Nhà văn Võ Phiến ra đi để lại cho người yêu mến văn chương sự tiếc thương vô hạn. Vừa qua, lễ tiễn đưa ông do Nhật Báo Người Việt tổ chức, đã diễn ra trong không khí trang nghiêm tại Phòng số 1, Peek Family Funeral Home vào trưa Thứ Bảy, 3 Tháng Mười, với sự tham dự của gia đình, bạn bè, độc giả, đồng hương Bình Định, và nhiều người thuộc giới văn nghệ sĩ.
Trong buổi lễ, nhà văn Đặng Thơ Thơ đã chia sẻ rằng cô đọc và thích Võ Phiến từ năm lên 9 tuổi, những nhân vật của Võ Phiến đã để lại ấn tượng sâu xa trong tâm hồn thơ trẻ của cô. Bàn về sự nghiệp của Võ Phiến, Đặng Thơ Thơ khẳng định: “Ở nhà văn Võ Phiến và tác phẩm của ông, đây là một hành trình hơn sáu mươi năm của một sự nghiệp bền bỉ, năng động, không ngừng, đa dạng, sáng tạo, từ Văn Học Miền Nam đến Văn Học Hải Ngoại, một vị thế phải nói là duy nhất.” Đặng Thơ Thơ cũng cho biết: Trong thế giới những người viết, và của riêng cô, một nghi lễ khác đang diễn ra trong tâm tưởng. Vì văn chương, vốn là trò chơi bất tận, mà cũng là tôn giáo của cô.
Nhà văn Trịnh Y Thư cũng xác nhận sự nghiệp đồ sộ và sức hấp dẫn của tác phẩm Võ Phiến qua thời đại: “Hôm nay chúng ta đến đây để nói lời từ biệt với nhà văn lớn nhất của văn học VN vào thời hiện đại: Nhà văn Võ Phiến. Nhìn vào toàn bộ trước tác và dịch thuật của ông ai cũng phải công nhận văn nghiệp của ông quả là đồ sộ và đã có không ít giấy mực viết về ông trong nhiều năm qua. Những tác phẩm ông để lại là khối gia sản văn hoá vô cùng quý giá, mãi mãi nằm trong kho tàng văn hoá dân tộc cho dù chúng bị đối xử tàn tệ bởi một tập đoàn thống trị phi nhân bản. Đó là những tác phẩm khi đọc lại ở bất kỳ không gian thời gian nào cũng thấy thú vị, lôi cuốn, và đôi khi còn bật ra những khả thể mới lạ không thấy lúc mới đọc lần đầu.”
Còn nhiều, nhiều nhà văn nữa tỏ ý tiếc thương Võ Phiến trong buổi lễ và cả trên các diễn đàn khác. Ở đây, chúng tôi xin giới thiệu Lưu Na một nhà văn trẻ đã viết một bài đặc sắc về Võ Phiến.
NGUYỄN & BẠN HỮU
Võ Phiến đã ra đi. Thêm một cây đại thụ trong khu vườn văn học ngã xuống.
Nhà văn Võ Phiến là một tác giả quan trọng của văn học Việt Nam từ thời Ðệ Nhất Cộng Hòa. Trước 1975 ông là công chức thuộc bộ Thông Tin của Miền Nam, và đã cộng tác với tạp chí Bách Khoa cho đến 1975 với bút danh Tràng Thiên (một bút danh chung cho nhiều tác giả, nhưng từ sau 1965 hầu như chỉ dành cho một mình ông). Ông sang Hoa Kỳ từ 1975 và làm việc cho tòa Hành Chánh quận Los Angeles, California cho đến ngày về hưu. Tại hải ngoại, ông vẫn tiếp tục viết sách và cộng tác với các tạp chí văn học. Từ cuối thập niên 1970 ông đã chủ trương tờ Văn Học Nghệ Thuật, là tiền thân của tạp chí Văn Học sau này.
Võ Phiến là một tác giả đa dạng. Ông viết truyện ngắn, truyện dài, tạp luận, tùy bút, lý luận và phê bình văn học. Các tác phẩm đã xuất bản của ông gồm có, về truyện ngắn và tiểu thuyết: Chữ Tình, Người Tù, Mưa Ðêm Cuối Năm, Về Một Xóm Quê, Ðêm Xuân Trăng Sáng, Giã Từ, Thương Hoài Ngàn Năm, Thư Nhà…; về tùy bút, tạp bút: Tạp bút I, II, III, Ðàn Ông, Ảo Ảnh, Phù Thế, Chúng Ta Qua Cách Viết, Ðất Nước Quê Hương, Tùy bút I, II, Ðàm Thoại v.v… Tại hải ngoại, ông đã bỏ công sức trong nhiều năm trời để soạn bộ Văn Học Miền Nam Tổng Quan nhằm lưu giữ nền văn học miền Nam đã bị Cộng Sản thiêu hủy từ sau 1975.
