Menu Close

Trái cà pháo non và dượng Sáu Củi

Khi nói đến trái cà pháo, người ta thường nghĩ ngay đến hũ cà pháo muối ăn với mắm tôm, như thể nó là đặc sản của người Bắc. Nhưng với tôi, cà pháo luôn là món thuần Quảng Nam với cách chế biến khác hẳn người Bắc.

Cà pháo xét ra là loại cây dễ trồng. Hễ ăn cà muối, vắt hột rồi đổ hắt ra đất là ít lâu sau mọc lên đám cà con. Cứ vậy, chẳng ai chăm sóc. Như đám con nít nhà quê, nó cứ lớn lên tự nhiên cho tới ngày ra bông, ra trái. Bông cà pháo tím nhạt, màu mà người ta gọi là tím Huế. Bông hình sao, chúc xuống, nấp dưới tán lá. Rồi từng trái cà non trắng nõn, lớn dần bằng đầu ngón tay cái, có trái to bằng đầu ngón chân cái. Nhằm bận mùa gặt lúa, cà pháo bị bỏ quên đến chín vàng cả cây. Nếu cà pháo miền Bắc ngâm muối, ăn với mắm tôm, cắn một phát là hột tràn trong miệng thì cà pháo miền Trung lại chế biến khác. Trái cà sau khi cắt cuống được chẻ làm đôi hoặc làm tư, để dính phần đít rồi ngâm muối. Chừng hai ngày sau, trái cà ngả màu nâu thì lấy ra, vắt sạch hột, chỉ giữ phần vỏ mỏng. Lý tưởng nhất của món này là ngâm với mắm cái ớt tỏi. Cắn một miếng cà pháo giòn rụm, thấm mùi mắm, ăn với cơm trắng thì ngon không chi bằng! Nhưng có lẽ, không có cách ăn cà pháo nào giống cách ăn cà pháo của dượng Sáu Củi.

Dượng Sáu Củi là chồng cô Thủy, và cô Thủy với ba tôi là chị em con chú bác ruột. Thời đó, đất đai bỏ hoang, ai muốn ở thì ở, chả sổ đỏ sổ xanh gì ráo, và từ “quy hoạch, giải tỏa” còn chưa ra đời. Trước nhà tôi là một miếng đất hình tam giác, có hai cái mả lâu năm. Tụi tôi gọi đó là gò rơm vì chỗ này chỉ dùng để phơi rơm một năm ba vụ lúa. Năm nọ, cô Thủy và dượng Sáu Củi về dựng cái nhà nhỏ ở đó. Chả biết cô Thủy lấy chồng tự khi nào nhưng lúc dọn về, cô và dượng Sáu đã có hai đứa con.

Người ta gọi dượng Sáu là Sáu Củi vì dượng không có ruộng, không có nghề nghiệp gì cả. Dượng làm cái nghề mà quê tôi gọi là thợ đụng, nghĩ là đụng việc gì làm việc đó. Nhưng thường, người ta mướn dượng bửa củi. Cả một bờ dương liễu, họ mướn dượng cưa cây, cắt khúc, bửa nhỏ và tính tiền công. Dượng lành tính lắm, chẳng bao giờ cãi cọ với ai. Dượng lúc nào cũng cười, gặp ai cũng chào hỏi. Dượng chỉ có mỗi một thú vui nho nhỏ là uống rượu. Mà nhà dượng thì nghèo, chạy cơm từng bữa, nên mồi nhắm chính của dượng là ổi non và cà pháo.

Thường thường, buổi chiều chừng bốn năm giờ, dượng hay đi dạo quanh vườn nhà rồi có khi băng qua nhà tôi tìm cà pháo non nhắm rượu. Dượng thường chọn mấy trái non xèo, nhỏ hơn ngón tay cái, hột còn trắng muốt để nhấm rượu. Món này giản dị lắm, chỉ ngắt cái cuống, lượm hột muối sống nhét vô, bỏ miệng nhai cái rột rồi húp ly rượu. Rứa là hết cữ nhậu buổi chiều. Tụi tôi thường gọi đó là cách-ăn-cà-kiểu-dượng-Sáu. Tôi và thằng Út cũng bắt chước, đi săn cà pháo non, nhét hột muối sống, nhai cái rột rồi uống ly nước. Có nhiều khi uống nước lạnh cành cả hông mà may thay, không bị ỉa chảy.

Nhà dượng Sáu cũng không hạnh phúc gì cho cam, bởi người ta khó hạnh phúc khi cơm không đủ ăn. Cô Thủy khi đi buôn hột điều, đậu phộng, khi mua sắt vụn chung với má tôi. Hai người đi khắp huyện Thăng Bình, có khi ra tận Duy Xuyên, Điện Bàn. Dượng Sáu thì đi bửa củi dạo, cuốc mướn đâu đó và chiều chiều về ăn cà pháo uống rượu. Có dạo, nhà dượng còn đón đứa cháu đâu trên Dốc Sỏi xuống chơi. Con nhỏ nói rặt giọng miền núi mà tụi tôi vẫn nhại nó: “Bác Sấu, bác Sấu! Thầng Hoàng hấn ân cụ sấn nè bác Sấu!” (Bác Sáu, bác Sáu! Thằng Hoàng hắn ăn củ sắn nè bác Sáu).

Rồi một hôm, theo tôi nhớ là khuya lắm, nhưng giờ thì tôi hiểu có lẽ chỉ khoảng 8, 9 giờ đêm, cô Thủy chạy qua nhà tôi kêu hoảng hốt, “Cậu Hai ơi, cậu Hai ơi, ông Sáu tui bị xe đụng chết rồi!” Ba tôi theo cô đi vô khu cống hồ. Khu này là cánh đồng duyên hải lớn nhất xã, có con đường quốc lộ băng qua nên người ta làm mấy cái cống lớn để thông nước hai bên đường. Đoạn đường này vắng, ít người qua lại ngoài mấy chiếc xe Bắc Nam và không có đèn đường. Tôi nghe ba kể thì hình như dượng có uống chút ít sau khi làm mướn và đạp xe về nhà. Đến cống hồ thì bị ai đó đụng nhưng bỏ đi mất. Dượng bị chấn thương sọ não, mất máu nhiều mà chết. Còn vì sao ba và cô Thủy biết chuyện đó, tôi cũng không biết nữa. Tôi không nhớ đám ma dượng ra sao, có lẽ người ta chôn dượng ở quê nhà trên Dốc Sỏi.

Rồi thời gian sau cô Thủy cũng dọn xuống trảng, làm cái nhà khác mà ở. Một đỗi, cô Thủy lên kể với má, “Hồi đêm ông Sáu ổng về, kể với tui cái thằng tống xe ổng ra làm răng, làm răng, mợ Bốn nạ! Tui vô báo công an rồi, có khi họ tìm ra người tống ổng đó!” Nhưng mãi rồi cũng chẳng có tin tức gì nữa, cũng chẳng còn ai nhớ nữa. Thằng Hoàng cũng lớn, thành đứa mồ côi, đi học rồi đi bộ đội. Về sau, cô Thủy cũng rổ rá cạp lại với một người khác, tay đùm tay níu hai bên gia đình.

Đêm nay, tôi ngồi cắt cuống cà pháo làm mắm, bỗng nghĩ về cách-ăn-cà-kiểu-dượng-Sáu. Mới đó, vầy mà hơn hai mươi năm đã trôi qua rồi!

trai caphao non

Bảo Huân

PTLP