“Thế hệ của tôi sinh ra và lớn lên khi đất nước chia đôi. Khi chiến tranh leo thang, tin tức chiến tranh tràn lan trên báo chí, tôi phải di chuyển từ miền Trung chiến tranh nghèo đói vào Sài Gòn. Tuổi thiếu niên của tôi phải chung đụng và lạc lõng giữa một thế giới phồn hoa của một đất nước đầy khói lửa. Những vấn đề về quê hương đất nước bắt đầu nhen nhúm trong tâm hồn tôi…” (Nguyễn Xuân Phước – Máu Ta từ Thành Văn Lang dồn lại). Đọc lại tâm sự cùng những bài viết về lịch sử của anh qua Tuyển Tập Nguyễn Xuân Phước vừa được gia đình và các thân hữu đồng thực hiện, để không chỉ xúc động và hiểu về một Nguyễn Xuân Phước đã luôn trăn trở, suy gẫm về một tiến trình phục hưng và phục hoạt dân tộc cùng việc tái thiết nước nhà ra sao, mà còn khơi gợi tinh thần ái quốc của những người con dân Việt trước hiểm họa ngàn đời từ phương Bắc, suy nghĩ về những đề xuất giá trị đã được anh chắt lọc qua những điển cứu và bài học lịch sử cho lộ trình dân chủ và nhân quyền Việt Nam hôm nay.
Bài viết “Máu Ta từ thành Văn Lang dồn lại” mở đầu loạt 10 bài tiểu luận trong Tuyển Tập Nguyễn Xuân Phước là một trong những bài viết hiếm hoi mà anh chia sẻ những tâm cảm riêng tư của mình để chúng ta hiểu hơn về một con người, một lý tưởng được hun đúc từ thiếu thời của người luật sư tài hoa và tâm huyết với vấn đề dân chủ và nhân quyền Việt Nam. Trong số hàng trăm bài viết về các vấn đề lịch sử, chính trị, xã hội cùng các kiến thức đời sống và pháp luật hữu dụng của anh, chúng ta bắt gặp những lời tâm sự dễ dàng được nhận ra rằng, chúng phải được viết ra từ một con người có lòng yêu nước sâu đậm, “Giữa những dòng nhạc tình ca, và những bài ca về thân phận, tôi bắt gặp dòng nhạc của Nguyễn Đức Quang với bài Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ có lời ca chất chứa niềm hy vọng và lòng yêu nước. Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ là liều thuốc tinh thần cho tôi ý thức về dân tộc và lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông. Mỗi khi nghe “Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại, xương da thịt này cha ông miệt mài …“, tôi cảm nhận đưọc cái gì rất thiêng liêng từ năm ngàn năm trước đổ dồn vào con người nhỏ bé của mình. Tôi có cảm tưởng tôi không phải chỉ là tôi mà là cả một dòng sử Việt chảy trong tôi… Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ sẽ giúp cho tuổi trẻ cảm chiêu được hồn sử dân tộc và nhận thức được sứ mệnh thiêng liêng của dân tộc trước hiện tình đất nước. Nó sẽ tiếp tục kích động lòng yêu nước của thế hệ thanh niên đang lớn lên trong đất nước dưới gót giày xâm lược của Đại Hán, như đã kích động lòng yêu nước của tôi thời kỳ chiến tranh…”. Sự cảm chiêu cái hồn sử dân tộc cùng lòng yêu nước này đã đưa Nguyễn Xuân Phước gắn bó với sử Việt, thao thức với vấn đề dân tộc cho đến khi anh ra đi trong sự luyến tiếc của gia đình, bằng hữu, những anh em đồng chí nguyện hồi tháng 6 năm 2015 vừa qua tại Dallas, Texas.
Đi ngược lại cả vài ngàn năm lịch sử sang những trang sử cận đại vài trăm năm, cho đến thế kỷ 20 bước qua thế kỷ 21, những bài tiểu luận Nguyễn Xuân Phước dựa vào lịch sử đã đem lại cho chúng ta khá nhiều những suy nghĩ về vấn đề thời đại liên quan đến hiện tình đất nước hiện nay. Những nhìn nhận và đề xướng của anh có thể phần nào đóng góp hay áp dụng đến phương thức tranh đấu của những tổ chức và cá nhân đang hoạt động và ủng hộ phong trào dân chủ cho Việt Nam nói riêng và cho tất cả những người quan tâm đến vận mệnh đất nước nói chung.
