Menu Close

Cô Quì Còn Không – Võ Phiến

Võ Phiến, một trong số những nhà văn lỗi lạc của Việt Nam, vừa qua đời ngày 28 tháng 09 năm 2015, tại thành phố Santa Ana, tiểu bang California, Hoa Kỳ, hưởng thọ 90 tuổi. Nổi tiếng từ thập niên 1960 khi hai luồng tư tưởng tự do và cộng sản lên đến đỉnh cao nhất tại Việt Nam, nhà văn Võ Phiến đã để lại cho đời hơn bốn mươi tác phẩm thuộc nhiều thể loại. Sau năm 1975, hầu như các tác phẩm của ông vẫn chưa được xuất bản tại Việt Nam. Cho dẫu là như vậy các nhà bình luận văn chương trong nước và ở hải ngoại, vẫn công nhận sự đóng góp quan trọng của ông đối với nền Văn Học Việt Nam.

vophien 1

NGUỒN: WWW.LATIMES.COM

“Cô Quì Còn Không” có thể nói là bài tùy bút hay nhất trong số những tùy bút hay của Võ Phiến, được mở đầu bằng những câu chữ đời thường: “Bình Nguyên Lộc có tập truyện bằng văn vần, gọi là Thơ Ba Mén. Truyện ấy hình như chưa bao giờ xuất bản. Thơ Ba Mén là thơ thế nào, tôi chưa biết. Chỉ tình cờ biết qua lời khai từ, trên vài chục câu. Và chỉ nhớ vài câu: Ghe ơi, vài bữa ghe về. Nhắn người dưới ruộng, cô Quì còn không? “Ghe ơi”, ghe ấy tức những chiếc ghe thương hồ đậu ở bến sông Ông Lãnh một buổi sáng mưa dầm. Trong thời chiến tranh, chốn nông thôn bất an, lắm kẻ bỏ quê lên tỉnh sinh sống. Trong số những kẻ ấy có người đã yên thân làm ăn ở Sài Gòn; nhưng thân có yên mà lòng chưa chịu yên. Những hôm mưa rơi nhẹ nhàng, tiết trời lành lạnh, người nọ ra bến sông, ngồi uống tách cà-phê nóng ở một quán nhỏ, nhìn lũ ghe thương hồ từ dưới quê chở nông phẩm lên bán mà nhớ về làng xóm cũ. Ghe đi vài bữa ghe về, mà mình thì biền biệt, nhớ cô Quì muốn chết. Một ông khách bới tóc (tức cũng người gốc quê) ngồi bàn bên cạnh liếc sang có trông thấy người nọ khóc trộm. Thảm quá. Vì bấy nhiêu mà tôi không quên được thơ Ba Mén. Mà tôi bị thơ Ba Mén ám ảnh.”

Cả một không gian đìu hiu của bến sông Cầu Ông Lãnh hiển hiện trước mắt. Con đường mưa lạnh lâm thâm, quá giang quán nhỏ thống trầm chiếc thân. Người đi giọt lệ trong ngần, muôn năm tình cũ mây tần Quì ơi… Những cô Quì muôn thuở và muôn phương, những cô Quì làm cuống quít người khác phái khắp cùng đó đây. “Sống giữa Sài Gòn, ngày ngày lội ngược lội xuôi các con phố đông nghìn nghịt, bộ người đàn ông nọ không gặp được cô nào vừa mắt, khả dĩ sánh với người dưới ruộng sao? Sức mê hoặc nằm ở chỗ dưới ruộng chăng? Chốn lâu đài phố xá là không đáng kể, phải gốc “dưới ruộng” mới hấp dẫn chăng? – Giả thiết ấy nghe rối trí quá. Trong kháng chiến, có những kẻ bỏ thành đi khu lại quay quắt nhớ về mấy bóng hồng ở một căn gác nhỏ ngay tại Hà Nội: Gác Dì Năm thuở ấy họp bình thơ. Người trong cuộc bây giờ đâu nhạn cá?”

