Trong bài “Cô hồn Tháng Bảy” trên báo Trẻ trước đây, tôi có nói về tục cúng cô hồn của người Việt xứ mình và nhắc đến người Mexico cũng có những ngày lễ người chết trước khi có sự hiện diện của Tây Ban Nha ở một số nước Trung và Nam Mỹ như Mexico hay Bolivia. Lễ người chết ở các xứ này hiện nay được chuyển qua những ngày cuối tháng 10 sang đầu tháng 11 cho phù hợp ngày dành cho linh hồn trong đạo Công giáo. Và không chỉ nơi đây mới có tập tục kỳ lạ này, ở vài nước châu Á, châu Phi người dân tổ chức ngày lễ người chết còn kỳ lạ hơn nhiều.
Thân nhân người quá cố tảo mộ tại các nghĩa trang nhân ngày Día de Muertos tại Mexico – Nguồn: National Geographic
Nhiều năm trước tôi cùng mấy người bạn đến Monterey, Mexico vào đầu Tháng Mười Một, thấy người ta cúng ma quỷ trong một cái am bên đường. Cũng bánh trái, hương hoa, nhang đèn. Hỏi ra mới biết đúng là lễ cúng người chết “Día de Muertos”. Một trong những gốc tích của lễ hội được nhắc đến nhiều nhất đó là lễ hội của người Aztec cổ xưa. Người dân Mexico tin rằng chỉ có thể xác là tạm thời còn linh hồn là vĩnh cửu. Các linh hồn sau khi lìa khỏi thân xác sẽ tập trung ở Mictlan (một nơi lý tưởng để các linh hồn yên nghỉ). Ở nơi này, linh hồn yên nghỉ chờ đến ngày họ có thể trở về nhà thăm thân nhân. Phần lớn các vùng ở Mexico đều tiến hành lễ hội trong hai ngày đầu của tháng Mười Một. Theo tín ngưỡng cổ của người Mexico, ngày này là thời điểm các linh hồn chuyển giao sang một cuộc đời khác và cánh cổng giao tiếp giữa hai cõi âm dương sẽ được mở ra. Sự giao tiếp này chỉ xảy ra duy nhất một lần trong năm.
Hóa trang ma quỷ trong ngày Día de Muertos – Nguồn: National Geographic
Thân nhân người chết đi tảo mộ ở các nghĩa trang trong những ngày lễ “Día de Muertos”. Mộ phần người quá cố được sơn phết lại, hoa cúng tràn ngập và người thân cầu mong cho người còn dương thế được cuộc sống bình an và linh hồn người đã khuất được về nước Chúa. Đồ cúng là bánh trái có khi được nặn hình quan tài, hoặc bộ xương người, đèn cầy luôn được thắp sáng lung linh. Hầu hết người Mexico dùng những sọ người làm bằng giấy, bằng nhựa tô sơn đặt bên trong các am dã chiến bên đường nơi người thân chết vì tai nạn. Việc thờ cúng kéo dài hết Tháng Mười Một, sau đó người thân sẽ dọn dẹp đem hình ảnh người chết về nhà thờ phụng.
Người Mexico ở những vùng nông thôn hẻo lánh không có tập tục nghi lễ với đầu lâu giả, họ vẫn còn giữ nghi thức bao đời bằng việc thờ cúng bộ xương người thân được đào lên từ mộ. Đối với người “văn minh” thì việc này thật là rùng rợn, nhưng đối với những hậu duệ của người da đỏ Maya tại ngôi làng nhỏ trên bán đảo Yucatan, Mexico lại là một việc bình thường. Vào những ngày cuối Tháng Mười, họ thường lau chùi những bộ xương của thành viên đã khuất trong gia đình để kịp đón linh hồn trở về trong ngày “Día de Muertos”.
Người Bolivia mang đầu lâu đến nhà thờ làm lễ trong ngày “Skull” tưởng nhớ thân nhân quá cố – Nguồn:Skull.bolivia.com
Cùng là lễ đón người chết trở về đoàn tụ với thân nhân, người Bolivia thường dùng đầu lâu thật, coi như một vật may mắn. Cứ mỗi năm một lần, người dân nơi đây lại mang đầu lâu đến nhà thờ để cầu phước cho người đã khuất và nghĩ điều đó sẽ đem lại may mắn trong tương lai. Trong lễ “Skull” họ mang những hộp xương sọ ra trang trí thật đẹp mắt, kèm theo hoa quả, đồ cúng tế để cầu khấn. Đó là “Ngày của sọ” hằng năm, nhằm tưởng nhớ những người đã chết. Họ đào sọ người chết lên rồi trang trí theo cảm hứng, như cho đội mũ, đeo kính, phủ những vòng hoa lên đầu. “Ngày của sọ” là sự kết hợp lạ lùng giữa tín ngưỡng vùng núi Andes thời trước khi bị Tây Ban Nha đô hộ với đạo Công giáo La Mã.