1. Ý thức dân tộc và tinh thần phục hưng đất nước nằm trong mỗi người dân Việt trước họa ngoại xâm:
Trong bài viết “Bách Việt trong lòng Đại Việt”, Nguyễn Xuân Phước viết, “Suốt một ngàn năm bị Bắc phương đô hộ và đồng hoá, ý thức dân tộc vẫn nằm ẩn tàng trong đáy tầng của quốc dân. Nó được bảo quản và lưu truyền từ đời này qua đời khác. Nó là DNA lịch sử làm cho giòng máu Lạc Hồng tiếp tục chảy, và chảy mãi xuyên suốt thời đại. Khi nền cai trị của ngoại bang suy yếu, khi tâm thức nô lệ ngoại bang ở mặt tầng suy sụp, ý thức dân tộc từ đáy tầng sẽ bùng dậy như những đợt sóng đáy, thúc đẩy những người yêu nước đứng lên giành lấy quyền làm chủ đất nước, làm chủ vận mạng của mình để phục hồi văn hoá thủy chuẩn dân tộc, để bảo tồn và phát huy ý thức dân tộc, và để khơi dậy nguồn sống cho dân tộc”. Với ý thức dân tộc luôn tiềm ẩn và trỗi dậy trước họa ngoại xâm, Nguyễn Xuân Phước nêu cao tinh thần và giấc mơ phục hưng đất nước, “Trong những trăn trở đó trong mỗi chúng ta đều có một “Giấc Mơ Việt Nam”. Chúng ta đều muốn một đất nước phục hưng. Một Renaissance Việt. Một nước Đại Việt của thời đại 2000. Làm sao Việt Nam có thể cất cánh về kinh tế văn hoá và chính trị để hoà nhập vào cộng đồng nhân loại. Và làm sao để các thế hệ thanh niên Việt có thể ngẩng mặt ngang hàng với Đài Loan, Nam Hàn, Nhật Bản” (Bài Học Phục Hưng Dân Tộc). Rồi cũng trong cùng bài viết này, NXP dẫn chứng mô hình phục hưng dân tộc qua khuôn mẫu lịch sử của Sư Vạn Hạnh (938-1025, là vị thiền sư triều đại nhà Lý, được ghi công về những đóng góp to lớn cho dân tộc) qua các điểm như phục hồi đạo đức của tầng lớp lãnh đạo đất nước, phải có cái nhìn phóng rộng về tương lai, vận động xây dựng một nền chính trị dân bản và thực hiện một cuộc phục hưng văn hoá. Đó là những điều mà giới cầm quyền tại Việt Nam thiếu chính danh và không đủ khả năng để lãnh đạo đất nước như NXP nhận xét, “Từ bài học phục hưng dân tộc thời đại Lý Trần, chúng ta có thể kết luận được rằng ngọn cờ độc lập không phải là tất cả như Đảng CSVN vẫn tuyên truyền. Lịch sử thời đại hậu Hán thuộc đã chứng minh rằng giành được ngọn cờ độc lập chưa đủ năng lực lịch sử để biện minh cho quyền lực chính trị. Chỉ khi ngọn cờ phục hưng được phất lên, và khi một thể chế dân bản được dựng lên, thì đất nước mới chấm dứt giai đoạn độc lập vong thân“.
