Menu Close

Cây thế tam tài

Thôi con, nội nuốt không trôi nữa đâu. Bây giờ mà có nem công chả phượng đưa vô miệng, nội cũng tưởng đó là rơm khô dăm bào thôi. Con cứ ăn cho no đi. Sức con là thanh niên đang lớn mà, mới có hai chén cơm, làm sao no?

Con hỏi nội có chuyện gì không mà coi bộ buồn quá hả? Ừ, nội có chuyện rầu trong ruột, cái rầu nầy nó làm thành một cục nghẹn, tự sớm mai tới giờ, nội nuốt nước lạnh cũng hổng xuống.

Con hỏi chuyện gì mà hệ trọng vậy hả? Bộ hồi nãy bước vô sân con hổng thấy cái gì hết sao? Chắc tại con chó nó mừng quá, con lo quấn quýt với nó, con không để ý. Cây mai chiếu thủy của mình mất rồi. Cách đây ba ngày, chú Út con dắt một thằng Ðài Loan, Ðại Hàn gì đó, vô đòi mua, trả năm chục triệu đồng, nội không khứng bán. Vậy mà, sáng nay thức dậy, cả cây lẫn chậu không cánh mà bay.

Con hỏi nội có đi cớ công an chưa hả? Hồi sáng, thím Bảy Quới cũng hối nội đi thưa. Thím nói, cây mới mất hồi tối, nếu công an chịu khó điều tra, chắc cũng tìm lại được. Thím nói, cái cây nầy, chắc mấy người ngoại quốc mua đặng đem về nước, mình cứ nhờ công an chận ở phi trường, thì quân gian có muốn chạy lên trời cũng không khỏi. Thím còn nói nếu như nội mệt quá, không đi được, thì để thím chạy ra cớ công an giùm cho. Trời ơi, mất của mà đi cớ không được, mới là tức cho chớ. Bởi vậy, cục nghẹn nó trồi lên hoài, uống bao nhiêu nước cũng hổng trôi xuống được.

Con nói cũng phải, cái cây tuy quý, nhưng đã lỡ mất rồi, mà lại không chịu đi cớ công an, thì có buồn cũng vô ích, thêm hại cho sức khoẻ mà thôi. Nội biết chớ con. Tuổi nội đã hơn tám chục rồi, sức khoẻ thỏn mỏn cũng như dĩa đèn sắp hết dầu, đâu có biết theo ông bà bữa nào. Nay, nội chịu thêm nỗi sầu nầy, không hao thêm thì cũng tổn.

Thành à, không phải nội tiếc cái cây giá đáng năm chục triệu đồng mà nội buồn đâu. Buồn đây là buồn cho cái thế thái nhơn tình, không biết thời buổi ra làm sao mà con người mất hết lương tri như vậy kìa.

Ủa, con không ăn nữa à. Mấy cái chén bát dơ cứ để kệ đó đi, chút nữa dọn rửa cũng không sao. Con rót cho nội một miếng nước đi, rồi ngồi xuống đó, nghe nội nói cho rõ khúc nôi, đặng con biết tại sao nội buồn.

Thành à, cây mai chiếu thủy đó nó ở trong sân nhà mình lâu lắm rồi. Hồi bước chưn về nhà này làm dâu, mới có mười tám tuổi, nội đã thấy nó rồi. Nhà mình là nhà vườn mà, cây cối thiếu gì, nhưng ông cố con cưng cây mai chiếu thủy nầy hơn hết thảy. Chiều nào cũng vậy, hễ mưa thì thôi, chớ trời tạnh, ổng cầm chung rượu, ngồi bên cái cây, ngắm tới ngắm lui hoài, không mỏi mắt. Phải thấy ổng săm soi cái cây, tẩn mẩn tỉ mỉ còn hơn là đờn bà tỉa lông mày, tóc con, cắt từng cái nhánh cây đâm bậy, gỡ từng cái lá úa, mới biết ổng quý cái cây tới cỡ nào.

