Menu Close

Giải Nobel 2015

Giải Nobel, là một giải thưởng quốc tế kể từ năm 1901 được trao hằng năm cho những cá nhân hoặc tổ chức đạt thành tựu trong lĩnh vực vật lý, hóa học, y học, kinh tế, văn học và hòa bình.

Alfred Nobel 01

Các giải được công bố vào Tháng 10 mỗi năm, gồm tiền thưởng, huy chương vàng và giấy chứng nhận.

Giải Nobel được lập theo nguyện vọng cuối cùng của Alfred Nobel (1833 – 1896), một nhà hóa học, công nghiệp học và người phát minh ra thuốc nổ của Thụy Ðiển.

Ông có tới 350 bằng sáng chế đã đăng ký bản quyền, và trở thành triệu phú với khối tài sản ước tính hơn 500 triệu USD.

Bị tổn thương vì phát minh thuốc nổ của ông được sử dụng cho mục đích vô nhân đạo, ông được mệnh danh là “kẻ buôn bán tử thần”, nên trong di chúc cuối đời, ông dành ra 94% trị giá tài sản (khoảng 2,000,000 bảng Anh) và lấy lãi hàng năm để lập nên 5 giải Nobel (vật lý, hóa học, y học, văn học, và hòa bình) cho “những ai, trong những năm trước khi giải được trao đó, đã đưa đến những lợi ích nhất cho con người.”

Alfred Nobel 01

Alfred Nobel

Có giả thuyết cho rằng động lực thúc đẩy còn là vì ông đọc cáo phó về cái chết của chính ông, do một nhà báo Pháp viết, đã nhầm Alfred với Ludvid, (anh của Alfred), khi Ludvid mất, và bài báo đã chê trách Alfred là “thần chết”.

Giải Nobel được coi là giải danh giá nhất trong các lĩnh vực văn học, y học, vật lý, hóa học, kinh tế và hòa bình. Giải Nobel Hòa bình được trao ở Oslo, Na Uy, trong khi các giải khác được trao ở Stockholm, Thụy Điển.

Các Giải Nobel 2015:

1. Giải Nobel Vật lý

Takaaki Kajita (Nhật) và Arthur B. McDonald (Canada) được vinh danh ở lĩnh vực vật lý năm nay vì “những đóng góp trọng yếu của họ đối với các thử nghiệm cho thấy hạt neutrino thay đổi tính đồng nhất. Sự biến đổi này đòi hỏi các hạt neutrino phải có khối lượng”.

Khám phá này sẽ giúp các nhà vũ trụ học hiểu rõ hơn về cách vũ trụ tiến hóa, cũng như mở ra triển vọng giúp giới nghiên cứu cải thiện các nỗ lực tạo ra lò phản ứng nhiệt hạch trên Trái đất.

2. Giải Nobel Y học

William Campbell (Ireland) và Satoshi Omura (Nhật Bản) cùng chia giải thưởng cho khám phá về một “liệu pháp mới” chống lại chứng nhiễm trùng gây ra bởi loài ký sinh trùng giun tròn.

Bà Ðồ U U, giáo sư tại Viện y học Cổ truyền Trung Quốc, phát minh ra một loại thuốc giúp làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong nơi các bệnh nhân sốt rét, là người thứ ba được Giải Nobel Y học năm nay. Tên tuổi bà được giữ bí mật tại Trung Quốc vì hồi năm 1969, bà tham gia Dự án do chính quyền Mao Trạch Ðông lập ra với mục tiêu giúp tìm thuốc chống sốt rét giết chết hàng nghìn bộ đội “đồng minh Bắc Việt” trong thời chiến tranh, (theo báo Anh, tờ Telegraph).

3. Giải Nobel Hóa học

Ðược trao cho Tomas Lindahl (Thụy Ðiển), Aziz Sancar (người Mỹ gốc Thổ nhĩ kỳ) và Paul Modrich (Mỹ) vì đã “lập được bản đồ – ở cấp độ phân tử – về cách thức mà các tế bào sửa chữa những DNA bị hư hỏng và bảo vệ các thông tin di truyền.” Nghiên cứu này có thể được sử dụng để phát triển các biện pháp mới nhằm điều trị ung thư.

4. Giải Nobel Văn chương

Nhà văn Svetlana Alexievich, người Ukraine, đoạt giải Nobel Văn chương năm nay vì “những tác phẩm giàu âm điệu của bà là một đài tưởng niệm về những nỗi đau khổ và lòng dũng cảm của thời đại chúng ta.”

Alexievich là cây bút chính trị, phê phán chính phủ nước bà.

5. Giải Nobel Hòa bình

Bộ Tứ Ðối thoại Quốc gia – một nhóm dân chủ ở Tunisia được trao giải Nobel Hòa bình năm nay, vì những đóng góp mang tính quyết định của họ trong việc xây dựng một nền dân chủ đa nguyên ở Tunisia sau cuộc cách mạng Hoa nhài làm chao đảo nước này năm 2011.

6. Giải Nobel Kinh tế

Angus Deaton (mang 2 quốc tịch Anh – Mỹ và làm việc tại trường đại học Princeton của Mỹ) đoạt giải Nobel Kinh tế vì “những công trình nghiên cứu, phân tích về tiêu thụ, đói nghèo và phúc lợi xã hội”.

Công trình khoa học này có thể giúp chính phủ các nước hoạch định chính sách thúc đẩy phúc lợi xã hội và giảm đói nghèo.

PN