Menu Close

Họa sĩ/nhà văn Tạ Tỵ & một đoạn hồi ký

Họa sĩ Tạ Tỵ sinh năm 1922 tại Hà Nội. Nơi những trang đầu của cuốn tuyển tập Tạ Tỵ, ông chỉ cho người đọc thấy vài dòng ngắn ngủi về tiểu sử của ông: Tốt nghiệp Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương năm 1943, Ban Sơn Mài. Tự học sơn dầu. Bắt đầu làm thơ viết văn từ năm 1947.

Là một họa sĩ thành danh, Tạ Tỵ còn là người làm thơ, viết văn, viết kịch. Trước khi được in thành sách, các tác phẩm của ông đã được đăng tải trên các tạp chí văn học từ Bắc vào Nam, từ thập niên 50 cho tới Tháng Tư năm 1975, mà chúng ta có thể liệt kê những tạp chí này như Thế Kỷ, Đời Mới, Nguồn Sống Mới, Sáng Tạo, Văn, Văn Học, Hiện Đại, Nghệ Thuật và Bách Khoa, Tin Văn và Thế Kỷ 21 (Hoa Kỳ).

ta vanty 01

Họa sĩ Tạ Tỵ và tác phẩm

Ông là tác giả của rất nhiều tác phẩm, được những nhà xuất bản uy tín ấn hành như: Những Viên Sỏi (tập truyện – Nam Chi Tùng Thư 1962), Yêu và Thù (tập truyện – Phạm Quang Khai 1970), Mười Khuôn Mặt Văn Nghệ (nhận định văn học – Nam Chi Tùng Thư 1970), Phạm Duy Còn Đó Nỗi Buồn (Văn Sử Học – 1971), Cho Cuộc Đời (thơ – Khai Phóng 1971), Bao Giờ (tập truyện – Gìn Vàng Giữ Ngọc 1972), Ý Nghĩ (tạp văn – Khai Phóng 1974).

Năm 1975 trong cơn thất thế của miền Nam, Tạ Tỵ cũng như hàng trăm ngàn sĩ quan khác phải đi tù. Với cấp bậc Trung tá Chiến Tranh Chính Trị, một binh chủng mà cộng sản lúc nào cũng coi là quan trọng của QLVNCH, và nguy hiểm không thua gì các đơn vị tác chiến, Tạ Tỵ bị cộng sản đưa ra Bắc cầm tù nhiều năm, và ngay khi được thả ra ông đã cùng với vợ vượt biên tới Mã Lai, kế đó được qua Mỹ đoàn tụ với người con nguyên là một sĩ quan Không Quân và đã đi thoát từ năm 1975.

ta vanty 01

Chân dung tự họa – tranh Tạ Tỵ

Vừa đặt chân tới Mỹ, ông cho ra mắt người đọc cuốn hồi ký tù cải tạo Đáy Địa Ngục năm 1985, và rồi sau đó ông tiếp tục cho ra đời thêm nhiều tác phẩm khác như: Những Khuôn Mặt Văn Nghệ Đã Đi Qua Đời Tôi 1990, Xóm Nhà Tôi 1992, Mây Bay (thơ) 1996, Một Chuyến Ngao Du 2000, và sau cùng là cuốn Tuyển Tập Tạ Tỵ được ấn hành vào năm 2001. Tới đây thì do ảnh hưởng của tuổi tác, đôi tay của ông run khiến cho ông không vẽ và viết được nữa.

Năm 2002, ông chính thức trở về Việt Nam sống với người con gái, nơi căn nhà cũ của hai vợ chồng ông gây dựng. Ông qua đời ở Sài Gòn năm 2004. (theo Trần Vũ & Phạm Vũ Thịnh)

Sau đây xin trích giới thiệu một đoạn viết của Tạ Tỵ trích trong sách “Những Khuôn Mặt Văn Nghệ Đã Đi Qua Đời Tôi” ghi lại lần ông cùng Doãn Quốc Sỹ và Thái Thanh đi thăm Thanh Tâm Tuyền vừa được thả về từ trại tù cải tạo.