Hồi đó, thấy như vậy, nội cũng lấy làm kỳ. Nhưng, nghĩ sao thì để y trong bụng làm vậy, chớ “bổn phận” đờn bà, lại là dâu mới, đâu có dám tọc mạch tới chuyện nhà chồng. Vả lại, ông cố con nghiêm lắm, tuy cũng vét mương, cuốc đất, tay lấm chưn bùn như ai, nhưng ăn nói, sai biểu, lúc nào cũng đàng hoàng mực thước, đồ đạc để đâu cũng ngăn nắp thứ tự, ổng nhìn một cái, nội cũng đã thất vía hồn kinh, đâu có mở miệng ra được mà hỏi han, thắc mắc gì…

Sau, ông cố con chết, tới ông nội con săm soi cái cây cũng y một kiểu như ông cố con chớ không khác. Lúc đó, đã đẻ ba của con rồi, đã đẻ cô Ba rồi, nội nói được rồi chớ hổng phải “có miệng ăn, mà không có miệng nói” như hồi trước. Nội hỏi ông nội con, vậy chớ làm cái gì mà cưng cái cây coi bộ hơn là cưng con vậy. Hỏi một lần, ông nội làm thinh. Nội tức quá, theo hỏi hoài, thiếu điều muốn gây. Riết rồi, ông nội con phải trả lời. Ổng nói nhiều lắm, nghe rồi nội mới hiểu.

Ông nội con nói, cái cây nầy có từ hồi ông nội của ổng lận. Ừ, để tính coi, cha của ông nội, con kêu bằng ông cố; cha của ông cố, tức là ông nội của ông nội, con phải kêu bằng ông sơ. Nói vậy, ném ra, tính tới con, cái cây nằm ở sân nhà mình kể đã năm đời. Trời ơi, năm đời rồi chớ có ít ỏi gì sao… Vậy mà nỡ lòng nào…

Nội không có sao đâu. Bị ức quá mới phải kêu lên trời một tiếng, chớ hổng phải nội nổi cơn điên khùng gì đâu.

Nội nói tới đâu rồi? Ừ, tới khúc cái cây nằm ở nhà mình từ đời ông sơ con lận. Ông nội con nói cái cây quý lắm, nội cái chậu không thôi, đâu từ đời Khang Hy gì đó, cũng đã mắc tiền lắm rồi. Ông nói làm sao thì nội nghe làm vậy, chớ nội đâu có biết đời Khang Hy là đời nào.

Ổng nói cái cây coi bộ sần sùi cong quẹo như vậy đó, nhưng được tỉa theo cái thế tam tài đàng hoàng. Tam tài là cái gì, làm sao nội biết. Ông nội con phải cắt nghĩa thêm cho rành. Ổng nói, tam tài là thiên, địa, nhơn; trời, đất và người. Ổng nói cái thế tam tài luôn luôn nhắc nhở rằng con người đầu đội trời, chưn đạp đất, đứng giữa trời đất, thì phải sống làm sao cho hợp với công đạo của đất trời.

Cắt nghĩa chuyện ấy, ông nội con nói nhiều lắm, nhưng đầu óc của nội không đặng sáng láng như người ta, nghe qua cho có rồi cũng quên liền, chỉ nhớ được chừng đó.

Ông nội con nói rằng tỉa uốn cây kiểng theo thế tam tài, nhiều người cũng làm, vì cái thế nầy ngó thấy cân phân mà đẹp lắm, nhưng có mấy người hiểu được cái ý nghĩa thâm sâu của nó đâu.

Ừ, tam tài là cái thế nhắc nhở cho con người phải ăn ở làm sao cho hợp với đạo trời đất.

Ông nội con nói, ông sơ vẫn dùng cái cây nầy để dạy con cháu ăn ở làm sao cho xứng đáng là con người. Ông sơ con hồi đó có học chữ Nho. Khi giặc tới, ổng thà về quê bới đất mà ăn chớ không chịu theo giặc mà mưu đồ vinh hoa phú quới. Ổng thường chỉ vô chậu mai chiếu thủy mà nói rằng cái cây mà nó còn hiện ra thiên lý nhơn đạo ràng ràng, hà huống là con người…

Ông cố con, với ông nội con, kẻ giữ cái chí của cha, người theo lời dặn của ông, vẫn chịu thương chịu khó củi lụt mần ăn, chớ không chịu tranh danh, đoạt lợi mà làm chuyện phi nghĩa.

Con lớn lên ở đất nầy suốt từ ngoài chợ, vô tới trong vườn, con có nghe ai bỉ thử nhà mình cái gì không? Cái thế tam tài nó dạy cho dòng họ mình nhiều cái hay như vậy đó con à…

Ừ, con đưa chén nước đây cho nội. Con hỏi, những chuyện như vậy sao đợi tới bây giờ nội mới nói với con hả? Chắc nội quên, cha con, mấy cô, ai cũng có nghe nội nói hết. Rồi, cha con chết sớm, con ở với mẹ, sống với bên ngoại nhiều hơn, nên chắc nội không có cơ hội để nói… Nhưng mà, Thành ơi! Nói với con chuyện nầy, bữa nay, mà nội tưởng như kể chuyện đời xưa…