2. Việc Nhân Nghĩa cốt ở yên dân (Nguyễn Trãi):
Trong số các nhân vật lịch sử được nhắc hay dùng như những điển cứu (case study) để trình bày các luận thức liên quan đến tình hình Việt Nam ngày nay, Nguyễn Xuân Phước đặc biệt đề cao mưu lược lẫn sách lược trị dân của Nguyễn Trãi. Trong bài viết “Từ Phan Liêu, Đặng Dung đến Nguyễn Trãi”, trong khi nhìn nhận những khí phách và tinh thần ái quốc của những nhân vật lịch sử đồng thời trong cuộc chiến chống quân Minh này, NXP cho rằng muốn bảo vệ biên cương bờ cõi thì cần thu phục nhân tâm qua phân tích về Nguyễn Trãi như sau, “Sách lược chính yếu của Bình Ngô Sách là Mưu Phạt và Tâm Công. Đánh bằng mưu và đánh vào lòng người. Đó là ý nghĩa của cuộc chiến tranh nhân nghĩa”. Ở đoạn khác, anh viết “Đối tượng của chính trị là nhân dân, không phải là huyết thống hay dòng họ. Vai trò của nhà cầm quyền phải làm sao cho nhân dân sống an cư lạc nghiệp. Do đó, nhân nghĩa không nằm ở khẩu hiệu, ở tuyên truyền. Nó nằm ở chỗ khi thực hiện cái mà người ta gọi là điều nhân nghĩa đó, có làm cho nhân dân được hạnh phúc ấm no hay không. Ông (Nguyễn Trãi) đưa ra tiêu chuẩn bắt buộc những người lãnh đạo ưa nói điều nhân nghĩa phải chứng minh được khả năng đem lại cơm no áo ấm cho người dân cách cụ thể. Cái cụ thể đó ngày nay được gọi là lợi tức bình quân đầu người và những chỉ số phát triển kinh tế quốc gia“. Có thể xem đó như một thông điệp mạnh mẽ của Nguyễn Xuân Phước gởi đến nhà cầm quyền Hà Nội khi trấn áp, giam cầm những người yêu nước bày tỏ tinh thần phản kháng họa ngoại xâm, cũng như chỉ lo củng cố, tập trung quyền lực vào phe nhóm và gia đình của mình, bất chấp đến ước vọng và đời sống chung của người dân. Quả thật, với những Hội Nghị Diên Hồng, Hội Nghị Bình Than hào hùng và khí phách, chưa có giai đoạn lịch sử nào của dân tộc Việt mà tinh thần yêu nước của người dân lại bị chính những giai tầng lãnh đạo đàn áp và những Trần Quốc Toản đương thời đã bị bắt bớ, giam cầm như hiện nay. Quên đi những bài học tiền nhân “Việc Nhân Nghĩa cốt ở yên dân” của Nguyễn Trãi hay “Xưa nay quốc gia phải lấy dân làm gốc” (Cổ lai, quốc dĩ dân vi bản) của Nguyễn Bỉnh Khiêm, liệu chế độ này sẽ tồn tại bao lâu?
3. Vai trò giới trẻ trong việc chống ngoại xâm và tái thiết nước nhà:
Nguyễn Xuân Phước cổ súy cho sức mạnh và tinh thần của giới trẻ trong việc chống ngoại xâm và tái thiết nước nhà khá nhiều trong các tiểu luận. Viết về Đặng Dung, NXP nhận xét, “Đặng Dung cố gắng tạo sinh khí mới cho công cuộc kháng chiến bằng cách tạo điều kiện cho thế hệ trẻ đứng ra nắm chủ động việc lãnh đạo cuộc kháng chiến“, để rồi ca ngợi phí khách của những vị anh hùng đã tuẫn tiết khi rơi vào tay giặc này rằng, “cái chết của Trùng Quang, Đặng Dung cũng như các tướng Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Súy cho chúng ta thấy được dũng khí của một thế hệ trẻ yêu nước, rất lãng mạn, rất hào hùng, nhưng vô cùng bất hạnh“. NXP cũng dùng Nguyễn Trãi để nhấn mạnh nhận xét mình, “Về quan điểm thế hệ, Nguyễn Trãi rất gần với Đặng Dung. Cả hai đều quan niệm rằng cuộc chiến mới phải do thế hệ trẻ lãnh đạo“. Chính vì vậy, trong khi không mấy đề cao vai trò của giới lãnh đạo chính quyền VNCH như “Họ không thấy vai trò lịch sử của họ trong việc lãnh đạo miền Nam. Dù ở vị trí cao nhất nước họ hành xử như một công chức