Menu Close

“Trở về để làm rùa biển!”

Người ta thường nói ai đi du học tự túc cũng đều có nhiều tiền, nhà phải giàu, không con ông cháu cha thì cũng thuộc con cái đại gia. Nhưng thật ra, du học tự túc bằng tiền cha mẹ thế chấp nhà cửa hay cha mẹ đứng ra vay ngân hàng không phải là không có.      

lam rua bien 01

Du học sinh Việt tại Úc

Trường hợp của du học sinh Trần A. là một điển hình. Quê Quảng Nam, cha là giáo viên, mẹ nông dân, anh chàng đã thực hiện ước mơ dấn thân đến những xứ sở xa xôi để tiếp thu những nền giáo dục tân tiến cũng như để thử thách chính mình.

Trần A. đến Úc sau khi tốt nghiệp trường Ðại học sư phạm Ðà Nẵng, lúc bấy giờ sinh viên du học Úc có thể nói là đếm trên đầu ngón tay. Không thân nhân, và cả không hiểu hết ngôn ngữ nơi đến; mỗi buổi sáng thức dậy, cảm giác đầu tiên là sự cô đơn. Bước ra khỏi cửa mỗi ngày hiếm khi nào anh gặp người, chỉ thấy những chiếc xe hơi vội vàng lướt qua những đại lộ rộng thênh thang. Nơi anh ở nhà cửa thưa thớt càng khiến anh chàng nhớ gia đình, bạn bè, hàng xóm, nhớ cảnh đông đúc nghẹt xe máy và khói bụi mà anh chàng rất ghét khi còn ở nhà. Trần A. vẫn còn nhớ cảm giác của ba năm cấp ba: triền miên học, triền miên luyện thi, bắt đầu từ lớp 10, qua 5, 7 lò luyện thi, lò nào cũng rèn học sinh kiểu rèn búa, rèn dao. Ðỗ đại học vẫn chưa hết ám ảnh học “lò”.

“Du học là một cuộc tỵ nạn giáo dục”, những du học sinh thường chia sẻ nhau ý tưởng này. Ở Việt Nam việc học là trung tâm cuộc sống của một đứa trẻ và gia đình đứa trẻ, từ lớp một đến hết đại học, rất cực nhọc. Sang Úc học, Trần A. chưa bao giờ gặp lại cái gì gần gần như vậy. Việt Nam, học sinh, sinh viên học vì một sự sợ hãi vô hình, chẳng hạn như áp lực mình phải vào trường “chuyên”, trường “điểm”. Khác với khi anh chàng qua Úc, ai cũng có thể tự do thoải mái cho mình cái quyền chọn ngành mình thích; để có thể nói là “tôi thích học ngành này lắm!”. Anh ghi danh học thạc sĩ quản lý giáo dục tại đại học Queensland. A. cảm thấy hoàn toàn thoải mái vì họ không yêu cầu học nhồi nhét như Việt Nam.

Nhưng vấn đề lớn của du học sinh tự túc là chi phí cho ăn ở và học hành.

Du học sinh sang học bằng học bổng ít quan tâm đến việc làm thêm, nhưng với người tự bỏ tiền nhà đi học, hầu như ai cũng mong đi làm bán thời gian để đỡ gánh nặng cho gia đình. Như Trần A. lúc thì chạy bàn tại nhà hàng, quán cà phê, khi thì đi hái dâu, hái nho ở các trang trại. Tuy nhiên, việc chi trả chi phí cho cuộc sống tại Úc quả không phải là điều đơn giản.

Một ngày của du học sinh Trần A. là thức dậy lúc 6:30 sáng, đi làm đến trưa. Buổi chiều đi học. Tối đi làm tiếp, đến 10giờ đêm không còn xe bus phải cuốc bộ gần 3km về nhà, những tháng mùa Ðông rét căm căm, nấu vội tô mì ăn liền xong mới ngồi vào bàn học đến 2 giờ sáng hoặc hơn, và cứ như vậy. Anh chàng không thể dựa dẫm vào bất cứ ai, phải bắt buộc tìm cách cho chính mình trụ được trên xứ người. Nước Úc dạy cho anh chàng sự gan lì, độc lập, đương đầu với mọi thử thách.

lam rua bien 01

Trần A.

Ở Úc, số người du học rồi được ở lại đi làm theo mong ước không nhiều. Ở một đất nước hiện đại, những người trẻ như Trần A. phải nỗ lực rất nhiều để có công việc tốt và mức thu nhập cao, chưa kể sự khó khăn trong khác biệt văn hóa, ngôn ngữ và những thủ tục hành chánh, di trú khác.

Nhưng nếu du học rồi trở về, những khó khăn càng không nhỏ. Tìm được một công việc đúng với ngành học không dễ, chưa kể những rào cản khác như “văn hóa quan hệ” con vua mới được làm vua, con sãi ở chùa… cứ quét lá đa.

Những du học sinh quay về nước như Trần A. bị gọi là “rùa biển”, vì họ thường không được trọng dụng với đúng khả năng, bị gièm pha, ganh tị, đố kỵ, có khi họ bị đồng nghiệp xúm nhau loại bỏ trong sinh hoạt.

Trần A. tâm sự:

“Nhiều năm trước, chính bản thân tôi đã từng có thời hồ đồ mà nghĩ rằng: “chúng ta chỉ sống một lần, và chúng ta được quyền chọn nơi nào tốt nhất, tuyệt nhất để sống cuộc đời này.” Nhưng rồi đến một ngày, sau khi đã đi đủ xa, học đủ thấm, tôi thấy mình sẽ có phần “bất hiếu” nếu như tiếp tục giữ suy nghĩ đó trong đầu. Tôi còn nhớ ngày lên máy bay mẹ khóc, nhưng mẹ không muốn cho tôi nhìn thấy những giọt nước mắt chảy dài trên gương mặt thô sạm bởi nắng mưa của mẹ. Sợ tôi khóc, mẹ quay mặt đi như vờ không có gì, mẹ lau vội những giọt nước mắt chưa kịp khô, tôi nhớ lại mà muốn bay về thật nhanh với mẹ!”

Những giọt nước ấy khiến Trần A. không trăn trở lắm với chuyện ở lại hay về.

LTT