Menu Close

HƯƠNG NHU, HÚNG QUẾ: Gia vị quen thuộc của các bà nội trợ Việt Nam

Húng Quế, một gia vị rất quen thuộc với các bà nội trợ Việt Nam, là một cây rau anh em với Hương Nhu (É tía) trong một gia đình rau thơm với nhiều loại phụ khác nhau.

Ocimum

TÊN KHOA HỌC

Ocimum basilicum hoặc Ocimum sanctum thuộc họ thực vật Labiatea. Mỹ gọi chung dưới tên Basil, riêng Húng Quế có thể gọi Thái Basil hay Vietnamese basil. Pháp gọi là Basilic, Tây Ban Nha gọi Albahaca. Đông Y cũng gọi là Hương Nhu nhưng một số sách Trung Hoa chia làm hai: nguyên cây phơi khô thì gọi là Linh Linh Hương (Ling-ling Xiang) còn hạt của cây gọi là Quang Minh Tử (Guang-Ming-zi).

ĐẶC TÍNH THỰC VẬT VÀ LỊCH SỬ

Hương nhu hay É tía có lẽ phát xuất từ Ấn Độ và Bắc Phi, và cũng có thể là loại dược thảo xưa nhất của nhân loại.Từ hàng thế kỷ, cây đã được trồng và dùng tại Ấn Độ dưới tên Tulsi, một loại thảo mộc dành riêng cho thần Vishnu của Ấn Độ giáo, do đó loại hương nhu tại đây còn gọi là Ocimum sacrum (cây Thánh). Cho đến ngày nay, cây vẫn được trồng tại các đền thờ Ấn giáo. Và khi một người Ấn giáo qua đời thường đem theo hương nhu trong quan tài khi được chôn cất. Tên gọi Basil có thể xuất phát từ một danh từ Hy lạp Basileus nghĩa là Vua vì mùi thơm của cây chỉ xứng với cung điện vua chúa! Một truyền thuyết khác thì cho rằng Basil là chữ thu ngắn của Basilliscus = vị vua nhỏ hay Basilisk = một con rồng trong thần thoại khi nhìn ai là đủ cho người đó mất mạng. Trong thời Trung Cổ,người ta tin rằng Bọ Cạp thường sống tại nơi có Hương Nhu ? Tại Ý Đại Lợi, Hương nhu đồng nghĩa với tình yêu. Khi một phụ nữ chưng một chậu Hương nhu nơi cửa sổ phòng mình thì có nghĩa là sẵn sàng chờ đón người yêu. Và tại các nước Bắc Âu, việc trao đổi một cành Hương Nhu là bày tỏ sự trung thành với nhau. Hương nhu ngày nay được trồng để xuất cảng tại các nước Pháp, Hung, Bulgaria, ý và Ma rốc, và tại các vùng khí hậu ấm áp khắp nơi trên thế giới. Riêng tại Hoa Kỳ, California là vùng trồng Hương Nhu nhiều nhất.

Gia đình Hương Nhu đều là những cây thân thảo, mọc thành bụi và phân nhánh rất mạnh, có thể cao đến 60cm. Một acre có thể cung cấp từ 8 tới 10 tấn cây tươi. Lá thường màu xanh đậm nhưng tùy theo giống có thể đổi sang màu tím đỏ, lá dài khoảng 5cm và rộng chừng 1.8cm, hoa nhỏ có thể từ màu trắng đến tím nhạt.

Cây có thể trồng bằng cách gieo hạt với tỷ lệ khoảng 2.5kg hạt cho mỗi acre và trồng theo từng luống cách nhau 75cm (để thu hoạch bằng máy). Thời gian nảy mầm khoảng 14 ngày và phải chăm sóc làm cỏ kỹ lưỡng. Đất trồng cần thoát nước, và nếu được nên chọn nơi đủ ánh nắng nhưng tương đối kín gió. Lá non thường được hái để khô 1 ngày trước khi cây trổ hoa. Khi thu hoạch thường chỉ cần cắt phần lá và cọng mọc cao, giữ lại phần gốc để có thể tái thu hoạch. Tại California, mỗi năm cây có thể tái thu hoạch từ 3 đến 4 lần.