Sau gần 30 năm sống và đọc ở phố Bolsa, lần đầu tiên tôi đến dự một buổi ra mắt sách. Ðó là buổi ra mắt sách cuối cùng của nhà văn Võ Phiến, tác phẩm Cuối Cùng.
Võ Phiến 2009 đã yếu và chậm, nét mặt hiền hòa, hồn nhiên, và đôn hậu như một bác nông dân. Thật khó tưởng tượng những hàng chữ tinh quái sâu sắc duyên dáng đã tuôn ra từ con người có khuôn mặt ấy. Trên bục bạn bè chữ nghĩa góp lời, nơi hàng ghế đầu ông bà ngồi bên nhau thầm lặng và quấn quýt như một đôi chim sáo. Có lúc tôi tự hỏi không biết ông có nghe gì không những lời phát biểu ấy, và trong suốt buổi ra mắt sách tôi cũng không nhớ ông đã góp lời gì. Bấy nhiêu trang sách đã cống hiến cho đời, đọc mờ cả mắt, ông có cần nói gì thêm?
Tôi mua cuốn sách đầu tiên của Võ Phiến năm 1986, Tùy Bút 1, đọc vài trang đã mỉm cười. Càng đọc càng cười. Những lời viết rõ ràng nghiêm trang _ tác giả chỉ thủng thỉnh nhẹ nhàng, tôi càng cười dữ. Ðêm nằm đọc bài “Chửi” cười rung cả giường. Những năm 80’s dân Việt tỵ nạn còn ít, sách báo còn thưa thớt, người lưu lạc đói quê hương thì càng đói chữ mà bắt được Võ Phiến như vậy, quý hơn vàng. Tôi cần mẫn đọc quảng cáo sách mới, nhà Văn Nghệ in cuốn nào tôi bê về cuốn đó. Tôi mê Võ Phiến.
Bởi đằng sau những lời lan man cà kê ấy là cả một óc nhận xét sắc sảo, lý luận chặt chẽ, và kiến thức dồi dào. Võ Phiến lan man rất hay, cái mà thời nay chúng ta gọi là “tán,” dẫn dắt từ đầu bài một điều bâng quơ gì đó thì vài trăm chữ sau, một vài trang sách in sau, đã đi đến một thực tại của xã hội (uống coke, nước ngọt… thay vì chén chè vối của Hạt Bọt Trà, cái dao bào của người miền Nam), của ngôn ngữ, của thói quen, của sự sống. Bắt Trẻ Ðồng Xanh, Chiếc Áo Dài, Của Mắm và Người, Gắn Gùa và Gụ, Ðạo và Ðời… hầu như không có hạng mục nào của đời sống mà Võ Phiến không đụng tới. Văn chương chữ nghĩa ư? Ðã có những tiểu luận về tình hình văn học, tiểu thuyết ngắn dài, ngôn ngữ tiểu thuyết, cách viết thời nay, vân vân. Không lạ khi giới viết lách cũng như giới thưởng ngoạn đồng loạt khen Tạp Bút/Tạp Luận Võ Phiến.
Nhưng Võ Phiến không chỉ hay trong viết lách lan man không không. Những truyện ngắn/dài của Võ Phiến cũng thường rất độc đáo. Ðộc đáo ở nhân vật. Trải bao nhiêu năm, đọc bao nhiêu tác giả, tôi vẫn nhớ chị Lộc, nhớ ông Bốn Thôi, ông Ba Thê đồng thời. Tôi nhớ cô Bạch của Thương Hoài Ngàn Năm, cô gì đó bị chồng tát những cái tát chắc nịch quả quyết mà vẫn trở về với “chàng” vì ngoài chàng ra còn có ai tát nàng vững vàng như thế!!! Nếu không mẫn cảm ai có thể hiểu được giọt nước mắt của cô Bạch mười mấy tuổi ngồi rửa chén nơi cầu ao hát mãi câu hát “thương hoài ngàn năm” càng hát nước mắt càng ràn rụa, ai thấy được cảm nhận của cô gái trong Thác Ðổ Sau Nhà – nhớ từng nét mặt thái độ của người đàn ông khi xưa có lần chung đụng.
