NGUỒN PERIODISTADIGITAL.COM
Hôm nay ta bàn chuyện cái kiến, vì Dế Mèn không thích sâu, bất cứ con sâu nào, sâu lớn sâu nhỏ, vì chúng làm rầu nồi canh. Cái kiến có nhiều chủng loại, màu sắc, kiến đen, kiến đỏ, kiến vàng, kiến hôi và kiến không hôi… Nhưng chủng loại nào đi nữa, kiến vẫn là hình ảnh của sự hợp đoàn, óc tổ chức và tinh thần kỷ luật.
Kiến được các nhà khảo cứu về côn trùng (Entomologist từ chữ gốc “entomology” hay Côn Trùng Học) xem là một giống côn trùng sống từng bầy (social colony), và sự chung sống này tùy thuộc vào di thể, tuổi thọ, kích thước, thể chất và sự tương quan giữa các con kiến với nhau. Họ quan sát và phân tích cách loài người chung sống hợp quần, rồi đặt câu hỏi cho xã hội loài kiến, và lẩn thẩn như thế này: Kiến “biết” những gì? Bắt chước con người (hay người bắt chước kiến thì Dế Mèn không biết) ra sao? Kiến bô lão dạy dỗ kiến nhi đồng thế nào? Kiến chăm chỉ và kiến lè phè thích rong chơi làm việc với nhau ra sao? Kiến khéo léo có chung sống được với kiến vụng về không? vân vân và vân vân…
Tiến Sĩ Fabien Ravary và Emmanuel Lecoutey, Ðại Học Paris-North, Villetaneuse, Pháp, và những người cộng sự đã mày mò đi tìm câu trả lời. Họ chọn những con kiến thuộc chủng loại Cerapachys biroi, rồi rị mọ, tỉ mỉ quan sát xem xã hội loài kiến này sinh sống ra sao. Và họ tường trình kết quả trong tạp chí Current Biology, ấn bản Tháng Tám 2007. Các con kiến sinh cùng ngày, cùng cỡ và được nuôi nấng trong cùng môi sinh, mấy trăm con kiến từ bốn tổ kiến khác nhau được quan sát lưỡng. Họ hàng nhà kiến được thả đi săn mồi, qua những lối ra vào, nhất nhất cử động đều được các khoa học gia ghi chép cẩn thận. Rồi họ kể như thế này, bạn ạ: Những con kiến kiếm được thức ăn và tha thức ăn về tổ được gọi là những con kiến “thành công” trong khi những con kiến chưa bao giờ được săn mồi bị gọi là nhóm kiến “ngây thơ” (naive). Ngày qua tháng lại, nhóm kiến “thành công” trở nên chăm chỉ, việc tìm mồi trở nên nhanh chóng hơn, và chúng tìm mồi kịch liệt hơn (việc làm có kết quả khiến chúng hăng hái hơn, loài người cũng thế?). Nhóm kiến “ngây thơ” lại tiếp tục ngây thơ, không biết cách tìm mồi. Khi những nhóm kiến này được gom chung vào một tổ, thì xã hội kiến bắt đầu “kỳ thị” một cách đáng yêu. Những con kiến “thành công” là những người tìm mồi đắc lực nên chúng tiếp tục công việc tìm mồi và đem về tổ. Những con kiến “ngây thơ” sau những lần “ngỡ ngàng” và đi quanh quẩn được gom vào một nhóm chuyên việc ở nhà để săn sóc những hạt trứng sắp nở và sẽ nở… Ðiều này có nghĩa là loại kiến có thể phân biệt, nhìn nhận và tận dụng khả năng của đồng loại. Mỗi kiến làm một việc, công việc thích hợp với khả năng nên xã hội kiến được tổ chức một cách gọn gàng và nhịp nhàng!
Dế Mèn đọc đến đây thì thích quá nên muốn bàn thảo với bạn và đề nghị thế này, bạn nào nấu ăn giỏi thì hãy tiếp tục nấu nướng cho “nhà tôi” (chưa quen thuộc với cái nồi cái chảo) của mình, để nàng/chàng tiếp tục những công việc thích hợp hơn. Kết quả của “thí nghiệm” này ra sao, gia đình hẳn êm ấm hơn xưa? Không ai còn tị nạnh việc “hơn kém”?
