Menu Close

Hiệp hội Tương tế Bắc Việt Nghĩa trang (Ký) – Kỳ 1

Về K, ông nội, bố và chị cả chôn trong Bắc Việt Nghĩa Trang cải táng 1986.

Tôi mang gương mặt của đứa trẻ trong hình bước chân vào Bắc Việt nghĩa trang lần cuối buổi sáng tháng 5. Buổi sáng K vươn cánh tay khẳng khiu múa máy trong không khí. Tôi đếm một, hai, ba, như tôi vẫn hay đếm trước những ngôi mả xanh mướt ánh mắt người chết. Hành lang sáng. Thứ ánh điện trắng lạnh lẽo. Tôi đếm một, hai, ba, như tôi luôn tránh những ánh mắt người chết đăm chiêu, có khi trong vắt dưới mưa, như thể tròng trắng hãy còn sống long lanh giận dữ. Tôi mang gương mặt đứa trẻ đến chào dòng họ lần cuối. Buổi sáng có mưa, nắng rải rác, thứ mưa nắng thất thường nhiệt đới. K đạp xe phía trước, anh chưa hóa quỷ. Hai anh em gởi xe trước cổng. Bà cụ bán nhang vẫn chít khăn nhiễu, hàm răng đen, mà mỗi lần trông thấy tôi vẫn cảm giác kỳ lạ.

Hiep Hoi Tuong Te Bac Viet

– Bác mua hộ nhà cháu bó nhang.

– Sao bà già vậy mà xưng cháu hở Thầy?

Tôi ngước hỏi. Thầy luôn nghiêm khắc, trong trí não tôi không sao có thể gọi bằng Bố, dù suốt quãng thời niên thiếu tôi không hề gọi bằng Thầy. Có một phiến kính vô hình ngăn trở giữa tôi với Bố Mẹ. Mỗi tháng, tôi theo Bà vào nghĩa trang, gió vồng lên hai vạt áo dài của Bà phất bay phía trước. Tôi luôn dụi mặt vào ngấn cổ chị ở thiêm thiếp giấc ngủ chập chờn giữa những ngôi mả. Ðôi lúc tôi lẫm chẫm bước theo Thầy, vẫn giữa hai hàng mả quen thuộc với những đôi mắt không bao giờ khép.

Buổi sáng bước chân lên trung học đệ nhất cấp, Thầy dẫn tôi vào nghĩa trang cúng bái. Tôi bắt đầu trông rõ xã hội vây quanh mình. Xã hội nhỏ bé, giới hạn từ ngôi nhà mặt tiền trên đại lộ Hai Bà Trưng đến trường Taberd có chiếc cổng sắt sơn xanh to lớn, nặng nề, đóng sầm ở mỗi tiếng kẻng và bóng các sư huynh thướt tha trong tấm áo dòng che giấu ác độc. Xa hơn nữa, làng Ðại học Thủ Ðức, nơi Bà cho chúng tôi về tắm piscine mỗi cuối tuần, trong villa gia đình lặng lẽ.

Ngôi biệt thự ở số 21 đường Yersin làng Ðại học Thủ Ðức cũng im vắng như nghĩa trang, không bóng người ở. Chỉ chú Lễ mở cổng và tiếng sỏi rạo rạo dưới bánh xe. Bao giờ bà cũng cho chúng tôi tắm hồ bơi hai tiếng rồi chú Lễ đánh xe về. Hai tiếng, bằng khoảng thời gian tôi với K ở nghĩa trang. Bà cụ chậm chạp rỡ lớp ny lông với mấy ngón tay héo úa, tôi còn nhớ như in ngón cái bẻ quặp vào bên trong khó khăn lôi mấy bó nhang đã bạc thếch. Lần nào Thầy cũng mua, dù ở nhà Bà đã dặn đem theo nhang thắp. Tôi biết Thầy mua giúp. Tôi chỉ không hiểu vì sao bà cụ già lắm, nhăn nheo, khô khốc, chiếc khăn nhiễu không che hết quắt queo đã xưng Cháu với Bác. Thầy bằng tuổi tôi bây giờ. Thầy cũng chết trẻ, như tất cả đàn ông trong họ chết trẻ, nhà này chỉ có phụ nữ sống lâu, Bà bảo vậy.

– Người Bắc những nhà nghèo xưng thế.

Thầy đưa tiền cho bà cụ, giải thích. Người Bắc? Tôi hay nghe thấy hai chữ này, suốt thời niên thiếu.Người Bắc? Thứ người tôi vẫn chưa sao phân biệt giữa những khuôn mặt khách thăm viếng lễ Tết, chỉ trông thấy rõ rệt họ nằm đây, trong nghĩa trang này.

– Con là người gì?

– Con là người Bắc di cư.

Thầy trả lời. Tôi hiểu, tôi thuộc về thế giới của người chết, đang nằm đây, và chỗ của tôi bên cạnh họ. Ngôi chùa có mái tỏa cánh sen, rộng lớn. Thầy luôn lễ ở chùa, rồi ra miễu Thổ Thần, Thành Hoàng. Mùi nhang khói in đậm suốt tuổi thơ, phả hắt ở bậc tam cấp. Thứ hơi u uất, mà chỉ ngửi, tôi biết ngay mùi của người chết. Khu đất mênh mông, mộ lập san sát trùng điệp kín mít. Tôi đã nghĩ, tất cả người Bắc chôn ở đây. Suốt tuổi hoa niên, nắng phủ trùm lên những dẫy bia không chấm dứt.

– Phú Thọ, Nam Ðịnh ở đâu Thầy?

