Một trong những tuyên bố đầu tiên của Tổng thống Barack Obama khi bước vào Toà Bạch Ốc là sẽ làm mọi cách để chấm dứt hai cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan, rút hết quân về nước, và đóng cửa nhà tù Guantanamo Bay. Trong gần bảy năm cầm quyền ông đã làm được một, đó là rút hết quân khỏi Iraq vào năm 2011, chỉ còn để lại một ít cố vấn. Nhưng đến nay, nhiều người nghĩ rằng giá như ông đừng rút quân theo đúng như lời đã hứa thì tình hình trong khu vực có lẽ bớt tồi tệ hơn, và với sự có mặt của quân đội Mỹ tại Iraq, nhóm Nhà nước Hồi giáo (ISIS) có lẽ không có cơ hội để lớn mạnh và hoành hành như hiện nay.
Nhà tù Guantanamo Bay có thể sẽ đóng trước khi Obama rời Toà Bạch Ốc và nếu theo đúng lịch trình, quân đội Hoa Kỳ sẽ rút khỏi Afghanistan vào cuối năm nay. Nhưng hôm 15/10 vừa qua, Tổng thống Obama họp báo tuyên bố Hoa Kỳ thay đổi kế hoạch và sẽ giữ lại 9,800 quân qua đến năm 2016 trước khi giảm xuống còn 5,500 vào cuối năm hoặc sang đầu năm 2017.
Tổng thống Obama phải đối mặt với quyết định khó khăn về Bashar al-Assad: Ưu điểm và nhược điểm của việc can thiệp tại Syria. nguồn facenfacts.com
Quyết định trên đã đi ngược lại cam kết từ ban đầu và chắc chắn sẽ làm nhiều cử tri ủng hộ ông Obama bất bình và nổi giận, nhưng có lẽ ông không còn lựa chọn nào khác vì trong thời gian gần đây với sự trở lại của Taliban và nhóm phiến quân này tỏ ra càng ngày càng mạnh, trở thành mối nguy thật sự cho nền an ninh tương lai của Afghanistan, trong khi quân đội Afghanistan vẫn chưa đủ mạnh để tự bảo vệ. Điển hình rõ nhất là cuối Tháng 9 vừa qua, quân Taliban đã đánh chiếm thị trấn Kunduz ở miền bắc nước này và cầm cự tại đó hơn hai tuần lễ trước khi rút đi vào hôm 13/10. Trên thực tế, theo giới quan sát tình hình, khoảng một phần năm diện tích của Afghanistan hiện đang bị lực lượng Taliban kiểm soát hoặc tranh giành ảnh hưởng.
Trong cuộc họp báo hôm 15/10, Tổng thống Obama đưa ra nhiều lý do đưa đến quyết định giữ quân lại Afghanistan, nhưng có một chữ mà ông không hề nhắc tới một lần là Iraq.
Bốn năm trước, ông Obama đã theo đúng kế hoạch rút quân ra khỏi Iraq, nhưng rồi không lâu sau đó, quốc gia này rơi vào tình trạng xung đột giữa các phe phái và một cuộc chiến với những người Hồi giáo cực đoan tiếp diễn cho đến hôm nay.
Việc rút quân này cũng đã tạo ra một khoảng trống mà kết quả là sự xuất hiện và mỗi ngày một lớn mạnh của nhóm ISIS làm cho khu vực Trung Đông trở nên hỗn loạn hơn bao giờ hết. Cách đây hai năm khi thế giới bắt đầu chú ý tới ISIS, ngay chính ông Obama cho rằng đây chỉ là một nhóm ruồi muỗi không đáng kể. Điều này cho thấy vào lúc đó Hoa Kỳ đã không nhận định đúng mức tình hình của khu vực. Kể từ đó đến nay, ông Obama đã âm thầm gửi thêm trở lại 3,000 quân để giúp chính phủ Iraq chống đỡ ISIS.
15/10/2015 Tổng Thống Obama đã thông báo tạm dừng việc rút quân khỏi Afghanistan. nguồn AFP
Đối diện với tình hình tương tự tại Afghanistan, ông Obama không muốn phạm sai lầm lần nữa và hủy bỏ kế hoạch rút quân. Với số quân giữ lại ở Afghanistan trong vai trò huấn luyện và trực tiếp chiến đấu có thể giúp tình hình tại quốc gia này không tồi tệ thêm nữa như đã xảy ra tại Iraq, nhưng không rõ là có đủ để tạo lại sự ổn định trong thời gian tới hay không.