Con cười hả? Thì chuyện đời xưa đúng rồi chớ còn cái gì nữa, chuyện từ ông cố, ông sơ lận mà. Bị nội còn sống tới bây giờ nầy, mỗi ngày vẫn ngó thấy cái cây, lâu lâu cũng cắt cành gỡ lá, nên nội tưởng như chuyện mới xảy ra hôm qua. Hổng biết nội sống lâu làm chi như vầy mà phải chịu những điều chướng tai gai mắt. Hổng biết cái thời thế gì mà lòng người điên đảo tới độ không ngờ được…

Hồi nãy, con hỏi nội, tại sao mất của mà không đi thưa. Con ơi! chuyện xấu trong nhà, mình đóng cửa lại, ngậm miệng mà nghe, chớ làm sao mà phanh phui cho thiên hạ chê cười được.

Con có biết ai ăn cắp chậu mai chiếu thủy của mình hay không? Thì vợ chồng chú Út con chớ ai vô đây.

Con đừng có dáo dác lên như vậy. Nội nói đây là có bằng cớ đàng hoàng, chớ không phải là vì “một tội mất, mười tội ngờ”, mà nói bậy. Với lại, không lẽ mà mẹ lại đi ngờ oan cho con.

Hồi nãy, nội nói là cách đây ba ngày, chú Út con có dắt một thằng Ðài Loan, Ðại Hàn gì đó, vô đòi mua chậu mai chiếu thủy, trả tới năm chục triệu mà nội không khứng bán. Năm chục triệu lớn lắm chớ. Suốt cả đời, trải qua bao nhiêu trào rồi, một triệu, nội còn chưa từng thấy hà huống chi là cầm được trong tay tới năm chục triệu, nhưng, chậu mai chiếu thủy đó, đừng nói là năm chục triệu, một trăm triệu nội cũng không bán được.

Ừ, con hiểu được như vậy, nội cũng vui.

Thấy nội không chịu bán, chú Út con nó sần sượng với nội. Nó nói nặng lắm. Nó hỏi nội, chết có đem theo được không mà cứ giữ khư khư như mọi giữ của. Có đời thuở nào, con cái, vì ba đồng tiền, mà nói với mẹ già như vậy không Thành? Nó nói bán sớm bán trễ gì cũng là bán, giữ cho cố rồi mai mốt nội chết, nó cũng đem bán mắc bán rẻ mà thôi. Nó nói bây giờ được giá sao hổng chịu bán.

Nghe chú Út con nói, nội đắng miệng không biết phải trả lời làm sao? Sao rồi nội mới nói cho qua tang lề rằng đợi cho tới cây đến tay nó, nó muốn làm gì thì nó làm, chớ nội còn sống ngày nào, nhứt định không cho cái cây rời khỏi nhà ngày đó.

Nói như vậy là trong bụng nội có tính rồi, một là nội kêu con về, giao cái cây cho con đem đi. Hai là nội nhắn cô Tư con lên, giao cho cổ. Cô Tư con, nữ sanh ngoại tộc mặc dầu, nhưng dượng Tư con biết kính, biết nhường, mấy đứa con cũng hiếu thảo lễ độ, giao cây cũng không uổng. Trong bụng nội tính rõ ràng như vậy đó.

Chuyện tưởng đâu tới đó là yên rồi, ai dè đâu, chiều hôm qua, thím Út con vô thăm nội. Nó cười mơn trớn, nói thằng chồng nó thiệt là bậy bạ, cái cây quý như vậy mà lại kêu người tính bán. Nó nói nội cái chậu không thôi, giá đã hơn một chục triệu rồi, đừng nói chi là tới cái cây. Nó còn nói thời buổi nầy trộm cướp lộng hành, không khéo liệu mà giữ, chúng rinh mất hồi nào hổng hay.

Thăm nội, nó có xách theo một gàu-mên chè hột sen, nấu với nhãn nhục, táo đỏ. Nó nói nội thường hay mất ngủ, ăn chè nầy vô, ngủ dễ lắm. Nó múc cho nội một chén đầy tới miệng, bưng dưng cho nội tận tay. Nó nói, nội lớn tuổi rồi, sống thêm ngày nào, con cháu mừng ngày nấy, đừng có để mất ngủ nhiều, hổng tốt. Nội nói nó có lòng, vô thăm không được rồi, chè cháo làm chi cho tốn, để tiền đó mà mua bánh cho con…

Nội hỏi bộ nó trúng bạc lớn lắm hay sao mà nấu chè như vậy. Ðang vui vẻ tươi cười, nghe nội hỏi như vậy, nó làm mặt giận. Nó hậm hà hậm hực, hỏi rằng cái quân nào mà bày điều đặt chuyện nói oan cho nó như vậy, chỉ ra cho nó đi, nó hổng cào nhà nó hổng phải là con người.

