Chúng tôi gửi xe tại shop anh Châu và cuốc bộ tới sân Citrus Bowl Orlando dự khán trận thân hữu giữa đội tuyển nữ Hoa Kỳ và nữ Brazil (trong loạt 10 trận đấu thân hữu vòng quanh nước Mỹ với các đội tuyển nữ các nước).
Vừa đi vừa trò chuyện rôm rả làm tôi nhớ lại những ngày còn ở quê nhà, tôi cũng xách dù, ôm áo mưa đến sân Cộng Hòa (bây giờ là sân Thống Nhất) đi coi đá banh. Ở Việt Nam, vé bán theo khu vực chứ không có số ghế, thêm nạn leo tường (có “đóng thuế” cho bảo vệ) và đưa tiền để được vào cổng nên người coi bao giờ cũng nhiều hơn chỗ ngồi, do vậy trận nào tôi cũng đi trước vài tiếng, ngồi đội nắng giành chỗ cho mấy ông anh lề mề gần đến giờ mới tới.
Từ shop anh Châu tới sân khoảng 2 cây số, tuy không quá xa nhưng lâu ngày không đi bộ và có cái nắng đồng hành nên ai cũng thở ra khói. Gần tới nơi mới thấy các chỗ giữ xe hai bên đường khá nhiều, mỗi chiếc $10, tôi tiếc rẻ nói biết vậy khi nãy tới đây gửi xe cho rồi, bên hông sân giá là $20, mắc hơn chút nữa nhưng đáng cho hơn chục mạng đang phì phò như hà mã.
Phương thấy tôi chắt lưỡi bèn an ủi “Thôi rút kinh nghiệm cho lần tới, bữa nay coi như mình khỏi cần đi tập thể dục”, tôi bớt áy náy nhưng vẫn tự hỏi “Chẳng biết có ai khoái đi tập thể dục giữa trưa nắng như vậy không ta?”.
Vô tới khung viên của sân, nhìn người người xếp hàng mua vé, mua đồ lưu niệm, những tổ chức bên ngoài vận động trường ồn ào, nhộn nhịp tự dưng cái mỏi chân, cái mệt rủ nhau đi hết. Nhóm ủng hộ viên Việt chúng tôi, Sáu Vĩnh, Phương, Hùng (bóng bàn), Toàn, anh Tuấn, anh Nghị,Hòa, Thanh, Quang hòa vào dòng người ăn mặc đủ màu, đủ kiểu để đi ủng hộ đội nhà nói cười rôm rả.
Trước giờ lên đường
Khán giả chụp hình trước trận
Xếp hàng mua vé
Quầy bán đồ lưu niệm
Bên ngoài vận động trường Citrus Bowl
Khi mới đến Mỹ, thấy nhiều cái sân cỏ ở các trường học, công viên vắng teo, cái thằng mê đá banh như tôi buồn như con chuồn chuồn. Ở đây người ta chỉ chơi bóng bầu dục, bóng chày, bóng rổ… còn đá banh thì chắc suốt đời phải mở ti vi mà coi họ đá ở tận trời Âu hay mấy nước nói tiếng Tây Ban Nha. Vậy mà, giờ đây sau khi đội nữ Mỹ lần thứ 3 giành cúp vàng thế giới mọi sự đang thay đổi. Chỉ tiếc đội nam Hoa Kỳ dưới sự lèo lái của người tôi rất hâm mộ từ thời còn đá banh là ông Klismann, cho đến khi làm HLV đưa đội tuyển Đức giành hạng 3 tại World Cup năm 2006 với lối đá mềm mại, quyến rũ làm xóa đi cái nhìn của thế giới về một đội Đức khô cứng và đá như lập trình có sẵn, mạnh về ý chí… Lúc liên đoàn đá banh Mỹ mời ông làm thuyền trưởng, tôi ngày đêm cầu mong ông nhận chức để đưa đội Mỹ đến bến bờ vinh quang, từ đó hướng dân Mỹ đến với môn thể thao mà tôi suốt đời yêu quý. Ngày ông nhận lời dẫn dắt đội Mỹ tôi mừng khôn tả, chẳng biết chia sẻ niềm vui này với ai, cứ ngấm ngầm theo dõi nhất cử nhất động của ông và đội tuyển. Ngoài huy chương vàng Concacaf Gold Cup năm 2013 đến nay chưa có thêm một danh hiệu nào cho đội nam Hoa Kỳ, đến những trận thua muối mặt trước những đội tuyển đàn em trong khu vực trong năm nay làm tôi cảm thấy buồn và mất lòng tin vào ông ghê gớm, đành rằng sau khi những đứa con ưu tú của đội tuyển Mỹ như Landon Donovan không còn, Clint Dempsey đã lớn tuổi (32), Jozy Altidore không còn làm cho hàng hậu vệ đối phương bận tâm nữa thì cũng thật khó cho ông với chỉ Micahel Bradley là người còn đá hay đều đặn và duy nhất. Tôi cũng mong sao ông gọi lại Lee Nguyen, người Việt duy nhất trong đội tuyển Mỹ, ngòai kỹ thuật mà anh có, người dân xa xứ chúng ta ai cũng muốn có người đồng hương của mình đóng góp chút gì cho nền thể thao quốc gia, đem lại niềm vui khi coi anh cống hiến cho quê hương mới.