Dầu Hương Nhu được dùng rất nhiều trong kỹ nghệ nước hoa, dầu thơm. Dầu được chưng cất từ cây tươi và tỷ lệ thu hoạch khoảng 0.15%. Trong kỹ nghệ rượu của Pháp, Hương nhu có mặt trong các Liqueur Chartreuse, và trong loại nước uống tại Ý gọi là Cherbet Tokhum, nhưng xử dụng nhiều nhất vẫn là gia vị. Gia đình Hương nhu cung cấp nhiều loại rau thơm có những hương vị khác nhau đi từ Hồi, đến Quế, mùi vị Chanh.

Những loại đáng chú ý gồm:

–          Ocimum Basilicum var, citriodorum cho lá xanh, có mùi vị chanh.

–          Ocimum Basilicum “purpureum” cho lá màu đỏ tím, hoa hồng nhạt, thường gọi là É tía, có mùi đinh hương.

–          Ocimum Basilicum “purple ruffle” cho lá đỏ tím to và công dụng trong kỹ nghệ rượu.

–          Ocimum Basilicum “anise”, lá xanh cọng tím có mùi hồi.

–          Ocimum Basilicum “cinnamon” đây là lá húng quế quen thuộc.

–          Ocimum Basilicum morpha, loại này đặc biệt gặp ở Ấn Độ và Mã Lai cho mùi có vẻ tổng hợp các hương vị.

–          Ocimum Basilicum var crispum, loại này cho lá to, có những vết nhăn, vị lá hơi ngọt và mùi rất thơm, thường gặp nhất tại các chợ Mỹ.

THÀNH PHẦN HÓA HỌC

Thành phần hoá học của các cây trong gia đình Basil thay đổi tùy theo giống và nơi trồngnhưng nói chung thường là trong tinh dầu của cây. Tinh dầu chứa:

–          Linalool (75%), Methylchavicol, còn gọi là Estragol (lên đến 87% trong vài loại), Eugenol.

–          Các Monoterpenes gồm Ocimen và Cineol.

–          Các Sesquiterpenes, Phenylpropanes.

–          Flavonoids như Quercetin, Kaemferol.

–          Acid Caffeic, Aesculusides, các chất Tannins.

–          Một số Saponins.

Một 100gr bột Lá Hương Nhu chứa:

          Sodium 43mg Potassium 3700mg
          Calcium 2070mg Magnesium 410mg
          Sắt 43mg Kẽm 5,8mg
          Phosphorus 470mg Đồng 1,3mg

(THEO GEIGY SCIENTIFIC TABLES)


Hương Nhu Trong Đông Y:

Hương Nhu được ghi trong Minh Y Biệt Lục, và sau đó Lý Thời Trân cũng đã mô tả đặc tính của cây trong bản thảo cương mục. Dược thảo thuộc một trong hai cây:

          Ocimum basilicium sanctum.

          Ocimum sikokiana (gặp ở Nhật)

Theo Đông Y thì Hương Nhu vị tân, mát, không độc, có thể làm tan được khí nóng ở ngoài da, giảm được cảm giác đau và đầy tức nơi Tâm và Bụng, thông được nghẹt mũi cùng đau tức ngực. Dân quê Việt Nam đã biết dùng Hương Nhu trong nồi xông giải cảm, giúp xuất được mồ hôi, phát tán mọi thứ nhiệt, trừ được Thấp. Riêng hạt của cây gọi là Quang Minh Tử vì được dùng để trị các bệnh đau mắt, làm mắt sáng đỡ mỏi mệt, đồng thời giúp trị bệnh bao tử gây ra hơi thở hôi thối.