Nghe thím Út con nói mà sợ chưa, Thành? Cái chuyện nó chà lết ở sòng bài chiếu bạc, mê ba ông tướng xanh, tướng đỏ còn hơn mê chồng, ai mà không biết.

Ủa, con cũng biết hả? Vợ chồng nó có mượn tiền con hả? Thiệt, nội không biết thời buổi nầy làm sao mà vợ chồng nó lại đổ đốn ra như vậy. Thằng chồng này vốn hiếu thuận với cha mẹ, ai thấy cũng phải khen; con vợ chăm chỉ vá may, bếp núc, lo cho chồng cho con, không sai chạy một chút nào; vậy mà thời thế làm sao, cả vợ lẫn chồng đều trở thành bợm bạc. Mỗi lần đi chợ về, thím Bảy Quới tỉ tê cho nội nghe về cuộc tiệc của vợ chồng nó. Nhờ vậy mà ngồi trong nhà, nội còn biết được có bữa, vợ chồng nó thua đánh cá đá banh cả mấy triệu đồng, trong khi đó, con nó phải bỏ học vì không có tiền đóng tiền trường. Tác tệ chưa con? Con vợ nó thua số đề mỗi ngày, ai thấy cũng phải nóng mặt.

Chuyện nầy con cũng biết hả? Ở thành phố mà sao chuyện gì dưới nầy con cũng biết hết vậy?

Ở cái tuổi nầy rồi, nội biết lắm chớ. Nội biết đâu có ai lột da sống đời được và khi chết, mọi người chỉ đem theo mình hai bàn tay trắng mà thôi. Bởi vậy, nội đâu có tiếc cái gì với vợ chồng chú Út con. Ba cái chén xưa, dĩa xưa của ông bà để lại, nay nó xin một cái, mai nó xin một cái, lần nào nội cũng đều cho nó hết. Cho tới cái ô đồng đựng trầu của bà cố để lại, nó cũng xin luôn. Bây giờ, nội phải sắm cái giỏ tre nầy đây để đựng trầu, con có thấy không? Hôm hổm, cô Tư con về thăm, thấy chén bát xưa đâu mất hết trơn, mới hỏi nội. Khi nghe ra cớ sự, cô Tư con giận lắm, la hét lồng lộng, đòi chạy ra nhà chú Út hỏi cho ra lẽ. Nhưng nội cản lại. Nội nói: thôi, hỏi đon hỏi ren làm chi nữa. Ðây là nó xin, nội cho, chứ có phải nó ăn cắp ăn trộm gì đâu mà làm dữ với nó…

Lòng dạ của nội như vậy đó mà nỡ lòng nào vợ chồng nó lại táng tận lương tâm ăn cắp tới cây mai chiếu thủy. Năm đời nhà mình còn có chút đó thôi để nhắc nhở con cháu sống cho ra con người giữa trời đất mà.

Ðể nội nói đầu đuôi cho rõ, chớ để rồi con cho rằng nội buộc tội hàm hồ…

Con mà biết, nội đâu có thèm ngọt. Vợ thằng Út, một cũng ép, hai cũng ép, buộc nội phải ăn. Nó nói: “của một đồng, công một lượng”, nội mà không ráng ăn hết gàu-mên chè thì thiệt là phụ lòng nó lắm. Nó còn hỏi, vợ chồng nó nghèo, lâu lâu mới có chén chè thơm thảo đem dưng, hay là nội thấy không đáng, nội chê. Nó nói tới như vậy thì làm sao mà nội từ chối. Nhưng sức của nội mà, một chén ăn còn không hết, nói chi tới một gàu-mên. Ăn được nửa chén, nội buông muỗng. Nội nói, để chút nữa, ăn cơm xong, nội ăn tiếp. Ép hoài không được, nó ngoe ngoảy đi về.