Theo các nhà nhân chủng học, người Andes cổ tin mỗi người có 7 linh hồn, trong đó một linh hồn ngự trong sọ. Họ tin rằng linh hồn này có quyền lực đi vào trong giấc mơ của người sống, giúp chữa bệnh và bảo đảm cho người sống không bị trộm “viếng” nhà. Vì thế, người sống giữ “natita” (sọ) trong nhà, đặt tên và đặt trong hộp kính hoặc bệ thờ. Nếu trong gia đình không có sọ của người thân thì họ mua lại từ những người đi đào mộ.
Xác thân nhân được mang ra khỏi quan tài tắm rửa trong ngày Ma’nene ở Indonesia – Nguồn: New York Times
Người dân Bolivia có phong tục cải táng sau tám năm để gia đình đem thiêu, nhưng nhiều mộ không có người thân đem xác về nên sọ người lạ được “mượn” vào “Ngày của sọ”. Giáo hội Công giáo Bolivia xem “Ngày của sọ” là thờ cúng ma quỷ, nhưng vẫn đành chấp nhận nhằm duy trì tầm ảnh hưởng tại đất nước mà thổ dân chiếm đa số này. Các linh mục ở La Paz thường từ chối đến nghĩa trang để ban phép lành cho các “natita”. Nếu gia chủ cầu khẩn, các linh mục chỉ đọc một đoạn kinh ngắn cầu cho các linh hồn được cứu rỗi.
Phong tục thì khó có thể thay đổi, nó chỉ mai một dần theo thời gian khi cuộc sống hiện đại buộc người ta đơn giản hóa mọi nghi thức rườm rà, lạc hậu. Dân làng Baruppu ở tỉnh Sulawesi nước Indonesia vẫn tiếp tục duy trì phong tục lễ cúng người chết ba năm một lần, gọi là Ma’nene, được hiểu nôm na là “lễ tắm rửa cho người chết”, trong ba ngày trước cuối Tháng Tám.
Người dân Madagascar nhảy múa cùng xác người chết trong ngày Famadihana – Nguồn: Madagascar.Famadihana
Quan tài người chết được đưa ra khỏi mộ trong buổi cúng linh đình. Sau đó, họ tắm rửa, trang điểm cho xác và mặc quần áo sạch sẽ mà người chết từng mặc lúc còn sống. Tiếp đến người thân sẽ đưa người chết đi dạo quanh làng. Việc dựng được cái xác đứng được và dìu đi là một kỳ công, bởi xác chôn ba năm tuy chưa phân hủy nhưng các khớp xương đã không còn liên kết, vì thế đôi khi người thân phải dùng nẹp tre để kẹp chặt xương cốt vào nhau. Dân làng Baruppu tin rằng người chết vẫn còn sống với họ và linh hồn sẽ phù hộ cho người sống được bình an, sung túc.
Ngày thứ hai, xác được đưa lại vào mộ và ngày thứ ba là lễ cúng. Nếu người chết là chồng hoặc vợ, ba năm sau khi làm lễ tắm xác, người còn lại mới được tái hôn.
Trang điểm cho xác người trong ngày Ma’nene ở làng Baruppu – Nguồn: New York Times
Dân Madagascar, một đảo quốc ở Đông Nam châu Phi, thì cứ bảy năm một lần có phong tục nhảy múa cùng xác chết, hay còn gọi là lễ Famadihana. Tục lệ này bắt nguồn từ Đông Nam Á và truyền sang Madagascar từ rất lâu. Người chết được liệm trong những tấm vải lụa bọc kín, đặt trong kim tĩnh xây bằng gạch đá hoặc xi măng. Vào ngày này, xác được lấy lên, thay tấm vải lụa mới, bó chặt lại, và người thân sẽ khuân đi quanh làng, rồi mang xác về nhà ăn uống nhảy múa suốt một ngày. Tấm vải cũ sẽ được trao cho phụ nữ trong gia đình, đặt dưới chiếu ngủ để được may mắn. Họ cho rằng nghi lễ này thể hiện tình yêu thương gia đình, là dịp để người sống và người chết đoàn tụ. Mộ phần được xây dựng công phu, tốn kém hơn xây cả một ngôi nhà cho người sống. Ngày nay, nhà thờ Công giáo ở Madagascar còn cho phép tục lệ này diễn ra và coi đây là một truyền thống văn hóa tốt đẹp chứ không chỉ là những nghi lễ tôn giáo.
Thân nhân đưa xác người quá cố đi thăm người dân trong làng – Nguồn: New York Times
NL – Theo National Geographic