thuộc địa. Họ nguyền rủa Hoa Kỳ đã tháo chạy bỏ rơi miền Nam. Họ không bao giờ coi cuộc chiến đấu chống cộng sản như là nhu cầu lịch sử và họ có trọng trách trước lịch sử để bảo vệ đất nước trước đe dọa của hiểm họa cộng sản…” (Những nghịch lý lịch sử của thế kỷ 20 và hành trình đi tìm tính chính thống lịch sử ở thế kỷ 21), thì anh hết lòng ca ngợi giới trẻ miền Nam trong nhiều đóng góp. Về văn chương nghệ thuật, trong cùng bài, anh viết “Một nền văn học ngắn ngủi 20 năm của miền Nam như một thiên tài yểu mệnh với những tác giả trẻ tuổi là những học sinh, sinh viên, quân nhân, giáo chức ở lứa tuổi 20, 30 đã đóng góp vào nền văn học nước nhà với những tác phẩm văn chương, thi ca, âm nhạc phong phú…” hay “Các thế hệ sinh viên yêu nước ở miền Nam như Lê Hữu Bôi, Lê Khắc Sinh Nhựt đã không để cho nhóm sinh viên thân cộng thao túng đại học. Họ đã bị cộng sản xử tử vì lòng yêu nước trong sáng đó. Họ là một trong những người trẻ dân sự đổ máu rất sớm để bảo vệ miền Nam tự do…“. Nhìn về quân lực VNCH, anh ghi nhận “Thanh niên miền Nam tham gia quân đội với một lý tưởng mới, là phục vụ cho một nước Việt Nam độc lập và tự do không cộng sản. Thế hệ quân đội trẻ mang một văn hóa yêu nước trong sáng, với một chiến đấu tính cao độ, để bảo vệ miền Nam trước sự xâm lược của Quốc Tế cộng sản. Họ không chiến đấu vì ý thức hệ ngoại bang. Họ chiến đấu để dân tộc Việt được tự do, để con cháu họ được vươn lên trong cộng đồng nhân loại“. NXP nhắc đến những vị tướng trẻ đầy tiết khí với lòng kính trọng và tiếc nuối, “Lòng yêu nước cũng đã được thể hiện qua gương tuẫn tiết của bậc đàn anh trong quân đội như Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ và Trần Văn Hai khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng Cộng Sản. Nếu thế hệ Pháp thuộc trao quyền lãnh đạo đất nước cho thế hệ yêu nước (trẻ) đang trưởng thành trong chiến tranh sớm hơn, hay cuộc chiến chậm lại vài năm, có lẽ thế hệ yêu nước miền Nam có cơ hội trở thành lãnh đạo đất nước thì miền Nam Việt Nam không thể rơi vào tay Cộng Sản“. Đề xướng và nhận xét của Nguyễn Xuân Phước dường như đang là thực tế xảy ra trong cuộc đấu tranh giành quyền tự chủ của dân tộc, cho dân chủ và nhân quyền Việt Nam, khi đang được giới trẻ quốc nội thực hiện với lòng yêu nước và sự can đảm vượt bực hiện nay.
Trích lược dăm điều không đầy đủ khi đọc những tâm nguyện và luận thức của Nguyễn Xuân Phước, tuyển tập đã cho chúng ta thấy được tấm lòng và lý tưởng của anh với dân tộc cùng những gợi mở, đề xướng giá trị cho một Việt Nam tự chủ, khai phóng và dân chủ. Gia đình, bằng hữu thương tiếc anh, không chỉ như một người em-người bạn-người anh tài hoa mà bình dị và chân tình, nghệ sĩ mà tâm huyết và lý tưởng, mà hơn thế nữa, phong trào dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam sẽ còn nhớ mãi một luật sư sắc bén trong lý luận, nhiệt huyết trong tranh đấu. Dù cơ hội để anh chứng kiến những ước vọng của mình trở thành sự thật không còn nữa, hãy tin rằng mỗi khi cùng cất vang hùng khí dân tộc “Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại, xương da thịt này cha ông miệt mài… còn Việt Nam, triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng”, ắt có Nguyễn Xuân Phước đang vỗ tay và hát cùng chúng ta.
ĐYT – Dallas 18/10/2015
Nhóm Chủ Biên Tuyển Tập Nguyễn Xuân Phước