe vi vút quên cả mình đang quá tốc độ. Bất chợt cảnh sát công lộ xuất hiện và quay đèn, tấp vào vệ đường nó lo lắng thầm nghĩ: Thế này thì mất mấy ngày lương rồi!
– Chào ông! Ông có biết rằng ông đã lái quá tốc độ cho phép? Người cảnh sát nói.
– Chào ông! Tôi đã biết lỗi rồi. Nó kỳ kèo thêm:
– Ông có thể thông cảm cho không, chỉ cảnh cáo chứ đừng ghi giấy phạt?
– Thưa ông! Tôi thông cảm cho ông nhưng tôi không thể làm sai trách nhiệm của mình được.
Nhận giấy phạt mà trong lòng bực bội quá. Nó toan chửi thề và muốn đập phá cho hả giận, nhưng rồi nó kịp trấn tĩnh lại. Nó nghĩ mình từng đi chùa, nghe pháp… Vậy thì đây là cơ hội ứng dụng đây.Nó quán xét và thấy là mình sai, mình gây cái nhân nay thì mình phải nhận cái quả thôi, người cảnh sát chỉ làm nhiệm vụ của họ. Họ giữ cho trật tự và an toàn của xã hội kia mà. Nó bất chợt thấy phục người cảnh sát thật cần mẫn và liêm khiết không hề giống những người cảnh sát mà nó từng gặp ngày trước ở quê nhà. Người cảnh sát của miền đất tự do trông họ thật phong độ làm việc rất minh bạch, tự trọng. Nó trở lại xa lộ và bực bội trong lòng tiêu tan tự lúc nào. Trong đầu óc nó miên man những ý nghĩ ngồ ngộ nảy xa sau khi nhận giấy phạt rồi tự quán xét. Nó thấy sau mười lăm năm làm công dân của cái quốc gia hùng mạnh, giàu có, tự do, dân chủ này… thật hạnh phúc sao, dẫu rằng ngày ngày vào hãng bấm thẻ cũng nhọc lắm chứ. Người công nhân ăn lương căn bản khổ lắm chứ nhưng dẫu sao đi nữa cũng là một người tự do, được tôn trọng và bình đẳng như bao người khác. Cầm cái sổ thông hành của xứ cờ hoa này đi đâu cũng cảm thấy tự hào và chắc chắn sẽ được giúp đỡ khi có rắc rối xảy ra. Mười lăm năm làm công dân xứ cờ hoa nó bất chợt liên tưởng sự lưu lạc trong mười lăm năm của Thúy Kiều. Ðời Kiều thật khổ nhục, đớn đau… Mười lăm năm lưu lạc khi thì Bắc Kinh, khi thì Vô Tích, Lâm Truy… khi thì lầu xanh, khi thì đi tu và đôi lần tự tử… Ðến nỗi cụ Nguyễn Du phải thốt lên:
“Mười lăm năm kiếp phong trần”. Còn nó mười lăm năm làm công dân của cái xứ sở tự do này, dẫu không vinh quang thì cũng đủ hãnh diện làm một người tự do với đầy đủ những quyền căn bản của một con người! Mười lăm năm (kể từ khi trở thành công dân chính thức) rong ruổi trên nẻo đường xứ cờ hoa này giúp cho nó mở rộng thêm tầm mắt, làm giàu thêm kiến thức hiểu biết của mình. Từ những thành đô xa hoa tráng lệ như: Las Vegas, Orlando, New York… cho đến những miền quê bao la, những miền núi non hùng vĩ, những bãi biển tuyệt mỹ…thiên nhiên kỳ ảo, đẹp đẽ; xã hội bình an, công bằng; luật pháp nghiêm minh; kinh tế sung túc, phồn thịnh; quốc phòng hùng mạnh; khoa học tân tiến; dân sinh quốc kế… đều rất phát triển và bền vững. Ở cái xứ này chẳng cần phải tuyên truyền, nhồi sọ… Mọi người đều yêu nước với lòng nhiệt thành và rất tự nhiên. Tương lai xa xôi thế nào thì chưa biết, chứ hiện tại thì chưa thể có quốc gia nào có thể sánh với xứ cờ hoa này!
Những ý nghĩ vẫn cứ lởn vởn trong đầu của nó, nó lại phì cười: Mình khen xứ cờ hoa giàu có, hùng mạnh thì khác gì khen “phò mã tốt áo”.
Cái xứ sở mệnh danh là miền đất tự do, miền đất mơ ước này bao dung, chứa chấp hàng triệu người là nạn nhân của độc tài tàn bạo, của chiến tranh, của những xã hội bất công, những chính thể tàn ác… và cả hàng chục triệu người đến chỉ vì kinh tế, muốn đổi đời thực hiện “Giấc mơ Mỹ”. Trên thế gian này nhiều quốc gia khác ghét Mỹ, chửi Mỹ, nhưng tiền Mỹ, kỹ thuật Mỹ, trình độ Mỹ… thì cứ lom lom xin xỏ, ăn cắp kể cũng bá đạo thật! Mười lăm năm rong ruổi trên xứ cờ hoa này nó nghĩ mình may mắn khi thọ hưởng những quyền lợi căn bản, chính đáng của xứ sở này!
Nó biết rằng nó chỉ là một công nhân bình thường, không có tài năng đặc biệt gì để đóng góp cho xứ sở này nhưng ít ra nó cũng cảm thấy bình an và vui vẻ khi mà nó hàng năm vẫn trả thuế, vẫn thực hiện những trách nhiệm khác của một công dân. Một hôm kia ông Mỹ già hàng xóm của nó mời qua nhà chơi và nói rằng:
– Mầy thật sự là một người hàng xóm tốt cuả tao!
Nó cảm nhận được cảm xúc thành thật của người Mỹ già hàng xóm này và nó cũng thấy tự hào nó là một công dân thực thụ chứ chẳng phải là một kẻ ngụ cư. Nó thật sự yêu cái xứ sở này như yêu chính cái xứ sở mà nó được sanh ra.
SN – Peach State