“Nguyễn Tuân đấy. Vũ Hoàng Chương đấy. Quê nhớ thành đấy. Cô Quì không nhất thiết ở một nơi nào. Có thể tin rằng người bỏ Cà Mau đi làm ăn xa thì nhớ da nhớ diết cô Quì Cà Mau, kẻ di cư rời Phát Diệm Bùi Chu thì mơ tưởng bóng hình cô Quì Bùi Chu Phát Diệm… Ở đâu mà không có một cô Quì? Cô Quì ruộng, cô Quì thành, cô Quì da đen, cô Quì tóc vàng, cô Quì Trường Sơn, cô Quì Vàm Cỏ, cô Quì Hương Giang, cô Quì Trèm Trẹm, cô Quì thảnh thơi giữa đồng xanh bát ngát, cô Quì tơi tả dưới bom đạn mịt mù v.v… Cô nào cũng là cô độc nhất vô nhị trên đời, tuyệt không thể thay thế được. Tách rời một cái là tha hồ đau lòng mỏi miệng như con cuốc cuốc cái gia gia…” Biết là bao thương nhớ cho vừa, khi giữa đường trầu lá xé tơi, vành môi cắn chỉ xa rời hương quê. Biết là bao thương nhớ cho vừa, khi tưởng xưa cấy mạ gieo thề, mà nay chiếc bóng vọng hề chân mây. Hò ơ! Lá đành xa cây, ai quang gánh để sầu vây trĩu buồn! Cô Quì trong Tập Thơ Ba Mén chưa xuất bản của Bình Nguyên Lộc chẳng ai biết dung mạo thế nào. Nhưng khi Võ Phiến đặt bút viết “Cô Quì Còn Không,” có nghĩa là đau lòng một chuyến đò ngang, vô thường vạn nẻo còn đang bụi hồng. Cõi người ta cùng với Võ Phiến rưng rưng lệ nhớ Cô Quì.

Võ Phiến tên thật là Ðoàn Thế Nhơn, bút hiệu khác: Tràng Thiên. Ông sinh ngày 20 tháng10 năm 1925 tại làng Trà Bình, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Ðịnh. Cha là ông Ðoàn Thế Cần làm giáo học, mẹ là bà Ngô Thị Cương. Võ Phiến có người em ruột là Ðoàn Thế Hối, sinh năm 1932, sau này ra Bắc tập kết, cũng là nhà văn bút hiệu Lê Vĩnh Hoà. Khoảng năm1933, cha mẹ ông xuống Rạch Giá lập nghiệp đem Ðoàn Thế Hối theo; Võ Phiến ở lại Bình Ðịnh, sống với bà nội, học trường làng, trung học ở Quy Nhơn. Năm 1942 ông ra Huế học trường Thuận Hóa và bắt đầu viết văn. Bài tùy bút đầu tiên tựa đề Những Ðêm Ðông viết năm 1943 đăng trên báo Trung Bắc Chủ Nhật, ký tên Ðắc Lang. Một số tác phẩm của nhà văn Võ Phiến được độc giả ưa chuộng là Giã Từ, 1962; Một Mình, 1965; Thương Hoài Ngàn Năm, 1962; Về Một Xóm Quê, 1965; Ðối Thoại, 1993; Văn Học Miền Nam Tổng Quan, 1986; Võ Phiến Toàn Tập, 1993….

Bây giờ gia đình, thân nhân, bằng hữu, độc giả của nhà văn Võ Phiến cũng đang tự hỏi “Cô Quì Còn Không?” Sự còn không ở đây chính là lòng thương nhớ một nhà văn tình thân đã “Ðến.” Mải miết ra đi đâu tính đến. Ðến nơi nào? Bảy tám mươi năm rồi cũng đến. Ðến rồi sao?” Như bài thơ trong tấm thiệp Từ Biệt của nhà văn Võ Phiến, trong ngày ông qua đời. Cùng với cõi người ta, nguyện chúc nhà văn Võ Phiến an giấc ngàn thu.

HNP – 1:15am Chủ Nhật ngày 11 tháng 10 năm 2015