Hương Nhu trong nghệ thuật nấu ăn:

Các món ăn Trung Hoa không dùng Hương Nhu, trái lại nghệ thuất nấu ăn Thái, Việt và Lào lại thích dùng cây gia vị này trộn trong rau sống. Indonesia và Miến Điện cũng dùng Hương Nhu nhưng giới hạn hơn. Một vài loại có lông được dùng tại Thái với tên Bai Manglak. Indonesia và Mã lai có giống Kermangi, Selasih. Húng Quế Việt Nam được Thái Lan gọi là Horapa/Horabha.


DƯỢC TÍNH VÀ CÁCH DÙNG

Hương Nhu và khả năng trị ký sinh trùng đường ruột:

Tinh dầu của Hương Nhu có khả năng diệt được ký sinh trùng đường ruột nhu Giun, Sán do khả năng làm tê liệt thần kinh ký sinh trùng. Điều này giải thích được cách dùng trong y học dân tộc Mã Lai, và đồng thời giúp trị được một số bệnh đau bụng do ký sinh trùng gây ra trong ruột.

Hương Nhu và mụn trứng cá:

Mụn trứng cá thường thấy ở giai đoạn dậy thì của thanh thiếu niên nam nữ, các phương thức chữa cần nhiều thuốc men và thời gian. Những nghiên cứu mới nhất tại Ấn Độ cho thấy dầu Hương Nhu giúp tiêu diệt được các vi trùng Coryne bacterium thường phát triển chung quanh các mụn trứng cá gây nên những vết sưng có mủ.

Tác dụng kích thích hệ thống miễn nhiễm:

Khi thử nghiệm trên thú vật cho thấy Hương Nhu giúp gia tăng sự sản xuất của các kháng thể đến 20%. Điều này giải thích việc xử dụng Hương Nhu để gia tăng hiệu lực của các chất kháng sinh trong việc tiêu diệt vi trùng gây bệnh.

Khả năng đa dụng của Hương Nhu:

Theo Maurice Messegue, một nhà thực vật học và điều trị người Pháp thì Hương Nhu uống dưới dạng Trà giúp an thần và chữa được nhức đầu kinh niên. Ông cũng đề nghị các bà mẹ nuôi con nên dùng Hương Nhu để có nhiều sữa, do đó phụ nữ có thai nên dùng Hương Nhu sau khi sanh để giúp máu huyết lưu thông điều hoà. Cách pha chế loại Trà Hương Nhu như sau: Dùng chừng 15 hạt Hương Nhu với 8 lít nước, đun sôi rồi để ấm trong vòng 45 phút. Giảm nhiệt rồi thêm vào nồi chừng 15 lá tươi, nấu nhỏ lửa thêm 25 phút. Uống đều đặn mỗi ngày 2 ly 250ml. Dung dịch này cũng có thể dùng để trị sưng lợi, nướu răng bằng cách xúc miệng hàng ngày.

Hương Nhu và bệnh ngoài da:

Dung dịch ly trích Hương Nhu bằng Alcohol được dùng để trị các bệnh lở ngoài da, nơi vết thương khó lành. Tuy nhiên nếu ly trích bằng Methanol, thì nhờ tác dụng của các Flavonoid chất ly trích có tác dụng chống ung loét rất mạnh.


YẾU TỐ AN TOÀN KHI XỬ DỤNG

Hương Nhu là một trong số ít Dược Thảo có chứa cả hai chất: Chống và Gây Ung Thư!. Về phương diện Chống Ung Thư, Hương Nhu có chứa các sinh tố A, C và các chất chống Oxýt hoá giúp bảo vệ tế bào khỏi hư hại. Nhưng Hương Nhu cũng chứa chất Estragole có tác dụng gây ung thư gan nơi chuột (thí nghiệm công bố trong Journal Of the National Cancer Institude).

Tuy tác dụng gây ung thư chưa có rõ rệt, nhưng với FDA, việc xử dụng Hương Nhu vẫn được xem là an toàn. Ngoài ra, vì tác dụng điều kinh được ghi nhận trong Y Học Dân Gian của một số nước, nên phụ nữ có thai không nên dùng quá nhiều Hương nhu.

DS Trần Việt Hưng