Cây gì có tóc có râu thường được hiểu nôm na là lá chứ không phải cây tóc, chẳng hạn như trong thế giới thực vật có cây tóc tiên, một loài dây leo với những chiếc lá kim như tóc mọc từ thân. Nhưng ở các vùng Louisiana, Mississippi, Alabama, Florida có một loại cây tóc tên gọi cụ thể là “Spanish moss” (rêu Tây Ban Nha) hay những người yêu mến cây trồng đặt tên cho chúng là “Air plant” (cây không khí), bởi chúng phát triển trên những nhánh cây, nhưng không phải là loại chùm gởi như loài dương xỉ.
Vườn sồi cổ thụ với những cây “Spanish moss” treo lòng thòng như những bộ râu – Nguồn: Lakeverret.com
Xe chúng tôi bon bon trên xa lộ 10 hướng về phía Đông. Khung cảnh vùng đầm lầy Atchafalaya ngập nước hiện ra trong cái đẹp ngỡ ngàng của vùng duyên hải hoang dã. Hai bên là thông đầu gối (cyress), lưa thưa vươn mình vững vàng trên mặt nước triều dâng, khỏa lấp những đầu gối (rễ thông nổi trên mặt đất có hình dạng cong tròn giống cái đầu gối) của thông làm cho cảnh đầm lầy trở nên khoáng đãng. Cảnh đẹp nhưng không đẹp bằng những lần tôi đi ngang đầm vào lúc bình minh, có ông mặt trời vừa thức giấc, ánh sáng dịu dàng làm mặt nước lung linh; và càng ma quái hơn khi đi ngang đây vào lúc chiều hôm, khi mặt trời đã ngả về tây khuất dưới chân trời. Lúc này, mặt nước lấp loáng trong ánh sáng chập choạng mờ mờ ảo ảo và những chùm rêu Tây Ban Nha lộ dáng càng rõ hơn, lòng thòng dưới những nhánh thông đầu gối. Khung cảnh huyền ảo hoang vu làm lòng người hoang mang khó tả.
Spanish moss loài cây tóc cây râu mọc đầy ở các con phố trong khu dân cư thành phố Orlando, Florida – nguồn jefferson.ifas.ufl.edu
Chẳng thế mà ở Louisiana người ta tổ chức tour khám phá hàng trăm cây sồi già ở Lake Verret. Bước vào khu công viên này, du khách không chỉ chiêm ngưỡng những thân cây sồi cổ thụ có tuổi ngàn năm oằn mình gánh hàng chục nhánh thân đâm ngang, mà còn khám phá loài cây tóc bạc trắng rũ xuống từng chùm, trông giống bộ râu của mấy tiên ông. Thường thì người ta để ý đến cây sồi già hay cây thông đầu gối hơn là những bụi cây tóc treo mình lơ lửng kia. Có thể nó nhỏ bé, chỉ là phận chùm gởi, tự phát triển trong những vùng đầm lầy có độ ẩm cao nên chẳng đáng làm cho người ta chú ý.
Hãy quan sát cuộc sống của loài cây tóc này. Nó có sự phát triển sinh động không kém các loài thực vật khác. Loài rêu Tây Ban Nha không sống dựa vào bộ rễ hút chất dinh dưỡng trên thân cây gởi phận. Spanish moss sống bằng không khí; lá của loài thực vật này cũng chính là rễ và thân. Thân mọc từng đoạn, ôm quấn vào nhau tạo thành chùm, và cứ thế chúng đan bện thành những bộ râu tóc treo mình trên nhánh cây, thả từng chùm lòng thòng. Tại sao người ta không dọn dẹp thứ loài cây tóc này cho gọn gàng? Có chứ. Ở những công viên, người ta vẫn dọn dẹp định kỳ. Cây spanish moss không khác gì râu tóc của con người, cũng cần “cắt tỉa” để không thành “tổ quạ”.
Spanish moss ra hoa, đậu hạt và được gió phát tán đi khắp nơi – Nguồn: Wiki
Thế nó từ đâu đến và tại sao người ta không dẹp bỏ loài cây “râu ria” này luôn để cho cái cây nó đang gởi mình được sạch sẽ? Tại sao người ta lại gọi nó là “rêu” (moss) mà không dùng chữ tóc, râu (hair) theo đúng hình dạng mẹ thiên nhiên đã tạo ra chúng? Tôi tìm tài liệu về loài thực vật dây leo hoang dã để trả lời các câu hỏi này.
Spanish moss không phải là loài rêu như theo đúng tên gọi. Cây tóc không phải là dạng thực vật bộ cỏ mà thuộc bộ dứa, tức có lá kim màu bạc xanh, chịu hạn.