Cái vui của tôi ngày hôm nay là trong sân rất nhiều các em gái nhỏ đi xem, các em đi theo từng nhóm hoặc đi với gia đình. Trong nét mặt hân hoan và những nụ cười rạng rỡ kia cùng với những chiếc áo mang số và tên các thần tượng trong đội tuyển nữ, tôi đoan chắc các em đang chọn đá banh làm niềm đam mê của mình.
Fan nhí
Nhóm chúng tôi bây giờ có thêm Hùng và Phương cùng hai con gái
Một trận đá banh thân hữu mang tính biểu diễn, nơi mà bà HLV Jillian Ellis đưa các cầu thủ trẻ vào sân nhằm làm quen với trận mạc và có cơ hội sát cánh và học hỏi từ các ngôi sao trong đội hình thì chuyện thắng thua không phải là điều mà mọi người nhắm đến. Và cũng với cái tâm thế thoải mái đó chúng tôi hòa mình với khán giả một cách hết lòng để tìm vui trong một chiều Chủ Nhật rực nắng.
Vận động trường vang lên những tiếng reo hò khi hai đội ra sân làm nóng, và từng chặp vang lên tiếng vỗ tay khi các nữ cầu thủ Mỹ vẫy chào các khán giả trên sân. Có lẽ chưa bao giờ các nữ cầu thủ Mỹ được người dân yêu mến đến như vậy. Trong suốt trận đấu từng làn sóng người nhấp nhô trên khán đài cứ lan từ bên này sang phía khác trong niềm phấn khích cao độ. Những pha banh hay, những bàn thắng đẹp trong trận đấu luôn nhận được những sự tán thưởng, hò la đến khản giọng của nhóm chúng tôi và cả vận động trường.
Hát quốc ca và chào cờ khai mạc
Một góc vận động trường
Những fan lớn tuổi
Fan 2 đội rất thân thiện
Hân hoan trong nắng
Khi đội Mỹ ghi bàn
Orlando đã vào Thu nhưng vẫn còn nóng bức, nhiệt độ xấp xỉ ngoài 90 làm mặt mày chúng tôi ai cũng đỏ lơ đỏ lững, có chút gì đó lâng lâng như người ta thường gọi là say nắng hay cái lâng lâng của một ngày mà ai cũng cảm thấy thật vui vì được ngồi bên nhau nhìn ngắm thần tượng xinh đẹp đang chạy lăng xăng ngay trước mũi mình. Ngày hôm nay còn ý nghĩa hơn vì là lần cuối cùng chúng tôi được nhìn thấy những cầu thủ ưu tú của đất nước trong đội tuyển Hoa Kỳ, những người đã cống hiến tuổi xuân của mình chọn trận cầu hôm nay để giã từ đội tuyển. Những tràng pháo tay tưởng chừng như không ngớt để chia tay Lauren Holiday (27 tuổi) và Lori Chalupny (31 tuổi) nối gót sau Abby Wamback và Shannon Boxx, nhường chỗ cho các lớp đàn em.
Hình ảnh quen thuộc này của Lauren Holiday sẽ chỉ là kỷ niệm trong lòng fan hâm mộ
Lori Chalupny với chiếc cúp vàng thế giới 2015 trên tay
Ngôi sao tương lai: Trần Lan Anh (8 tuổi) đang vờn banh trên sân cỏ
Nếu bạn chưa lần đi coi đá banh ở vận động trường, hãy thử một lần đi xem để có những cảm giác tuyệt vời vào những ngày cuối tuần, được trộn lẫn vào trong cái không khí đặc biệt của nó mà không bao giờ bạn có được nếu ngồi ở sô-pha bấm remote. Nó mang lại cho bạn một cảm giác hưng phấn yêu đời một cách kỳ lạ.
Mỗi lần nhìn thấy các em gái chơi với trái banh, nhìn con gái tôi hăm hở đá trái banh nhỏ, dầu phần lớn là đá… hụt. Bao giờ tôi cũng mơ về một ngày nào đó, khi lớn lên, nó vẫn giữ được niềm đam mê đó, và biết đâu trong đội tuyển nữ Mỹ tương lại sẽ có một cầu thủ da vàng không phải tên Lee Nguyen mà sẽ là một Nguyen gì đó nữa trên lưng áo.
Cẩm Tú