Nhiều khán giả thể thao có thị hiếu ưa tìm hiểu những đề tài bên lề thể thao như sự cấu tạo của cái nón an toàn trong môn bầu dục mà trang Thể Thao đã có đề cập đến trong 1 số gần đây.
Có những điều diễn ra hoài, khiến nhiều khách mộ điệu quen mắt, thành ra sự thường, nhưng bên trong còn lắm điều thú vị. Một thí dụ đã dẫn là football helmet, thuộc về các dụng cụ thể thao có vai trò trọng yếu trong đời tranh tài của các lực sĩ, cũng như vô số người ham chuộng các hoạt động thể thao.
Thuyền bè cao su rất thông dụng trong các trò chơi thể thao và dã ngoại. Ảnh www.outdooroetztal.com
GIÀY ĐINH ADIDAS
Giữa thập niên 1920, tại nước Đức khánh kiệt sau Đệ Nhất Thế Chiến, có một chàng lực sĩ tuổi đôi mươi ôm mộng tái chinh phục thế giới tên là Adolf Dassler. Anh mày mò chế những đôi giày chạy nước rút có gắn đinh dưới đế, tạo ma sát nhiều hơn. Đến thời điểm Olympic 1928, nhiều lực sĩ đã bắt chước sử dụng giày “Adi” Dassler. Sang giữa thập niên 1930 thì Adolf Dassler đã làm chủ hãng giày thể thao với khoảng 100 nhân viên, may giày “Adi” Dassler cho 11 môn thể thao khác nhau. Hiệu giày Adidas chánh thức chinh phục hoàn cầu tại Olympic 1936 tổ chức tại Berlin. Lần đó, đấu thủ Jesse Owens người Hoa Kỳ mang giày đinh Adidas trong cả 12 môn thi, giật đến 4 huy chương vàng. Đặc biệt, đội banh quốc gia Tây Đức lần đầu tiên giật cúp vàng World Cup 1954 có phần góp sức không nhỏ của giày đinh Adidas. Lần đó, dù Tây Đức có lợi thế là nhà tổ chức, đá trên sân nhà, nhưng vào chung kết vẫn bị đánh giá thấp hơn Hungary, quái kiệt Âu Châu thời đó. Nhưng hôm đó trời mưa trút nước, mặt sân lầy lội bùn sình khiến các chân sút ma thuật người Hungary trở thành chân chì, thay nhau… chụp ếch suốt trận banh. Trong khi đó, các cầu thủ Đức mang giày đinh Adidas vẫn chạy nhảy thoăn thoắt, giành phần thắng bất ngờ. Ngoài ra, tên tuổi Adolf Dassler còn nổi bật nhờ khả năng xoay chuyển trong mọi tình huống. Buổi ban đầu, giày Adidas được may bằng một chất liệu vải rất bền gọi là “canvas” (nhiều người Việt gọi là “vải bạt”). Đến thời hậu Thế Chiến II, Adolf Dassler tận dụng “canvas” và cao su phế phẩm chiến tranh, từ chiến xa, quân xa… để may giày Adidas.
Giày đinh nguyên thủy. Ảnh Adidas
Huyền thoại Jesse Owens mang giày đinh Adidas trong 1 cú nhảy xa tại Olympic 1936. Ảnh www.domusweb.it
NƯỚC GIẢI KHÁT GATORADE
Hiệu nước lừng danh khai sanh vào giữa thập niên 1960. Mùa hè 1965, các huấn luyện viên phụ tá của đội banh bầu dục Đại Học University of Florida gặp gỡ các bác sĩ và chuyên gia khảo cứu của trường để tìm ra nguyên nhân và giải pháp cho tình trạng nhiều cầu thủ sinh viên của trường bị mất nước rồi mất sức mau chóng dưới trời nóng Florida. Sau nhiều cuộc họp hành liên miên và nhiều ngày đêm mày mò trong phòng thí nghiệm, kết quả là công thức nước giải khát được có tên lấy từ “Gators”, là tên của đội banh bầu dục trường Đại Học University of Florida. Nước Gatorade giúp thay thế lượng nước cầu thủ bị mất, lấy lại sức mau lẹ, khiến đội Gators từ đó đánh đâu thắng đó, từ đội lớn tới đội nhỏ. Các đội banh đại học khác từ đó cũng bắt chước đặt hàng nước Gatorade, và công thức này cũng dần lan rộng ra cả kỹ nghệ thể thao thế giới, còn kéo dài cho đến ngày nay.
Một cầu thủ banh bầu dục nhà nghề NFL lỡ trớn nhào trúng bàn để nước giải khát Gatorade bên lề sân banh. Ảnh www.businessinsider.com
JOCKSTRAP
Đây là dụng cụ đặt trong quần lót nam, dùng để bảo vệ… thằng nhỏ của người nam lực sĩ. Trong Anh ngữ còn có các thuật ngữ khác như “Protective Cup”, “Jock”, “Strap”, “Supporter”, “Posing Pouch”, v.v… Ngày nay, Jockstrap được dùng phổ biến nhất tại Bắc Mỹ, là yêu cầu bắt buộc trong nhiều trò thể thao, trong đó có đô vật (Wrestling). Trong trò này, lúc bước lên cân, người nam võ sĩ phải cởi bỏ hết quần áo, hầu như không mặc gì, ngoại trừ cái Jockstrap. Công cụ bảo vệ này có thể làm từ nhiều loại vật liệu khác nhau mà vẫn không giảm tính đơn giản và hiệu quả. Ngược về quá khứ, người đầu tiên sáng chế ra “Jockstrap” vào năm 1874 là ông C. F. Bennett thuộc 1 hãng sản xuất dụng cụ thể thao của thành phố Chicago, tiểu bang Illinois, tên là “Sharp & Smith”. Lúc đó, “Jockstrap” được giới cua rơ xe đạp chuộng nhất. Năm 1897, chính ông Bennett lập hãng mới tên là Bike Web Company, tung ra thị trường hằng loạt sản phẩm “Bike Jockey Strap”. Đến tận ngày nay, hiệu Bike vẫn chiếm hạng đầu trong các sản phẩm về Jockstrap.