Cô đơn ư, bóng dáng Thục đi một mình ngang qua quãng đồng trống cô quạnh giữa một trưa nắng miền quê, hay những đụn khói cuối làng, hay một bầu trời sáng một buổi tình cờ bước lên đồi cao… Với Võ Phiến, những cảm giác đơn sơ mờ nhạt, những suy nghĩ mông lung không dạng hình đều có một chỗ đứng, và là một chỗ lưu lại lòng mình cho đến mãi về sau. Ðọc Võ Phiến tôi cứ thấy mình đọc miết theo những suy nghĩ nhận xét, những chi tiết tình tiết rất chi li mà không chán, không hề muốn dở trang sau để biết kết cuộc.
Võ Phiến đi nhiều? Biết nhiều? Ðọc nhiều? Nghĩ nhiều? Những điều đó có thể đúng có thể sai, rất quan trọng mà cũng sẽ không quan trọng gì cả nếu nhà văn không có tác phẩm hay chỉ có 1 tác phẩm. Nếu so số lượng và đề tài, thì có lẽ trước 1975 Võ Phiến có nhiều tác phẩm hơn. Nhưng gây sôi nổi trong văn nghiệp có lẽ là bộ Văn Học Miền Nam (VHMN), viết những năm 1991-1995 khi đã ra nước ngoài.
Văn Học Miền Nam bắt đầu với cuốn tổng quan điểm lại tình hình sinh hoạt văn học miền Nam 1954-1975, sách báo, in ấn, tác giả và độc giả, bối cảnh và văn học của từng thời kỳ. Theo sau cuốn tổng quan là nhiều cuốn nhỏ với nhận định và tác giả phân theo từng bộ môn Ký, Bút, Kịch, Thơ, Truyện ngắn, Truyện dài… Nếu xem đó là một công trình giới thiệu, nhận định, và phê bình văn học của miền Nam thì đó là một công trình còn thiếu sót về dữ liệu và thiếu chuyên môn về văn học, học thuật; những điều đó đã được chính tác giả tự cáo và nhiều tác giả khác bàn bạc chỉ ra. Nhưng tôi cho rằng không vì những khiếm khuyết đó mà bộ Văn Học Miền Nam không có giá trị.
Về mặt dữ liệu, cho đến năm 1991 sách đã in của văn học miền Nam còn sót lại được bao nhiêu cuốn, nhớ được bao nhiêu tác giả, lưu trữ ở những nơi nào? Hỏi như vậy để biết công sưu tập, biên soạn, và trí nhớ của Võ Phiến. Bảng mục lục là một dàn bài vững chắc, dễ dàng cho việc tra cứu và bổ túc mai sau, Văn Học Miền Nam của Võ Phiến là nỗ lực đầu tiên tạo dựng lại bộ mặt của văn học miền Nam đã bị chính quyền cộng sản cố công hủy diệt. Với tuổi thiếu niên khi cộng sản chiếm miền Nam, tôi chưa hề biết bộ mặt văn học ấy và chính nhờ công trình của Võ Phiến mà bước lưu lạc tôi tìm lại được một phần của quê hương đã mất, không đáng quý sao?
Bàn về giá trị văn học, cho dẫu VNMN chưa đủ tầm là một công trình “giới thiệu và phê bình văn học,” nó vẫn có giá trị đóng góp nhất định về mặt tài liệu và văn chương: đó là những bút ký văn học nho nhỏ, ghi nhận riêng của Võ Phiến về tác giả, tác phẩm. Ðứng trên những thiếu sót khiếm khuyết đã được chỉ ra, 20 năm sau vẫn chưa có bộ văn học nào hoàn chỉnh hơn để thay thế. Hai mươi năm sau đọc lại không chỉ bộ VHMN mà còn là toàn bộ những gì Võ Phiến đã viết, tôi vẫn thấy mình thích đọc, trong khi có những tác phẩm phê bình văn học công phu của các tác giả khác không kéo được tôi cho tới cuối sách. Tôi nợ Võ Phiến cái đọc của mình.
Thời gian khẳng định giá trị của tác phẩm, nhưng thời gian cũng hủy diệt tác giả. Võ Phiến vẫn hóm hỉnh cợt đùa khi bạn ghé thăm, vẫn cười toác hoác khi có điều ưng ý, nhưng cuối cùng rồi tất cả chúng ta cũng phải giã biệt nhau. Hình ảnh đôi chim sáo thầm lặng quấn quýt nơi buổi ra mắt sách, thắm thiết ân cần nơi tư gia, nay là bức tranh uyên ương lẻ bóng.
Cuối Cùng. Võ Phiến.
Lưu Na– 09/30/2015