Cận cảnh phóng to dưới ánh sáng thấy thân và lông tơ dùng để giữ nước cho cây phát triển – Nguồn:Wiki
Tôi từng định dẹp bỏ chùm râu tua tủa treo trên ngọn tre khô đặt ngoài hiên nhà sau khi thấy trên đó có một bụi “rong khô” phất phơ trước gió. Tôi kéo xuống, cọng “tóc” khô đứt ngang, thấy cái lõi màu xanh, lá nhỏ xíu như thân kim của loài thực vật kỳ lạ. Hỏi ra mới biết đây là “cây không khí” của người bạn bà xã tôi cho mang về trồng. Nó có ra hoa đàng hoàng chứ không phải là thứ cây đồ bỏ.
Người ta không dẹp bỏ hẳn luôn cây spanish moss cho sạch sẽ môi trường. Nếu tận diệt thì chắc nó tuyệt chủng. Nó không giống như tóc trên đầu con người, cạo trọc rồi thì lại mọc ra. Cây tóc chịu hạn cao, nhưng không thể sống mà không có mưa. Sau mưa, cây tóc có màu xanh hơn, nó hút nước cùng hơi sương trong không khí làm chất dinh dưỡng để duy trì sự sống.
Spanish moss nấu chín, phơi khô đem làm vòng nguyệt quế cho mùa Giáng sinh – Nguồn: Spanishmoss.com
Spanish moss ra hoa từ thân, hạt nhỏ li ti giống hạt cây bồ công anh, được gió phát tán, vướng vào thảm thực vật hoặc trôi theo nước biển, tấp vào những đầm lầy vùng duyên hải. Cây tóc sinh sôi phát triển; cộng sinh, góp phần làm môi trường thực vật thêm tươi tốt. Các loài chim lấy những “cọng tóc” có độ ẩm này để làm tổ.
Từ xưa, thổ dân Bắc Mỹ đã biết phơi khô cây tóc, nhồi làm nệm giường, nệm ghế, vì nó giữ độ ẩm làm dịu mát tấm đệm. Họ gọi nó là “Itla-okla”, tiếng Anh là “tree hair” (cây tóc) chứ không phải là tóc của cây.
Thoạt đầu, khi người Pháp vượt Đại Tây Dương, phát hiện những vùng đất phía Nam nước Mỹ ngày nay, đã gọi nó là “Barbe Espagnol” hay “Spanish Beard”, ngụ ý hình dạng nó giống như bộ râu hàm của người Tây Ban Nha đi tìm châu Mỹ trước đó. Điều này làm cho người Tây Ban Nha tức tối, trả đũa lại bằng cách gọi nó là “French Hair”.
Trang trí đám cưới – Nguồn: keylimeweddings.wordpress.com
Có câu chuyện dân gian như thế này. Thời người châu Âu đi tìm châu Mỹ, trong đoàn thám hiểm Tây Ban Nha có ông Gorez Goz, ông này có bộ râu quai hàm dài thượt. Ông tìm mua một cô gái thổ dân xinh xắn về làm người hầu. Đang đêm, không biết ông ve vãn thế nào mà cô hầu chạy trốn vào rừng. Ông đuổi theo, cô hầu sợ quá bèn leo lên tuốt ngọn cây. Ông ráng leo lên cây nhưng nửa chừng thì bộ râu vướng vào cành, không sao gỡ ra được. Ông kẹt trên cây đến chết, thi thể bị chim quạ rỉa mất, chỉ còn lại bộ râu bạc trắng treo lòng thòng trên cành cây nên người đời sau gọi đó là cây “Spanish Beard”.
Cây Spanish moss, còn được dùng để trang trí mùa Giáng sinh. Người ta đem Spanish moss luộc trong nước sôi cho chín, trải ra phơi khô, dùng keo dán vào cái khung vòng tròn trang trí, rồi đính lên những ngôi sao màu đỏ. Sở dĩ người ta dùng cây Spanish moss khô là vì nó bền và dai. Vài cơ xưởng thu hoạch cây Spanish moss sấy khô đem bán cho người trồng phong lan để giữ độ ẩm. Giá không rẻ chút nào.
Nãy giờ mãi chuyện, xe chúng tôi đã vào thành phố Orlando. Trên những con đường khu dân cư, tôi thấy rất nhiều bụi râu Spanish vướng đầy trên các cây cây sồi hay cây cyress hai bên phố. Có gì lạ đâu, Florida là xứ sở đầm lầy, rất thích hợp cho loài cây Spanish moss sinh sôi.
Hoa cưới – Nguồn: pinterest.com
TN