Một quảng cáo “Jockstrap” năm 1941. Ảnh commons.wikimedia.org
NÓN BASEBALL
Chiếc nón mà nhiều người Việt gọi là “nón kết” cũng có nguồn gốc từ thể thao, cách riêng là môn banh chày. Người Hoa Kỳ thì gọi chiếc nón này là “Baseball Cap”. Nói chung, đây là chiếc nón vải mềm, đôi khi có 1 chiếc hột tròn trên đỉnh nón, phía sau có kỹ thuật để nới lỏng hoặc siết chặt cho vừa cỡ đầu người đội nón. Tuy ít người biết, nhưng kỳ thực cùng với chiếc nón “Cowboy Hat”, thì nón “Baseball Cap” là 1 biểu tượng khác của tinh thần, khả năng sáng tạo, và ảnh hưởng của Hoa Kỳ trên trường quốc tế. Người ta ghi nhận chiếc nón đầu tiên do các đấu thủ banh chày thuộc đội Brooklyn Excelsiors đội ra mắt khoảng năm 1860. Đến đầu thế kỷ 20, chiếc nón “Brooklyn Style” đã phổ biến rộng rãi, trở thành 1 vật dụng không thể thiếu trong làng banh chày quốc gia. Phía trước của nón, người ta thường thêu tên hoặc huy hiệu của đội thể thao. Về sau, việc sử dụng “Baseball Cap” mở rộng toàn xã hội, lan ra khắp thế giới. Tùy mục đích sử dụng, chỗ đặt huy hiệu đội thể thao có thể trở nên nơi đặt tên trường, công ty, v.v… Hoa Kỳ thời nay có hằng triệu người ghiền đội nón “Baseball Cap” dù trời nắng hay mưa, trong nhà hay ngoài trời, đi coi phim hay ngồi trong giảng đường, làm biếng chải đầu thì đội nón, lưa thưa tóc cũng đội nón, v.v… Nhiều độc giả từng có kinh nghiệm sanh sống ở Sài Gòn những năm tháng khốn khó sau 1975 có lẽ còn nhớ nạn… giựt nón ngoài đường thời đó. Những chiếc nón dãi dầu sau đó được bán lại trên lề đường, chợ trời, v.v… Bộ đội cộng sản VN thời “xẻ dọc Trường Sơn” đội nón cối, nhưng ngày nay đã biết bắt chước hầu hết các quân đội hiện đại khác trên thế giới, cũng dùng chiếc “nón kết” này.
Người đẹp đội baseball cap. nguồn manteresting.com
CAO SU & THỂ THAO
Trong các thể loại chất liệu thì có thể nói cao su gắn bó với thể thao bền chặt bậc nhất. Chẳng hạn như trong các trò chơi bơi / đua thuyền. Nhân loại đã biết ghép thuyền bè từ nhiều ngàn năm trước, nhưng đến khoảng giữa thế kỷ 19, một nhà thám hiểm người Hoa Kỳ tên là John Freemont mới chế tạo ra chiếc bè bằng cao su đầu tiên mà ông đã dùng để khám phá vùng Great Plains và Rocky Mountains. Trong trò chơi Ping Pong, vợt mặt gỗ vẫn phổ biến cho đến năm 1901 lúc một nhà sản xuất vật liệu thể thao người thành London, tên là Frank Bryan, giới thiệu cây vợt có dán thêm lớp cao su lên mặt. Phát kiến này lập tức được áp dụng khắp thế giới, được ưa chuộng vì giúp đánh banh xoáy ngoạn mục. Thực tế thì nhờ mặt vợt cao su mà kỹ thuật đánh banh xoáy của nhiều cao thủ đạt đến độ bất khả ngăn cản, đến độ vào thập niên 1930 người ta phải ra luật khi đánh giao banh đấu thủ Ping Pong phải bày trái banh cho đối thủ trông thấy được để đón đỡ, chứ không còn được giấu trái banh trong lòng bàn tay. Riêng về trái banh Ping Pong thì cũng nhờ 1 người Anh khác tên là James Gibb mới có được hình hài nhẹ và nảy mạnh như ngày nay. Một sản phẩm khác phát xuất từ cao su là các trang phục vải thun, mà thể thao Anh ngữ gọi là “DuPont Spandex”. Năm 1959, các khoa học gia thuộc hãng DuPont (một công ty hóa chất của Hoa Kỳ có từ 1802 với tổng hành dinh đặt tại thành phố Wilmington, tiểu bang Delaware) tìm ra công thức hóa học cho 1 vật liệu vải thun họ gọi là “Spandex”. Loại vải thun này có thể kéo dãn 100% mà không bị rách và vẫn giữ nguyên hình dạng nguyên thủy. Chất liệu này, pha trộn với vải, len, lụa… có thể nói đã tạo ra cuộc cách mạng về trang phục sau này, được dùng không chỉ trong thể thao, mà trong mọi sinh hoạt khác trong đời sống.
Trang phục thể thao Spandex. nguồn pinterest.com
TTD