Một chặp sau, mấy đứa cháu ngoại của thím Bảy Quới chạy qua chơi. Thấy gàu-mên chè để ở trên bàn, đứa nào cũng lấm la, lấm lét ngó tới ngó lui, thèm hết sức mà không dám hỏi. Thím Bảy nghèo quá mà, cả tháng cũng không mua được cho đám cháu mồ côi nầy được lấy một tán đường, một cục kẹo. Thấy tội nghiệp, nội mới lấy gàu-mên chè múc chia cho tụi nó. Mỗi đứa được lưng lưng một chén. Ngó tụi nó ăn, nội thấy vui, nội ráng ăn hết nửa chén chè nội đã bỏ mứa lại…

Mấy đứa nhỏ về rồi, tự nhiên, nội thấy buồn ngủ quá chừng. Mới cài then cửa trước, chưa kịp đóng cửa sau, nội đã ngã rụi lên giường, hết biết trời trăng mây nước, ngủ như chết giấc. Tới chừng thím Bảy Quới vô dựng dậy, nội mới mở mắt ra được. Ngó đồng hồ, lúc đó đã hơn mười giờ sáng, tính ra, nội ngủ luôn một giấc từ xế hôm qua, cho tới gần trưa hôm nay. Nếu không có thím Bảy Quới qua kêu dậy, hổng chừng nội dám ngủ luôn tới chiều… Thím Bảy Quới hỏi vậy chớ nội cho tụi nó ăn cái gì mà về tới nhà, đứa nào cũng lăn quay ngủ như chết, bỏ cả cơm chiều, tới sáng kêu dậy, còn sật sà, sật sự, như chưa ngủ được đã giấc. Thím còn hỏi vậy chớ chậu mai chiếu thủy nội bán hay đã cho ai hồi nào mà thím hổng thấy nữa. Nghe như vậy, nội mới tá hỏa tam tinh, lập cập chạy ra sân trước.

Thành ơi, nội chỉ có nước đứng đó, như bị trời trồng, rớt nước mắt, trong bụng hỡi ôi! Không nói được lời nào.

Tới chừng nghe nội nói là cây đã bị trộm mất rồi, thím Bảy Quới mới nói là vô lý, cả cái cây kiểng nặng thất kinh, một người, làm sao nhẹ nhàng bưng đi được. Thím nói thím sẻ ngủ lắm mà, suốt đêm, thím đâu có nghe con chó Lu của mình sủa tiếng nào đâu. Thím nhận xét, nếu quả là ăn trộm, thì đây là người quen, chớ không phải quân ăn trộm lạ.

Con hổng muốn nội nói nữa hả? Nói ra thêm buồn chớ hổng ích lợi gì đâu hả? Còn một chút nữa thôi, để nội nói cho hết, con ráng nghe. Tự hậu, nội không nói chuyện nầy với ai nữa đâu.

Thím Bảy Quới đâu có biết rằng con Lu của mình, cho dầu là bạch khuyển huỳnh đầu, khôn đệ nhứt, nhưng làm sao mà nó hiểu được sự đổi trắng thay đen của thế thái nhơn tình, làm sao nó hiểu được là vợ chồng chú Út con lại đi ăn trộm của nội…

Nói tới đây, nội nghĩ lại đầu đuôi, bắt lạnh mình. Con coi nè, nội nổi da gà rồi đây nè…

Thành à, mất cái cây, năm chục triệu hay trăm triệu, nội hổng tiếc, nhưng mất hết nhơn nghĩa ở đời, tiêu tan hết cái đạo làm người đội trời đạp đất, nội mới biết nói sao đây con. Từ ngày ông nội con mất, nội cố gắng chăm sóc cái cây, cũng y như ông cố, như ông nội con, không khác, chỉ khác có một chuyện là nội không biết uống rượu, nên chiều chiều, nội chỉ nhai trầu, ngồi ngắm cái cây thôi. Nội nói ít, con nên hiểu nhiều, cái nội cố giữ đây, đâu phải là cái cây.

Ừ, con hiểu như vậy, nội mừng. Ngẫm lại cho cùng, nội thiệt là bất tài vô tướng. Cái cây, ở nhà nầy suốt năm đời, tới tay nội bị mất. Nội còn mặt mũi nào đi xuống dưới gặp ông cố, ông nội…

Con nói sao? Cái cây tuy mất nhưng những điều nội nói về cái thế tam tài con sẽ nhớ đời và ráng áp dụng theo hả? Lại sẽ nói cho con cháu sau nầy nghe nữa hả? Thành ơi, được như vậy thì còn hơn là con đem sâm nhung, quế phụ về mà kiếng cho nội nữa đó, còn hơn là con đem vàng thoi bạc nén về mà cho nội. Ừ, phải, con giữ cái thế tam tài trong lòng thì cây mai chiếu thủy đó vẫn còn hoài trong dòng họ mình…

NĐL