Trong số những câu Rau “Thơm” theo chân người Việt di tản ra nước ngoài như Răm, Ngò Gai, Ngò Om.. Kinh Giới có lẽ là cây rau gây nhiều nhầm lẫn nhất cho giới ưa thích cây cỏ. Kinh Giới của người Việt nếu tra cứu theo sách thuốc Trung Hoa thì lại được người Tàu gọi là Hương Nhu; trong khi đó Hương Nhu với người Việt là cây É Tía. Và Kinh Giới trong sách Đông Y là một cây khác hẳn cây rau mà chúng ta thường dùng. Kinh Giới được người Việt dùng làm Rau Thơm trong các món ăn đặc sắc như Bún Chả Hà Nội, các món Gỏi.
TÊN KHOA HỌC:
Elsholtzia Ciliata hay Elsholtzia Cristana thuộc họ thực vật Lamiaceae (cùng gia đình với Bạc Hà, É Tiá). Người Mỹ gọi dưới tên Vietnamese Balm hoặc riêng với giới thực vật là Aromatic Madder.
Tên gọi trong Đông Y gây nhiều nhầm lẫn hơn: Sách thuốc Trung Hoa và Đài Loan gọi các cây Elsholtzia Ciliata và Elsholtzia Haichowensis dưới tên Hương Nhu với phiên âm Hsiang-ju (Xiang-Ru). Trong khi đó, tên Kinh Giới với phiên âm Ching-Chieh lại là tên gọi của Schizonepeta Tenuifolia (Nepeta Japonica)
ĐẶC TÍNH THỰC VẬT:
Cây Kinh Giới thuộc loại cỏ hằng niên, mọc thành bụi, cao khoảng 40 – 60cm. Thân vuông có lông mịn và mọc thẳng đứng. Lá mọc đối, lớn chừng 7.5cm màu Xanh, mép lá có răng cưa với phiến lá mỏng và nhám, thuôn lại về phía đầu. Hoa nhỏ màu tím nhạt mọc ở đầu cành, thường nở trễ. Quả nhỏ có hạt. Kinh Giới mọc nhiều tại các nước Đông Nam Á, nhất là Nhật, Đại Hàn, Trung Hoa, Đài Loan, ở các vùng khí hậu ôn hòa và cả tại Tây Âu. Tại Việt Nam, cây thường được trồng bằng cách gieo hạt. Tuy nhiên, tại Hoa Kỳ, phương thức tốt nhất là giâm cành.
Kinh Giới thích hợp với đất ẩm, thoát nước, giàu chất dinh dưỡng, đầy đủ ánh sáng trực tiếp dưới nắng mặt trời hay có bóng mát một phần (partial shade)
Với người Mỹ, Kinh Giới được xếp chung vào nhóm Rau có mùi thơm của Chanh như Sả, Lemon Thyme, Lemon Verbena. Kinh Giới chỉ là cây Rau ăn thêm nếu thích tăng thêm mùi vị cho các món ăn Việt, Thái; nhất là các món Gỏi, Chả Giò và họ ít phân biệt mùi vị khác nhau giữa Kinh Giới, Bạc Hà, Húng Chanh hoặc Ngò Gai.
THÀNH PHẦN HÓA HỌC:
Thành phần Hóa Học của Kinh Giới hơi thay đổi tùy theo loài xử dụng. Tuy nhiên, chất hoá học chính vẫn là những Tinh Dầu dễ bay hơi thuộc loại Ketone và Sesquiterpen. Ngoài ra cũng còn có Elshotzianic acid, Furane, Cineol, Pinene, Camphorquinone và Transcaryophyllen.
– Elsholtzia haichowensis chứa Elsholtzione
– Elsholtzia ciliate chứa 0.1 đến 0.25 % Tinh Dầu mà phần lớn là Elsholtziaketone.
– Elsholtzia oldhami lại chứa beta-dehydro-elsholtziaketone.
– Elsholtzia nipponica chứa Geraniol và p-cymene
DƯỢC TÍNH VÀ CÁCH DÙNG:
Kinh Giới chỉ được xem là một vị thuốc trong Đông Y. Cây được ghi chép trong “Minh Y Biệt Lục” và được xem là một vị thuốc có vị cay và chát với đặc tính ấm, tác dụng vào các kinh mạch thuộc Phế (Phổi) và Vị (Bao Tử).
Kinh Giới có khả năng:
– Phát tán Phong Hàn, trị Cảm Cúm gây nhức đầu nóng sốt. Cách dùng thông thường nhất là Sắc chung 20g Kinh Giới với 10g Tía Tô, uống 2 hoặc 3 lần trong 1 ngày, chùm chăn (mền) sau khi uống (cho ra mồ hôi).
– Thông Huyết Mạch, giải trừ Huyết ứ: Dùng ăn sống.
– Trị Phong Thấp, đau bả vai, cứng lưng cổ: Dùng chung với các vị Sài-hồ, Khương hoạt, Phòng phong, Xương Truật, Cam thảo dây.
– Cầm máu, Chỉ Huyết, Trị được băng huyết, ho ói ra máu, chảy máu cam, tiêu ra máu: Dùng bằng cách Sao đến cháy đen, Sắc và uống mỗi ngày 10-16g.
– Phát Hãn (gây đổ mồ hôi): Sắc và uống mỗi ngày từ 5 đến 10 Hoa Kinh Giới.
– Kinh Giới cũng như Tía Tô, có tác dụng giải độc, khử mùi tanh, lợi Đại và Tiểu tiện nên rất thích hợp với các món ăn sống hoặc ăn ghém như rau.
Các Nghiên Cứu Hiện Đại Về Kinh Giới:
Phần lớn các nghiên cứu này được thực hiện tại Nhật và Trung Hoa.
– Khả năng Lợi Tiểu: Tinh Dầu trích từ Kinh Giới có tác dụng làm tăng lưu lượng của máu qua Thận, do đó giúp tăng áp lực lọc qua các quản cầu và tạo ra phản ứng lợi tiểu.
– Khả năng Hạ Nhiệt và gây đổ mồ hôi: Khi chích chất Trích từ Kinh Giới cho Chuột bọ thì thân nhiệt giảm và có sự kích thích các hạch mồ hôi.
DS Trần Việt Hưng