Một nhà Côn Trùng Học khác, Tiến Sĩ Ellouise Leadbeater của Queen Mary Univeristy of London, Anh, tường trình kết quả của một thử nghiệm về khả năng huấn luyện nhi đồng của kiến bô lão. Ở đây, việc huấn luyện được định nghĩa rõ ràng. Huấn luyện bao gồm việc dạy dỗ cách thức, khái niệm, và kế sách để làm một công việc nào đó; nghĩa là người học có thể hiểu khái niệm của công việc và áp dụng được phương cách cũng như có thể tự đặt ra kế sách để hoàn tất công việc ấy. Việc chỉ dẫn như báo tin, cho biết dữ kiện, thí dụ như chỉ đường đến một quán ăn (thay vì chỉ cách đọc bản đồ, dùng compass) không được xem như “huấn luyện”. Một thí dụ khác, loài songbirds (chim khuyên?) học hót bằng cách lắng nghe tiếng hót cha anh. Tuy nhiên những songbirds phụ huynh kia không hẳn đã “huấn luyện” con em mình, vì chúng hót, bất kể là con em có lắng nghe hay không, tiến trình này được gọi là “passive transfer”, tạm dịch là chuyển dẫn một cách thụ động. Loài beo gấm, bình thường sẽ giết con mồi ngay tại chỗ săn. Khi huấn luyện con em, beo mẹ sẽ tha con mồi còn sống về tổ, và giết con mồi trước mắt con thơ để huấn luyện chúng cách giết mồi. Khi con em lớn hơn chút nữa, beo mẹ sẽ dẫn đi săn để huấn luyện. Ðôi khi, vì còn vụng về, beo con có thể để sổng mồi, nhưng ít ra đã học được cách săn. Và phương thức này mới được gọi là “huấn luyện”.
Trở lại với việc huấn luyện của kiến thày cô, Tiến Sĩ Leadbeater đã quan sát và tường trình rằng loài kiến Temnothorax đã dạy dỗ con em của chúng như sau: Kiến thày cô dẫn dắt con em đến nơi có thức ăn hoặc nơi xây tổ. Bắt đầu bằng những bước chậm rãi, kiến thày cô ngừng lại chờ khi mất tín hiệu của các nhi đồng, học trò theo sau. Ngay cả khi học trò lạc lối, cần đi quanh để tìm ra tín hiệu, các thày cô vẫn kiên trì đứng chờ cho đến khi nhi đồng đi thám hiểm trở về vị trí cũ mới tiếp tục! Ngoài ra, việc huấn luyện của kiến thày cô còn bao gồm cả việc “thảo luận”, nghĩa là kiến nhi đồng báo cho kiến thày cô biết mình đang ở đâu, cần những gì và kiến thày cô chờ đợi tại chỗ hoặc trở lại nơi cũ, nơi kiến nhi đồng lạc lối. Họ hàng nhà kiến liên lạc với nhau bằng cách phát ra tín hiệu. Khi luồng sóng phát ra từ những chiếc ăng ten rung động liên hồi kia thì kiến thày cô bò chậm lại và kiến nhi đồng bò nhanh hơn để bắt kịp.
Khi không có mặt nhi đồng, những con kiến bô lão đi kiếm mồi nhanh chóng và không ngừng lại dọc đường. Như thế ta hiểu rằng việc “huấn luyện” là một việc làm có tổ chức, theo kế sách cẩn thận không phải một sự việc tự động xảy ra.
Dưới đây là một bản phác họa về cách huấn luyện của loài kiến.
A. Kiến thày trò đã sóng đôi trên đường đi tìm mồi.
B. Vận tốc bò, kiến thày cô (đỏ) bò đến nơi có thức ăn nhanh hơn kiến học trò (xanh). Kiến học trò bò theo kiến thày cô, và giữ tín hiệu qua những làn sóng từ ăng ten.
Khi kiến học trò bị bỏ lại, kiến thày cô dừng lại để chờ ở những điểm 1, 2 và 3.
F (food) = thức ăn, N (nest) = tổ
*Trích dẫn từ Current Biology Vol 16 No 9 p32-325, 2006
Loài kiến, với một bộ óc nhỏ xíu như thế nhưng đã có một sinh hoạt có tổ chức vô cùng chi tiết, tỉ mỉ. Không hiểu khi ông bà mình đặt tên cho loài côn trùng này đã dựa theo căn bản nào? Chữ “kiến” theo tiếng Tàu hình như có nghĩa là “hiểu biết” hay “nhìn thấy”. Tên đặt dựa theo việc chúng “cụng đầu” chào nhau một cách lịch sự mỗi khi gặp gỡ (diện kiến) hay việc chúng khôn ngoan sống theo tổ chức và dạy dỗ huấn luyện con em cẩn thận? Chữ “kiến” xem ra gần gũi với chữ “kiên”, những con kiến tỉ mỉ kiên trì kia, từ việc kiếm mồi tha về tổ, kiến tha lâu cũng đầy tổ, đến việc huấn luyện nhẫn nại mà Dế Mèn mới đọc được trong sách vở khoa học; những điều ấy nhắc Dế Mèn đến công việc nhẫn nại của con người nghiên cứu. Nhờ đó mà cái tổ kiến thức của nhân loại mỗi ngày một đầy, một mới mẻ. Xin chúc lành cho những con kiến nhẫn nại!
TLL