Tôi chạm tay lên vách đá. Những chữ khắc trên văn bia ghi những địa danh xa lạ, cũng đầy xa lạ như tấm bình phong cẩn xà cừ thô nhám. Tôi chưa bao giờ trông thấy những kiến trúc nhà ở thu hẹp hiu hắt đến vậy. Rõ ràng là một ngôi nhà, có cổng uốn, rào sắt, tường vây, một hồ nước với sân bái đường lung linh nắng. Dăm gốc hoa dâm bụt, một rặng giấy buông lay lắt, rõ ràng một cảnh đời tiếp tục trong chờ đợi.

Tôi đọc mấy chữ Chánh quán Phủ Nho Quan, sinh quán Móng Cái, Quảng Ninh hưởng dương, thất lộc… không hiểu, những nơi chốn tôi chưa hề nghe thấy.

– Phú Thọ là chỗ ông nội mở hiệu thuốc Bắc, Nam Ðịnh ông chú có hiệu bánh ở đấy.

Thầy kiên nhẫn giảng giải. Tôi khám phá đất Bắc trên bia mả.

– Bác mua hộ nhà cháu bó nhang.

Bà cụ chít khăn chữ nhất, răng đen suốt, mời. Vẫn bà cụ tháng trước, năm trước, mười năm trước. Vẫn túi xách phủ ny lông, luôn ở đó từ khi tôi biết đến chỗ chôn người Bắc. K mua bó nhang. Cử chỉ K y hệt Thầy, từ cách móc ví, trả tiền, nhận tiền thối, đến lời cảm ơn, cũng là lời cảm ơn Thầy dạy chúng tôi cách cư xử với người lớn. Bà cụ rỡ ny lông rồi bao lại dưới mưa, không khác. Thầy đã vào nằm trong nghĩa trang bốn năm trước. Ngày đưa ma, tôi nhớ bà cụ ngồi đó, sao bà cụ không nhớ? Buổi sáng tháng 5, mưa lất phất, Sàigòn vừa thất thủ 13 ngày, đám ma không kèn trống, tôi lếch thếch đi sau áo quan Thầy, K ôm ảnh, tôi cầm bát nhang, hương khói ràn rụa. Cô Lìn khóc hết nước mắt. Cô Cắm, cô Sìn ngất xỉu, chú Hổi, chú Ốn, chú Hênh tất tả, anh cả mất rồi… Tôi không khóc, tôi quay nhìn bà cụ vẫn ngồi ở đó. Bà không đi đưa. Theo tục lệ người Bắc, chồng chết vợ không đưa ma, Bà bảo vậy. Tôi không khóc, tôi được 12 tuổi, gió phất tấm khăn sô tôi đội đầu tiên trong đời. Ðám tang Ông, tôi 4 tuổi, Bà giấu tôi trong bệnh viện bác sĩ Nguyễn Duy Tài ở đường Duy Tân, sợ tôi ám ảnh cái chết. Ðám tang chị Zính tôi chưa sinh ra, tôi đưa ma lần đầu với cái chết của Thầy ngày miền Nam sụp đổ. Tất cả gia đình tôi chôn ở đây. Tôi muốn hỏi bà cụ có biết? Nhưng K đã kéo đi.

Buổi sáng. Bàn tay K lạnh. K nắm tay tôi qua những ngôi đất. Cũng như lần chót tôi nắm tay anh. Không. Ðúng hơn anh nắm tay tôi, lạnh cứng. Tôi thở ra khói, những tấm rèm rũ, tôi cúi xuống để không trông thấy mặt K. Tôi đếm một, hai, ba, ước ao có ai đó ở bên cạnh, có ai đó đứng cười ở cửa, có ai đó đốt hộ điếu thuốc, và có Bà để tôi ngã vào lòng khóc oà.

 – Con phải thuộc lối đi để sau này vào thăm gia tộc.

Thầy vừa đốt vàng mã, vừa dặn. K thưa vâng. Bao giờ K cũng có hiếu, nghe lời. K không giống tôi, luôn thắc mắc. Buổi sáng nắng trì chiết khói nhang, thứ nắng nặng nề, phải sau này tôi mới hiểu, chỉ có ở Việt Nam. Hai anh em bước qua dẫy mả. K không kiếm ra lô đất, tôi phải hướng dẫn. Tôi không thuộc lối, nhưng thuộc những mặt người. Những ông lão trai tơ, những cụ bà vợ hiền lập mộ, đến đó phải quẹo. Trịnh Thu Thủy, có đôi mắt sáng, môi tươi, nằm ở đầu lối rẽ vào mả chị cả. Buổi sáng K phát cỏ, tôi bắt đầu khám phá những người khác phái có sức thu hút kỳ lạ, ngay cả sau khi chết. K quét mả. Tôi rỡ mấy bánh oản, giấy bóng kính xanh đỏ. Chị Zính mất năm 7 tuổi, tôi chưa biết mặt. Bà nói chị rất thiêng. K van vái xin chị phù hộ cho chuyến đi sắp tới. Tôi chưa hiểu tính cách trầm trọng của cuộc ra đi, chỉ biết mình sẽ không bao giờ được chôn trong Bắc Việt Nghĩa Trang. Hôm đó, tôi đã hỏi K,vì sao gia đình mình người Tàu nhưng chôn trong nghĩa trang Bắc Việt? K không biết tại sao, chỉ trả lời có lẽ do thói quen, không thiếu một ai, từ đời ông cho đến đời chị, cả Bà còn sống nhưng cũng đã mua sẵn cho mình một kim tĩnh bên cạnh chỗ Thầy. Chỉ thiếu có tôi và K, những đứa cháu đích tôn của một giòng họ chỉ mới lưu lạc từ Trung Hoa sang Việt Nam chưa quá một trăm năm. Một giòng họ Quảng Ðông đã chọn nghĩa trang của người Bắc làm nơi an nghỉ.

TV