Menu Close

Huyền cung, đời như đời…

Bạn thân quý ghé thăm. Ðiềm nhiên viết trên khung cửa: Huyền Cung – Thực hay Mơ. Câu chữ bâng khuâng gọi thu về, mang rét mướt choàng lên hồn thiên nhiên, choàng lên hồn nhân thế. Tôi nhẹ buông phím đàn… Nguyệt Cầm nghe nấc từng câu… Có hàng mây trắng về đâu? Mắt chìm sâu, đêm lắng đời sâu..Nguyệt Cầm khơi mãi tình sầu. Khơi mãi nguồn đêm… Mùa trăng úa làm vỡ hồn ta… Ngập ngừng xa suối thu dồn lá úa trôi qua…Ai nhớ Nương Tử một đêm nao. Trăng thanh trong lời hát, chết theo nước xanh. Chết theo nước xanh. Ôi đàn trăng cũ làm vỡ hồn anh… Ánh nhạc lung linh. Phím đàn vơi nửa. Chiều nghiêng lay ánh sáng. Phác họa giữa không gian chân dung của một người: Dáng vẻ đàn ông, phong cách tao nhã, ngũ quan đoan chính, mỗi khi môi khẽ nhếch cười, khuôn mặt ánh lên nét hào hãnh nghiêm trang. Bóng bạn thân quý đổ dài, như ảo như thực. Ôi đàn trăng cũ làm vỡ hồn anh. Trăng làm vỡ hồn anh Xuân Diệu. Trăng làm vỡ hồn anh Cung Tiến. Hay trăng làm vỡ hồn anh – người mang chuông vàng đính ước từ hàng ngàn năm trước…? Phải chăng những nghệ sĩ bậc thầy cũng “không tưởng,” cũng “thoát tục,” khi cảm nhận Ôi đàn trăng cũ làm vỡ hồn anh?

Tại sao khi những người “yêu thơ” luôn nghĩ đến những gì “không tưởng,” hay “thoát tục?” Có phải cuộc sống thực tại của họ khiến họ không vừa lòng? Nên họ hay mơ tưởng? Nếu cuộc sống thực tại chỉ là những cái họ không thích như thế, thì tại sao họ không xắn tay áo đi tìm những gì họ mong ước? Có thể họ đã không tìm được điều như ý, nên diễn tả một cách passive như vậy. Phải chăng đây là một ảo ảnh, một phong cách làm thơ của họ, hay thực tế họ là vậy? Hay họ có hai khuôn mặt, một khuôn mặt thực tế ngoài đời, một khuôn mặt khác ở trong nội tâm được che giấu kín đáo?

Bạn thân quý viết như vậy. Dấu hỏi này, đan kết với dấu hỏi kia, làm thành sấm động. Tưởng như cõi ngoài giông bão chơi vơi. Biệt đường phố ảo rối bời Huyền Cung. Tôi cũng tự hỏi: Mỗi khi thấy lòng mệt mỏi, bạn thân quý sẽ làm gì…? Uống ly chanh đường…Uống môi em ngọt…Cho bớt căng thẳng, cho bớt phiền não. Hay chạy ào ra biển, trầm mình giữa muôn ngàn ngọn sóng lạnh buốt, để thức tỉnh xác hồn…?
Tôi hay nhớ về thời thơ ấu, mỗi khi đứng trước từng khúc quanh ngặt nghèo của thân phận. Ngôi nhà trên đồi cao gió lộng. Tình cha lòng mẹ. Nghĩa anh chị em ruột thịt. Tất cả những hình ảnh ấy là lá chắn, là điểm tựa giúp tôi sống và vui sống. Tôi cũng không có ảo tưởng, hay huyễn vọng bất cứ điều gì, khi nhờ những mẫu tự bé xíu xếp thành câu chữ, để gửi gắm tâm tình của tôi. Hai mươi bốn mẫu tự, sẽ trưng bày những câu vui vô tận vui, nếu trong lúc viết lòng tôi ngọt ngào, êm dịu như thác mơ suối mộng. Hai mươi bốn mẫu tự, sẽ hình thành những câu buồn hiu buồn hắt, nếu trong lúc viết lòng tôi tối đen, sầu thảm như thung lũng hoang vu. Những niềm vui nỗi buồn được viết ra thành câu chữ ấy, rất nhiều khi vì lý do khách quan, hơn là vì những lý do thuộc về bản thể.

Thí dụ như nghe biết bạn thân quý hạch toán kinh tế tài tình, đánh quả nào trúng quả đó, share mua vào bán ra, chỉ có lời không hề lỗ. Bình luận về thang điểm lên xuống của giá vàng, của giá dầu thô, của tỷ suất hối đoái, tiền xưa bạc cổ.v.v… và v.v…, muôn phần chính xác. Chẳng khác gì thần nhân Tả Ao điểm huyệt, mũi kim cắm xuống dọ tìm, đã khẳng định con đất nào đó có long mạch, thì phong thủy của con đất đó nhất định phải phát sinh kỳ tích, phải có quý nhân xuất hiện. Bấy nhiêu thôi, đủ để lòng tôi phơi phới vui mừng, viết thành thi khúc: Anh tựa càn khôn chuyển ván cờ. Vàng tăng dầu phất chính tâm mơ. Tung trời cổ phiếu đường băng mở. Share nửa đồng tăng tích bạc chờ…Ngộ nhỡ bạn thân quý gặp lúc không may. Thị trường hối đoái lác đác như sao buổi sớm, tiền nhà giá đất rơi rụng như lá mùa thu. Lòng động lòng lo, khiến tôi hốt nhiên bồi hồi thương cảm. Chẳng tỏ mặt người. Nhưng đọc thấy lời lời chán ngán, hàng hàng âu lo. Tôi như người mộng du muốn vén tầng mây muốn tát cạn biển, ước mong có thể chung giải bài toán thương trường hóc búa cùng bạn thân quý…Chữ nghĩa, chẳng hẹn không hò, trông vời nỗi buồn kinh tế, cứ thế tuôn rơi: Ellip vòng quay giải tích mờ. Phương trình hạch toán lạc tầm mơ. Tiền nhà giá đất khung xương nợ. Hối đoái đi đời tay trắng giơ.
Vậy thì tôi “không tưởng” hay “thực tưởng,” khi để lòng hòa nhập vào nỗi buồn niềm vui của người dưng khác họ…?