Nhìn chung, tình hình tại Afghanistan tuy vậy có lẽ lại ít rối ren hơn so với tình hình của khu vực. Ít ra tại Afghanistan là cuộc đối đầu giữa phe chính phủ và phe Taliban. Nhưng tình hình tại những quốc gia quanh đó, từ Iraq đến Syria, và nếu kể luôn Yemen và Libya, thì như một nồi thuốc súng, với cuộc đụng đầu của nhiều phe phái.
Cách đây hơn hai tuần, Tổng thống Vladimir Putin của Nga quyết định đưa quân và vũ khí vào Syria nói rằng để giúp bảo vệ chính phủ Bashar al-Assad làm cho tình hình khu vực càng thêm phức tạp. Hành động này của Nga cũng đã cho thấy phần nào sự yếu thế của Hoa Kỳ tại Trung Đông.
Có thể nói kể từ Thế chiến II đến nay, Hoa Kỳ luôn luôn là sức mạnh chính yếu trong việc hỗ trợ và bảo vệ an ninh cho các quốc gia đồng minh trong khu vực. Nhưng nay, với quyết định của Nga trực tiếp trở lại khu vực cùng với sự góp mặt của Iran từ vài năm qua thì dường như vai trò đặc biệt này của Hoa Kỳ đang dần mờ nhạt đi. Trong khi tình hình mỗi ngày thêm rối loạn, từ những chính trị gia cho đến những nhà ngoại giao có uy tín đều đồng ý rằng trong suốt nhiều thập niên qua, chưa bao giờ vị thế của Hoa Kỳ tại Trung Đông lại yếu như bây giờ, và cho dù quốc gia đó là bạn hay thù, thì đều có vẻ như coi nhẹ sự có mặt của Hoa Kỳ tại đây.
Từ những nỗ lực thúc đẩy Israel tìm kiếm giải pháp hoà bình với những quốc gia láng giềng Ả Rập của họ đến cuộc đẩy lui quân đội Iraq ra khỏi Kuwait năm 1990 và quyết tâm ngăn chặn sự lan tràn của cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran, Hoa Kỳ luôn là lực lượng nòng cốt trong việc giữ gìn an ninh cho khu vực. Sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ đã giúp bảo đảm an ninh cho những thương lộ quan trọng và cho nguồn cung cấp dầu lửa quan trọng trên thế giới. Nhưng nay, khoảng trống tạo ra do bởi hậu quả của việc rút quân số không đúng lúc của Hoa Kỳ trong khu vực đã và đang được trám vào bởi những lực lượng từ lâu Hoa Kỳ đã ra sức kiềm chế.
Hiện nay, tại khu vực Trung Đông và những vùng quanh đó, Hoa Kỳ vẫn còn duy trì khoảng 45,000 binh lính với nhiệm vụ hợp tác tình báo và quân sự với các quốc gia từ Pakistan tới Morocco. Thậm chí sau khi Hoa Kỳ rút nhiều chục ngàn quân khỏi Iraq thì sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ trong vùng vẫn áp đảo lực lượng quân sự với vài ngàn quân và vài chục chiến đấu cơ của Nga vừa đưa tới Syria.
Hoa Kỳ thả dù vũ khí cho phe đối lập tại Syria – nguồn andelino.wordpress.com
Nhưng với chính sách không nhất quán và rõ ràng của Hoa Kỳ tại Trung Đông cùng với cuộc thương thảo về chương trình hạt nhân với Iran gần đây đã làm cho các đồng minh lâu năm của Hoa Kỳ như Israel và một số vương quốc Ả Rập có chung nhận thức rằng dường như Hoa Kỳ đang bỏ rơi họ. Nhiều lãnh tụ trong khu vực đã so sánh sự ủng hộ không lay chuyển của chính phủ Nga Putin đối với chế độ tàn bạo al-Assad ở Syria với sự sẵn sàng bỏ rơi đồng minh của chính Hoa Kỳ, mà điển hình gần đây nhất là chế độ độc tài Hosni Mubarak ở Ai Cập. Rồi vụ “lằn ranh đỏ” mà ông Obama vạch ra cho Syria với kết quả là Hoa Kỳ vẫn quay mặt làm ngơ không tấn công Syria như đã đe dọa sau khi chế độ Assad ngang nhiên dùng hơi độc tấn công đối thủ và dân chúng năm 2013.
