Có nhiều lúc rảnh rỗi, tôi hay hồi tưởng lại tuổi thơ của mình, lúc còn hồn nhiên, vô tư không phải lo lắng về bất kỳ một việc gì. Lúc đó, tôi thích nhất là rủ rê bọn con gái trong xóm đi chơi. Chúng tôi thích nhất là chạy quanh trước ngõ hẻm, rồi chạy ra ngoài đường lớn, nơi xe cộ đông đúc, để đùa giỡn và phá phách. Chạy tới khi nghe tiếng Má Già xách chổi rượt đánh tôi. Miệng Má thì đang la rất nhiều câu chửi tục. Má Già lúc đó rất dữ, ai xung quanh cũng phải sợ.
Trong xóm, má nổi tiếng là một người đàn bà hay chửi tục. Những câu nói của má cũng thật không mấy hay. Nhưng đối với tôi, những câu chửi tục của bà rất là dễ thương. Má xách chổi rượt tôi xa tới đâu, hét la tôi tới đó, tôi cũng không sợ. Chắc có thể vì lúc đó tôi rất là cứng đầu, thấy mọi thứ mình làm đều đúng. Nhưng cũng có thể, tôi hiểu rõ rằng, Má Già của tôi miệng cứng lòng mềm. Tôi biết bà ấy la tôi vì bà không muốn tôi gặp nguy hiểm khi chơi giữa đường xe đông người. Má thương tôi nhất, và bà cũng rất biết quan tâm tới nhiều người xung quanh.
Vũ Thùy An
Má Già là thím của bố tôi. Lúc bà nội của tôi còn sống, bà nội rất quý Má Già. Nội thương cho phận đời cơ cực của một người đàn bà. Một mình nhưng phải chăm sóc cho hai con nhỏ. Người chồng thì đã qua Mỹ. Một thân một mình, Má Già từ Long An lên tới thành phố Sài Gòn để mưu sinh. Bà ở nhà của bà nội tôi, và được gia đình nội tôi giúp đỡ.
Nhưng đời người thật sự rất là trớ trêu, vì muốn về thăm người nhà ở dưới quê mà Má Già và cô con gái, nay tôi gọi là Mẹ Linh, đã gặp một vụ tai nạn lật xe. Mẹ Linh vì thế mà bị liệt hết một cánh tay, và Má Già thì cũng mất đi một số chức năng bên một cánh tay của bà. Lúc xảy ra tai nạn, vì không có tiền để phẫu thuật, cánh tay của Mẹ Linh tới giờ cũng không còn được như xưa. Sau khi tôi sinh ra, Mẹ Linh đã được bảo lãnh qua Mỹ, cùng với người anh trai, để được điều trị. Chắc vì nhớ hai người con, Má Già đã thương tôi nhiều hơn gấp bội lần.
Khi tôi mới sinh ra, mẹ tôi phải nằm viện. Bố không có cách nào khác là gởi tôi cho Má Già. Bà lúc đó không do dự, bế tôi từ bệnh viện về nhà và chăm sóc cho tôi từng ly từng tí, tới khi mẹ tôi ra khỏi viện. Nhưng rồi không lâu sao đó, mẹ tôi lại phải đi làm và một lần nữa, Má Già lại chăm sóc cho tôi. Không những bà không lấy của bố mẹ tôi một xu nào, mà bà còn rất nuông chiều tôi. Tôi muốn gì bà cũng cho, muốn bà làm gì bà cũng làm. Chắc do thế mà tính tình của tôi hồi nhỏ rất ngang bướng, không thích nghe lời ai và thích nhất là chỉ huy người khác.
Những năm tháng đó tôi còn quá nhỏ để nhớ hết tất cả những thứ mà Má Già đã làm cho tôi. Tuy nhiên, tôi hồi tưởng lại được rất nhiều ký ức nho nhỏ còn sót lại trong trí nhớ. Có một hôm trời mưa tầm tã, Má Già tới đón tôi từ trường mẫu giáo bằng xe xích lô. Lúc đó Má Già không lên xích lô ngồi, chắc là vì sợ chật chỗ. Bà chỉ bế tôi lên xe rồi kêu ông xích lô cứ thế mà đạp về nhà. Lúc đó tôi chỉ chừng 3, 4 tuổi, ngồi trong xe xích lô nhú đầu nhìn ra ngoài. Mỗi khi tôi nhớ tới hình ảnh Má Già chạy lịch bịch theo chiếc xe xích lô dưới cơn mưa, tôi rất muốn hỏi, “Tại sao má không ngồi với con? Trời đang mưa mà, lỡ má bệnh thì con phải làm sao?” Tôi thương má lắm!
