DALLAS – Ngày 25/10/15. Gia đình và thân hữu LS Nguyễn Xuân Phước đã tổ chức một buổi tưởng niệm 100 ngày ra đi của anh tại hội quán Swayz nằm trong khu chợ HongKong Dallas. Những người bạn thân thiết của anh ở xa về như ông bà GS Đoàn Viết Hoạt, Kỹ sư Đỗ Thành Công, Trần Trung Đạo, LS Đỗ Thái Nhiên, Trần Trung Việt… một số người khác từ Cali, có người về từ bên Đức, và khá đông bạn bè thân hữu tại địa phương tham dự.
Nhà thơ Trần Trung Đạo phỏng vấn Kỹ sư Đỗ Thành Công
Trong giới bạn bè thân hữu của LS Nguyễn Xuân Phước, thường biết đến anh như một người bạn xuề xòa, vui tính, nhưng ít ai biết hết những gì anh đã làm bằng tất cả tấm lòng của anh cho một quê hương mà anh đã rời khỏi từ những ngày còn chiến tranh để đi du học tại Hoa Kỳ.
GS Đoàn Viết Hoạt chia sẻ một số hoạt động âm thầm của anh trong những năm qua, như việc anh về các nước Đông Nam Á để mở các khóa huấn luyện về kỹ thuật đấu tranh bằng phương tiện truyền thông hay internet cho những thanh niên trong nước. Anh từng vận động các phương tiện pháp lý, tài chánh để giúp những người đấu tranh dân chủ bị cầm tù, trong số đó có TS Cù Huy Hà Vũ, kỹ sư Đỗ Thành Công; góp phần vào việc được Hoa Kỳ can thiệp rời khỏi Việt Nam khi họ đang bị nhà cầm quyền VN cầm tù. Điều này chính kỹ sư Đỗ Thành Công cũng đã xác nhận.
Anh là tác giả một số bài viết mang nội dung xây dựng một Việt Nam dân chủ tự do và một ước vọng Giấc mơ Việt Nam thịnh vượng, không còn sự cai trị độc tài của cộng sản, mà gia đình anh cùng thân hữu và báo Trẻ đã phát hành nhân ngày tưởng niệm này. Sách được tặng cho những ai yêu thích anh và cùng chia sẻ lý tưởng với anh. Đó là Tuyển tập Nguyễn Xuân Phước. Trong tuyển tập còn có một số bài viết của thân hữu viết cho anh. Đinh Yên Thảo đại diện báo Trẻ chia sẻ với thân hữu về công việc in ấn và nội dung của tuyển tập này.
Phần chia sẻ đầy đủ nhất có lẽ là phần nói chuyện của Mục sư Nguyễn Xuân Đức. Ông là anh cả và Nguyễn Xuân Phước là em út trong một gia đình giàu đức tin Thiên Chúa. Không ai biết rõ Nguyễn Xuân Phước bằng anh mình, từ những ngày thơ ấu đến khi trưởng thành, cả cuộc đời tình ái, những hoạt động và những ước vọng cuộc đời của người em mình.
Nguyễn Xuân Phước đậu Tú tài 2 ưu hạng và nhận được học bổng đi Hoa Kỳ năm 1972. Anh học luật và hành nghề luật sư nhưng không dùng nghề này để hái ra tiền, mà gần như dùng phần lớn thời giờ cho hoạt động chính trị của anh, cho tự do và dân chủ VN, theo lời người anh của anh.
Trong buổi tối Thứ Bảy, trước đó một ngày, tại ngôi nhà cũ của anh cư ngụ trước đây cạnh bờ hồ, thành phố Irving, Trần Anh ( Hội Văn Hóa Khoa Học) đã tổ chức một đêm tâm tình chia sẻ những kỷ niệm của bạn bè anh từ xa gần về dịp 100 ngày này. Nhà thơ Trần Trung Đạo nói rằng, thương tiếc anh không gì tốt bằng duy trì và tiếp tục con đường anh đã đi, lý tưởng của anh cũng là lý tưởng của chung tất cả mọi người, cho một Việt Nam không còn cộng sản, bằng chính sự dấn thân, đóng góp công sức của chính mình.
Dù sách Tuyển Tập Nguyễn Xuân Phước do thân hữu đóng góp để in ấn và được biếu tặng không cho quan khách, nhưng rất nhiều người đã ủng hộ tiền vào quỹ Kết Nghĩa Việt mà anh đã thành lập trước đây để giúp anh em đấu tranh trong nước.
Buổi họp mặt tưởng niệm kéo dài từ 12 giờ trưa đến 5 giờ chiều trong không khí thật ấm cúng và cảm động. Trước khi ra về mọi người cùng hát với nhau bài Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ, bài hát mà Nguyễn Xuân Phước mong ước trở thành Quốc ca Việt Nam sau này.
Anh chị Có trước bàn bày Tuyển Tập Nguyễn Xuân Phước
PV Trẻ