Gần đây, với những cuộc đánh bom của Nga cố tình nhắm vào những lực lượng nổi dậy ôn hoà người Syria được huấn luyện bởi cơ quan tình báo CIA trong khi không thấy một hành động cụ thể nào của chính phủ và quân đội Hoa Kỳ nhằm bảo vệ họ mà chỉ thấy lên án suông, ông Putin đã chứng minh rõ hơn nữa sự bất trắc khi chọn đứng cùng phe với Hoa Kỳ.
Trong nhiều thập niên qua, khu vực Trung Đông vẫn được xem như một bàn cờ địa chính trị mà ở đó Hoa Kỳ luôn cẩn thận củng cố vị thế của mình bằng cách thắt chặt quan hệ với những đồng minh như Ả Rập Saudi, Ai Cập, Jordan, Israel, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ để nhằm ngăn cản những tham vọng của Moscow và Tehran, là những đối thủ chính của Hoa Kỳ trong khu vực.
Trước sự kiện Mùa xuân Ả Rập năm 2011, Nga hầu như không có một chút ảnh hưởng gì trong vùng, và Iran thì đang bị phong tỏa kinh tế bởi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vì chương trình hạt nhân của họ. Hai cuộc chiến tốn kém của Hoa Kỳ tại Iraq và Afghanistan mặc dù đã không mang lại ổn định, nhưng hai quốc gia này cũng không phải đối diện với nguy cơ sụp đổ như hiện nay, và lực lượng Taliban thì bị truy đuổi tới những vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh. Nhiều người dân ở Trung Đông ghét sự có mặt của người Mỹ, nhưng phần đông họ đồng ý rằng đó là ván cờ duy nhất trong khu vực ít làm họ thua thiệt hơn cả.
Ảnh vệ tinh cho thấy12 máy bay Su-25 của Nga tại phi trường Syria! nguồn theaviationist.com
Với cục diện biến đổi quá nhanh trong mấy tuần qua, từ quyết định đưa quân vào Syria của Nga đến những cuộc tấn công của Taliban ở Afghanistan, đã cho thấy rõ hơn nữa tình hình đã thay đổi ra sao trong bốn năm qua.
Riêng với quyết định đưa quân vào Syria đã mang đến cho ông Putin, ở góc độ nào đó, vị thế mạnh tại Trung Đông vượt xa ảnh hưởng mà Nga có được trong những thập niên 1970 và 80. Sự có mặt của quân đội Nga đã đương nhiên làm hư những kế hoạch nhằm mở ra những vùng cấm bay hay những khu an toàn bên ngoài sự kiểm soát của chế độ Assad, và đưa Nga vào vị trí như một lực lượng quân sự khác có thể kiềm chế được sức mạnh của Hoa Kỳ trong khu vực.
Hơn một năm sau khi Tổng thống Obama hứa là sẽ “làm suy yếu và cuối cùng tiêu diệt” ISIS, thì nhóm phiến quân thuộc Hồi giáo Sunni này vẫn kiểm soát chặt chẽ Mosul, thành phố lớn thứ hai tại Iraq. Tháng 5 vừa qua, lực lượng này chiếm luôn Ramadi, một thành phố quan trọng khác của Iraq. Đến nay, ISIS vẫn như đám cháy rừng tiếp tục lan rộng và làm những quốc gia từ Afghanistan đến Libya đến Yemen ăn ngủ không yên.
Sự suy yếu của Hoa Kỳ ở Trung Đông nghiêm trọng ra sao và ảnh hưởng đến tương lai thế nào thì đến nay vẫn chưa có một lượng định chắc chắn, nhưng rõ ràng là có.
Tuy nhiên, tình trạng này không phải là không thể đảo lộn được nếu Hoa Kỳ chịu tăng cường yểm trợ và hợp tác quân sự với những quốc gia đồng minh trong khu vực, cũng như cam kết mạnh hơn nữa bằng hành động để chống lại nhóm ISIS và giúp đỡ những lực lượng nổi dậy ôn hoà người Syria, thì mới có thể gỡ lại được những thiệt hại mà chính Hoa Kỳ tự gây ra gần đây.
VH