Không những Má Già đã che chở và thương yêu tôi, Má còn là một tấm gương dẫn dắt cho tôi trên nhiều phương diện khác. Tôi nhớ có một hôm, hai má con đang ngồi trước cửa nhà hóng mát, có một cô bé lớn hơn tôi chỉ một hai tuổi tới mời Má Già mua vé số. Má Già sai tôi vào trong nhà, lấy tiền để mua mấy tờ ủng hộ cô bé. Khi tôi quay lại, tôi thấy Má Già đang chỉ cô bé đó đọc chữ. Cô bé đó chưa bao giờ được đi học, không biết đọc được một chữ nào. Lúc đó tôi chỉ đứng đó nhìn mà thôi. Nhưng sau đó, tôi bắt đầu có ý thức về việc giúp đỡ người. Không chỉ thế, sự xuất hiện của cô bé đó đã làm cho tôi hiểu rõ rằng, biết đọc biết viết rất là quan trọng. Tôi thích tiếng Việt, tiếng Việt là tiếng của Má Già. Thế nên tôi đã thầm nhủ rằng, mình sẽ không bao giờ quên mất tiếng Việt.
Vũ Thùy An và mẹ
Rồi tới khi bố mẹ báo tin gia đình sẽ sang Mỹ định cư, tôi mới hiểu được chia ly buồn bã tới mức nào. Lúc đó tôi chỉ có 9 tuổi. Trong đầu của tôi chỉ nghĩ tới nước Mỹ, một nước tự do, đẹp đẽ và văn minh. Tôi đã chưa hiểu được rằng, qua Mỹ cũng sẽ đồng nghĩa với một sự chia tay. Hôm đó, Má Già hứa với tôi sẽ ra sân bay tiễn tôi đi. Nhưng tôi chờ mãi, chờ mãi, chờ tới khi tới giờ lên máy bay, Má Già cũng không tới. Lúc đó, tôi đã hoàn toàn mất đi sự kiềm chế cảm xúc và nước mắt của tôi bắt đầu rơi xuống.
Chuyện khóc đối với tôi rất là xấu hổ. Tôi chưa bao giờ khóc trước nhiều người tới như vậy. Sau khi tôi khóc, ai xung quanh tôi cũng bắt đầu rơi nước mắt cùng với tôi. Giận Má Già vì má không tới, giận Má Già vì má không giữ lời hứa, giận mọi người vì ai cũng khóc theo tôi. Thật sự điều tôi muốn nhất lúc đó là sự có mặt của Má Già. Tôi chỉ muốn có một lời chia tay trọn vẹn, và tôi muốn cám ơn Má Già vì đã cho tôi một tuổi thơ đẹp đẽ. Tiếc thay, Má Già vẫn không bao giờ tới. Trong điện thoại, má nói rằng má rất sợ, sợ tôi không muốn đi Mỹ vì Má. Tôi đã thầm nghĩ lại, có thể Má Già nói đúng, có thể hai má con sẽ ôm nhau mà khóc giữa sân bay. Rồi có thể tôi sẽ không muốn đi Mỹ nữa.
Vì Má Già mà tôi rất yêu quý Việt Nam. Những ký ức mà tôi nâng niu nhất đều ở trên mảnh đất đó. Bây giờ thì Má Già đã được Mẹ Linh, con gái của Má, bảo lãnh qua Mỹ. Tiếc thay, Má Già không ở tiểu bang Georgia. Việc này đã làm cho tôi có cảm giác như nước Mỹ này quá lớn. Mặc dù người thân yêu nhất của mình đang ở trên cùng một mảnh đất với mình, nhưng chỉ lâu lâu mới gặp được họ. Nhớ những tháng ngày ở Việt Nam, ai ai cũng ở gần bên nhau. Tình thương yêu được thể hiện thật dễ dàng. Dù sao đi nữa, dù ở đâu cũng vậy, tôi cũng không ngừng nhớ và thương những người thân yêu ngay cả khi họ không ở gần bên tôi.
Má Già ơi, con nhớ má lắm!
Vũ Thùy An – Georgia – Ngày 19 tháng 9, năm 2015