Giả thiết rằng: Buồn-vui-sướng-khổ, là tập hợp các điểm trên mặt phẳng mênh mông, thì phải chăng cuộc sống chính là đường parabol, chỉ có một trục đối xứng duy nhất, đầy bất ngờ nhiều biến động. Trên trục đối xứng duy nhất của cuộc đời đầy bất ngờ nhiều biến động này, buồn-vui-sướng-khổ vừa có thể là tiêu điểm xảy ra cho chính cái tôi, vừa có thể là biệt điểm nào đó, có ảnh hưởng và chịu ảnh hưởng của những cái tôi khác. Như vậy điều không tưởng, thoát tục, phải chăng còn được gọi là điều “thật tưởng,” “thế tục?”

Một bài thơ. Một câu văn. Có thể là tâm cảm của tiếng thở dài. Có thể là tâm cảm của một nụ cười. Khi thở hơi dài buồn bã, là lúc lòng đang không thiết tha với sự đời. Khi cười tươi thắm, là lúc lòng đang rất gắn bó với cõi người ta. Cả hai trạng thái tâm lý ấy rất thật. Thế thì có phải ai đó đã unfair khi bảo cười là active, thở dài là passive? Nhất là khi nhìn ngắm cuộc đời chung quanh, không chỉ có người yêu thơ mới passive. Mà người hạch toán kinh tế, người vùi đầu trong ống nghiệm nhìn ngắm những con vi khuẩn, và hồn thứ dân cũng như hồn vua chúa, cũng rất thường passive. Những passive vì sầu muộn riêng tư đã đành. Những passive thuần túy chỉ vì thế tục, thật có hằng hà sa số trong chốn khách đầy này.

….Hôm nay tôi đã chết trong người. Xưa hẹn nghìn năm yêu dấu tôi… Khi cảm thán như vậy, không có nghĩa là Xuân Diệu chối bỏ đời sống hiện thực của mình. Ông chỉ thở hơi dài buồn bã, hoài niệm một phần tình cảm đã rong rêu, đã phiêu diêu trong giòng thời gian cũ. Một chút tiêu cực rất đáng yêu đáng quý ấy của Xuân Diệu, chính là bước ngoặt đột phá, trong cách nhìn về hoài niệm. Ðể hôm qua, hôm nay, và ngày mai, bất cứ ai đứng trước thuyền tình chông chênh, bỗng chợt thấy nỗi tình sầu của mình đã có lời trái tim đồng cảm: …Hôm nay tôi đã chết trong người…Một tiếng than khiến thiên địa thảm sầu. Nhưng nhất định, không có biểu hiện nào cho thấy người than như vậy, sẽ ngay lập tức an giấc ngàn thu.

Nhà thơ Vũ Hoàng Chương sinh sống bằng nghề dạy học. Ông không dạy văn chương, ông dạy học trò làm toán. Nhưng tâm hồn của ông vô cùng tiêu cực khi viết những giòng thơ ủy mị, hoài cổ: “Mùa nhớ thương sang, mộng nõn nà. Tình anh nghìn kiếp thoáng dư ba. Hồn ai xác mới nghe thoi thóp. Vang bóng hài xiêm chuyển thớ da.” [“Đậm Nhạt”] Một tâm hồn không tưởng, thoát tục, mãi mãi đứng ngẩn trông vời bóng người xưa, mãi mãi ôm khối tình thiên cổ lụy: “Kiều Thu hề Tố em ơi. Nghiêng chân rốn bể mà xem lửa bùng. Xế, hồ, xang…Khói mờ rung. Nhịp vươn sầu tỏa năm cung ngút ngàn.”[“Mười Hai Tháng Sáu”] Một tâm hồn không tưởng, thoát tục như vậy, lại là một thầy giáo rất thật tưởng, rất thế tục, khi giúp học trò giải những chữ số, bằng những định lý, những giả thiết vô cùng chuẩn xác. Có hay không hai con người, hai nhân cách trong đời của Vũ Hoàng Chương? Câu trả lời rất chính xác: Không. Ông đã sống và chết bằng chính nhân cách của ông, một người khẳng khái trung thực, cảm thông và thấu hiểu thế thái nhân tình. Ông yêu thơ, hệt như yêu những phương trình, những định lý toán học, mà ông đã truyền thụ cho học trò.

Tôi không viết để trả lời những câu hỏi. Vì ngay khi vừa hỏi: Huyền Cung, Thực Hay Mơ, tôi tin rằng chính bạn thân quý của tôi đã biết: Huyền Cung, Ðời Như Ðời… Ước mong các bạn thân quý đến và ở lại luôn mãi. Ðể cùng cảm nhận: Ðời như đời với cuộc đời, thiên thu tỉnh mộng khát lời huyền cung.

HV – 4:25am Thứ Bảy ngày 01 tháng 11 năm 2015