NGUYỄN & BẠN HỮU

 

Một bữa, nhận được tin Thanh Tâm Tuyền được tha, qua Doãn quốc Sỹ, chúng tôi rủ nhau tới thăm, có cả Thái Thanh. Sáng sớm, tôi và Sỹ đã có mặt tại nhà Thái Thanh ở gần chợ Thái Bình. Sau khi trèo chiếc cầu thang cao dốc ngược, tôi thấy Thái Thanh đang chải đầu. Xung quanh nhà toàn chậu hoa, tôi biết Thái Thanh mê cây cảnh. Sợ mất xe đạp, tôi và Sỹ xuống thang, chờ Thái Thanh ở dưới chân cầu thang. Chừng 15 phút sau, Thái Thanh khoan thai, tay xách cây dù nhỏ đi xuống. Tôi và Sỹ đều ghếch chân lên bàn đạp sẵn sàng. Doãn Quốc Sỹ mời Thái Thanh ngồi vào chiếc pọoc-ba-ga để anh đèo, nhưng Thái Thanh nói:

– Em nặng quá, anh đèo gì nổi, từ đây lên anh Tuyền bên Gia Ðịnh xa lắm!

ta vanty 01

Thanh Tâm Tuyền và Đinh Cường

Nói xong, Thái Thanh đi ra phía lộ, kêu xích lô. Sau khi ngã giá, Thái Thanh bước lên xích lô ngồi, trông vẫn đúng điệu lắm. Tôi và Doãn Quốc Sỹ như hai vệ sĩ già, đạp xe lẽo đẽo theo sau. Khi xe leo khỏi con dốc Cầu Kiệu, tôi mệt muốn đứt hơi, rồi qua Lăng Tả Quân, gặp Tòa Tỉnh Trưởng Gia-Ðịnh cũ, chúng tôi quẹo trái, rồi quẹo mặt, qua Trường Trung Học Hồ Ngọc Cẩn một đoạn khá dài, chúng tôi nhìn thấy Thanh Tâm Tuyền đứng chờ ở ven đường. Doãn Quốc Sỹ đã hẹn trước với Thanh Tâm Tuyền rồi. Lúc ấy đã gần 9 giờ sáng. Thấy đói, tôi mời tất cả vào một quán cóc bên lề đường ăn sáng, uống cà phê. Ăn uống xong, Tuyền đưa chúng tôi vào nhà bằng lối đi ngoằn ngoèo, nhỏ hẹp đến căn nhà trệt xinh xắn có hàng ba sơn màu xanh, có cả giàn hoa giấy màu tím hồng trông rất nên thơ. Vào đến trong nhà, ngoài chiếc bàn nhỏ, trên mặt để sẵn đĩa bánh bích quy loại bình dân và ấm nước trà. Cách đấy một khoảng có mắc chiếc võng. Ở cuối nhà, kê chiếc phản gỗ. Chị Tuyền, người miền Nam, trông hãy còn duyên dáng lắm ra chào, rồi xin phép phải đi có chút việc. Thế là chỉ có chúng tôi, nói chuyện tù mãi cũng chán, Thái Thanh lấy cây đàn guitar treo trên vách xuống , so lại dây rồi hát những ca khúc của Phạm Duy, Cung Tiến. Thoạt đầu tiếng hát còn nhỏ, sau như không trấn áp nổi sự hào hứng, Thái Thanh hát thật mạnh, thật to. Tiếng hát âm vang rồi thoát qua khung cửa sổ, qua chiếc cửa ra vào không khép, nên chỉ thoáng sau, một rừng người lố nhố che kín cả khoảng rộng để nghe tiếng hát Thái Thanh. Chúng tôi vui chơi đến trưa mới ra về. Thanh Tâm Tuyền lại đưa tiễn ra tận lề đường. Chờ cho Thái Thanh kiếm được xích-lô, lúc ấy tôi và Doãn Quốc Sỹ mới đạp xe theo. Lần về, khi đến Ðakao, tôi quẹo qua ngả khác đến thăm một người bạn, chỉ còn Doãn Quốc Sỹ đưa Thái Thanh về nhà.

ta vanty 01

Hai Thiếu Nữ – tranh Tạ Tỵ – 1953

Tạ Tỵ

Trích: Những Khuôn Mặt Văn Nghệ

Đã Đi Qua Đời Tôi. (Thằng Mõ xuất bản 1990.)